Một Bí thư Trung ương đoàn, Trưởng ban Thanh niên xung phong chống Mỹ được 4 Chủ tịch nước khen thưởng

Đăng lúc: 06-08-2020 9:15 Sáng - Đã xem: 82 lượt xem In bài viết

Anh là Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Trưởng ban TNXP chống Mỹ cứu nước, Bí thư Đoàn Giao thông vận tải Trung ương. Anh sinh năm 1927, tại một miền quê giàu truyền thống cách mạng xã Thanh Lĩnh, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ngày còn nhỏ, gia đình anh thuộc loại khá giả, đông con. Học hết lớp 3 sơ học yếu lược, anh phải làm lụng vất vả phụ giúp gia đình.  Là người sáng dạ, chịu khó, khéo tay, việc gì anh cũng làm, từ đan lát dần sàng tới cày cuốc.

Năm 17 tuổi anh được nhận vào làm việc cho xưởng quân giới của Khu 4, bắt đầu cuộc đời quân ngũ. Xưởng sản xuất, chế tạo các loại vũ khí, bom mìn, lựu đạn cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Phụ trách công đoàn, anh phát động phong trào thi đua để công nhân có sáng kiến, tăng năng suất lao động như các khâu tiện, nguội đưa năng suất lên tới gần 360%.

 Khi nhà máy bị vụ tai nạn lao động (nổ thuốc súng Clorat), có 3 người bị hy sinh, cháy xém, anh đã có sáng kiến nhận dạng bằng chiều cao và đặc điểm của các nạn nhân, xác định chính xác người hy sinh.

Năm 1948 anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1950 anh được điều lên cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Anh được phân công theo dõi phong trào Công hội Khu 5. Thật khó khăn khi chưa làm công tác phong trào bao giờ, nhưng chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm anh đã làm tốt. Thấy trong Công hội nhiều thanh niên có lòng yêu nước, nhưng không có tổ chức Đoàn, không được đào tạo, giáo dục, rèn luyện, anh đã báo cáo đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn cho thành lập các tổ chức thanh niên cứu quốc, hoạt động phục vụ kháng chiến.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch TW Hội Cựu TNXP Việt Nam trong lần chúc Tết Kỷ Hợi 2019 đồng chí Nguyễn Văn Đệ (thứ 2 từ phải sang) 

Cuối năm 1954 anh chuyển hẳn sang phụ trách phong trào thanh niên của Đoàn Thanh niên cứu quốc. Anh đi khắp nơi, kể cả quê hương Nghệ An để vận động xây dựng cơ sở phong trào Đoàn, đào tạo lớp thanh niên phục vụ cho kháng chiến chống Pháp. Anh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò lãnh đạo thanh niên phục vụ chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, anh nằm trong lực lượng thanh niên về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.

Về Thủ đô được cử làm Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, anh đã cùng Ban Chấp hành Thành đoàn tập hợp thanh niên, giáo dục họ tham gia phong trào lao động xây dựng xã hội mới, khôi phục Thủ đô, theo lời Bác Hồ nói: “Thanh niên thành phố chỉ biết ăn chơi, không biết làm. Nhưng nếu biết tập hợp lại thì họ sẽ làm được, làm tốt”. Được giao làm Trưởng ban Thanh niên công nhân, anh đã tích cực giác ngộ công nhân trong 2 nhà máy điện Yên Phụ và Bờ Hồ để xây dựng các cơ sở Đoàn. Anh chỉ huy cải tạo bãi rác hồ Bảy Mẫu thành Công viên. Anh phát động phong trào thi đua trong thanh niên công nhân, thanh niên hồ hởi, phấn khởi tham gia để trở thành người có ích, nhân tố tích cực lôi kéo mọi người vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hết công trình này lại đến công trình khác, anh chỉ huy công trường xây dựng đường Cổ Ngư thành đường “Thanh Niên” ngày nay. Năm 1958 anh được tổ chức cử sang Liên Xô một năm học tập tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê Nin.

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ (ngoài cùng bên phải) và đ/c Nguyễn Văn Đệ  (người thứ hai từ trái sang) trong dịp đến thăm Đội TNXP 53 (Hà Tĩnh) Ảnh: T.L

Ngày 25/4/1961 Đại hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam lần thứ III, anh được bầu làm Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách Công nghiệp. Đây là những việc khó trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng phải phát động thanh niên làm thật tốt, thật giỏi để trở thành gương sáng cho lớp công nhân noi theo. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Đảng và Chính phủ giao cho Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành lập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Văn Đệ được giao làm Trưởng ban TNXP,  tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ ngành GTVT, Bí thư Đoàn Thanh niên GTVT Trung ương. Với phong trào Thanh niên 3 sẵn sàng đang mạnh mẽ. anh đã cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đoàn tham mưu cho Đảng và Nhà nước thành lập các Tổng đội TNXP, Đội TNXP chống Mỹ; tuyển quân, biên chế cung cấp cho các lực lượng đảm bảo giao thông của Bộ, các Ty, Sở Giao thông, Đoàn 559 Bộ Quốc phòng, các Bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi … huy động gần 15 vạn TNXP phục vụ kháng chiến chống Mỹ cho tới thắng lợi hoàn toàn 30/4/1975.

Sau thắng lợi 30 tháng 4, anh đại diện Trung ương Đoàn vào công tác Miền Nam, chuẩn bị cho Đại hội để thống nhất Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam với Đoàn Thanh niên Lao động trong cả nước; tham gia công tác trong Ban cải tạo Trung ương. Cuối năm 1977, anh được điều động sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, giữ chức “Vụ trưởng Kiểm sát chung” và được bổ nhiệm “Kiểm sát viên cao cấp” của Viện.

Sau thắng lợi ở mặt trận Campuchia năm 1979, anh được điều động sang Campuchia làm Trưởng đoàn chuyên gia, giúp Đảng Nhân dân cách mạng Cauchia xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Campuchia. Khó khăn lắm nhưng anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau này anh trở thành Trưởng ban Liên lạc Đoàn chuyên gia Campuchia. Anh đã được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cao quý.

Trở về Việt Nam, anh được điều về làm Phó Bí thư Đảng bộ khối cơ quan Công nghiệp Trung ương, chuẩn bị cho công tác Đại hội Đảng. Công việc mới nhưng anh vẫn quyết tâm làm, đặc biêt sau giải phóng có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, nhất là khâu cán bộ. Chính anh đã phát hiện ra đường dây “chống Đảng”, mất đoàn kết trong Đảng bộ Bộ GTVT, Đảng bộ Đường sắt Việt Nam, cuối cùng phải xử lý, giúp cho Đảng bộ Bộ GTVT ổn định và phát triển. Anh được bầu là đại biểu Quốc hội khóa IV, được cử làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế – Kế hoạch của Quốc hội khóa IV. Anh còn làm nhiều việc khác cho đến khi về hưu năm 1987. Với những thành tích trên, anh đã được nhận những phần thưởng cao quý:

  • Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1961;
  • Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký năm 1983;
  • Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triêt ký năm 2007;
  • Huân chương Sao vàng cùng Tập thể Đoàn chuyên gia Campuchia giai đoạn 1979-1989 do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký tặng năm 2019;
  • Bằng khen của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tặng năm 1956;
  • Huy chương Chiến thắng hạng Nhì do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký tặng năm 1958.

Năm 1993, trước tình hình chế độ chính sách cho Lực lượng TNXP chưa được thực hiện, là người lãnh đạo Lực lượng TNXP trước đây, anh rất trăn trở. Anh đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Đoàn và TNXP thời chống Mỹ vận động thành lập “Ban Liên lạc cán bộ Đoàn và TNXP ngành GTVT”. Anh được bầu làm Trưởng ban. Sau hơn 10 năm hoạt động, mặc dù không có kinh phí và hoạt động rất khó khăn, nhưng nhờ vào cái tài vận động và có sự giúp đỡ của Bộ GTVT nên Ban Liên lạc đã hoạt động rất thành công:

-Hầu hết các Ban liên lạc TNXP các tỉnh, thành phố phía Bắc được thành lập.

– Báo cáo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về các tồn đọng trong giải quyết chế độ, chính sách cho TNXP trong các thời kỳ kháng chiến;

– Tham mưu cho Đảng và Nhà nước, làm nhân chứng lịch sử giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP qua các thời kỳ;

– Thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa;

– Đề nghị xây dựng các di tích lịch sử về TNXP;

– Viết sách lịch sử về phong trào TNXP trong kháng chiến, anh đã viết và kết hợp với Nhà xuất bản GTVT xuất bản 10 cuốn sách về TNXP thời kỳ chống Mỹ;

– Xúc tiến thành lập Ban liên lạc TNXP toàn quốc, tiến tới thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Tháng 12/2004, Đảng và Nhà nước cho thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam, tiếp nhận vai trò và sứ mạng của Ban liên lạc, anh tham gia Đoàn Chủ tịch các Khóa I, II.

Cuộc đời và sự nghiệp của anh hết lòng vì Đoàn Thanh niên và Lực lượng TNXP Việt Nam. Bằng hoạt hoạt động thực tiễn và tự học hỏi, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Đoàn thanh niên giao cho. Anh được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Anh thật xứng đáng là người con xứ Nghệ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Lực lượng TNXP (15/7/1950-15/7/2020)

Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Đệ

                                              NGÔ VĂN TUYẾN