Được biết về cô khi cô còn chưa là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh. Lúc ấy cô là Giám đốc Doanh nghiệp Minh Hội, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh hội khóa II. Vì vậy giữa tôi và cô chỉ là giao tiếp xã giao khi cô đến họp Ban Thường vụ và qua lời kể của mọi người: Cô là một cựu TNXP làm kinh tế giỏi.
Sau này, đến Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa khóa III cô được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh. Hàng ngày được làm việc và tiếp súc với cô thường xuyên hơn tôi đã dần biết thêm về cô: Không chỉ làm kinh tế giỏi, một giám đốc năng động, có tấm lòng hảo tâm luôn giúp đỡ các cựu TNXP nghèo, mà còn là một cán bộ Hội luôn nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội. Người tôi muốn nói đến là cựu TNXP Mai Thị Hội.
Sinh ra và lớn ở vùng quê nghèo thuộc xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cũng như bao lớp thanh niên yêu nước thời bấy giờ, cô Mai Thị Hội tự nguyện viết đơn gia nhập vào Đội Thanh niên xung phong C3051-N287-P37 với nhiệm vụ mở đường bảo, đảm giao thông trên các tuyến vùng cao biên giới Việt-Lào. Trong quá trình phục vụ tại đơn vị TNXP cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được kết nạp Đảng. Năm 1974 sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cô được cử đi học thủy lợi và được chuyển về làm việc tại Sở Thủy Lợi Thanh Hóa.
Cô Mai Thị Hội (áo đen) trong xưởng chế biến gỗ của Doanh nghiệp
Năm 1993 do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn cô đành phải xin nghỉ chế độ. Cô phải làm nhiều nghề để sinh sống. Năm 1998 với số vốn ít ỏi dành dụm được và nhờ có chủ trương của Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế nhiều thành phần, cô đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng vốn ngân hàng mở một cơ sở sản xuất các sản phẩm ván ép mang tên Tổ Hợp tác Minh Hội. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm về ngành lâm sản nên cơ sở sản xuất của cô tưởng như không trụ nổi. Song với phẩm chất của một cựu TNXP từng trải qua chiến tranh cộng với lòng quyết tâm thoát nghèo và sự hỗ trợ của chồng, cô đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm về sản xuất ván ép từ bạn bè và đến thăm quan những mô hình sản xuất ván ép về áp dụng cho cơ sở sản xuất của mình. Dần dà sản phẩm ván ép của Tổ hợp tác Minh Hội được thị trường chấp nhận, thu hút ngày càng nhiều khách đến đặt hàng.
Năm 2000, do nhu cầu của thị trường đã thay đổi, sản phẩm từ ván ép đã dần không được ưa chuộng, cô mạnh dạn vay ngân hàng 500 triệu đồng để mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư thêm dây chuyền chế biến gỗ công nghiệp đồng thời chuyển đổi từ Tổ hợp tác Minh Hội sang Doanh nghiệp Minh Hội. Làm ăn có hiệu quả, năm 2007 cô đã đầu tư thêm 2 tỷ đồng mua máy móc thiết bị, mở thêm khu đất mới để làm nhà máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị văn phòng, nội thất gia đình, thu hút được 50 lao động vào làm việc tại doanh nghiệp. Ban đầu các công nhân làm việc tại doanh nghiệp của cô đa phần là những thợ chưa thạo nghề, nên đã được cô cho đi học nghề về phục vụ cho doanh nghiệp.
Do nắm bắt được nhu cầu thị trường, công nhân được đào tạo bài bản nên những sản phẩm đồ gỗ của cô đã làm hài lòng khách hàng và thu hút được ngày càng nhiều đơn đặt hàng. Đến nay doanh nghiệp đã có vốn 7 tỷ đồng, với mặt bằng doanh nghiệp 5.000m2, trong đó nhà xưởng trên 2.000m2, còn lại là nhà văn phòng và gian hàng giới thiệu sản phẩm. Tổng doanh thu hàng năm 4-5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/năm, 50 công nhân lao động thường xuyên với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, nộp thuế cho nhà mước, đóng BHXH cho công nhân đầy đủ.
Từ việc kinh doanh có lợi nhuận, hàng năm cô thường giành ra một phần lợi nhuận và vận động các doanh nghiệp để tặng quà cho các cựu TNXP khó khăn nhân các dịp lễ, tết, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho cựu TNXP khó khăn, … Hiện nay, do tuổi đã nhiều và muốn tập trung hơn cho công tác Hội, cho công tác nghĩa tình TNXP, cô đã và đang dần chuyển giao việc kinh doanh cho con cháu quản lý. Tuy nhiên với kinh nghiệm và bề dày 20 năm kinh doanh của mình trong cơ chế thị trường cô vẫn là người đưa ra các định hướng để phát triển doanh nghiệp.
Cô Mai Thị Hội (bìa phải) trong một lần tham gia trao sổ tiết kiệm cho nữ cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn cùng Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim (thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa Lê Trung Sơn (bìa trái)
Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Mặc dù trải qua biết bao vất vả, thăng trầm trong kinh doanh và phát triển doanh nghiệp nhưng cô vẫn dành nhiều thời gian cho công tác Hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Cựu TNXP, cô đã cùng với doanh nghiệp của mình hỗ trợ cho cơ quan văn phòng Tỉnh hội và Thành hội. Cô được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa khóa I, II; Ủy viên BCH Tỉnh hội khóa I,II; Phó Chủ tịch Tỉnh hội khóa II kiêm Trưởng ban Công tác nữ cựu TNXP tỉnh. Ở bất kỳ vị trí nào cô cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, giải quyết các công việc linh hoạt, mềm dẻo được đồng đội tin yêu. Bên cạnh công tác Hội cô còn tham gia nhiều hoạt động xã hội như là Ủy viên BCH Hội Nữ doanh nhân tỉnh, là thành viên Hội Doanh nhân tỉnh Thanh Hóa.
Với những thành tích hoạt động của mình cô đã nhiều lần được Tỉnh hội, Trung ương Hội, UBND tỉnh tặng Giấy khen, Bằng khen về công tác Hội và sản xuất kinh doanh. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà cô thường tâm sự với chúng tôi đó chính là 4 người con gái thành đạt, có công ăn việc làm ổn định, yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ và có cuộc sống hạnh phúc. Đây chính là thành công lớn nhất của cuộc đời cô, một nữ cựu TNXP tiêu biểu trong công tác Hội và phát triển kinh tế.
Nguyễn Hiền