Mẹ mất ngày 10 tháng 3 âm lịch. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng là ngày giỗ mẹ. Vậy mà mẹ đã đi xa bảy năm rồi. Đứng trước di ảnh của mẹ, mắt tôi ngấn lệ. Làn khói nhang vờn trước mặt như thấy bóng mẹ về. Mẹ đó! Mẹ nhỏ bé, nước da mằn mặn đồng chiêm, hai hàm răng nhuộm đen như hạt na sáng bóng. Khuôn mặt dịu dàng có duyên của mẹ làm cho tôi luôn tự hào vì ai cũng bảo tôi giống mẹ.
Lúc nhỏ, ngày trời mưa, tôi ru em, mẹ đưa cái rổ may ngồi cạnh tôi vá áo quần. Mẹ kể chuyện về ông bà ngoại. Ông mất sớm, còn bà thì bị bom của máy bay giặc Pháp trong một dịp dự cưới cháu họ. Mẹ nói, ngày đó là ngày để tang cả làng, hai quả bom đã làm mất đi mấy chục sinh mạng. Mẹ dừng kể, tôi thấy trên khóe mắt mẹ những giọt lệ rơi. Mẹ côi cút nuôi dì, cậu tôi khôn lớn. Rồi mẹ lấy chồng. Bố tôi là người cùng xóm. Chưa được mấy tháng, bố đi bộ đội chống Pháp. Rồi hòa bình chưa được bao lâu, bố lại tạm biệt quê hương, gia đình khoác ba lô đi một mạch vào Nam đánh giặc. Mẹ ở nhà một mình tần tảo nuôi bà nội đã già yếu và bốn chị em tôi đang còn thơ dại. May sao ông trời phú cho mẹ sức khỏe. Mẹ quần quật việc đồng áng, việc nhà, chợ búa… Quần quật là thế mà chúng tôi ít khi có được một bữa cơm no, cá mặn. Mẹ lặng nhìn chúng tôi húp xoàn xoạt những bát cháo rau, giành nhau từng khúc sắn đã lên mùi. Mẹ bảo, các con cố chịu khổ cực, lương thực còn dành cho chiến trường để bố và các chú bộ đội ăn no đánh thắng giặc Mỹ, mau chóng trở về. Tôi nghe thế thôi chứ có hiểu gì là chiến trường. Chỉ mong đến tết để được một bữa cơm không độn, có miếng thịt mỡ là thích lắm. Ngày đó, mất mùa do sâu bệnh, thời tiết, khoa học thì lạc hậu. Ruộng vườn bị bom Mỹ băm nát nên đói cũng phải. Rồi thanh niên trai tráng thì lên đường đánh Mỹ. Ở lại quê chỉ còn các ông bà già, phụ nữ và trẻ con nên việc đồng áng thất thường.
Chị tôi đi học lớp y tá của tỉnh khi tôi mới 8 tuổi. Vậy là tất cả công việc bế em, cơm nước, lợn gà…đều do một tôi đảm nhiệm. Thỉnh thoảng phải trông nom bà nội. Bà già yếu, mắt kèm nhèm mỗi khi đi đâu phải dắt bà. Tuổi ăn ngủ như tôi phải đảm đương bao nhiêu việc… Cùng tuổi, mấy đứa trong xóm được đi thả diều, đá bóng, bơi lội … Vất vả nhất là giữ đứa 2 tuổi (em út lúc bấy giờ). Nó đang còn nhỏ, phải bồng bế đi chơi, ru ngủ… Mỗi khi đói chẳng biết cho nó ăn gì cả. Một hôm, mẹ đi làm, ở nhà nó khóc. Tôi chặt mía, vô tình lưỡi dao va vào đầu em chảy máu. Hoảng quá, tôi tìm tổ nhện cái đắp cầm máu, rồi giao cho đứa em 5 tuổi giữ, tôi ra đồng tìm mẹ. Đến đầu làng, mấy đứa rủ rê đá bóng. Tôi là cầu thủ bắt gôn, thế mà trận đấu quan trọng giữa hai xóm lại thiếu thủ môn. Quên bẵng hai đứa em đang khóc ở nhà, tôi nhận lời. Tối về thấy mẹ đang tắm rửa cho hai đứa. Đứa nào cũng đất đai bê bết, nước mắt lưng tròng. Sợ bị mẹ mắng nên tôi giả ốm đi ngủ. Mẹ không đòn, không mắng. Mẹ bảo tôi là anh lớn trong nhà nên phải biết chăm em, giúp mẹ để mẹ làm việc có cơm ăn, áo mặc cho các con đi học như bạn bè.
Còn nhớ, những lúc học bài, mẹ vẫn thức ngồi bên tôi tập đánh vần để đọc được thư bố. Mẹ học lớp 2 bình dân học vụ, lâu không đọc nên quên mặt chữ. Rồi dần dần mẹ cũng đọc được thư, mừng lắm, nay không phải nhờ tôi nữa. Tôi có ý buồn. Mẹ bảo, thư bố gửi về hai mẹ con cùng đọc chung.
Năm tuổi lên 10, tôi đi sơ tán ở Thanh Hóa. Mẹ buồn nhưng không khóc. Mẹ nói, đi để giữ nòi giống cho gia đình, cho quê hương. Mẹ dặn, phải học giỏi, ngoan ngoãn với gia đình mình ở để được gia đình quí mến. Mẹ dúi vào tay tôi 5 đồng để tiêu vặt. Tôi tần ngần …và không lấy. Mẹ cất để nuôi em, con biết mua gì đâu, rồi mất tiếc lắm!. Những ngày tháng xa mẹ tôi nhớ mẹ nhiều. Nhớ những lúc mẹ đi làm về vận trong lưng quần con muỗm, con cà cuống…đem nướng thơm lừng. Nhớ bà. Không biết ai dắt bà đi vệ sinh, dắt xuống hầm. Nhớ hai đứa em, rồi ai bồng ẵm nó, chơi với nó…Những lúc như vậy nước mắt tự nhiên trào ra. Nghe lời mẹ dặn, tôi cố gắng học giỏi và ngoan. Những lá thư tôi viết về báo tin, mẹ mừng lắm.
Lúc tôi mười bốn, tôi siêng năng, làm lụng việc nhà, việc hợp tác xã đỡ đần cho mẹ. Mẹ cầm tay tôi, hỏi. Sau này lớn lên con làm gì. Con sẽ đi bộ đội đánh giặc, được gặp bố. Hai bố con trên một chiến hào. Mẹ không nói gì, ánh mắt xa xăm, chắc là đang nhớ bố.
Rồi bố về. Chiến tranh chưa kết thúc, bố đau khớp xương nên không còn tham gia đánh trận được. Đi học về thấy mẹ đang ôm một chú bộ đội, quân hàm đỏ thắm, ba lô bạc màu. Mẹ thì thổn thức không nói năng gì. Tôi ấm ức lắm. Mẹ bảo, bố con đó. Tôi đứng ngây ra. Ngày bố đi bộ đội, tôi mới 5 tuổi. Chẳng còn nhớ mặt bố. Không có ảnh để nhìn, chỉ nhớ bố qua lời mẹ kể và những dòng thư nhòa mực. Bố đến bên tôi, linh cảm như mách bảo, tôi ôm chầm bố, nước mắt nhạt nhòa trong niềm vui sướng.
Chúng tôi lớn dần theo năm tháng trong sự thương yêu của bố mẹ. Mẹ tôi sinh thêm hai em bé nữa. Nghiệm lời mẹ, thấy đúng. Mẹ nói số mẹ khổ. Mẹ khổ thật. Tuổi già, phải nuôi em bé, nuôi chúng tôi đi học nghề. Mẹ lại phải quần quật chăm lo công việc.
Tôi đi dạy học ba năm, rồi nhập ngũ vào quân đội. Ngày lên đường, mẹ gói một đùm xôi to để tôi mang theo lỡ đói bụng. Mẹ ơi! Có quân đội lo rồi! Mẹ chu đáo quá vậy? Mẹ ôm tôi vào lòng. Chà lớn hung rồi. Tôi khẽ hôn lên trán mẹ. Mẹ quay đầu quệt nước mắt. Thế là phải xa mẹ thân yêu. Chắc rồi mẹ nhớ tôi nhiều lắm. Làm sao không nhớ được. Cứ chiều thứ bảy nghỉ dạy, đạp xe về bên mẹ, cuốc luống đất trồng rau, nhổ tóc bạc cho mẹ, kể chuyện trường lớp, chuyện người yêu. Mẹ vui lắm. Mau có cháu cho mẹ bế kẻo mẹ già không bế được. Ôi! cả một đời mẹ đã tảo tần nuôi con, giờ lại lo cho cháu…! Mẹ bảo, sau này có con không được đánh con, con có sai trái gì thì bằng lời nói, hành động mà dạy bảo kẻo như mẹ ngày xưa… Ngày đó, tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm rủ nhau đi trộm bưởi làng bên. Chủ nhà bắt được về mách mẹ. Thế là bị một trận đòn “chí mạng”, tất cả những giận dữ mẹ trút lên cây roi. Tôi đau quá bỏ chạy. Mẹ đuổi theo nhưng không chạy kịp. Mẹ khóc. Tôi thấy thương mẹ lắm. Thế rồi…lẽo đẽo theo mẹ về, mẹ tắm rửa, nấu cơm cho tôi ăn. Đêm đó, trong căn hầm chữ A tôi cứ thút thít không ngủ được. Mẹ ngồi bên xoa lằn roi. Tôi giận nên tránh tay mẹ. Bàn tay mẹ thô ráp xoa lên lằn roi cũng làm cho tôi dịu nỗi đau. Mẹ nói, mẹ đã đánh con đau, mẹ cũng đau. Mẹ đau vì con không ngoan, học cái thói cắp vặt. Tôi ân hận lắm, rồi cầm tay mẹ hỏi. Sao tay mẹ sần cục thế này. Mẹ nói, đó là “cục tương lai” của các con đó!. Tôi không hiểu mẹ nói gì, nhưng giờ thì đã hiểu. Bàn tay chai sạn với bao nỗi nhọc nhằn làm lụng mẹ đã dành tất cả cho tương lai chúng tôi. Tiếng bom nổ ầm ầm đâu đó. Mẹ cứ đi ra, đi vào còn tôi đã chìm trong giấc ngủ.
Năm tháng đã kéo mẹ về với tuổi già. Tóc mẹ bạc nhiều hơn. Bóng mẹ ngắn lại…Rồi mẹ đi xa. Xa biền biệt con cháu. Cái ngày mẹ về với tổ tiên, mẹ còn dặn. Cố gắng làm ăn lương thiện, nuôi con cái thành người là mẹ yên tâm ra đi.
Giờ đây, ngồi ngắm lại những bức ảnh mẹ xưa, tôi cảm nhận được cái vất vả pha chút hạnh phúc mà mẹ đã dành cho chúng tôi. Mẹ ơi! Mỗi năm trôi qua sự hy sinh của mẹ ngày càng rõ hơn, từ sợi tóc bạc đến sự mệt mỏi hiện trong mắt mẹ, chẳng thể che giấu được, mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để cho chúng con có ngày hôm nay. Với tấm lòng thành, tôi cảm phục mẹ, và không chỉ riêng mẹ tôi mà cả những người mẹ trên thế giới này thật vĩ đại, cao cả. Hình ảnh mẹ tôi thật thiêng liêng và cao quý, là động lực tinh thần cho tôi tiếp bước trong cuộc sống hôm nay. Mong linh hồn mẹ được thanh thản nơi suối vàng.
Mẹ ơi…!
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình