Một số hoạt động nổi bật trong tháng Ba của Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Nam

Đăng lúc: 19-04-2024 3:25 Chiều - Đã xem: 113 lượt xem In bài viết

Ngày 04/03/2024 Ban Thường vụ Tỉnh hội Quảng Nam tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-2024) ôn lại ý nghĩa lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và truyền thống nữ TNXP; công bố Quyết định thành lập Ban Công tác Nữ cựu TNXP tỉnh khóa IV (nhiệm kỳ 2021-2026) gồm 07 người, do đồng chí Trương Thị Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh hội, Chủ tịch Thành hội Tam Kỳ làm Trưởng ban.

Chủ tịch Tỉnh hội Bùi Phan Toản  đã tặng hoa chúc mừng (ảnh trên), động viên Ban Công tác nữ Tỉnh, Huyện, Thị, Thành hội tiếp tục phấn đấu, làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, chăm lo đời sống các hội viên nữ ngày một tốt hơn, là cơ quan tham mưu đề xuất cho Thường vụ Tỉnh hội những chủ trương, biện pháp tuyên truyền, động viên, giáo dục nữ cựu TNXP phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của TNXP.

* Sáng ngày 25/3/2024 Thường trực Tỉnh hội đến thăm, tặng hoa và quà Tỉnh đoàn Quảng Nam, chúc mừng Kỷ niệm 93 năm ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-2024) (ảnh dưới). Vui mừng đón tiếp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Văn Thanh đã phát biểu cảm ơn, khẳng định Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp giữa hai bên, trọng tâm là công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tỉnh nhà. 

* Từ ngày 26-29/3/2024, Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Nam tổ chức đoàn hành quân về nguồn nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Đoàn gồm 39 đồng chí do Chủ tịch Tỉnh hội Bùi Phan Toản làm Trưởng đoàn.

Ngay từ 4h sáng Đoàn đã ra sân bay Đà Nẵng để làm thủ tục bay ra Hà Nội. Điểm đến đầu tiên là Nhà máy thủy điện Hòa Bình, có công suất sau Nhà máy thủy điện Sơn La.  Nhiều năm liên tục là đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia, là công trình điều tiết lũ cho đồng bằng Bắc Bộ (ảnh dưới). 

 

Điểm đến thứ 2 là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La (ảnh dưới) nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thuộc Tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Từ 1930 – 1945, thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân tại đây. Cũng chính tại chốn “địa ngục trần gian” này, khí tiết của những người cộng sản càng thêm chói sáng. Nơi đây đã ươm mầm những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho phong trào cách mạng tại Việt Nam, tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng… Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào cách mạng tại Nhà tù Sơn La. 

Điểm đến thứ 3 là vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ. Dù chưa đến dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng nơi đây mỗi ngày đã đón hàng ngàn người khắp mọi miền đất nước. Hòa chung với dòng người ấy, đoàn đi thăm những địa danh gắn với những cuộc chiến lẫy lừng với nhiều cảm xúc. Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh dưới), được chứng kiến những hình ảnh, hiện vật năm xưa khiến ai cũng mường tượng về một cuộc chiến khốc liệt nhưng cũng đầy tự hào. Trong khuôn viên bảo tàng vô số những hiện vật, hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến được trưng bày. 

Trong đó, ấn tượng nhất là những chiếc xe đạp thồ hàng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó có chiếc xe đạp thồ 377 kg lương thực mỗi lần. Với địa hình hiểm trở, để đến được chiến trường Điện Biên Phủ lúc ấy, một người gánh 25kg gạo đi từ miền xuôi lên, ăn dọc đường đã mất 20kg, chưa nói còn bị máy bay Pháp luôn uy hiếp và phải vận chuyển chủ yếu trong đêm. Nếu không có loại phương tiện vận tải độc đáo này thì không thể đảm bảo hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí đến được với tiền tuyến.

Cũng rất ấn tượng là những chiếc xẻng – công cụ không thể thiếu của bộ đội, TNXP – dùng để tạo ra hệ thống hầm hào, công sự siết chặt vòng vây để tiêu diệt quân địch. Với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp đã xây dựng những pháo đài “không thể công phá” dễ phòng thủ nhưng khó tấn công, bởi quanh lòng chảo Mường Thanh là núi cao dốc sâu nên để tiếp cận mục tiêu, chỉ còn cách đào hào đánh lấn, tạo ra hệ thống công sự áp sát đến từng mục tiêu.

Hình ảnh bộ đội công binh, TNXP… phải chia ca kíp làm cả ngày cả đêm phá bom, chống lầy, san lấp hố bom; những chiếc xe đạp thồ đã thắng cầu hàng không của Pháp;  hàng chục kilômét hầm hào được bộ đội đào bằng những chiếc xẻng thô sơ cùng với cách đánh và nghệ thuật quân sự tài tình đã đập tan các cứ điểm kiên cố của quân Pháp. Xe đạp thồ và chiếc xẻng đã trở thành một phần biểu tượng của cuộc chiến.

 Rời bảo tàng, chúng tôi đi về phía đồi A1 cách đó chừng 1 cây số. Nơi đây là điểm cao quan trọng mà quân Pháp quyết giữ để bảo vệ khu trung tâm. Từ dưới chân đồi, những đường hào, hàng rào thép gai, xác xe tăng, xác máy bay của quân Pháp vẫn còn nằm lại … Mùa này, đồi A1 rợp một màu trắng của hoa ban.

Nơi đây đã diễn ra những trận đánh giáp mặt vô cùng ác liệt trong những ngày cuối cùng của trận chiến. Để giành được quả đồi, một tiểu đoàn quân ta đã hy sinh tới 300 người, chỉ còn 7 người. Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, quả bộc phá ngàn cân được kích nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên tiêu diệt phần lớn một đại đội dù của quân Pháp. Sau những trận đánh ác liệt, quân dù đã sử dụng đến những viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng. Viên chỉ huy Pugiê bị thương nặng và bị bắt, trước khi trời sáng trận đánh kết thúc. Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1, báo hiệu giờ tàn sắp tới của tập đoàn cứ điểm.

Hố bộc phá có đường kính miệng rộng hơn chục mét sâu hoắm, nằm cạnh những lô cốt kiên cố của quân Pháp còn hiện hữu đến hôm nay như là minh chứng cho sự quả cảm, cũng như nghệ thuật đào hầm đặt bộc phá đầy sáng tạo của quân ta ngày ấy.

Tác giả bên hố bộc phá.

Nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thuộc cánh đồng Mường Thanh, nay thuộc phường Thanh Trường – thành phố Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tên gọi là Sở chỉ huy GoNo, nhưng người dân địa phương gọi là hầm “De Castries”. Đây là căn hầm nằm sâu dưới lòng đất 2 mét và ở vị trí thấp hơn so với các hướng tấn công “có thể” của đối phương. Với diện tích 160m² (20 x 8m), hầm được chia thành 4 ngăn dùng cho cả nơi làm việc và ăn nghỉ. Bao quanh căn hầm là hàng rào kẽm gai có cài xen kẻ các loại mìn và 4 chiếc xe tăng phòng thủ ở 4 hướng, ngoài ra còn có một đường hào có mái che được đắp bằng bao cát và ván gỗ nối liền hầm chỉ huy với lô cốt trên đồi A1. Để tăng thêm tính hiệu quả, nơi đây còn được bảo vệ bằng tất cả các vũ khí và khí tài quân sự hiện đại lúc bấy giờ, được đánh giá là pháo đài mạnh nhất và chưa từng có tại Đông Dương, trở thành niềm tự hào của cả Pháp và Mỹ… Tại đây, vào lúc 17 giờ, ngày 7/5/1954, tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Sau khi đi tham quan các điểm di tích lịch sử, công trình văn hóa ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, đoàn đã đến di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng sau gần một giờ di chuyển bằng ô tô. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên di tích, Sở Chỉ huy đóng trên đất Mường Phăng trong vòng 105 ngày, từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954. Trước đó, địa điểm đầu tiên của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo), từ ngày 17/12/1953 đến 17/1/1954 và địa điểm thứ 2 đặt tại hang Huổi He (nay thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) trong thời gian 13 ngày, từ 18/1 đến 30/1/1954).

Đoàn tham quan Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch.

Mường Phăng được chọn làm nơi cuối cùng đặt Sở Chỉ huy chiến dịch bởi nơi đây là cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, chỉ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 10 km theo đường chim bay. Từ đây đi lên điểm cao nhất, có thể nhìn bao quát được thung lũng Mường Thanh và toàn bộ cứ điểm trước kia của quân Pháp. 

Trong hành trình này, chúng tôi không thể đi hết những địa điểm ghi dấu cuộc chiến cách đây 70 năm. Trước khi chia tay chúng tôi đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (ảnh trên), tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh dưới).

Đại diện đoàn đã đến thăm Tỉnh hội Điện Biên (ảnh dưới), gửi tặng 10 phần quà (500.000đ/phần) cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh.

Hành trình đã thành công tốt đẹp với những ấn tượng sâu sắc của các thành viên trong đoàn.

Nguyễn Thị Như Quyên

Văn phòng Tỉnh hội Quảng Nam