MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM

Đăng lúc: 10-08-2017 10:05 Sáng - Đã xem: 351 lượt xem In bài viết

 

          Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam ra đời từ nguyện vọng chính đáng và nhu cầu thiết thực của đại đa số cựu Thanh niên xung phong (TNXP) và những người có tình cảm, trách nhiệm gắn bó với sự nghiệp cách mạng cao cả.

     Hội được thành lập ngày 19/12/2004. Những vấn đề về tổ chức và hoạt động của Hội cần được nghiên cứu, bổ sung, phát triển đầy đủ hơn. Trong phạm vi bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu Lịch sử, truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam; tìm hiểu về tổ chức Hội Cựu TNXP Việt Nam.

 

        I. MỘT SỐ NÉT VỀ LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG TNXP VIỆT NAM VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. (Nguồn: TTXVN)

          1. Một số nét về lịch sử và truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam

          Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt, với tầm nhìn chiến lược đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giao cho Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức thành lập lực lượng TNXP. Ngày 15/7/1950 Đoàn TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm 225 cán bộ đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn làm Đội trưởng đã khai sinh ra các tổ chức thanh niên xung phong sau này.

          Ngày 20/3/1951 Bác Hồ đã đến thăm Liên phân đội TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại Cầu Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, tại đây Bác đã nói chuyện và tặng 4 câu thơ : Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. (Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội – 2007. T4. Tr31)

           Bốn câu thơ đó là lời giáo huấn là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và cho các thế hệ trẻ Việt Nam.

          Bước vào Đông Xuân 1953 – 1954, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới, cùng với quá trình chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã chỉ đạo việc củng cố và phát triển các lực lượng TNXP. Người chỉ rõ: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển các đội TNXP để đảm bảo công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”.

          Thực hiện chủ trương đó, Đoàn TNXP Trung ương được thành lập mang mật danh “XP” do đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác phụ trách. Tính từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1954 lực lượng TNXP đã phát triển nhanh trên 25.000 đội viên; được giao đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng yếu: Phục vụ và bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương (ATK); tham gia làm các tuyến đường huyết mạch, phá bom nổ chậm, vận chuyển vũ khí lương thực, bảo đảm giao thông ở các trọng điểm ác liệt…,trực tiếp phục vụ các chiến dịch, chỉ riêng chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 15.000 TNXP ngày đêm sát cánh cùng bộ đội tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; ở liên khu 5 trên 4.000 TNXP phục vụ chiến dịch bắc Tây Nguyên, những chiến công của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

          Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một bộ phận TNXP được giao nhiệm vụ làm đường chiến lược Lai Châu – Biên giới Việt Trung, sửa chữa đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, tham gia xây dựng Nhà máy chè Phú Thọ, Nhà máy cơ khí Trung quy mô, vv…

          Sau hòa bình lập lại, phát huy truyền thống TNXP trong kháng chiến, Đảng, Chính phủ và Bắc Hồ chủ trương giao cho Trung ương Đoàn tiếp tục thành lập các đội TNXP gắn với việc nhận công trình thanh niên. Đoàn đã huy động 3 vạn nam nữ thanh niên tham gia các đội TNXP khôi phục đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Thanh Hóa – Vinh và làm đường 12B Hòa Bình.

          Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, mà chủ yếu đánh phá hệ thống giao thông vận tải (GTVT), Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Bác Hồ lại chủ trương thành lập tổ chức TNXP chống Mỹ, cứu nước với số lượng lớn. Từ năm 1965 đến 1975, ở miền Bắc đã có 16 vạn cán bộ, đội viên nam nữ TNXP. Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước miền Bắc đã dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần to lớn và sự nghiệp đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên mặt trận GTVT.

          Ở miền Nam, cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một số tỉnh thuộc Liên khu 5, ở chiến trường B2 và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đều thành lập các đội TNXP giải phóng miền Nam. Các đơn vị TNXP được phân công bám sát các quân khu, các sư đoàn quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Họ vừa vận tải lương thực, súng đạn, cáng tải thương binh, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu với quân địch. Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam phục vụ chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

          Sau năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập 2 Tổng đội TNXP đi khai hoang, xây dựng nông trường sản xuất hoặc làm thủy lợi.

          Trong công cuộc hoà bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các tỉnh thành trong cả nước đã thành lập 100 đơn vị TNXP để xây dựng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho đất nước. Họ đang có mặt trên khắp mọi miền của đất nước, đảm nhận bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần, lên rừng, xuống biển, ra hải đảo xa xôi. Công việc của họ là lao động sản xuất, kinh doanh, khai hoang, trồng rừng, nuôi trồng hải sản, mở trường giáo dục, cải tạo thanh niên mắc tệ nạn xã hội. Với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu.

          Hơn nửa thế kỷ, tổ chức TNXP tập trung đã liên tục có mặt trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Với số lượng trên 50 vạn đội viên, họ thực sự là đội quân xung kích cách mạng. Từ thực tế chiến đấu và lao động, học tập, TNXP đã xứng đáng với vai trò của mình là mũi nhọn xung kích của phong trào thanh niên. Tổ chức TNXP Việt Nam là một trong những sáng tạo của cách mạng Việt Nam.

          Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đánh giá cao vai trò và rất tự hào về những cống hiến thật sự xuất sắc của TNXP.

          Lực lượng TNXP Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu vẻ vang: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

          Nhiều tập thể và cá nhân đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, một số cá nhân được truy tặng danh hiệu anh hùng.

          Bác Hồ kính yêu – Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện TNXP. Sinh thời, nhiều lần Bác trực tiếp nói chuyện, viết thư, viết báo và 2 lần nhắc đến TNXP trong bản Di chúc thiêng liêng. Nội dung các bức thư, bài báo của Bác đều chỉ dẫn cụ thể về công tác TNXP. Bác chỉ rõ Đội TNXP không chỉ là đội quân xung kích cách mạng, mà còn là trường học lớn và tốt. Ở trường học đó, “Chiến sĩ và cán bộ được rèn luyện những tính tốt như: Quyết tâm, gan dạ, kiến quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Được bồi dưỡng tính tổ chức, tính kỷ luật. Do quần chúng thẳng thắn phê bình mà cán bộ tẩy rửa được tính xấu như quan liêu, mệnh lệnh, tham ô lãng phí…Ở trường học ấy miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ.

          Những trường học ấy vừa huấn luyện, vừa thử thách cán bộ. Nếu ai không chịu nổi thử thách trước sự kiểm tra nghiêm khắc và công bằng của quần chúng thì người ấy chỉ có thể tự trách mình. Nếu thắng lợi trong cuộc thử thách, thì chắc chắn thành người cán bộ tốt, cần cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.

          Thực hiện lời Bác Hồ dạy lực lượng TNXP Việt Nam đã không ngừng phát triển cống hiến và trưởng thành, đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang.

          – Đó là truyền thống yêu nước, xung phong vượt khó khăn, không ngại gian khổ hy sinh, dũng cảm mưu trí, sáng tạo sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cách mạng giao phó trong bất cứ tình huống nào.

          – Đó là truyền thống đoàn kết hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí, đồng bào, sống lạc quan yêu đời, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và tương lai tươi sáng của dân tộc.

          – Đó là truyền thống cần cù, học tập, nỗ lực tu dưỡng rèn luyện trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu để trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt phục vụ công cuộc kiến quốc xây dựng CNXH.

          Lịch sử xây dựng cống hiến và trưởng thành của lực lượng TNXP Việt Nam đã xây dựng nên phẩm chất TNXP sáng ngời cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, là một trong những biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng và của Bác Hồ vĩ đại là những trang sử hào hùng của lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam.

          2. Sự ra đời của Hội Cựu TNXP Việt Nam

          Lực lượng TNXP ra đời trong kháng chiến làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu do quân đội và ngành giao thông vận tải trực tiếp giao nhiệm vụ, còn về danh nghĩa tổ chức và lãnh đạo chính trị thì Đảng giao cho Đoàn thanh niên phụ trách. Do đó từ khi thành lập và hoàn thành nhiệm vụ không được một cơ quan chức năng nào của Nhà nước quản lý. Sau đại thắng mùa xuân 1975, Tổ quốc thống nhất, các đơn vị TNXP ra đời trong 2 cuộc kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và giải thể, nhiều vấn đề về khen thưởng, về chế độ chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, là TNXP còn tồn đọng kéo dài chậm được giải quyết. Sau những năm 1990, Đảng và Nhà nước có chủ trương tổng kết khen thưởng, và giải quyết những tồn đọng về chế độ chính sách đối với những người tham gia kháng chiến, đối với TNXP phục vụ bảo vệ biên giới và xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

          Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các Cựu TNXP, một số cán bộ TNXP tâm huyết đã cùng nhau thành lập các Ban liên lạc, Ban đại diện cựu TNXP các đơn vị, ở một số ngành, ở một số địa phương…tiến hành các hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ nhau vượt lên hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, đói nghèo, vừa làm nhân chứng lịch sử giúp chính quyền giải quyết chế độ chính sách đối với TNXP như Ban liên lạc cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa – địa phương đầu tiên thành lập Ban liên lạc Cựu TNXP vào năm 1992; Ban liên lạc Cựu TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Đội TNXP 34 – 40); Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn và Cựu TNXP ngành giao thông vận tải; Ban liên lạc Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam.v.v…rồi lần lượt ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước thành lập Ban liên lạc, tập hợp hàng chục vạn cựu TNXP tham gia sinh hoạt, động viên thi đua sản xuất kinh doanh, trao đổi giao lưu thực hiện biện pháp xóa đói giảm nghèo vì nghĩa tình đồng đội. Đồng thời đề xuất kiến nghị về chế độ chính sách đối với những người có công với nước.

          Sự kiện đặc biệt đầu tiên là nhân kỷ niệm 20 năm ngày Giải phóng miền Nam, trong thông báo số 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về các hoạt động kỷ niệm có một nội dung quan trọng là tổ chức cuộc họp mặt toàn quốc với đại biểu tiêu biểu của các thế hệ TNXP Việt Nam. Ngày 20/4/1995, 500 đại biểu của các thế hệ TNXP trong cả nước đã họp mặt tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tại cuộc họp này Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong bài phát biểu của mình đã ca ngợi đánh giá cao vai trò lịch sử, cống hiến xuất sắc, hy sinh to lớn của các thế hệ TNXP Việt Nam , cũng tại cuộc họp này Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã quyết định tặng mỗi cán bộ đội viên TNXP một kỷ niệm chương TNXP.

          Ngày 30/6/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 382/TTg lấy ngày 15/7 hàng năm là Ngày truyền thống của Lực lượng TNXP Việt Nam.

          Để có đủ thành viên tiêu biểu đại diện cho các thế hệ TNXP cả nước ngày 23/7/1996 Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương được thành lập. Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh và nhất trí bản báo cáo về tình hình cũng như những kiến nghị của Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương.

          Bốn ngày sau cuộc họp này, ngày 14/6/1997 Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo 64 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương, gửi tới các cơ quan, các ngành Trung ương các địa phương, các cơ quan Thông tấn báo chí. Sau thông báo đó, Chính phủ đã cấp kinh phí cho Trung ương Đoàn làm kỷ niệm chương TNXP.

          Ngày 11/11/1997 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng TNXP” Việt Nam.

          Ngày 14/4/1999 Thủ tướng ban hành Thông tư 104 về một số chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

          Ngày 22/4/1999 Ban Tổ chức Chính phủ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Thông tư liên tịch 01 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương.

          Những hoạt động có hiệu quả của Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương của ngành giao thông vận tải, của các địa phương, của các đơn vị đã được các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao, được các cấp bộ Đoàn Thanh niên giúp đỡ, hỗ trợ. Tuy nhiên với tư cách là một Ban liên lạc thì chưa tương xứng với lịch sử truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP và vai trò nhiệm vụ mà nó đảm nhiệm.

          Thực tế đó đòi hỏi phải có một tổ chức Hội, có cơ chế thích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, đáp ứng chủ trương mở rộng Mặt trận bằng các hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng sự mong đợi của các thế hệ Cựu TNXP Việt Nam nên vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/2004) Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Hội Cựu TNXP. Đề án đó đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận, Ban vận động thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam đã khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt và ngày 21/9/2004 Bộ Nội vụ đã ký quyết định số 64 cho phép thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam.

          Thực hiện quyết định đó, ngày 19/12/2004 đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam ra đời là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng TNXP, là mốc son trong lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam và là niềm vinh dự tự hảo của thể hệ trẻ Việt Nam.

          II. HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM LÀ MỘT TỔ CHỨC XÃ HỘI CÓ TÍNH ĐẶC THÙ

  1. a) Hội Cựu TNXP Việt Nam là một tổ chức xã hội có tính đặc thù tập hợp cán bộ, đội viên TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn (1976 – 1979), tiến hành các hoạt động nghĩa đồng đội, hỗ trợ giúp nhau trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

– Hội Cựu TNXP Việt Nam kế tục và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng TNXP được Đảng, Bác Hồ trực tiếp sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

– Hội đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cán bộ, hội viên, làm nhân chứng lịch sử giúp chính quyền giải quyết các tồn đọng về chính sách đối với Cựu TNXP.

Hội Cựu TNXP Việt Nam ra đời vừa đáp ứng nguyện vọng tha thiết của hàng vạn cán bộ, hội viên cựu TNXP trong cả nước, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ và cùng với Đoàn Thanh niên giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP cho thế hệ trẻ.

Những kết quả hoạt động của Hội đã góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hội Cựu TNXP có khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính, phục vụ cho hoạt động của Hội, nhiều hội viên cuộc sống khó khăn, thiệt thòi nên cần được nhà nước quan tâm giúp đỡ các điều kiện hoạt động, các hoạt động của Hội đều gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước nên đã được Chính phủ, các cấp chính quyền ở địa phương hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện hoạt động trước khi có nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010.

Như vậy, Hội Cựu TNXP có đủ cơ sở để xác định là Hội có tính chất đặc thù theo Điều 1 Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010

 

III. VỊ TRÍ VAI TRÒ CỦA HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM

          Hội Cựu TNXP Việt Nam là thành viên của MTTQ Việt Nam, là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam. Hội Cựu TNXP Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tập hợp đoàn kết các thế hệ Cựu TNXP kế tục và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Hội là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Cựu TNXP là nhân chứng lịch sử giúp Đảng và Nhà nước giải quyết các chế độ chính sách tồn đọng đối với các Cựu TNXP.

 Vi trí và vai trò của Hội Cựu TNXP Việt Nam không phải do Hội Cựu TNXP khẳng định mà do chính nhân dân, chính lịch sử thừa nhận. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của các lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và bảo vệ Tổ quốc.

 Vai trò của Hội Cựu TNXP đối với hệ thống chính trị và đời sống xã hội có được thể hiện và phát huy hay không còn phụ thuộc và nhiều yếu tố, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, sự quản lý điều hành và tạo điều kiện của Nhà nước, sự phối hợp giữa các thành viên trong mặt trận và sự nỗ lực phấn đấu của tổ chức Hội ở mỗi cấp trong việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động, các nhiệm vụ công tác do Hội đề ra, góp phần thiết thực giữ vững sự ổn định chính trị – xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa phương cơ sở.

IV. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM

Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, dân chủ, hiệp thương, đồng thuận, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mỗi tổ chức đều có nguyên tắc tổ chức và hoạt động phù hợp với vai trò tính chất và nhiệm vụ của nó. Mỗi Cựu TNXP gia nhập tổ chức Hội và tham gia các hoạt động của Hội trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, không có sự bắt buộc hay áp đặt.

Trong sinh hoạt và hoạt động của Ban chấp hành Hội các cấp, cũng như tổ chức Hội ở cơ sở, mỗi cán bộ, hội viên đều tự nguyện, tự giác thực hiện các nhiệm vụ do tổ chức Hội đề ra và được tự do trình bày ý kiến của mình, cùng trao đổi bàn bạc, nếu có những ý kiến khác nhau trên từng vấn đề cụ thể thì cùng nhau tiến hành thảo luận, làm sáng tỏ lẽ phải với thái độ chân thành, tôn trọng lẫn nhau vì nghĩa tình đồng đội. Mục tiêu của hiệp thương dân chủ là đi tới sự đồng thuận trong tổ chức và hoạt động của Hội, không lấy đa số buộc thiểu số phải chấp nhận.

V. MỐI QUAN HỆ GIỮA HỘI CỰU TNXP VỚI CÁC THÀNH VIÊN TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong hệ thống chính trị là mối quan hệ hữu cơ tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung gắn bó với nhau vì lợi ích của dân của nước đó là “Dân giàu nước mạnh dẫn chủ công bằng văn minh”.

1. Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Đảng lãnh đạo Hội Cựu TNXP, tôn trọng tính độc lập về tổ chức và khuyến khích mọi hoạt động sáng tạo của Hội vì lợi ích của dân của nước và của hội viên…Nhà nước cho phép thành lập Hội, phê duyệt Điều lệ Hội, quản lý tổ chức và các hoạt động của Hội, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước.

Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương chính sách đối với lực lượng TNXP tại ngũ, TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ và đối với Hội Cựu TNXP. Hội Cựu TNXP Việt Nam hoạt động theo pháp luật của Nước cộng hòa XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Hội Cựu TNXP vận động hội viên thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Cựu TNXP và đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với TNXP.

2. Mối quan hệ giữa Hội Cựu TNXP với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hội Cựu TNXP Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu TNXP các cấp ở địa phương là thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Chủ tịch Hội Cựu TNXP các cấp là Ủy viên Ủy ban MTTQ cùng cấp. Mặt trận tôn trọng tính độc lập về tổ chức của Hội Cựu TNXP.

Hội Cựu TNXP ở mỗi cấp cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với Ủy ban MTTQ cùng cấp tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận trong từng thời gian, phản ánh tâm tư nguyện vọng và vận động hội viên thực hiện các phong trào và các cuộc vận động do Mặt trận phát động.

3. Mối quan hệ giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu TNXP Việt Nam

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu TNXP Việt Nam đều là thành viên của MTTQ Việt Nam mối quan hệ giữa Đoàn và Hội là quan hệ hợp tác bình đẳng, đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện các chương trình phối hợp thống nhất hành động do MTTQ đề ra, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Đây là mối quan hệ đặc biệt, gắn bó mật thiết với nhau. Đảng, Bác Hồ giao cho Đoàn Thanh niên tổ chức xây dựng lực lượng TNXP, theo dõi quá trình phát triển lực lượng TNXP. Ở Trung ương Đoàn và một số tỉnh thành đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo TNXP. Các cấp bộ Đoàn đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình tổ chức Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP ở từng cấp, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện để Hội Cựu TNXP có phòng làm việc và ở nhiều địa phương đã cử cán bộ đoàn tham gia BCH Hội Cựu TNXP. BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng kỷ niệm chương TNXP cho mỗi TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Hội Cựu TNXP phối hợp với Đoàn Thanh niên giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng TNXP cho thế hệ trẻ.

4. Mối quan hệ giữa tổ chức Hội Cựu TNXP các cấp

Điều kệ của Hội Cựu TNXP Việt Nam do Bộ Nội vụ phê duyệt quy định tổ chức Hội được thành lập ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã nhưng không phải là theo hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở mà tổ chức Hội các cấp ở địa phương do UBND tỉnh cho phép thành lập và tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí hoạt động. Mối quan hệ công tác giữa tổ chức Hội các cấp là tự nguyện, dân chủ, đồng thuận. Từ ngày thành lập Hội đến nay, Trung ương Hội luôn xác định quyền hạn nhiệm vụ của mình đối với các tổ chức Hội địa phương là gợi ý định hướng, hướng dẫn và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về mặt tổ chức, hoạt động để tổ chức Hội ở địa phương phát huy tính chủ động và sáng tạo trong công việc. Trung ương Hội tôn trọng các quyết định của địa phương.

TNXP là lực lượng thống nhất trong cả nước, có lịch sử và truyền thống anh hùng và ngày nay Hội ở các cấp đều có chung tôn chỉ mục đích nhiệm vụ. Nhiệm vụ đó chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự liên kết phối hợp giữa tổ chức Hội các cấp. Mặt khác BCH Hội mỗi cấp đều cấu tạo Chủ tịch Hội cấp dưới kế tiếp. Trung ương Hội là người đại diện cho Cựu TNXP cả nước, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Cựu TNXP với Đảng và Nhà nước và cùng với các Bộ ngành liên quan bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết chế độ chính sách tồn đọng đối với TNXP.

Từ khi thành lập đến nay tổ chức Hội các địa phương đã yêu cầu và tự nguyện chấp nhận sự lãnh đạo và hướng dẫn của Trung ương Hội. Các chủ trương, chương trình công tác do Ban chấp hành và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đề ra đều được tổ chức Hội các địa phương hưởng ứng thực hiện.

Mối quan hệ giữa tỉnh, thành Hội với Hội cấp huyện và xã đã hình thành hệ thống tổ chức theo 3 cấp. Trên thực tế tổ chức Hội Cựu TNXP từ Trung ương đến cơ sở đã hình thành như một tổ chức theo hệ thống 4 cấp. Hội Cựu TNXP Việt Nam đã trở thành tên chung cho tổ chức Hội ở các cấp. Mối quan hệ giữa các cấp Hội Cựu TNXP từ Trung ương đến cơ sở đã được các cấp chính quyền ủng hộ, chấp nhận tuy chưa ghi chính thức vào văn bản.

VI. NHIỆM VỤ CỦA HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM

Điều 7 Điều lệ Hội Cựu TNXP Việt Nam quy định Hội Cựu TNXP Việt Nam có các nhiệm vụ:

  1. Động viên, giúp đỡ hội viên phấn đấu vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn để có cuộc sống khỏe, sống vui, sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
  2. Vận động cựu TNXP tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quy định của pháp luật.
  3. Đại diện và đề xuất, kiến nghị và tham gia với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định của pháp luật.
  4. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với TNXP và nhân dân; hướng dẫn hội viên thực hiện tốt pháp luật, các chế độ, chính sách có liên quan đến cựu TNXP và tổ chức, hoạt động của Hội.
  5. Tổ chức, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Hội đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.
  6. Hòa giải, tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội thaaeo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
  7. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồng kinh phí, tài sản của Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
  8. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Từ những nhiệm vụ chung của TNXP Việt Nam nêu trên, BCH Hội Cựu TNXP từng cấp căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ và tình hình cụ thể của mỗi địa phương đề ra các nhiệm vụ cho Hội Cựu TNXP cấp mình trong mỗi kỳ Đại hội hay chương trình công tác của Hội hàng năm một cách thích hợp và có tính khả thi. Năm 2017 là Năm “Vì nghĩa tình đồng đội”, tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cựu TNXP nên gương sáng học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với 5 nội dung chương trình do Đại hội III của Hội Cựu TNXP Việt Nam đề ra, chúng ta cần quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung mà Hội Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 Hội đã thống nhất quyết nghị.

Trong những năm tới chúng ta cần đẩy mạnh phát triển hội viên, mở rộng tổ chức và hoạt động của Hội Cựu TNXP với tinh thần ở đâu có Cựu TNXP thì ở đó có tổ chức Hội (hoặc Ban liên lạc); ở đâu có tổ chức Hội thì ở đó có các hoạt động Vì nghĩa tình đồng đội. Động viên nhau thi đua sản suất kinh doanh, giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia công tác xã hội, tiếp tục thực hiện tốt vai trò nhân chứng lịch sử giúp chính quyền tiếp thu giải quyết các chế độ chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Vũ Trọng Kim