Minh xăm mình

Đăng lúc: 26-04-2021 2:00 Chiều - Đã xem: 78 lượt xem In bài viết

Sáng nay đi thăm ông cậu vợ về, tôi tranh thủ chạy xe nhanh một chút vì đường từ Bà Rịa về buổi trưa hơi vắng. Đang chạy ngon trớn, tự nhiên xe đảo qua đảo lại, tôi vội tấp xe vào lề, thì ra bánh xe trước đã bị cán đinh. Có vài tên mặt mày bặm trợn tấp xe vào hỏi “thay ruột đây”, nhưng tôi đều lắc đầu vì sợ chúng cướp xe.Nhìn quanh, thấy một nhà ở đằng xa có treo bánh xe củ ở cửa, chắc có lẽ đó là tiệm sửa xe, tôi ráng đẩy tới thử coi.

 Nghe tiếng tôi hỏi, một thanh niên cao to ra tiếp đẩy xe vào sân. “Chú ơi, xe cán đinh, con thay ruột nghe, giá rẻ, chú ngồi chơi uống trà “, anh thanh niên vừa nói vừa lấy ghế cho tôi ngồi. Nói thật lòng, lúc đó tôi rất hồi hộp vì nghe đồn mấy ông tướng sửa xe này ăn rơ với tụi rải đinh và chặt chém giá không thương tiếc nên hỏi ngay “ à, mà…rẻ là bao nhiêu vậy chú em, làm kỷ kỷ dùm ông già nghe “. Anh thanh niên cười “rẻ thiệt mà, chú sợ con chặt chém phải không, ở đây con với ba con làm đàng hoàng lắm, chú yên tâm “. Chợt có một người đàn ông lớn tuổi mình xăm trổ tùm lum bước ra “có khách thay ruột hả con, cái tụi rải đinh này riết rồi không coi ai ra gì hết, mời khách ngồi uống nước đi con, để ba làm cho, con vào học bài tiếp đi “. Tôi từ ngạc nhiên đến bất ngờ, vì thái độ ăn nói hoàn toàn trái ngược với bộ dạng đầy hình xăm kia. Đột nhiên, nhìn vào vành tai phải chỉ còn phân nữa, tôi chợt nhớ “không lẽ đây là…”, tôi đứng lên tiến lại ông ấy và gọi “Minh, Minh xăm mình phải không ?”. Ông ấy nhìn tôi và ấp úng “ Ừ, Minh đây, còn ông anh có phải là…Sa, Sa A trưởng, Sa cán bộ ? “, tôi mừng quá “ Sa đây Minh ơi, không ngờ gặp lại anh …”, chúng tôi ôm nhau mà mừng không kể xiết …Và ký ức hơn 20 năm trước của chúng tôi chợt ùa về …

 Năm 1976, khi ngôi Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới[i] đầu tiên được thành lập ở Xuyên Mộc, tôi là lớp cán bộ đầu tiên được chuyển qua từ lực lượng TNXP. Bở ngở, hồi hộp, lo lắng là tâm trạng của chúng tôi, vì tất cả là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường, không biết ăn chơi mà bây giờ lại phải quản lý giáo dục mấy ông quậy phá giang hồ ma túy. Biết vậy nên lãnh đạo đã tập huấn cơ bản rồi động viên rồi giáo dục tư tưởng, và Minh Xăm Mình thuộc lớp học viên cải tạo đầu tiên bị đưa lên trường vào tiểu đội của tôi. Lý lịch anh này cũng hơi dữ dằn, đâm thuê chém mướn giựt dọc bảo kê khu Ngã ba chú ía, mình mẩy thì đầy hình xăm, nào là HẬN ĐÀN BÀ, nào là NHỚ CHA, rồi con cọp sau lưng, TỨ HẢI LÀ NHÀ trước ngực…Mấy ngày đầu, anh ta tỏ vẻ ngang bướng như một đại ca, nhưng kèm theo là sự sợ sệt khi đi lao động tôi bắt cởi áo ra. Rồi khi thấy tôi đem đồ vào ngủ chung thì lại trố mắt ngạc nhiên “bộ cán bộ không sợ tụi tui đánh hả mà vào ở chung?”. Tôi tỉnh bơ “cán bộ thì phải hòa đồng chứ, với lại các anh đánh tôi thì được lợi gì nói nghe coi, đánh người thì ở tù và lao động cải tạo tự do như ở đây, anh thích ở đâu hơn, với lại tôi thích nghe mấy anh kể chuyện đời giang hồ nghe chơi mà”. Rồi tôi hỏi về mấy hình xăm trên người và vì sao vành tai phải anh chỉ còn một nữa, anh ấy buồn bã nhìn xa xăm “ba tôi bệnh ung thư, mẹ tôi bỏ tôi đi theo ai không biết, rồi người yêu cũng bỏ tôi mà đi lấy chồng giàu trên phố. Từ đó, tôi xăm HẬN ĐÀN BÀ. Ba mất, tôi bán nhà dưới Vĩnh Long, lang thang rày đây mai đó với hy vọng đổi đời, tôi xăm chữ NHỚ CHA. Bước vào giang hồ, có một số đàn em tứ xứ trong tay, cả nhóm cùng xăm TỨ HẢI LÀ NHÀ, tôi mau có số má vì biết võ thiếu lâm và máu liều, nhưng một ngày nọ bị một tên nhãi ranh chém lén làm rớt nửa vành tai. Tức lắm nhưng biết nó ở đâu mà trả thù, sau này nghe nói thằng đó bị xe đụng chết. Trôi về khu Ngã ba Chú Ía[ii], tôi nhận bảo kê cho đám gái bán hoa, tụi nó sợ tôi như sợ cọp, thế là tôi xăm con cọp. Giải phóng, bị càn quét, thế là tôi lên đây. Nhưng cho tôi hỏi cán bộ cái này, các anh chắc ghét những người xăm mình như tôi lắm phải không ?”. Lúc đó, tôi chỉ cười “ không ghét, nhưng không thích “. Ngay hôm sau, trong giờ lao động, một học viên chạy lại báo với tôi “cán bộ ơi, thằng Minh nó cắt tay tự vẫn sau bụi cây kìa”. Tôi hết hồn kêu người khiêng Minh về trạm xá sau khi xé vội áo tôi đang mặc băng cầm máu. Khi anh ấy tỉnh lại, tôi liền hỏi “tại sao anh làm thế “, Hùng trả lời “ vì nghe cán bộ nói không thích người có xăm mình nên tôi lấy rựa rạch vết xăm, rồi mai mốt ăn rau muống cho lồi thịt mất vết xăm chứ có tự vẫn gì đâu “. Tôi hiểu ra và vỗ vai anh ấy “tôi nói không thích, nhưng anh đã xăm rồi gỡ ra đâu có được, với lại hình xăm đâu nói lên điều gì, quan trọng là con người anh, chứ đó chỉ là bề ngoài, thôi nghe không làm bậy nữa nghe “. Minh cười “cán bộ không giận tôi chứ, còn cái áo cán bộ xé băng cho tôi, giờ biết làm sao đây ? “, “thì bỏ đi, tôi còn áo TNXP mà”. Từ đó, tự nhiên anh ta làm hăng say thấy rõ, và mạnh dạn cởi áo lúc lao động, không còn lấm lét sợ sệt nữa, và thích luôn cái biệt danh Minh Xăm Mình tôi đặt để phân biệt với một Minh khác trong tiểu đội …

 “Cán bộ ơi, thay xong rồi nè, suy nghĩ gì mà đờ mặt ra vậy, tôi không lấy tiền đâu đừng lo”, tôi giật mình “ à…tôi nhớ chuyện ngày xưa đó mà, rồi sau khi ra trường anh làm gì ?”. Anh ta uống một ngụm trà, mồi 1 điếu thuốc rít vài hơi rồi kể: Ra trường, nhớ hoài lời dặn của cán bộ là “cố sống lương thiện để có thể ngủ ngon hơn, đồng tiền kiếm được có thể ít hơn nhưng sạch hơn, làm người tốt khó lắm nhưng có ý chí là làm được hết”. Nhưng gian truân lắm cán bộ ơi, hồi mới về, một bên là những thằng bạn củ rủ rê tiếp tục làm ăn cướp bảo kê tiền xài phủ phê, một bên là xin việc không ở đâu nhận chỉ vì từng có thời đi cải tạo, đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Tôi bèn đi lượm ve chai, hên sao quen rồi cưới con gái bà chủ vựa, tiếc là bà xã sanh thằng cu xong thì bệnh suốt rồi qua đời. Bên nhà vợ cho tôi mảnh đất, 2 cha con dắt díu về đây dựng nhà rồi mở tiệm sửa xe đến nay. Tôi nói thiệt, đã chán ghét cuộc sống giang hồ, mà nghe tụi nó rải đinh cho người đi đường bị tai nạn như vầy, tôi không chịu nổi nên tình nguyện mỗi đêm đi rà hút đinh giúp bà con. Lúc đầu tôi đi làm như thế, có thằng đòi chém tôi đó, nhưng khi thấy mấy hình xăm trên người tôi tụi nó dội hết (ha ha…). Mấy anh công an biết việc làm của tôi thì rất ủng hộ, họ còn cho tôi vào đội dân phòng rồi tổ trưởng dân phố. Tự nhiên tôi thấy mình còn có ích cho xã hội, cho gia đình. Phải nói là cảm ơn anh, cán bộ nghe, nhờ anh cản tôi phá mấy hình xăm mà bây giờ có cái để hù mấy thằng quậy phá rải đinh …”.Tôi chen vào giữa tràng cười sảng khoái của anh “thôi đi, có gì đâu mà cảm ơn, mà anh bỏ cái xưng hô cán bộ đi, bây giờ mình là anh em, tôi nhỏ hơn, nhưng thôi, xưng hô tôi anh cho thoải mái”.

 Chợt có anh công an bước vào nhà, bắt tay anh Minh và tôi, sau khi nghe giới thiệu, anh công an mới nói “chú biết không, chú Minh đây giỏi lắm nghe, nhờ chú ấy mà công an tụi con bắt được cả đống tên trộm, tụi rải đinh, rồi bắt cả cướp nữa. Vậy là công lớn chuyển biến chú Minh thành người tốt là các chú ở Trường TNXDCSM đó nghe. Thôi hôm nay, con xin báo cho chú Minh một tin quan trọng, trên tỉnh mời chú lên báo cáo thành tích và nhận tiền thưởng, huyện cũng nhân đây hổ trợ cho chú 30 triệu để sửa nhà và cho con chú mổi tháng 2 triệu để học đại học, soạn đồ đẹp 7 giờ sáng ngày mai đi với con, tối nay nghỉ đi hút đinh nghe”. Anh Minh cười “vẫn đi chứ, nè, anh này mới bị banh chành cái bánh trước nè, tui nghi tụi khác làm quá “. Anh công an trẻ đứng lên lắc đầu “tui chịu thua chú luôn, thôi tối nay con cũng đi với chú “.

 Vì đã chiều rồi nên tôi cũng xin chào anh Minh ra về, hứa sau khi lãnh thưởng, sẽ lên ăn với anh bữa cơm. Trời đang nắng chang chang tự nhiên mưa ào xuống, không kịp mặc áo mưa, gió hắt nước vào người lạnh run, nhưng sao lòng thấy ấm áp lạ thường. Phải nói là không ngờ công sức mình và các đồng đội bỏ ra năm xưa ở ngôi trường TNXDCSM không phí, khi mà nhiều con người một thời ngang dọc lại trở thành những người tốt cho xã hội và gia đình họ. Hãy vui lên anh Minh nhé, xã hội vẫn rộng vòng tay đón anh, lỡ sai thì quay lại, còn các hình xăm thì hãy để đó như một dấu tích một thời sai lầm, nhắc nhở ngày đêm cho anh nhớ mà xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Truyện ngắn

TRẦN VIỆT SƠN

 

 


[i] Năm 1980, UBND Thành phố ban hành quyết định chuyển giao Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới trực thuộc Thành Đoàn sang trực thuộc Lực lượng TNXP. Sau đó, Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới được chuyển thành các Trường Giáo dục lao động Công – Nông nghiệp từ số 1 đến số 6, đóng quân ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam Tây Nguyên

[ii] Theo một nhà nghiên cứu, trước 1975, khu vực này có một người Hoa tên Hía làm nghề thủ công và có cửa hàng Bách hoá lớn nên người Sài Gòn gọi khu vực này thành ngã ba Chú Hía. Qua năm tháng, phát âm này dần biến mất chỉ còn “Chú Ía” cho đến nay.  Hiện ngã ba Chú Ía mở rộng thành ngã 6 với tên gọi khác là Ngã Sáu Nguyễn Thái Sơn hay Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Nhưng với nhiều người Sài Gòn, họ vẫn quen với tên gọi ngã ba Chú Ía khi qua khu vực này.