Năm Sửu nói chuyện Trâu

Đăng lúc: 09-01-2021 9:50 Chiều - Đã xem: 207 lượt xem In bài viết

ẢNH INTERNET  

Thành ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” nói lên vị trí, vai trò quan trọng đã có từ lâu trong đời sống con người Việt với nền nông nghiệp lúa nước. Con trâu là con vật có vai trò quan trọng, nó quan trọng đến mức trước cả việc lập gia đình, làm nhà. Vì thế nên trong tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” để nói lên vị thế quan trọng của con trâu trong đời sống nhà nông.

Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp gọi là (Sửu), ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâuchóngựalợn). Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm.

 Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật rất gần gũi với con người. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa của người Việt

Trâu là một loài động vật thuộc họ Trâu bò, được nuôi để cày ruộng, kéo xe, lấy thịt và sữa. Ngoài ra da trâu còn được sử dụng để làm trống và sừng trâu dùng làm tù và

Con trâu cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người trên nhiều phương diện văn học, hội họa, ca dao, tục ngữ, phong tục… Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực như tục thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Một số vùng nông thôn Việt Nam có tục lệ là làm Tết Trâu. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa… Người ta quan niệm trâu là thánh vật nên thường dùng làm vật tế lễ, là biểu tượng cho cầu nối giữa trời và đất; giữa người và tiên để cho thần tiên ban mùa màng bội thu, nhân gian an lành. Trâu còn được coi là tượng trưng cho sự tốt lành, ai mơ trâu vàng đến nhà là điềm phú quý; cưỡi trâu vào thành là có hỉ sự; trâu sinh nghé là tâm thành ý nguyện. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng.

Hình ảnh con Trâu gồng lưng kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đang nhẫn nại gặm cỏ trên bờ đê, hoặc đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền.

Con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa nước, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt.

 Theo các sử sách chép lại cho hay, tượng Trâu bằng đất nung được tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu[1] cách đây hơn ba ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa, Bắc Giang) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ cũng đã nói lên con trâu gắn bó với người nông dân từ bao đời nay. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng (hồ Kim Ngưu) – hồ Tây (Hà Nội).

Thời nhà Lý – nhà Trần, Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ sức kéo của con Trâu. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: “Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật”. Theo lệ, vào đầu xuân, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông[2] và cày ruộng Tịch điền[3].

Ngoài ra, nhiều đình chùa đã chạm khắc và tạc tượng Trâu, đó là tượng Trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh). Thời nhà Lý, chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có cặp tượng Trâu to bằng Trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa khá sống động.

Hình ảnh con Trâu còn hiện diện trong tranh dân gian và trong điêu khắc gỗ đình làng, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian đẹp về con Trâu ở thế kỷ XVII, XVIII cũng được thể hiện.

 Con trâu trong hội họa Việt Nam thể hiện từ những nét in khắc dung dị trên tranh Đông Hồ, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài …Trong cách vẽ tranh Trâu làm cho hình ảnh con Trâu sống động hơn, gần gũi hơn. Hình ảnh con Trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, đó là hình ảnh chú bé tóc để chỏm thổi sáo trên lưng Trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay có những con Trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả bên lũy tre xanh.

 Trong âm nhạc Việt Nam, có ca khúc “Đường cày đảm đang” của An Chung, ca khúc “Lý con trâu” của Lư Nhất Vũ, phỏng theo dân ca Nam Bộ và nhiều ca khúc khác cũng ca ngợi vẽ đẹp của con trâu bên luống cày với con người lao động.

 Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ hình ảnh con trâu được khắc họa rõ nét, nó gợi tả cho ta những tiếng nói tâm tình, thủ thỉ giữa con người với con trâu như nói với người thân:

“Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”

Nghề nông mà không có trâu thì cũng giống như muốn làm giàu mà không có thóc lúa: “Làm ruộng không trâu như làm giàu không thóc”. Cảnh trâu và người cùng đồng hành trong công việc nhà nông, trâu như là một thành viên trong gia đình đầm ấm, gắn bó tình cảm:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”

Nuôi trâu để phục vụ cho lao động sản xuất là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người nông dân. Muốn có trâu hay, cày khoẻ thì cần phải biết chọn trâu giống tốt. Chọn trâu phải dựa vào kinh nghiệm: “Tai lá mít, đít lồng bàn”. Trâu khoẻ và nhanh có ảnh hưởng đến hiệu quả công việc sản xuất: “Trâu khoẻ chẳng lọ cày trưa”,

 Nghề nông là một nghề vất vả nhưng là một nghề quyết định đến đời sống của mọi người. Câu ca dao sau đây nói về sự lam lũ của nghề nông và lời nhắn gửi với mọi người đừng quên công lao nhọc nhằn của họ:“Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở dắt trâu đi cày”.

Với văn hóa ẩm thực cũng có thành ngữ: “trâu chết gặp lúc khế rụng”, nghĩa đen là ám chỉ sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại hợp quy luật âm dương ngũ hành trong ẩm thực; còn nghĩa bóng là “thời cơ” may mắn của công việc nào đó ….

 Như vậy con trâu trong đời sống con người Việt không những phục vụ thiết thực đời sống vật chất cho con người mà còn được khắc họa trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Để rồi sau một vụ mùa con Trâu nghỉ ngơi và con người được chiêm ngưỡng nét văn hóa mà họ đã tạo ra nhằm phục vụ cho đời sống tinh thần của chính họ.

Đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình ảnh con trâu kéo cày giúp nhà nông có thể không còn nữa mà chỉ còn con trâu nuôi lấy thịt, sữa mà thôi! Mặc dầu ở vị thế nào chăng nữa, tình cảm gắn bó giữa con người và con Trâu luôn có thực và mãi mãi trong đời sống của chúng ta./.

Nguyễn Đại Duẫn

Hội VHNT Quảng Bình


[1] Di chỉ Đồng Đậu là một khu di chỉ khảo cổ học ở gò Đậu, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Những phát hiện đầu tiên chính tại đây về một nền văn hóa có niên đại khoảng 1.500 năm trước công nguyên,

[2] Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong được mùa và nghề nông phát đạt. Trên các quyển lịch cổ hàng năm, người ta thường vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông.

[3] Lễ Tịch Điền là lễ nhà vua đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy, phát triển nông nghiệp.