Mùa thu năm ấy…

Đăng lúc: 10-10-2023 6:57 Chiều - Đã xem: 291 lượt xem In bài viết

Những ngày mùa thu lịch sử năm 1954, người Hà Nội náo nức chào đón đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường, đánh dấu ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng.

Trong đoàn quân tiến về Hà Nội, có hàng trăm học sinh các trường trung học kháng chiến, tham gia vào Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. Thấm thoát đã 69 năm trôi qua từ mùa Thu năm ấy, lớp thanh niên năm xưa, giờ đây người còn, người mất…

Những ngày này của 69 năm trước

Mùa thu này, những chàng trai, cô gái trong “Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô” năm xưa đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm. Tất cả ký ức về những ngày làm công tác tiếp quản được gói trọn trong những bức ảnh kỷ niệm và những tiếng nói cười của buổi gặp mặt…

Ông Nguyễn Văn Khang.

Sắp bước vào tuổi 90 nhưng ông Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1935) còn khỏe khoắn, tinh anh.

Nhớ lại ký ức của những ngày tham gia Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, ông không giấu được niềm tự hào. Ông bồi hồi nhớ lại: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đã thành lập “Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô” với hơn 300 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam làm đội trưởng. Yêu cầu đội viên phải là các học sinh sắp tốt nghiệp tú tài, có trình độ văn hóa, có khả năng làm công tác vận động quần chúng, đang học ở các trường trung học kháng chiến ở Việt Bắc, như Hùng Vương, Tân Trào, Lương Ngọc Quyến, Ngô Sĩ Liên, Huỳnh Thúc Kháng… Đội được thành lập vào tháng 7-1954 tại đình làng Sòng, nay thuộc xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”.

Khi ấy, bà Đặng Thị Ngữ (sinh năm 1936) mới 18 tuổi. Cô gái có vóc dáng nhỏ bé đã rất vui và tự hào khi vinh dự được Trung ương Đoàn lựa chọn và tiếp nhận vào đội. “Tôi là học sinh của trường Tân Trào (Tuyên Quang). Chúng tôi lội suối, xuyên đèo không biết mệt để đến Thái Nguyên tập kết. Sau đó bước ngay vào học tập chính trị, các điều lệnh, chính sách tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của đội. Ban Chỉ huy trang bị cho chúng tôi đầy đủ như một tuyên truyền viên. Chúng tôi được phát váy kaki, áo phin cổ lá sen, giày bata, mũ bata, ai nấy mặc vào trông cũng rất đẹp, vui lắm…”, bà Ngữ kể lại với ánh mắt sáng ngời.

Câu chuyện về những tháng ngày đầy sôi nổi, hào hùng được các cụ ông, cụ bà lần giở lại. Tuổi tác và thời gian không làm mất đi ở họ tinh thần và nụ cười như những ngày tháng 10-1954.

Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. Ảnh NVCC

Hơn 300 đội viên thanh niên tham gia đội khi đó được chia thành 17 phân đội, vinh dự vào Hà Nội sớm từ ngày 6-10 để chuẩn bị các công tác tiếp quản Thủ đô. Là học sinh Trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), bà Lê Thị Kim Nhung (sinh năm 1935) được xếp vào phân đội 13.

“Nhiệm vụ của các đội viên là tiếp cận để tuyên truyền, giải đáp khúc mắc cho nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước; dọn dẹp, trang hoàng đường phố… Nhiệm vụ nữa là hỗ trợ quân đội tiếp quản những cơ sở được bàn giao lại; tuyên truyền, vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô…”, bà Nhung chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Xương.

Do có khả năng nói tốt tiếng Pháp, ông Nguyễn Khắc Xương (sinh năm 1933) được Trung ương Đoàn tuyển chọn vào đội. “Có khoảng 30-40 anh em trong đội nói được tiếng Pháp. Tôi đi cùng bộ đội và sĩ quan Pháp đến một số đơn vị, trại lính, tư gia để nhận bàn giao. Trước đó, chúng tôi đã được ông Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội hướng dẫn tất cả những nghi thức giao tiếp, cách làm việc với người Pháp… để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất”, ông Nguyễn Khắc Xương kể lại.

Đêm 9-10-1954, Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô mỗi người một việc, tất cả đều tất bật, náo nức chuẩn bị cho ngày trọng đại. Sáng 10-10, các phân đội tỏa về các khu phố, hướng dẫn nhân dân đón chào bộ đội từ 5 cửa ô tiến vào. Hòa cùng nhân dân, thanh thiếu nhi Thủ đô tay trong tay, cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu tưng bừng đón chào đoàn quân trở về sau 9 năm kháng chiến… Đội viên nào cũng lâng lâng, cảm xúc trào dâng. Không khí hào hùng và vui tươi lan tỏa, nhưng ít ai biết rằng để làm tròn trọng trách này, các đội viên thanh niên xung phong đã ngày đêm lăn lộn với phong trào, động viên giúp đỡ từng hoàn cảnh, đồng thời luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong công tác, sinh hoạt…

Treo cờ, khẩu hiệu đón chờ đoàn quân giải phóng. Ảnh tư liệu

Đội viên Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô cùng bộ đội tiến vào Hà Nội. Ảnh NVCC

Những kỷ niệm không phai mờ

Sau ngày đón đại quân ta vào giải phóng Thủ đô, các phân đội lại tỏa về các khu phố để xây dựng phong trào: Khi thì phổ biến chính sách của Đảng, Chính phủ; xóa khẩu hiệu cũ, kẻ khẩu hiệu mới trên đường phố; khi thì vận động thanh, thiếu niên và nhân dân hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như vệ sinh khu phố… Một bộ phận của đội tiếp tục tiếp quản thành phố Hải Dương, Hải Phòng.

Là đội viên có nhiệm vụ làm công tác giáo vận, chống cưỡng ép di cư, ông Nguyễn Đình Thọ (sinh năm 1932) kể: “Lúc này, Đội thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ cùng một số đơn vị khác ngăn chặn làn sóng di cư. Chúng tôi gần gũi với bà con, tâm sự khuyên nhủ, giải thích để người dân hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước, tin tưởng Chính phủ, ở lại xây dựng quê hương”. Sau đó, ông Nguyễn Đình Thọ còn được cử xuống công tác tại khu vực bến phà Đen để tăng cường phối hợp với đồn Công an Lò Đúc nắm bắt tình hình, ngăn chặn kịp thời các vụ phá hoại, gây rối, giữ gìn trật tự an ninh, bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân sau ngày tiếp quản.

Ông Nguyễn Khắc Xương và bà Đặng Thị Ngữ vui mừng gặp mặt.

Cùng lật lại xem những bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, vừa ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, các cụ ông, cụ bà dù đều đã xấp xỉ 90 tuổi như trở lại thủa đôi mươi. “Ban ngày đi tuyên truyền vận động, tối đến chúng tôi lại cùng thanh niên khu phố tập văn nghệ, tổ chức sinh hoạt Đoàn… Tôi còn nhớ, một trong số thanh niên ngày đó, có một anh, cả gia đình đi nước ngoài hết mà anh vẫn ở lại Hà Nội với cách mạng. Sau nhiều năm trôi qua, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau khi cả hai đã lên ông, lên bà. Hai chúng tôi nhận ra nhau, vui sướng, nắm tay hỏi thăm gia đình và anh còn nói: “Bà vận động giỏi quá nên tôi không theo gia đình đi Pháp đấy!”. Tôi thầm cảm ơn họ đã yêu quý cách mạng, quê hương. Họ đã trưởng thành trong cách mạng và là những người thành đạt”, bà Đặng Thị Ngữ bồi hồi nhớ lại.

Sau khi về tiếp quản khoảng gần một tháng, bà Nhung được giao nhiệm vụ tham gia buổi tiếp khách tại Nhà hát Lớn thành phố và viết giấy mời khách.

Bà Lê Thị Kim Nhung.

Bà Lê Thị Kim Nhung chậm rãi kể: “Tôi nhìn danh sách khách mời, toàn lãnh đạo cấp cao, trong đó có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Trần Danh Tuyên, Trần Duy Hưng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… Và trời ơi, có cả Bác Hồ nữa! Tôi đinh ninh thế nào cũng được gặp Bác, song Bác không đến dự buổi lễ đó, chỉ có đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ tiếp khách. Kết thúc buổi tiếp, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tới động viên nhóm. Tuy không được gặp Bác Hồ nhưng chúng tôi cũng thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Tiếp quản Hà Nội xong, ông Nguyễn Đình Thọ được điều động đi tiếp quản Hải Dương. Vào tháng 8 năm 1955, ông được cử sang Hungary học ngành điện và ông đã may mắn được gặp Bác Hồ. Ông Thọ xúc động kể: “Năm 1957, Bác Hồ đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa. Lúc bấy giờ, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên lao động, Phó đoàn sinh viên Việt Nam và được cử làm phiên dịch cho Bác. Được gặp Bác, chúng tôi vui lắm. Bác nắm tay tôi, ân cần hỏi han và dặn dò: “Cháu cố gắng học tập tốt để về phục vụ đất nước”. Bức ảnh tôi được chụp ảnh cùng Bác, giờ vẫn được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh”. Kỷ niệm về lần gặp Bác đã in dấu trong lòng ông Thọ suốt những năm tháng của cuộc đời.

Năm 1955, Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô giải thể, các đội viên được chia ra nhận những nhiệm vụ tại Trung ương Đoàn, Thành đoàn và các quận, huyện đoàn; nhiều đội viên hăng hái tiếp tục xung phong đi xây dựng đường sắt Hà Nội, Lào Cai; người chuyển về làm việc tại bộ, ngành; một số được cử đi học ở nước ngoài… Hầu hết đội viên tiếp quản Thủ đô sau này đều trở thành cán bộ nòng cốt của thành phố

– Ông Nguyễn Văn Khang –

 

Đội viên Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô chụp ảnh cùng Đội trưởng Vương Bích Vượng. Ảnh tư liệu

Truyền lửa cho thế hệ hôm nay

Năm nay đã bước qua tuổi 90, ông Nguyễn Đình Thọ tự hào mình đã được 62 năm tuổi Đảng. Sau khi học ở Hungary về, năm 1961, ông Thọ công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1975, ông được điều chuyển sang công tác ở Tổng cục Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải). Đến năm 1991, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác dân phố ở phường Bưởi (quận Tây Hồ).

Lời dạy của Bác luôn trong trái tim tôi. Tôi luôn tuân thủ sự điều động của Đảng, cống hiến hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi cũng mong muốn lớp trẻ và các cháu thiếu nhi sau này luôn học tập tấm gương của Bác

– Ông Nguyễn Đình Thọ –

Còn bà Đặng Thị Ngữ, bà Lê Thị Kim Nhung sau những tháng ngày tham gia tiếp quản Thủ đô đã về công tác tại Thành đoàn Hà Nội. Bà Ngữ nay đã gần 90 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng mọi hoạt động của tổ dân phố bà đều hăng hái tham gia. Bà luôn tự hào vì được góp một phần công sức trong những ngày tiếp quản Thủ đô. Câu chuyện về những ngày tháng ấy luôn được bà nhắc lại để truyền tinh thần yêu nước cho các thành viên trong gia đình và những người xung quanh.

Các đội viên Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô gặp mặt.

Năm 1959, bà Nhung được cử đi học ở Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó được phân công về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm phiên dịch tiếng Nga, đồng thời phụ trách hợp tác đầu tư với các nước Đông Âu. Bà Nhung nhỏ nhẹ nói: “Thời gian công tác và hoạt động trong Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô không nhiều, nhưng trong mỗi chúng tôi đều giữ lại tình bạn, tình đồng đội sâu đậm, thân thiết hơn ruột thịt. Phân đội của tôi giờ đã mất gần hết…”.

Đồng hành cùng bà Nhung trong mọi hoạt động, cô Phạm Minh Phương (sinh năm 1955), con gái lớn của bà Nhung chia sẻ: “Bố mẹ tôi đều là cán bộ tiền khởi nghĩa. Mẹ tôi về hưu còn tham gia hoạt động xã hội ở tổ dân phố đến năm 83 tuổi. Mặc dù đã bị tai biến 4 lần, nhưng không bao giờ bà quên những ngày tháng đáng nhớ, cứ gần đến Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 là mẹ lại nhắc tôi đưa đi thăm lại phố phường, nơi bà có những ngày về tiếp quản Thủ đô. Mẹ tôi vui lắm, còn tôi thì rất tự hào”.

Vui mừng được gặp mặt các cựu thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô nhân ngày truyền thống, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: “Những buổi gặp mặt này, thanh niên chúng tôi thêm hiểu rõ hơn về những cống hiến, hy sinh của các cựu thanh niên xung phong Thủ đô. Thông qua đó là những bài học trực tiếp cho chúng tôi, để trong quá trình vận động thanh niên, tổ chức các phong trào làm sao thiết thực, hiệu quả. Các bác cũng chính là những tấm gương để thanh niên hôm nay soi vào đó, tự điều chỉnh và có việc làm phù hợp, để làm sao đóng góp được nhiều hơn cho cơ quan, đơn vị và cho Thủ đô”.

Thời điểm các cựu thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có những người chỉ mới 15, 16 tuổi, nhưng đều mang trong mình nhiệt huyết, tình yêu và trách nhiệm đối với Thủ đô. Tinh thần đó sẽ có giá trị trường tồn mãi với thời gian. Tình yêu nước, sự sẵn sàng cống hiến và hy sinh để mang lại giá trị cho cộng đồng là những bài học hết sức quý báu mà các cựu thanh niên xung phong để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến.

Trải qua nhiều nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, nay đã ở tuổi đại thọ 90, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng ông Nguyễn Văn Khang vẫn đảm nhận vai trò làm Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, tập hợp đồng đội, để “còn sống ngày nào thì còn gặp nhau, còn một vài người cũng cứ gặp mặt”.

Trong buổi gặp mặt truyền thống mới đây, điều ông Khang và các đội viên trăn trở nhất là, mặc dù Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô đã được Trung ương Đoàn công nhận phiên hiệu, nhưng kỷ yếu của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam chưa nói về truyền thống của Đội.

“Chúng tôi hiện nay người còn, người mất, từ hơn 300 đồng chí, giờ chỉ còn khoảng 50 người. Mỗi lần gặp mặt lại cứ mai một dần… Chúng tôi chỉ mong muốn sang năm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống 10-10 của đơn vị, những người còn lại sẽ được gặp mặt nhau đông đủ và ghi tên Đội trong kỷ yếu của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam để vẫn có thể tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng Thủ đô, giáo dục, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia các phong trào thanh niên”, ông Khang nói.

Các đội viên Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô gặp mặt tháng 10-2023.

69 mùa Thu đã qua, ký ức về những ngày tiếp quản Thủ đô không phai mờ trong ký ức của mỗi thanh niên xung phong và trong lịch sử dân tộc. Mong sao tâm nguyện của các cụ sớm được thực hiện, để những pho sử sống luôn trường thọ và mãi là tấm gương sáng để lớp trẻ thêm yêu và tự hào về một Thủ đô Hà Nội hào hoa, kiên cường.

Nguyệt Ánh 

Theo hanoimoi.vn/