Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là nút giao thông độc đạo, hiểm yếu mọi con đường chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua.
Toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc
Vì vậy, từ năm 1964 đến năm 1972 không quân Mỹ đã liên tục đánh phá Ngã ba Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam; ác liệt nhất là năm 1968, trong 240 ngày đêm từ tháng 4 đến tháng 10, không quân Mỹ đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 trên 3 quả bom. Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết”.
Trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc gồm bộ đội, công nhân giao thông, công an, lái xe, dân quân du kích nhưng đặc biệt hùng hậu nhất là lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP). Số người có mặt lúc đông nhất lên tới 16.000 người. Với tinh thần đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân Đồng Lộc đã đoàn kết hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 19 máy bay Mỹ, phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới, huy động 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy, làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc – Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ.
Trong những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn kẻ thù, tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, thông minh và sáng tạo. Tiêu biểu có các tập thể, cá nhân Anh hùng LLVT Nhân dân như: Anh hùng La Thị Tám – tự vệ giao thông huyện Can Lộc; Vương Đình Nhỏ – Đội trưởng phá bom; Nguyễn Tiến Tuẩn -Tiểu đội trưởng Cảnh sát giao thông; Nguyễn Trí Ân – Đại đội trưởng TNXP; Trung đoàn pháo cao xạ 210 thuộc Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không – Không quân. Đặc biệt là sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 TNXP do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng vào trưa ngày 24/7/1968, sau trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái, các chị đã anh dũng hy sinh.
Ngày 21/1/1989, khu di tích Nga ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày 15-7-1995, đúng vào ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, TW Đoàn TNCS HCM đã khởi công xây dựng (giai đoạn một) Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Khu Di tích bao gồm các hạng mục:
Tượng đài Chiến thắng được khánh thành vào ngày 15/7/1998 là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân… Xung quanh tượng đài là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi, khẩn trương lấp hố bom, bắn máy bay địch, phá bom… dẫn đường cho xe qua của các lực lượng trên Ngã ba Đồng Lộc.
Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong (ảnh trên) hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4 Đại đội 552 – Tổng đội thanh niên xung phong 55P18 do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Thi hài các chị lúc đầu được mai táng tại đội Bãi Dịa (xã Xuân Lộc). Năm 1976, 10 ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang của huyện thuộc xã Thiên Lộc, Can Lộc. Ngày 15/7/1990, 10 ngôi mộ được chuyển về dưới chân núi Trọ Voi, cách nhà bia tưởng niệm 30m. Hố bom cạnh nơi 10 chị hi sinh vẫn nằm nguyên vị trí cũ.
Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc (ảnh trên) được xây dựng năm 1998. Nơi đây ghi danh gần 4.000 anh hùng, liệt sĩ TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc trưng bày 228 hiện vật gốc, trên 248 ảnh, tư liệu cung cấp cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của thanh niên xung phong trên mọi ngả đường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”. Đặc biệt có một sa bàn điện tử miêu tả cảnh tượng khốc liệt của chiến trưởng Đồng Lộc cũng như ý chí sắt đá, can trường của quân và dân ta tại “Tọa độ chết” này. Nhà trưng bày có những hiện vật rất đáng quý như bức thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ, bộ quần áo của chị Xuân, dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ, bát ăn của các chị, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Hường…
Tháp chuông Đồng Lộc (ảnh trên) được khánh thành ngày 2/1/2011. Tháp cao 37m, gồm 7 tầng, 8 mái, hình bát giác đều, kết hợp, khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống, được cách tân ở phần thân tháp. Tầng trên cùng của tháp treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,6m, đường kính 1,95m, đúc bằng đồng nguyên khối. Hệ thống đèn chiếu sáng gồm 356 bộ đèn được lắp đặt bao phủ cả trong tháp và ngoài tháp từ tầng 1 đến tầng 7, với ánh sáng lung linh huyền ảo, có tầm xa nhiều km. Bài minh tại tháp chuông có đoạn:’ Đất nước thanh bình / Tháp xây tám mái / Cao vút tầng mây / Mười phương chiêm bái / Chuông gióng ngân nga / Thanh âm vọng mãi / Nhớ người đi xa / Cho đời thắm lại / Cây cỏ nở hoa / Mùa màng gặt hái / Con cháu tinh anh / Muôn nhà an thái / Cầu nguyện linh hồn / Siêu thăng bát hải…’
Cụm tư: ợng 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (ảnh trên) được đặt ở vị trí gần trung tâm trên triền núi Mũi Mác. Bên trái là 3 hố bom có sẵn. Cụm tượng cao 7,5m, dài 15,5m, rộng 5m. Cụm tượng diễn tả cảnh tượng 10 chị lao ra mặt đường với các hố bom nham nhở. Bằng nghị lực, lòng căm thù giặc, các chị làm việc không mệt mỏi để san lấp mặt đường. Các chị được bố cục trong các tư thế khác nhau: người cầm xẻng, người kéo xe bò, còn chị Tần – Tiểu đổi trưởng tay vẫn cầm súng quan sát cho đồng đội, một tay cầm cờ giơ lên cao chỉ dẫn cho các đoàn xe vận tải đi qua.
Tiểu đội Võ Thị Tần đang lấp hố bom
Theo Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng (tập 1: Xứng danh anh hùng), Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2017