Một thời để nhớ, một thời tự hào

Đăng lúc: 03-07-2019 9:37 Sáng - Đã xem: 126 lượt xem In bài viết

Sau đợt tổng tấn công đầu tiên ngày 22.12.1977 ta đuổi Khơ me Đỏ[i] ra khỏi biên giới, mặc dầu lúc đó còn xen kẽ địch ta, nhưng cấp trên cho đơn vị rút quân về căn cứ tại DonBal để chỉnh huấn, nhường lại chiến trưởng biên giới Tây Ninh cho các đơn vị bạn lên tăng cường và trở về thành phố tham gia chiến dịch “Bài trừ tư sản mại bản”[ii] và chuẩn bị cho lễ duyệt binh mừng ngày 30/4 giải phóng miền Nam.

Khoảng tháng 5/1978, Liên đội Thống Nhất chia đôi, tôi được phân về tỉnh Minh Hải trong đội hình của Tổng đội 2. Xe từ thành phố Hồ Chí Minh đưa chúng tôi tới cầu Giá Rai (thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải ) thì có ghe loại 25 tấn của Ban Kinh tế mới Minh Hải ra rước đưa chúng tôi tới nơi đóng quân ở Ngã Tư Phó Sinh. Suốt trên đường hành quân, kể cả đường bộ hay đường thủy anh chị em TNXP ca hát hò reo vang dậy tạo nên khí thế bừng bừng rực lửa.

Ảnh: Internet

Chúng tôi từ rừng miền Đông Nam Bộ ăn uống chủ yếu lúc đó là khô cá[iii] biển (khô kho, khô nấu canh, khô nướng….) đến nơi này lại là xứ quá nhiều tôm cá, ngày đầu tiên, do chúng tôi dựng cầu trên rạch để thả nổi buồn không ngờ cá bu lại như cá nuôi trong hầm vậy, cá bu lại từng đàn quậy tưng bừng ướt cả bàn tọa, bắt đầu từng nhóm người, kẻ lấy mùng ra kéo, kẻ lấy rổ ra xúc. Ngày đó chúng tôi được một bữa cá tươi ngon ra phết mà anh chị nuôi khỏi phải ra tiền mua thức ăn, sau vài ngày bà con thấy vậy mới kêu mà nói rằng: Mấy chú ra ruộng coi vũng nào đó tát cá lóc, cá trê tha hồ mà ăn chứ cá nầy (cá chúng tôi bắt là cá chốt) ăn làm cái gì. Thế là chúng tôi đi tát, nào ngờ cá lóc, cá trê chỉ có vũng nhỏ thôi mà bắt được hơn thùng thiếc (thùng xách nước tròn 20 lít). Chưa hết chúng tôi thấy chuột trốn ở các khe đất (do bị hạn) nên đất nứt nhất là những nơi bà con đốn lá dừa nước lên phơi để đan lá lợp nhà, chuột nhiều vô số kể, chúng tôi bắt về thế lại là vừa có cá, vừa có thịt bồi dưỡng, được vài ngày chúng tôi xuống ghe đi thẳng tới kinh Dân Quân ở xã Ninh Thạnh Lợi[iv] và xã Chủ Chí[v]. Nhiệm vụ ở đây là đào kinh xổ phèn, khai hoang, làm nhà xây dựng vùng kinh tế mới cho người dân thành phố – đối tượng của cải tạo công thương nghiệp – về làm ăn sinh sống. Ở đây, nước ngọt rất căng thẳng. Mỗi buổi sáng, mỗi C chèo xuồng chở lu ra nhà dân có giếng khoan để đổi nước (thông lệ ở đây, người dân nói là đổi nước chớ không bán nước), mỗi lu nước ngọt mình phải trả chừng 50 xu hay một đồng (lâu quá không nhớ rõ ). Nước ngọt này chỉ dành để nấu ăn và làm nước uống, còn tắm giặt toàn bộ nước kênh. Đến khi mưa xuống thì chuyện ăn uống, tắm giặt thoải mái hơn, nước mưa được trữ lại dồi dào hơn.

Chúng tôi lại chuyển quân kéo hết Liên đội ra đóng quân ở đầu kinh Ba Tu ngay tại cửa sông Bồ Đề ở huyện Ngọc Hiển với nhiệm vụ đốn cây đước về để làm nhà cho các khu kinh tế mới tại Minh Hải. Đến nơi đơn vị phải tiến hành dựng láng trại, công việc dựng lán trại có phần nhanh hơn ở Tây Ninh vì ở Tây Ninh phải cắt tranh, đốn tre chẻ hom đan tranh mới lợp nhà, còn vụn tranh được đạp với đất sình làm vách. Còn ở đây là rừng ngập mặn, chỉ có đa số là cây đước, một số ít là vẹt và mắm, do vậy khung cây làm sườn nhà chọn tùy thích, cột, kèo, rui, mè toàn bộ bằng cây đước, lợp mái bằng lá dừa nước, ở đây dọc hai bên kênh dừa nước mọc san sát mặc sức mà chặt về xé đôi úp vào nhau, cứ thế là kéo lên lợp, lớp gió biển, lớp mái lá dừa còn xanh um làm nhà ở thật là mát. Ở rừng ngập mặn nên vào rừng đốn cây thì đi tới đâu phải đốn cây hạ xuống làm cầu tới đó.

Vào thời điểm đó cái cực nhất là đi đổi nước, cứ 2 lu loại đựng 50 đôi (200 lít) cho xuống chiếc xuồng, từ đó bơi về kênh Bố Hữu cách khoảng 6km mới có nước đổi. Ở cửa biển, những khi trái gió trở trời sóng lưỡi búa giăng đầy mặt sông, bơi xuồng đi ven bờ đôi khi xuồng cũng bị chìm, phải mò lu lên, lắc xuổng cho hết nước rồi quay lại đi đổi nước, chứ không lấy gì nấu nướng. Xứ biển nên cá tép toàn loại ngon, cứ ghe biển về là cá tôm nườm nượp mặc sức mà ăn. Ở khu vực đó, dân thường tập trung ở các đẩu con kênh để làm nghề đáy[vi], mỗi nơi khoãng chừng hai mươi nhà là nhiều. Xuống đóng quân nơi đó bà con rất mừng và thương nên bà con vừa bán mà vừa cho. Nhớ nhất là những buổi tối nồi cháo cá khoai thơm lừng với những đêm sinh hoạt vừa hát vừa đập muỗi. Muỗi đủ loại nhưng sợ nhất là bù mắt, con có chút xíu thôi nhưng nó cắn là ngứa gảy hoài tróc da vẫn ngứa. Do vậy dù ngày hay đêm lúc nào, tiểu đội nào cũng có mẻ un khói để xua đi bù mắt và muỗi, kể cả khi đi vào rừng cũng vậy.

   Thế đấy, Minh Hải một thời để nhớ, một thời tự hào của tuổi trẻ trong màu áo xanh TNXP của Liên đội Thống Nhất quận Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh thởi bấy giờ, tôi sẽ kể nhiều chuyện hơn nữa khi có dịp nhất là đi bắn khỉ, mò cua, bắt rắn, bẩy heo rừng, bẩy chồn và nhất là đi cùng dân địa phương ra biển đóng đáy khi tôi ở lại rừng làm nhiệm vụ trong lúc đồng đội lại chuyển quân làm nhiệm vụ mới.

                     Viết ngày 29 tháng 06 năm 2019

                               Lưu Hồng Trí

                Trưởng ban Liên lạc quận Cái Răng, TP Cần Thơ

 

 

[i] Khmer Đỏ (ខ្មែរក្រហម) (tiếng Pháp: Khmer Rouge), tên chính thức là Đảng Campuchia Dân chủ, là một tổ chức chính trị cầm quyền tại Campuchia từ 1975 đến 1979. Tổ chức này còn được biết với các tên Đảng Cộng sản Khmer, Quân đội Nhân dân Campuchia Dân chủ. Ban đầu Khmer Đỏ tuyên bố đi theo chủ nghĩa Cộng sản, thế nhưng sau những mâu thuẫn nội bộ và việc thủ lĩnh đảng là Pol Pot tiêu diệt những đảng viên phản đối tư tưởng cực đoan của ông ta, Khmer Đỏ đã dần trở thành một tổ chức theo chủ nghĩa Sô vanh và tư tưởng bài ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam thì cho rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là tấm bình phong để Pol Pot thực hiện các kế hoạch cực đoan của ông ta. Tới năm 1981, Khmer Đỏ chính thức tuyên bố họ không đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia chấm dứt khi Việt Nam cho đưa quân sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer đỏ của Pol Pot vào năm 1979 và lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia với Hun Sen lên làm thủ tướng. Chế độ Khmer Đỏ nay được biết đến vì đã giết chết khoảng 2 triệu người (từ một dân số 7,1 triệu) bằng các biện pháp tử hình bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức. Nó được nhiều học giả xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong thế kỷ XX] – thường được so sánh với chế độ của Adolf Hitler. Nếu tính theo tỷ lệ người bị giết so sánh với dân số, có thể nó là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ XX. (https://vi.wikipedia.org/wiki/Khmer_%C4%90%E1%BB%8F)

[ii] Cải tạo kinh tế là một chính sách được thực thi tại các tỉnh phía Bắc sau 1954 và tại các tỉnh phía Nam mà chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30/4/1975 với mục tiêu “xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ giai cấp tư sản”. Khi được áp dụng trong lĩnh vực công thương nghiệp, chính sách này mang tên cải tạo công thương nghiệp hay cải tạo công thương nghiệp tư doanh hay cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

[iii] Khô cá là cá đem phơi khô để giữ lâu ngày dùng làm thức ăn mà không cần tủ đá. Phương thức phơi khô là một cách giữ thực phẩm cổ nhất của nhân loại. Khô cá có thể để hằng năm mà không bị hư. Cách thức phơi khô khá thô sơ nhưng hữu hiệu, thường được ngư dân áp dụng để giữ các mẻ cá đánh về nếu không tiêu thụ kịp.

[iv] Ninh Thạnh Lợi là một xã thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu,

[v] HIện thuộc Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

[vi] Nghề đóng đáy được chia làm ba hình thức: đáy hàng cặm (hay còn gọi là hàng cạn), đáy hàng bè và đáy hàng khơi. Đáy hàng cặm được đóng ở những chỗ có mức nước sâu từ 15m đến 16m, người ta đặt những cây kè từ 17 – 18 mét xuống lòng sông, cố định một chỗ xếp hàng từ 2 – 10 miệng đáy ngang mặt sông để thả và kéo những luồng tôm cá theo con nước chảy xiết chui vào bên trong miệng đáy.