Ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thông thường cũng như các ngã ba trên cả nước là điểm giao của các con đường; tuy nhiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ được ví như là “cuống họng”, có vị trí đặc biệt quan trọng; bởi vì các lực lượng bộ đội, dân công, TNXP, các phương tiện vận chuyển thủ công, cơ giới và hàng hóa từ các tỉnh thuộc Khu III, Khu IV lên theo đường 41, các tỉnh trung du, Việt Bắc theo đường 13 đều phải qua đây và theo đường độc đạo đi tiếp lên Điện Biên qua đèo Pha Đin.
Khi lựa chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tổng Quân ủy đã nhận định “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá”[1]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực sự không kém khó khăn về tác chiến.”[2]
Việc đảm bảo giao thông sẽ là một mặt trận, quân Pháp sẽ dùng máy bay đánh phá các tuyến đường, đặc biệt ở Ngã ba Cò Nòi để cắt đứt đường tiếp viện của ta và ta phải bằng mọi giá giữ cho được sự giao thông thông suốt bảo đảm việc cung cấp cho mặt trận. Đây sẽ là cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt giữa lực lượng TNXP và không quân địch.
Phát hiện quân ta có mặt tại Tây Bắc, Pháp dùng máy bay đánh phá các tuyến đường: Ngã ba Mộc Châu – Pa Háng, cầu Tà Vài, cầu Yên Châu, cầu Hát Lót… Từ ngày 13/3/1954 pháo binh ta nổ súng mở đầu chiến dịch thì máy bay địch bắn phá đèo Chẹn, phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin, đặc biệt là Ngã ba Cò Nòi. Chúng thả hàng trăm tấn bom các loại, gồm bom nổ, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm[3]. Ngã ba Cò Nòi thành “cửa tử”, “tọa độ lửa”. Có ngày địch dùng 69 lượt máy bay B26, B29 ném tới 300 quả bom. Có đợt địch đánh liên tục 2-3 tuần.
Bom bướm đã được mở. Ảnh internet
Các đại đội 293, 300, 401, 406, 408… với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và với ý chi quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường ngày đêm bám trụ phá bom nổ chậm, san lấp hố bom nối đường, giữ bằng được mạch máu giao thông. Quân ta càng đánh càng mạnh, càng xiết chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, địch càng đánh phá ác liệt các trọng điểm giao thông, tập trung vào Ngã ba Cò Nòi, ném bom theo kiểu “cuốn chiếu”, “rải thảm”, kết hợp một lúc nhiều loại bom nhằm gây thương vong tối đa cho ta, cắt đường vận chuyển… Đầu tiên chúng thả bom tạ, rồi bom tấn, tiếp đến thả bom napan, bom bướm sơn màu đất rất khó phát hiên, đụng vào là nổ.
Ban đầu chúng tôi chưa có hiểu biết về các loại bom nên nhiều người bị thương và hy sinh. Để hạn chế thương vong, đội phá bom được thành lập, ở các đại đội cũng được lập các tổ phá bom. Được sự hướng dẫn về nghiệp vụ kỹ thuật, xác định vị trí của bom, tính năng từng loại bom… của cán bộ kỹ thuật công binh, các đại đội cử người đặt vọng gác tiền tiêu đếm bom địch thả xuống trong từng trận, xác định số bom chưa nổ đánh dấu lên sơ đồ và cắm tiêu trên thực địa để các tổ phá bom làm nhiệm vụ.
Ảnh tác giả năm 1953.
Việc phá bom ở Ngã ba Cò Nòi – tọa độ lửa – cũng như ở các nơi khác là vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người dám làm, xung phong tình nguyện. Trước khi đi làm nhiệm vụ họ được đơn vị tổ chức lễ “truy điệu sống”, mọi người bùi ngùi dành một phút mặc niệm. Với những kỹ thuật đã được hướng dẫn, những người đi phá bom với lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo tìm mọi cách phá các loại bom. Lúc khó khăn lại ló các sáng kiến. Với bom nổ chậm nằm sâu, thay vì phá nổ sẽ khoét một hố lớn, sâu, phải mất nhiều thời gian, công sức, hàng tấn đất đá mới lấp đầy, dùng bao gạo “ruột tượng” nhồi thuốc nổ, kíp nổ đặt ngang thân bom, đặt dây cháy chậm cho nổ thì bom bị cắt làm hai nửa tại chỗ, việc san lấp hố bom sẽ nhanh hơn. Với bom bướm, nếu đào hố, người đứng dưới hố giơ tay phá từng quả bom thì bao giờ mới dọn được bom thay vì đứng dưới hố, hai tay giữ cây sào dài gạt đi gạt lại trên mặt đất làm nổ hàng loạt bom nhanh hơn, an toàn hơn. Anh em còn áp dụng kinh nghiệm dân gian, uống nước mắm có độ đạm cao để phá bom dưới nước trong mùa đông. Tuy nhiên vẫn có không ít mất mát, hy sinh trong khi phá bom. Các đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam, Trịnh Văn Huyền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng huân chương, bằng khen.
Tác giả dâng hương tượng đài TNXP tại Khu tưởng niệm tâm linh Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi (tháng 7/2022). . Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Đấu trí, đấu lực với không quân địch bằng tinh thần “địch phá ta lấp ta đi; địch lại phá ta lại lấp ta đi”; cứ sau mỗi trận địch đánh phá các đội phá bom phải khẩn trương làm nhiệm vụ để toàn bộ lực lượng vào san lấp hố bom. Chỉ với cuốc, xẻng, xà beng cùng các dụng cụ thô sơ như “ky”, xe cút kít…, không kể nắng mưa ngày đêm vận chuyển hàng ngàn tấn đất đá (tại chỗ), còn chuẩn bị “kho đất đá dự trữ” để cung cấp cho các điểm gặp khó khăn. Chỉ sau 5 – 7 tiếng đồng hồ là đường được nối liền, các phương tiện lại hoạt động.
Vào mùa mưa địch càng đánh phá dữ dội, việc bảo đảm giao thông càng khó khăn, diện chống lầy càng rộng, khối lượng đào đắp càng lớn. Trước tình hình ấy, ngày 8/4/1954 Tổng tư lệnh, Tổng chỉ huy chiến dịch Võ Nguyên Giáp gửi thư cho TNXP:
“Hồ Chủ tịch đã nói cho chúng ta biết, chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử, anh chị em phục vụ chiến dịch đó là một vinh dự lớn. Hiện nay chiến dịch lịch sử của chúng ta đã thu được những thắng lợi lịch sử rất quan trọng, quân ta chiến đấu rất dũng cảm, quân địch đang gặp khó khăn nhưng còn ra sức chống giữ. Chúng mong có những máy bay và phương tiện của Mỹ tiếp viện, chúng có thể gây cho chúng ta những khó khăn về cung cấp, nhất là trong mùa mưa sắp tới. Vì vậy chống mưa và chống phá bom của địch để đảm bảo đường sá cũng quan trọng như nhiệm vụ chiến đấu giết giặc ở mặt trận. Anh chị em cần nêu cao tinh thần xung phong anh dũng của người thanh niên Việt Nam, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bảo đảm cho đường sá được thông suốt. Anh chị em cần tỏ ra xứng đáng với sự tinh cậy của Đảng và Hồ Chủ tịch, xứng đáng với sự hy sinh, dũng cảm của anh em bộ đội ở tiền tuyến.
Tôi tin tưởng với quyết tâm sắt đá của toàn thể anh chị em thì trời mưa cũng như máy bay và bom đạn cũng phải chịu khuất phục dưới sức mạnh của chúng ta, nhất là anh chị em lại là những TNXP.
Chúc anh chị em mạnh khỏe, vui vẻ, hăng hái thi đua, đảm bảo con đường thắng lợi chiến dịch.
Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”
Bức thư của Đại tướng được phổ biến nhanh chóng đến cán bộ, đội viên các đơn vị TNXP, là nguồn cổ vũ và động viên, là luồng gió mới thổi vào phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong hai Đội 34 – 40. Với những khẩu hiệu: “Chống mưa là chống giặc”, “Giao thông là mạch máu của cơ thể, không bao giờ để tắc”, phong trào thi đua đi vào chiều sâu với quyết tâm rất cao, bằng tất cả tinh thần và nghị lực đã làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của địch, bảo đảm đường sá thông suốt trong chiến dịch, góp phần vào thắng lợi.
Ngày 7/5/1954, 16.000 quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” viết nên trang sử oanh liệt trong cuộc trường chinh đấu tranh cho độc lập, thống nhất đất nước có sự đóng góp quan trọng của 20.000 TNXP. Trong đó chuyển sang bộ đội 8.000 quân trực tiếp tham gia chiến đấu, 8.000 quân bảo đảm giao thông phục vụ chiến dịch, 4.000 quân phục vụ ATK Việt Bắc và có hàng trăm TNXP hy sinh.
Ngày 8/5/1954 Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, TNXP và đồng bào Tây Bắc: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, TNXP và đồng bào địa phương đã làm tròn một nhiệm vụ vô cùng vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu, chúng ta không nên vì thắng lợi mà kiêu, không nên chủ quan, khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình, bất kỳ đấu tranh quan sự hay ngoại giao đều phải đấu tranh trường kỳ, gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Bác và Chính phủ khen ngợi những cán bộ, chiến sỹ, dân công, TNXP và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.
Chào thân ái và quyết thắng
Hồ Chí Minh”
Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Chính phủ và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Với những cống hiến to lớn trong chiến địch, Đảng và Chính phủ đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng TNXP Điện Biên Phủ.
Các đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam, Trịnh Văn Huyền được tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 2014.
Tỉnh Sơn La xây dựng Khu tưởng niệm tâm linh Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, là “địa chỉ đỏ” để đồng bào, đồng chí, nhất là lớp trẻ có dịp qua đây đến thăm viếng, thắp hương tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn những người vì Tổ quốc, vì đất nước đã dâng hiến tuổi xuân.
Tác giả (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) tại tiệc tất niên chào mừng Hội Cựu TNXP Việt Nam của Tập đoàn GELEXIMCO ngày 5/2/2024. Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã trải qua 70 năm nhưng trong ký ức của tôi vẫn rất đỗi tự hào rằng lực lượng TNXP chúng ta có vinh dự được tham gia chiến dịch và có đóng góp nhỏ bé; bồi hồi xúc động tưởng nhớ đến nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường. Tôi và nhiều người may mắn trở về, đến nay cũng đã không còn nhiều, đã trở thành các cụ. Nhân dịp này tôi trân trọng gửi lời chào kính trọng, chúc các đồng chí – các cụ – sống vui, sống khỏe cùng gia đình hạnh phúc, an khang./.
Nguyễn Tiến Năng
Nguyên Phó Đội trưởng Đội 34, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng
[1] Tổng cục Hậu cần – Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944 – 1954), Nxb QĐND, H. 1993, tr. 270.
[2] Võ Nguyên Giáp – Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H. 1974, tr. 158.
[3] Quả bom bướm (hoặc Sprengbombe Dickwandig 2 kg hoặc SD 2) nặng 2 kg của Đức, được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là một trong những loại bom chùm đầu tiên, là một vũ khí có hiệu quả cao. Các thùng chứa bom mang bom SD 2 có biệt danh là ” Trứng quỷ”, được thả từ máy bay, nổ trên không bắn ra hàng chục quả bom con.