Một cựu thanh niên xung phong làm công tác hội xuất sắc và sản xuất giỏi

Đăng lúc: 31-10-2019 10:55 Sáng - Đã xem: 89 lượt xem In bài viết

Cựu TNXP Nguyễn Thị Vê, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng ban Công tác nữ Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên; Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Thái Nguyên, đơn vị có 32 phường xã, với hơn 1.000 cán bộ hội viên.

Năm 1972, đế quốc Mỹ dùng ngư lôi phong tỏa các cảng sông, biển và dùng không quân đánh phá miền Bắc ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, là một đoàn viên thanh niên, cô thôn nữ Nguyễn Thị Vê  tình nguyện gia nhập Đội 91 TNXP chống Mỹ cứu nước của tỉnh Bắc Thái. Nhiệm vụ được giao Đại đội phó Đại đội 912 phụ trách hậu cần. Tháng 9 năm 1972 cô được điều động làm nhiệm vụ cấp phát và đời sống tại Ban chỉ huy Đội TNXP 91; tháng 12 năm 1974 chuyển ngành kết thúc niên hạn TNXP. Trong thời gian công tác ở TNXP, Cô luôn gương mẫu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1972 được UBND tỉnh Bắc Thái tặng Bằng khen, vì có thành tích giải quyết hậu quả trận bom B52 ngày 24/12 tại ga Lưu Xá, làm 60 chiến sĩ TNXP Đại đội 915 hi sinh.

Sau khi nghỉ hưu, hoàn cảnh chị khá khó khăn, gia đình có sáu nhân khẩu, gồm một mẹ già, hai vợ chồng cùng ba người con với đồng lương ít ỏi với những nhu cầu bức thiết: làm lại nhà ở cho chắc chắn, các con rất cần việc làm để vừa có thu nhập phụ giúp gia đình, vừa không bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội. Vào khoảng thời gian này, Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên triển khai kế hoạch thành lập các Câu lạc bộ “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế để cùng phát triển”, để hưởng ứng phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi” của Trung ương Hội. Là cán bộ của Hội Cựu TNXP thành phố Thái Nguyên, cô đã mạnh dạn vay vốn Nhà nước đầu tư trang trại nuôi gà công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội. Với năng lực của một cán bộ hậu cần xuất sắc ở Đội TNXP 91 Bắc Thái năm xưa, cô đã trăn trở làm công tác tư tưởng, động viên chồng con cùng toàn gia đình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn: Sự bỡ ngỡ ban đầu về thủ tục khởi nghiệp, tổ chức quản lý điều hành; về kỹ thuật chăn nuôi; về xây dựng chuồng trại; về an ninh bảo vệ; về nhân công … và tận dụng những thuận lợi khi tổ chức thực hiện: Đất đai xây dựng trang trại; vốn vay đầu tư; đối tác làm theo hình thức gia công; sự tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại, sự động viên khích lệ của Tỉnh hội, Thành hội, bạn bè, người thân, gia đình nội ngoại, đặc biệt là chồng cô và đồng đội cùng tham gia làm.

Vừa làm công tác Hội, cô vừa chỉ đạo tổ chức sản xuất nuôi gà gia công cho Công ty với quy mô vốn đầu tư mua đất 1,5ha hết 600 triệu đồng; san ủi mặt bằng, vật tư xây dựng trang trại hết 2,4 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ đồng; xây dựng hai trại gà 2 tầng công suất 17.000 con thời gian từ 45 ngày đến 50 ngày được một lứa với trọng lượng mỗi con gà trừ phí hao cho phép của Công ty còn lại bình quân từ 3,2kg đến 3,5kg. Tổng sản lượng mỗi năm quay vòng 5 lần từ 225 đến 250 tấn. Tiền nuôi gia công mỗi lứa Công ty thanh toán cho từ 100 đến 150 triệu đồng/lứa x 5 lứa = 750 triệu đồng. Trừ tiền điện, nước, công lao động, sửa chữa chuồng trại một năm lợi nhuận được 350 triệu đồng. Số lao động sử dụng thường xuyên là 6 người, trả lương bình quân là 6 triệu đồng một tháng.

Với kết quả sản xuất đạt được của bản thân cô và gia đình đã tác động và ảnh hưởng tốt đến sự phát triển xã hội tại địa phương một vùng nông thôn nơi xây dựng trang trại, vốn mặt bằng kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn. Một số hộ đã học tập cách tổ chức chăn nuôi gà thả vườn, kết quả từng bước nâng cao đời sống kinh tế khá hơn, địa phương luôn coi gia đình Cô là một ví dụ về tinh thần khởi nghiệp dám tự vươn lên để phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho xã hội.

Ngoài công việc làm kinh tế trang trại, cô còn tham gia nhiệt tình và luôn gương mẫu trong các phong trào công tác của Hội. Tại nơi làm việc, luôn có tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công; luôn đi sâu đi sát tìm hiểu từng hoàn cảnh của hội viên, thăm hỏi động viên giúp đỡ đồng đội về tinh thần và vật chất. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú; phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Bằng những việc làm thiết thực hàng năm: Ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, ủng hộ tổ chức ngày thương binh liệt sỹ…

Tại địa phương nơi xây dựng trang trại: Ủng hộ kinh phí làm đường bê tông, đường điện, ngày họp truyền thống thành lập các ban ngành đoàn thể; đối với Hội: Ủng hộ kinh phí cho Câu lạc bộ làm kinh tế và Câu lạc bộ văn nghệ, Ban công tác nữ, Ban Liên lạc truyền thống TNXP C912, C915 hoạt động với số tiền hàng năm trên 10 triệu đồng, ngoài ra còn giúp đỡ đồng đội về kinh nghiệm chăn nuôi, tiền vốn mua con giống, thuốc men.

Cô Nguyễn Thị Vê, một cán bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội-một tấm gương về khát vọng vươn lên vượt qua khó khăn chính mình để tổ chức kinh doanh sản xuất làm giầu; về ứng xử hài hòa, trách nhiệm với bà con nhân dân nơi kinh doanh, người lao động và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền sở tại; để tồn tại trang trại, cô đã quan tâm đầu tư thỏa đáng cho việc bảo vệ môi trường xung quanh và chịu khó học hỏi, cập nhật những kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng kịp thời xử lý những hiện tượng gây nguy hiểm đến vật nuôi. Có thể nói mở trang trại chăn nuôi với quy mô lớn quả là một sự dũng cảm trước những dịch bệnh thường xảy ra ở ngành chăn nuôi coi đó là những tai họa khó lường, nhưng gia đình cô đã trụ vững phát triển, thu nhập ngày một tăng trong nhiều năm qua.

Với những thành tích đã đạt được, cô đã nhận 01 bằng khen của Trung ương Hội Cựu TNP Việt Nam, 03 bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên, 04 giấy khen của của Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên./.

            Lê Huy Lanh

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên