Một bông hoa đẹp trong Lực lượng TNXP Việt Nam

Đăng lúc: 12-03-2020 10:03 Sáng - Đã xem: 61 lượt xem In bài viết

Khi sắp kết thúc khóa I trường Đại học Nhân dân Việt Nam[i] (ĐHNDVN), Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Kỳ – lúc đó là Đoàn trưởng đoàn thanh niên xung phong Trung ương (TNXPW) –  và cả ông Hoàng Minh Giám là Bộ trưởng Bộ văn hóa kiêm Hiệu trưởng trường ĐHNDVN đến bàn việc tổ chức Đội 56. Bác chỉ thị: “Học xong, tất cả sinh viên trường ĐHNDVN sẽ gia nhập Đoàn TNXPTW để đi xây dựng nhà máy chè Phú Thọ”.

Vũ Kỳ và Tạ Quang Chiến ở chiến khu Việt Bắc (ảnh do gia đình bác Tạ Quang Chiến cung cấp)

Đoàn TNXP TW lấy tên Đội 56 có ý nghĩa là Đội thành lập đầu năm 1956 góp phần xây dựng đất nước thực hiện kế hoạch 56 của chính phủ. Là lớp TNXP đầu tiên tham gia kiến thiết tổ quốc Việt Nam, sau chiến tranh chống Pháp, chúng tôi đã háo hức lên đường tới công trường xây dựng nhà máy chè Phú Thọ, cơ sở kinh tế đầu tiên của chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc nước ta hồi bấy giờ.

Đội 56 TNXP TW thực sự là một trường học lớn. Tại đây, chúng tôi được rèn luyện, thử thách trong lao động ròng rã 6 tháng trời. Chúng tôi đã làm đủ những công việc vất vả như những người lao động chân tay bình thường, như những công nhân xây dựng chuyên nghiệp. Từ việc đào, cuốc, xúc, khiêng, gánh đất đá; sau núi bạt đồi; đến bắc giàn giáo, phụ máy trộn vừa bê tông. Rồi gánh gạch, vữa lên gác hai nhà máy; lại gánh đá lên đỉnh đồi xây đài chứa nước mệt nhoài, hoa cả mắt. Gay go nhất là bốc vác, xếp dỡ vật liệu, xi măng, vôi sống; bụi vôi bay lên mắt cay xè, bám vào tay chân gây ngứa ngáy rất khó chịu. Lần đầu tiên, những chàng “thư sinh” ghé vai vác những bao xi măng nặng 50kg đi lao đao! Lúc lao động ở công trường, khi đi dã ngoại chống lầy hàng tuần lễ với công việc vác gỗ, vác đá lát đường cho xe ô tô đi. Có lần hàng tháng trời gánh cát, đẩy xe bò cát xa 2 km chồn cả chân! Những ngày đi vác tre dưới trời nắng oi bức, mồ hôi ướt đẫm áo cách 7-8km tưởng gẫy lưng!

Đó là những ngày tắm nắng, gội mưa mồ hôi quyện với cát bụi. Bàn tay phồng rộp, nước da sạm đen. Không sao kể hết nỗi vất vả suốt ngày, suốt tháng dầu dãi dưới mưa nắng, với gió bụi công trường, làm những công việc nặng nhọc. Có lúc tưởng như không thể vượt qua, không ít anh em đã có lúc nao lòng, nản chí!

Tuy vậy, nhờ có khí thế lạc quan cách mạng lúc bấy giờ, lại luôn được cấp trên động viên, khích lệ. Chúng tôi thường lấy 4 câu thơ Bác Hồ tặng TNXP: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” và nhớ lời dạy của Bác ngày khai trường. “… Như Đoàn TNXP gặp việc gì khó, việc gì cần, họ cũng xung phong. Mong các cháu noi theo những gương thanh niên kiểu mẫu ấy…” để tiếp thêm sức mạnh, tự động viên mình cố gắng vươn lên.

Mang trên mình bộ đồng phục mầu xanh TNXP, chúng tôi rất tự hào vì được Bác Hồ kính yêu đánh giá: “Quân đội nhân dân, thanh niên xung phong là những trường học rất lớn và tốt để đào tạo thành người cán bộ tốt, cần cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.

Sau này, đ/c Tạ Quang Chiến, Trưởng ban liên lạc TNXP chống Pháp đã nói về Đội 56 như sau: “Đội 56 đã đi vào lịch sử truyền thống của Đoàn TNXP TW (1950 – 1956). Đây là một bông hoa đẹp trong lực lượng TNXP Việt Nam mà nhiều người chưa biết đến hoặc biết đến chưa đầy đủ. Đây là một lực lượng trí thức trẻ đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ và trưởng thành, có nhiều cống hiến rất xứng đáng với truyền thống TNXP”.

Đồng chí Trần Tôn, nguyên Đội trưởng Đội 56 nhận xét: “Lực lượng TNXP từ khi ra đời 15/7/1950 tới năm 1956 có các Đội sau: 34, 36, 38, 40, 44 và 56 nằm trong hệ thống của Đoàn TNXP TƯ. Đội 56 được coi là Đội kết thúc thời kỳ chống Pháp và mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Là lớp thanh niên trí thức ở khóa I – ĐHND, là hiện tượng quý hiếm, nỗ lực rèn luyện trong học tập, lao động trưởng thành, đóng góp tích cực vào mọi hoạt động xã hội sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Đoàn TNXP TW”.

Chúng tôi là lớp trí thức trẻ có tinh thần yêu nước, đầy ước mơ và ham tiến bộ; được trường Đại học ND Việt Nam trang bị cho đầy đủ về lý luận chính trị và được Đội 56 Đoàn TNXP TW tôi luyện thử thách trong lao động thực tế. Với tấm lòng trung thành một lòng đi theo Đảng, chúng tôi đã tiếp thu nhanh những cái mới, hòa nhập vào chuyển biến mới của đất nước nên đã trưởng thành, vững vàng trong mọi công tác được giao để rèn luyện “… thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà” … như lời dạy của Bác Hồ ngày khai trường và đã phấn đấu thực sự. “…Là những người thợ giỏi của công cuộc xây dựng miền Bắc” … như lời huấn thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại lễ bế giảng trường ĐHND Việt Nam.

Nhớ lại hồi đồng chí chuyên gia Liên Xô giúp ta xây dựng nhà máy chè Phú Thọ đầu năm 1956 đã nói chuyện với chúng tôi là: Cách đây 30 năm về trước, đ/c cũng là thanh niên tham gia kiến thiết tổ quốc Liên Xô giầu mạnh sau chiến tranh.

Đến bây giờ, chúng tôi cũng tự hào có thể nói với thế hệ thanh niên lớp sau này như vậy! Cách đây 64 năm về trước, chúng tôi là những TNXP đi kiến thiết tổ quốc Việt Nam tiến lên CNXH sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

…. Vậy mà 70 năm đã trôi qua, khi nghĩ về tuổi trẻ Việt Nam, chúng tôi càng tự hào về Đội 56 TNXP VN là Đội mở đầu thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc bao nhiêu; lại càng tự hào hơn bấy nhiêu về thế hệ thanh niên ngày nay đang hăng say học tập và làm việc theo tinh thần “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam(15/7/1950 – 15/7/2020)

Nguyễn Huy Khôi

Nguyên Đội viên, Đội 56 TNXP TW


[i] Chỉ ba tháng sau tiếp quản Thủ đô, Chính phủ mở Trường đại học Nhân dân Việt Nam do Giáo sư Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng. Chương trình dạy của trường không đi vào các ngành Khoa học Kỹ thuật, Xã hội nhân văn… mà trang bị một số kiến thức sơ giản về cách mạng dân tộc, dân chủ, về lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ thanh niên… Một vạn rưỡi thanh niên Hà Nội và các tỉnh (có một ít ở vùng tự do) tập trung ăn học một năm rưỡi ở khu Ðấu xảo cũ (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Ðảng và Nhà nước, nhiều giáo sư nổi tiếng đã đến giảng hay báo cáo. Vinh dự lớn nhất là được Bác Hồ tới nói chuyện trong buổi khai mạc.