Một mô hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi ở thành phố Lai Châu

Đăng lúc: 16-11-2022 9:53 Sáng - Đã xem: 57 lượt xem In bài viết

          Trong dịp Ban Chấp hành Tỉnh hội đi thăm và khảo sát các gia đình cựu TNXP làm kinh tế giỏi, chúng tôi đã đến thăm gia đình cựu TNXP Thào A Dinh ở Tổ Dân phố 12, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu. Dù đang đến tuổi thấp thập nhưng thanh niên trai tráng bây giờ có khi vật tay vẫn thua ông. Ông Dinh đã xây dựng được trang trại ngay giữa lòng thành phố, không chỉ mang hiệu quả kinh tế mà còn là biểu tượng “Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”.

          Dừng chân ngay trước trang trại, chúng tôi đã nhận được lời chào đon đả của vợ, chồng ông Dinh. Vườn được bố trí thành thành các khu vực: trồng rau, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng sắn, ngô … tạo nên sự hài hòa, đa dạng. Bên ấm thà xanh đậm vị, ngắm trang trại ngút ngàn cây ăn trái đang vào mùa thu hoạch, ông Dinh cười: với gần 7.000m2 thỏa sức vợ, chồng già chúng tôi lao động, chỉ sợ không đủ sức làm thôi.

Ông Dinh sinh ra và lớn lên ở xã Pa Vệ Sử (huyện Phong Thổ). Năm 1972 ông viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP ở Đại đội 2 Đội 233 Lai Châu làm nhiệm vụ mở đường, nâng cấp hồ Huổi Phạ[1], xây dựng hồ Pá Khoang[2]. Đến năm 1976 ông ra quân, xung phong đi bộ đội ở huyện Phong Thổ. Sau 3 năm ông được chuyển ngành làm cán bộ Hội Nông dân huyện Phong Thổ, rồi UBMTTQVN huyện,  Huyện đoàn. Ở vị trí công tác nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

          Ông chia xẻ: thời bao cấp 2 vợ chồng cũng làm công chức thì rất khó khăn nên vợ tôi phải xin nghỉ việc nhà nước để ra làm ngoài. Dồn tiền lại, vợ chồng tôi mua mảnh đất này để làm kinh tế. Ngoài thời gian làm việc cơ quan về nhà tôi phụ vợ  việc gia đình. Ba đứa con lần lượt ra đời và ngày càng lớn, chúng tôi cố gắng làm, chắt chiu cho con cái học hành nên người. May mắn tôi có người vợ hay làm, hàng ngày quần quật với công việc. Nhiều lúc nghĩ thương vợ chỉ biết động viên an ủi cùng nhau cố gắng vượt qua vì tương lai vì con. Đến năm 2006 tôi xin nghỉ hưu sớm để về phụ giúp vợ công việc ở trang trại. Hàng ngày chúng tôi dồn sức chăn nuôi gà, lợn, trồng trọt với phương châm “Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, dành hơn 1.000m2 đất  trồng rau (chủ yếu là cải mèo) để bán và nhập cho các thương lái. Nhờ mát tay nên rau luôn xanh tốt được nhiều người ưa chuộng, rau trồng đến đâu hết đến đó. Ngoài rau là ngô, sắn cho chăn nuôi.

Nhìn nhau mỉm cười ông bà tâm sự tiếp: thuận vợ, thuận chồng, tham việc, làm không biết mệt nên làm việc gì cũng suôn xẻ. Mỗi một lứa gia đình nuôi hàng chục con lợn với hàng trăm con gà chuẩn bị thức ăn cho chúng đã hết thời gian chưa kể đến chăm sóc và những việc khác ấy vậy rồi mọi việc cũng qua. Con cái giờ đây trưởng thành có công ăn việc làm ổn định vợ, chồng chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và công lao mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng.

Khi hỏi về thu nhập hàng năm của gia đình vợ, chồng ông Dinh khiêm tốn nói: giờ tuổi ăn, tuổi nghỉ nhưng thói quen làm việc ăn sâu vào người, không làm lại thấy thiếu thốn và khó chịu; nay làm trang trại chủ yếu phục vụ cho gia đình, người thân dư thừa mới mang đi bán nên cũng chẳng tính, chỉ mong còn sức khỏe còn làm thôi. Rồi bà dẫn chúng tôi ra vườn cây sai trĩu quả, hái chanh đào, bơ, hồng, bưởi … làm quà mang về. Với ông bà mỗi lần khách đến chơi được biếu những sản phẩm sạch do mình làm ra lại là niềm vui.

          Giữa không gian thoáng đãng nhìn vườn cây ăn quả chúng tôi không muốn rời đi. Trang trại là minh chứng cho sự lao động cần cù, sáng tạo, sống vui, sống khỏe, sống có ích của một đôi vợ chồng cựu TNXP Lai Châu, một mô hình tiêu biểu để hội viên học tập và làm theo.

Một số hình ảnh khác 

Đào Văn Minh

Chủ tịch Tỉnh hội Lai châu


[1] Hồ Huổi Phạ nằm ở cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ, có diện tích lưu vực hơn 17 km2, dung tích 1,8 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 7ha diện tích canh tác

[2] Nằm ngoài lòng chảo Mường Thanh, diện tích trải rộng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hồ Pá Khoang nẳm cách Quốc lộ 279 khoảng 5km về phía Đông, cách Khu Di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 8km về phía Tây. “Rừng trúc” (tên theo tiếng Thái của hồ Pá Khoang), nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, có diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, được ví như một “Vịnh Hạ Long” của Tây Bắc.