Hàng năm, cứ đến 30/4 là Đội Cựu Chiến binh (CCB) tình nguyện tìm kiếm thông tin hài cốt, mộ liệt sỹ huyện Bù Đăng (Bình Phước) lại tập trung về nhà Đội trưởng Vũ Đình Luật để làm mâm cơm giỗ các anh linh liệt sỹ.
Vợ ông Luật có công việc phải về Nha Trang, nhà còn lại chỉ mình ông. Đêm thức trắng. Ông Luật bồi hồi nhớ lại người bạn trước đây học chung trường cấp 3 huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đi bộ đội cùng ngày với ông và đã chiến đấu anh dũng hi sinh khi đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát VNCH sáng 30/4/1975. Lúc đó, ông Luật là bộ đội pháo binh cũng có mặt trong thời khắc lịch sử ấy…
Mới hơn 3h sáng, thấy ông đã khập khiểng xuống bếp bắc nước sôi làm thịt con gà trống, luộc chín đem đặt lên bàn thờ. Sáng nay, 30/4, 38 hội viên sẽ có mặt tại nhà ông. Vậy mà chiều ngày 29/4, ông Luật đã lên cơn sốt. Vết thương vừa mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước do mảnh đạn còn ghim trong ống chân phải. Ông gầy đi nhiều. Có lẽ người CCB này còn nhiều nỗi lo toan về kết quả tìm kiếm hài cốt liệt sỹ (HCLS). Ông đã cùng các đội viên và Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước vừa kết thúc đợt đầu khai quật tìm kiếm HCLS tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp và Đồi Quân y Bắc Sơn, vẫn chưa có kết quả như mong muốn. Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng các anh linh liệt sĩ đặt tại nhà ông. Hoàn cảnh kinh tế chật vật khó khăn, nhưng ông Luật vẫn dành một gian nhà để đặt bàn thờ liệt sĩ và hội họp…
8h sáng, mọi người đến đủ, ông Luật vẫn chưa hết cơn sốt. Sau nghi lễ chào cờ hát Quốc ca và mặc niệm các anh hùng liệt sĩ là phát biểu khai mạc, bài “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – bản hùng ca bất diệt”, ông Luật viết và giao cho người cấp phó đọc, có đoạn: “… Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, cùng với trận Bạch Đằng (1288), Chi Lăng (1427), Đống Đa (1789), Điện Biên Phủ (1954) đã cắm một cột mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước ta, tô đậm truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc…”. Dự lễ kỷ niệm, còn có ông Phan Công Hiệp, 80 tuổi là cán bộ TNXP hưu trí 55 tuổi Đảng; cùng dự có lãnh đạo Chi bộ và Trưởng thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn và một số hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ (HTGĐLS) tại huyện Bù Đăng. Lần lượt các đội viên CCB tình nguyện, 9 hội viên Hội HTGĐLS tỉnh (vừa kết nạp) và khách mời lên dâng hương Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ.
Tại lễ kỷ niệm 30/4, tập thể cán bộ, hội viên đã đóng góp tiền mua cây trồng tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã cạnh UBND xã Thọ Sơn mới xây xong. Riêng vợ chồng cựu TNXP Trương Xuân Tiêu, Võ Thị Niệm đóng góp 7 triệu đồng để mua lư hương đặt chính diện đài tưởng niệm liệt sĩ. Vợ chồng cựu TNXP Trương Xuân Tiêu và Võ Thị Niệm cũng đã ủng hộ 20 triệu đồng vào Hội HTGĐLS tỉnh Bình Phước trong năm 2018 và đều đặn hàng năm. Đây là số tiền nhân ái nghĩa tình nhằm giúp đỡ, xây nhà ở cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh nghèo, khó khăn. Trong mỗi đợt đi tìm kiếm và góp sức cùng cơ quan chức năng khai quật HCLS, vợ chồng ông Tiêu đều sẳn lòng ủng hộ tích cực.
Nhằm duy trì hoạt động thường xuyên cho công việc tìm kiếm thông tin, mộ liệt sỹ, Đội CCB tình nguyện huyện Bù Đăng đã đóng góp xây quỹ, số tiền hiện nay đã lên đến trên 45 triệu đồng. Lãnh đạo Đội đã giải quyết cho hội viên vay xoay vòng, với lãi suất thấp, để có tiền thăm hỏi lúc ốm hay rủi ro bất thường.
Trong những ngày lễ lớn như 30/4, 2/9, 22/12 và Tết nguyên đán, có rất đông người tìm về thành thị, nơi nghỉ mát, bãi tắm, khu vui chơi, du lịch, giải trí… thì những CCB tình nguyện huyện Bù Đăng lại tụ tập nấu mâm cơm, dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN… Chính vì vậy, là một CCB, một cựu TNXP, một người thường viết về người lính, về TNXP, tôi đã ngược dòng sơn cước vượt gần 100km để đến với các anh, các chị – những người lính trở về đời thường vẫn mãi miết đi tìm đồng đội. Tuy tuổi cao nhưng bước chân họ không nghỉ khi đồng đội chưa về… “Tri ân liệt sỹ” là việc làm nhân văn, thiêng liêng cao cả của toàn dân tộc ta và kiều bào yêu nước…
DUY HIẾN