Chiếc xe máy chạy êm ái trên con đường nhựa mới tu sửa phẳng lỳ, dẫn đến nhà chị rợp mát bóng cây. Ngôi nhà hai tầng khang trang, nổi bật giữa những hàng cây lộc vừng tỏa bóng, đang tung những dải hoa rực rỡ trong nắng xuân. Mặc dù đang bận hướng dẫn cho công nhân vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị tiêm phòng cho đàn lợn nhưng chị Trần Thị Khương (ảnh dưới) vẫn niềm nở đón tiếp chúng tôi dưới bóng cây hoa giấy đang khoe sắc.
Chị cất tiếng đon đả: “Tưởng các anh không đến, chờ thấy lâu nên tôi đang chuẩn bị tiêm phòng cho đàn lợn. Đợt này có dịch tả nên cũng dè chừng ạ!”. Tôi cười xin lỗi chị vì phải đợi anh Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện cùng đi. Khi biết mục đích của cuộc gặp, chị khiêm tốn: “Bây giờ già rồi, làm ăn cũng bình thường thôi có gì đáng kể đâu”. Vừa nói, chị vừa vồn vã đưa chúng tôi vào nhà, giới thiệu với chúng tôi những tấm ảnh năm 2009, vợ chồng chị chụp lưu niệm với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; năm 2010 với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng), đã về thăm mô hình trồng rừng của gia đình chị để động viên khích lệ, được chị đóng khung trang trọng, treo trên tường. Chúng tôi nhìn chị với cái nhìn ngưỡng mộ. Còn chị, ánh mắt như đang lan tỏa niềm vui, như đang lâng lâng trong niềm tự hào. Chị cho biết: “Hai năm liền được vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, tặng quà khen ngợi, động viên tôi vui khôn xiết và cũng thật tự hào với những đóng góp của bản thân mình trong công cuộc xây dựng đất nước. Những kỷ niệm không bao quên”. .
Vợ chồng chị Khương chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010. (Ảnh chụp lai)
Chị là Trần Thị Khương, sinh năm 1953, là hội viên Hội Cựu TNXP thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Quê hương của chị gần Đường 15A. Trong chiến tranh phá hoại nơi đây máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá ác liệt hòng ngăn chặn đường chi viện lương thực và đạn dược của ta vào mặt trận miền Nam. Chứng kiến cảnh đau thương mất mát do chiến tranh, với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, năm 1971 chị xung phong tham gia vào lực lượng TNXP, thuộc D195, Bộ Tư lệnh 559.
Phó Chủ tịch nước trao quà cho gia đình chị Khương năm 2009. (Ảnh chụp lại)
Chị cho biết, trong những năm tháng là TNXP, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, sốt rét thường xuyên. Tuổi thanh niên thiếu ăn, thiếu ngủ ngày đêm quần quật vác đá, đào đất mở đường, san lấp hố bom mệt nhoài. Lại thêm máy bay địch thường xuyên rình rập đánh bom, cái sống cái chết nằm kề gang tấc. Thế nhưng tuổi trẻ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan yêu đời. “Tiếng hát át tiếng bom” là động lực giúp chị và đồng đội vượt qua tất cả để cùng góp công sức làm nên chiến thắng 30/4, thống nhất nước nhà.
Sau khi trở về địa phương, chị xây dựng gia đình trong điều kiện thiếu thốn vất vả. Chồng chị là cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4. Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương cũ của chồng tái phát, rồi những cơn sốt rét dai dẳng càng thêm gánh nặng cho chị.
Một góc rừng bạch đàn của gia đinh chị Khương
Khi Nhà nước có chủ trương khai phá đồi hoang trồng rừng phủ xanh đồi trọc, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo. Bằng cả nghị lực của người lính Cụ Hồ đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước …” chịu đựng gian khổ, không thể khoanh tay trước cái đói, cái nghèo được, năm 1990 đến năm 2000 chị cùng gia đình tham gia dự án trồng rừng 327, dự án rừng phòng hộ chắn cát Nam huyện Quảng Ninh. Gia đình chị đã cung cấp hàng triệu cây giống tràm hoa vàng, keo lai để trồng 200 ha rừng cho Nhà nước và các hộ dân ở địa phương.
Một góc nơi nuôi gà rừng của gia đình chị Khương
Năm 1992, được Ban dự án 327 tư vấn kĩ thuật, hỗ trợ cây giống, chị cùng gia đình nhận đất trồng rừng. Ngày đêm tay dao, tay cuốc hì hà hì hục, chặt đốt để tạo mặt bằng. Rồi chị cùng chồng con và mướn thêm người làm bầu, tạo cây giống. Chờ thời tiết thuận lợi lại hì hà, hì hục, trồng ngày trồng đêm. Tính đến nay gia đình chị đã trồng được 70 ha rừng keo; 30 ha cây công nghiệp; 10 ha rừng phòng hộ chống cát bay lấp ven biển xã Hải Ninh. Có những năm lụt bão đã “cướp’ đi của gia đình chị hàng chục ha rừng. Con bão năm 2013, 2017 làm thiệt 6 ha rừng cao su. Chị không ngại khó cùng gia đing, thuê người khắc phục hậu quả, cho rừng hồi sinh. Rừng tràm, keo lai đang độ thu hoạch, trừ chi phí,hằng năm thu lãi hơn 600 triệu đồng.
Kho chứa phân bón và thức ăn chăn nuôi gia súc
Khi việc trồng rừng đã ổn định, chị bàn với chồng đầu tư vay vốn Ngân hàng nuôi gà để tận dụng nguồn lương thực (khoai, sắn) trồng xen cây rừng. Năm 2005, chị đầu tư nuôi 6 trại gà, khoảng 12.000 con. Do thời tiết không thuận lợi, kiến thức kĩ thuật chăn nuôi hạn chế, dịch bệnh kéo dài nên đàn gà chậm lớn, chết dần, chị phải bán tháo lấy lại ít vốn.
Bỏ việc nuôi gà, chị lại bàn với chồng đầu tư chăn nuôi lợn nái. Nuôi được mấy lứa, thu nhập ổn định, có lãi. Năm 2014, chị đầu tư 5 tỉ đồng mở trang trại chăn nuôi lợn ngoại, mô hình sản xuất công nghiệp qui mô lớn với hơn 100 lợn nái. Chuồng trại đảm bảo khoa học hợp vệ sinh, thức ăn đầy đủ nên lợn phát triển tốt. Hàng năm xuất chuồng khoảng 1.200 lợn giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Đàn lợn của gia đình chị Khương
Có vốn liếng, chị lại mạnh dạn đầu tư gần 20 tỉ đồng, mua máy móc, xây nhà xưởng, làm đại lí phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các hộ gia đình trong tỉnh. Những nơi nào xa, cho xe đưa đến tận nơi. Thức ăn chăn nuôi gia đình chị làm ra có nhãn mác, thương hiệu đảm bảo chất lượng, nên thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Kinh tế phát triển, gia đình chị đã giải quyết việc làm cho 10 lao động cố định, thu nhập lương hàng tháng từ 7- 8 triệu đồng; ngoài ra giải quyết việc làm thời vụ cho 40 – 50 người chăm sóc và thu hoạch rừng, mức lương 7,5 triệu đồng/ tháng; nộp hàng trăm triệu đồng thuế cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, chị đã không quản ngại bỏ ra hàng trăm ngày công để tư vấn kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt miễn phí cho nhiều hộ gia đình trong thôn xóm ước tính khoảng 50 triệu đồng; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, con giống cho hội viên Hội Cựu TNXP, Hội Trường Sơn, những gia đình hoàn cảnh khó khăn ước tính khoảng 300 triệu đồng. Hằng năm chị hỗ trợ cho Hội Cựu TNXP, Hội Cựu CB xã trên 3 triệu đồng để hoạt động; làm từ thiện cho đồng đội trên 10 triệu đồng.
Đối với lối xóm, đồng đội chị luôn gần gũi, vui vẻ, tạo điều kiện giúp đỡ nên được mọi người yêu mến..
Vừa sôi nổi trò chuyện, chị vừa dẫn chúng tôi đi thăm rừng cây, vườn đồi, trang trại chăn nuôi. Nhìn vườn cây xanh tốt đang độ thu hoạch, đàn lợn sởn sơ chuẩn bị xuất chuồng chúng tôi rất cảm phục về tinh thần lao động quên mình, sức chịu đựng vượt qua gian khó trong cuộc sống để sản xuất, kinh doanh giỏi giúp xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Thật đúng như nhận xét của anh Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện: “Một con người năng động, dám nghĩ, dám làm”
Với những thành tích đạt được, năm 2013 chị được mời tham dự Hội nghị thi đua của Hội Cựu TNXP tỉnh; năm 2015 dự Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (2010 – 2015) do Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức. Chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, UBND huyện tặng giấy khen.
Chia tay chị lòng tôi tràn ngập niềm vui và tự hào về một cựu TNXP đã dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm kinh tế giỏi, hảo tâm với đồng đội, đồng bào.
Chị Trần Thị Khương thật xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho phong trào “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tỏa sáng hình ảnh người lính Cụ Hồ; bởi trong chiến tranh đã chiến thắng quân thù, thì trong cuộc sống đời thường tiên phong, gương mẫu trên mặt trận kinh tế để hương ngọt, trái lành ngào ngạt tỏa hương.
Nguyễn Đại Duẫn
CTV Trang Bản tin Hội Cựu TNXP Quảng Bình