Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Đăng lúc: 31-08-2018 9:38 Sáng - Đã xem: 108 lượt xem In bài viết

Lịch sử ra đời, những cống hiến hy sinh và trưởng thành của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, trong đó có lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn liền với sự quan tâm giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trải qua 68 năm cống hiến, rèn luyện theo lời dạy của Bác, các thế hệ TNXP Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khă gian khổ, hy sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, lập nên những chiến công oanh liệt, những chiến tích thần kỳ, hoàn thành thắng lợi công cuộc kháng chiến, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong những cống hiến to lớn của lực lượng TNXP Việt Nam cho đất nước, có đóng góp rất đáng tự hào của Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình anh hùng.

Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là “Quê lúa, đất nghề”, “kho người, kho của” cung cấp nhân tài vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ những năm đầu “lập làng kháng chiến”, từ trong căn cứ du kích, Đại đội TNXP đầu tiên của tỉnh Thái Bình gồm 180 đoàn viên thanh niên cứu quốc do đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh đoàn làm đại đội trưởng đã vượt suối, băng đèo lên chiến khu Việt Bắc làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, thu dọn chiến trường… góp phần làm nên một Điên Biên Phủ ‘‘Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, hưởng ứng phong trào: “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961- 1965) xây dựng Chủ nghĩa xã hội”. Tiếp bước chiến công của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên 6.000 đoàn viên thanh niên Thái Bình trong đội hình TNXP đã hăng hái thi đua lao động sản xuất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, mà dấu ấn để lại còn mãi với với các công trình: Lò cao khu gang thép Thái Nguyên, Đường 12B Hòa Bình, Đại thủy nông Nậm Rốm tỉnh Điện Biên… cùng với toàn dân xây dựng miền Bắc đi lên CNXH, làm hậu phương chiến lược cho cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975), Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, động viên cả nước lên đường đánh giặc Mỹ xâm lược, tỉnh Thái Bình đã động viên 18% dân số lên đường tòng quân, là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” lớp lớp thanh niên Thái Bình đã lên đường ra trận, cùng với 180 ngàn thanh niên vào bộ đội, có trên 34 ngàn thanh niên gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung. Những cống hiến và chiến công của Lực lượng Thanh niên xung phong Thái Bình thời kỳ này gắn liền với các giai đoạn:

Nhiệm kỳ I (từ năm 1965 tới năm 1968): Tỉnh Thái Bình đã huy động trên 5.000 TNXP thành lập các Đội 87, 89, 93, 95 thuộc Tổng cục Đường sắt, bảo đảm giao thông tuyến đường sắt Hà Nội – Thanh hóa và huy động một Tổng đội có 2.500 TNXP làm nhiệm vụ ở trong tỉnh.

Nhiệm kỳ II (từ năm 1968 tới năm 1972): Cùng với số TNXP Thái Bình nhiệm kỳ I được động viên ở lại, Thái Bình đã huy động mới 5.000 TNXP thành lập các Đội 35, 39, 44 làm nhiệm vụ ở đường 22 tỉnh Hà Tĩnh, sau đó vào tuyến đường Trường Sơn, thuộc Tổng đội 768.

Nhiệm kỳ III (từ năm 1972 đến năm 1975): Cùng với số quân ở nhiệm kỳ I, nhiệm kỳ II tình nguyện ở lại chiến trường, tỉnh Thái Bình tuyển mới gần 5.000 TNXP bổ sung cho Đội 73, 75, 89 và lập thêm các Đội 267 làm nhiệm vụ đường sắt; Đội 269 (đường Goòng), đơn vị độc lập 3223 (Cảng Quảng Bình), Đội 273 (Cục quản lý đường bộ) và bổ sung hàng nghìn TNXP cho các Đội 89, 73, 75, 25 thuộc Ban xây dựng 67 và Đoàn 559.

Với tinh thần: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”; trong đoàn quân ‘‘Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, TNXP Thái Bình để lại những dấu ấn lịch sử trên các tuyến đường sắt phía bắc: Ga Gôi tỉnh Nam Định, cầu A2 tỉnh Ninh Bình, cầu Tào, cầu Hàm Rồng, núi Nhồi tỉnh Thanh Hóa; trên đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại với những chiến công đẫm máu hy sinh ở những tuyến đường: 10, 12, 15, 20 và bến phà Long Đại tỉnh Quảng Bình.

Những chiến công tiêu biểu và gương hy sinh dũng cảm của TNXP Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ còn mãi với thời gian:

* Chiến công và gương dũng cảm của Đại đội 895 gồm 187 TNXP quê ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà): Giữa năm 1966, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá tuyến đường sắt Hà Nội – Thanh Hóa – Vinh, đặc biệt là ga Gôi (Nam Định), cầu A2 (Ninh Bình), Đò Lèn, Hàm Rồng (Thanh Hóa). Tại đây TNXP Thái Bình đã đối mặt với quân thù. Ngay từ những trận đầu, đã có mấy chục TNXP hy sinh, hàng trăm người bị thương, bị sức ép của bom đạn Mỹ. Chiều ngày 20/8/1966, một tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến trút bom vào đoàn tàu đầy hàng hóa tại ga núi Gôi huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Có lệnh báo động, tất cả hơn 100 chiến sỹ TNXP của Đại đội 895 Thái Bình do Đại đội trưởng Lê Nguyên Nhung chỉ huy đã nhất loạt lao lên cứu tàu, cứu hàng trong tiếng gầm rú điên cuồng của máy bay Mỹ. Bất chấp bom nổ, lửa thiêu, Đại đội 895 đã đưa được hàng ngàn tấn gạo đến nơi an toàn. Khi vào cứu toa hóa chất cuối cùng, 12 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa, 120 chiến sỹ bị nhiễm độc. Mới tròn 20 tuổi đời, 2 năm tuổi Đảng, Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi đã ngã xuống khi còn đang cõng xác đồng đội trên lưng. Chiến sỹ nuôi quân Trần Xuân Trình đang mải lo cơm nước cho đơn vị, thấy máy bay đánh trúng đoàn tàu, anh tức tốc lao ra trận địa giải thoát thương binh. Anh hô hấp nhân tạo cứu sống được đồng đội nhưng bom Mỹ đã sát hại anh giữa lúc còn rất trẻ… Các anh, các chị đang yên nghỉ vĩnh hằng và hiện được ghi danh tại Nhà bia tưởng niệm uy nghi bên cạnh ga Núi Gôi ở Nam Định (ảnh dưới).

* Ở đất lửa Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngày 11/5/1967, đoạn đường sắt núi Nấp bị bom Mỹ phá hủy nghiêm trọng làm ngừng trệ hoàn toàn những chuyến tàu qua lại. Tiểu đội xung kích gồm 13 cô gái huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình thuộc Tiểu đội 873 TNXP được lệnh khẩn cấp sửa chữa đoạn đường này bằng mọi giá. Suốt một ngày đương đầu với bom đạn, công việc vừa xong thì máy bay Mỹ ập đến trút bom, cả 13 cô gái đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa. Các chị đang được “núi Nhồi ru giấc má hồng ngàn thu”. Đài tưởng niệm các liệt sỹ TNXP tỉnh Thái Bình đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia của tỉnh Thanh hóa.

* Trên tuyến đường sắt, tại khu vực cầu A2, Đò Lèn (Ninh Bình), cầu Tào cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), trong 2 năm1966 – 1967, bị đánh phá ác liệt với hàng nghìn lượt máy bay, đánh phá hàng trăm trận, hàng vạn tấn bom, hàng trăm tên lửa và đạn pháo từ các chiến hạm ngoài biển bắn vào … Đội 93 TNXP Thái Bình đã cùng với Bộ đội đánh trả máy bay địch, bám cầu, bám đường với ý chí kiên cường “Địch đánh ta sửa ta đi, địch cứ đánh ta cứ sửa ta đi”. Trong trận chiến đấu này Đội 93 đã giữ vững mạch máu giao thông, hàng hóa đảm bảo an toàn đưa ra tiền tuyến. Nhưng đơn vị 93 cũng chịu tổn thất nặng nề: Sáng ngày 21/9/1966, giặc Mỹ đánh phá cầu Tào, 4 chiến sỹ Đại đội 931 hy sinh; ngày 5/11/1966, tên lửa tầm xa của giặc mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng, 13 chiến sỹ các Đại đội 931, 933 hy sinh và nhiều chiến sỹ bị thương; ngày 11/3/1967, cầu A2 (Ninh Bình) vừa được bắc xong đường đẫn lại bị máy bay Mỹ bắn phá hỏng cầu, nát đường và 14 TNXP Đại đội 953 hy sinh, gần 80 chiến sỹ bị thương.

* Chiến công và gương hy sinh dũng cảm của Đội 89 ở trọng điểm km 448 đường 20 quyết thắng trên tuyến đường Trường Sơn: có ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt (25 trận). Rừng ở đây đã bị bom Mỹ phá hủy trơ trụi, chỉ còn là màu đất đỏ, ở khu vực này chúng đã thả 56 nghìn quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đường chịu 4 quả bom, có thể nói “bom đè lên bom, đạn cày vào đạn, đất nhào thành bùn, đá chảy thành vôi”. Nhưng Đội 89 TNXP Thái Bình vẫn trụ vững để hoàn thành nhiệm vụ, vẫn “tiếng hát át tiếng bom, vẫn học văn hóa” với tinh thần thép: “máu có thể đổ, nhưng đường không thẻ tắc, tắc đường như tắc ruột mình”. 10 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Đội 89 đã hoạt động trên tuyến đường dài 600 cây số. 186 TNXP đã anh dũng hy sinh, trên 100 là thương binh, và trên 1.000 anh chị em bị thương tật, nhiễm chất độc hóa học.

* Chiến công và gương hy sinh dũng cảm của Đại đội 932 Đội 89, ở Km12, Đường 20 quyết thắng có đỉnh núi Trạ Ang. Nơi đây là túi đựng bom của máy bay Mỹ. Đứng trên chốt này, chín phần chết mới có một phần sống. C932 đã dũng cảm nhận nhiệm vụ quan sát trên đỉnh núi này. Anh chị em phân công từng người một, luân phiên nhau để nếu có hy sinh chỉ mất một người. Hôm đầu tiên, chị Phạm Thị Nga nhận nhiệm vụ, có hai đồng chí bộ đội công binh hướng dẫn cách trinh sát. Nhưng một quả tên lửa phóng trúng, cả ba đồng chí hy sinh. không để bom, đạn kẻ thù khuất phục. Chị Đoàn Thị Lơ xung phong thay chị Nga, làm nhiệm vụ trinh sát và chị cũng bị hy sinh. Rồi chị Nguyễn Thị Công lên thay. Hai hôm sau chị Công lại ngã xuống. Các đồng chí khác lại lên “chốt”, cứ người này ngã xuống người kia lên thay. Chị Lập bị thương, chị Bạn lên thay. Chị Bạn bị thương chị Sửu lên thay….Người cuối là chị Phí Thị Quyết, một mình làm nhiệm vụ trinh sát trên đỉnh Trạ Ang… Trên đỉnh Trạ Ang lịch sử, 12 nữ TNXP của C932 đã anh dũng hy sinh. Bom, đạn của giặc Mỹ đã không thể khuất phục được ý chí, lòng dũng cảm của những người lính C932. Tư thế chiến thắng của Phí Thị Quyết trên đỉnh Trạ Ang, cùng với tấm gương hy sinh của đồng đội trên dải Trường Sơn là biểu tượng đẹp đẽ cho ý chí và nghị lực của người con gái Thái Bình, người con gái Việt Nam.

* Gương hy sinh dũng cảm của Đại đội 892: 8 giờ sáng ngày 19/8/1972 khi đang làm nhiệm vụ trên đường 15 Quảng Bình, Đại đội 892 TNXP Thái Bình (mang tên đồng chí Nguyễn Đức Cảnh[i]) đã bị B52 ném bom hủy diệt. 52 người bị thương và hy sinh, trong đó 8 chàng trai cô gái Thái Bình đã ngã xuống cho con đường 15 máu lửa. Giờ đây trên con đường vào Nam ra Bắc tại xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, du khách sẽ bắt gặp một đài tưởng niệm rất trang nghiêm mang tên: Nhà bia tưởng niệm TNXP Đại đội 892 Thái Bình do đồng đội C892 góp công, góp của xây dựng.

* Gương hy sinh dũng cảm của Đại đội 130 Đoàn 559: Trong 2 ngày 19 và 23 tháng 12 năm 1972 tại bến phà Long Đại (Km 1004 + 800 đường Hồ Chí Minh), trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay giặc Mỹ nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho Tiền tuyến lớn miền Nam, Đại đội 130 Đoàn 559 đã có 16 anh chị em tuổi 17- 20 cùng quê huyện Kiến Xương đã anh dũng hy sinh. Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP tỉnh Thái Bình được xây dựng trong khuôn viên 2.000 m2 của quần thể Khu di tích Bắc phà Long Đại.

* Cuối năm 1972, 1000 TNXP tỉnh Thái Bình đã tham gia “hội quân” ở các đội 253, 255, 257, 261 thuộc Tổng đội 572, tham gia mở đường biên giới Việt Lào, nối liền căn cứ kháng chiến của Bạn với đường Trường Sơn, góp phần tăng cường đoàn kết chiến đấu – mối tình hữu nghị đặc biệt anh em Viêt – Lào.

Ở hậu phương, ngay trên mảnh đất quê hương, Tổng đội TNXP Thái Bình (có 2.500 đội viên, được biên chế ở 22 đại đội) kịp thời ra đời và thể hiện rõ vai trò là đội quân xung kích của thanh niên. Hàng nghìn TNXP đã ngày đêm thường trực canh giữ, sửa chữa, những tuyến đê trọng yếu ven sông Trà, sông Luộc, sông Hồng, bảo vệ các công trình đại thủy nông: Cống Trà Linh, cống Lân.., góp công dệt nên mùa vàng – bài ca 5 tấn đầu tiên trên miền Bắc. Hòa chung với phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người’’, Lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh nhà đã đóng góp to lớn sức người, sức của vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, cùng cả nước đi lên CNXH, với ý chí quyết tâm “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với tinh thần “Tổ quốc đẹp giầu, đâu cũng là quê hương”, trên 22.000 lao động tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới của Thái Bình lại có mặt ở các tỉnh Tây nguyên, hàng nghìn thanh niên Thái Bình được tập hợp trong các đơn vị TNXP làm nhiệm vụ xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triẻn kinh tế, văn hóa… góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm bảo vệ Biên giới Tây nam của Tổ quốc. Chỉ riêng Tổng đội TNXP Đăk Lăk đã có 35 chiến sỹ hy sinh (đã được công nhận liệt sỹ 14), Ngày 13/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ – UBND về viêc xác nhận phiên hiệu đơn vị TNXP đối với lực lượng thanh niên tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới Thái Bình tại tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Sông Bé giai đoạn 1976 – 1980. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã khơi dậy niềm tự hào, đáp ứng nguyện vọng sau hơn 40 năm mong đợi của hàng ngàn thanh niên Thái Bình tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới, là niềm vui lớn của các cấp Hội, hội viên trong dịp kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống của TNXP Việt Nam (15/7/2018) và Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua các thời kỳ cách mạng vẻ vang của Đảng và của Dân tộc, Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình đã có những đóng góp to lớn: Gần 500 TNXP đã anh dũng hy sinh, trên 3.000 người bị thương tật và nhiễm chất độc hóa học… Hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ TNXP Thái Bình được tặng thưởng Huân, Huy chương, được kết nạp vào Đảng, được bổ sung lực lượng cho quân đội, được giới thiệu đi học tập, đào tạo ngay trong thời gian còn trong “quân ngũ”, sau này trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, sỹ quan quân đội, các nhà khoa học, những doanh nhân tiêu biểu… của các ngành, ở cả Trung ương và địa phương.

 Do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đại đội 895 – Đội 89; Tiểu đội xung kích Đại đội 873 – Đội 87 và Liệt sỹ Nguyễn Thị Hồng Mùi, cựu TNXP Vũ Tiến Đề đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; cựu TNXP thuộc Tổng đội TNXP Đăk Lăk Hoàng Thị Nhâm (quê xã Vũ Phúc, huyện Vũ Thư nay thuôc thành phố Thái Bình) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ngày 24/6/2018 Chủ tịch nước đã Ký Quyết định số 623/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những cống hiến, hy sinh của Lực lượng TNXP Thái Bình đã góp phần làm vẻ vang “Đất và Người” Thái Bình, làm rạng danh lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niênViệt Nam; cùng với lực lượng TNXP cả nước viết nên những trang sử vàng truyền thống, phẩm chất cách mạng vẻ vang của Lực lượng TNXP Việt Nam anh hùng; để lại những bài học quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ TNXP trong kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước, hơn 10 năm qua, tiếp tục thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, với tinh thần “Lúc trẻ xông pha, tuổi già gương mẫu”, Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình đã tập hợp đoàn kết hội viên, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước: “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được những kết quả mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đến nay đã có 8 huyện và thành phố Thái Bình; 286 xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội Cựu TNXP thu hút trên 24 ngàn cựu TNXP vào tổ chức Hội và tham gia các hoạt động do các cấp Hội đề ra.

Với vai trò nhân chứng lịch sử, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết chế độ chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đến nay đã có trên 9.000 cựu TNXP đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp thường xuyên, gần 500 TNXP hy sinh đã được công nhận là liệt sỹ, trên 2.000 TNXP bị thương đã được hưởng chế độ như thương binh.

Hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong hơn 10 năm qua, các cấp Hội đã vận động và tiếp nhận từ nhiều nguồn ủng hộ với số tiền trên 21 tỷ đồng để tặng 378 sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ 252 triệu đồng; xây tặng 661 nhà tình nghĩa cho gia đình cựu TNXP nghèo trị giá 14 tỷ 775 triệu đồng; trao trên 35.000 suất quà cho cựu TNXP gặp khó khăn trong các ngày lễ, tết; chăm sóc, thăm hỏi lúc ốm đau, phúng viếng, đưa tiễn chu đáo lúc qua đời và giúp đỡ hàng trăm gia đình cựu TNXP thoát nghèo bền vững.

Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ đã được Hội Cựu TNXP, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục thắp sáng ngọn lửa truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thanh thiếu nhi; xây dựng và tổ chức lực lượng các đội Thanh niên xung kích, Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, vì biển đảo quê hương…

Các thế hệ TNXP tỉnh Thái Bình thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Người sáng lập, rèn luyện thanh niên xung phong theo ý chí “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”; tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Viêt Nam, người anh cả của Lực lượng vũ trang nhân dân đã “Luôn coi Thanh niên xung phong như Bộ đội, vì trong phẩm chất của Thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.

Cựu TNXP tỉnh Thái Bình sẽ không bao giờ quên “Nghĩa tình quân dân” thắm thiết ,“Nghĩa tình đồng đội” thiêng liêng và “Tấm lòng từ thiện cao cả” đã giúp TNXP Thái Bình vượt qua mưa bom bão đạn, lập công xuất sắc, đã giúp cho cựu TNXP tỉnh Thái Bình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Trong niềm vui lớn đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, các thế hệ TNXP tỉnh Thái Bình xin bày lời hứa quyết tâm: Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết tâm huyết, xây dựng Hội vững mạnh, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình giàu đẹp văn minh” với những nội dung sau:

  1. Tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập và làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham gia bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
  2. Đẩy mạnh các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Vận động cán bộ, hội viên tự nguyện tiết kiệm đóng góp xây dựng “Quỹ nghĩa tình TNXP” giúp đỡ gia đình liệt sỹ, thương binh, cựu TNXP gặp khó khăn trong cuộc sống.
  3. Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, làm chỗ dựa giúp Chính quyền các cấp giải quyết tồn đọng chế độ chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
  4. Tuyên truyền vận động, rèn luyện Hội viên giữ gìn và phát huy “Phẩm chất TNXP – Phầm chất Bộ đội Cụ Hồ”. Củng cố xây dựng Hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên Hội Cựu TNXP.
  5. Phối hợp chặt chẽ với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hế hệ trẻ; vận dụng tư tưởng “Trường học lớn TNXP” của Bác vào việc thực hiện nhiệm vụ mới ở địa phương góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với niềm tin sắt son vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, cựu TNXP tỉnh Thái Bình nguyện: tiếp tục rèn luyện, giữ gìn và phát huy “Phẩm chất TNXP – Bản chất Bộ đội Cụ Hồ”, “sống trọn nghĩa với nước non, vẹn tình với đồng đội”, nêu gương cùng con cháu góp công xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Theo Báo cáo tóm tắt thành tích của Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

 


[i] Nguyễn Đức Cảnh (2 tháng 2 năm 1908 – 31 tháng 7 năm 1932) là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao động. Ông là người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình