Ngày nhập ngũ và trận đánh đầu tiên

Đăng lúc: 16-11-2020 2:02 Chiều - Đã xem: 127 lượt xem In bài viết

       Người ta trở về già, đến cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” thì hay nghĩ tới, nghĩ lui, nghĩ về quá khứ; lúc vui, lúc buồn chỉ muốn có bạn già dốc bầu tâm sự. Có những cái quên đi, có những việc suốt đời vẫn nhớ.

Ảnh internet  

Ngày ấy chiến tranh leo thang của giặc Mỹ ở miền Nam ra miền Bắc rất ác liệt, khắp nơi chốc chốc lại đánh kẻng báo động liên hồi, máy bay “Thần Sấm”, “Con Ma” chúng ngày đêm bắn phá, thả bom ở các trọng điểm như cầu Hàm Rồng, cầu Việt Trì, khu công nhiệp, khu quân sự v.v…

Ở miền Bắc lúc bấy giờ, toàn đảng, toàn dân, toàn quân đang ngày đêm nêu cao cảnh giác, sẵn sàng vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong bất kỳ tình huống nào khi giặc đến.

Vào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt nhất thì ngày 17 -7 – 1966 từ Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc tự do”. Câu nói thiêng liêng đó đã làm lay động hàng triệu triệu con tim bừng lên sức mạnh, lớp lớp thanh niên tình nguyện xung phong nhập ngũ ra tiền phương đánh giặc và tôi cũng ở trong số đó.

Mới xây dựng gia đình, vợ trẻ, có một con gái đầu lòng, một thiên thần bé nhỏ rất bụ bẫm và yêu quý, bản thân là một công nhân tiên tiến có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, là nòng cốt trong tổ kỹ thuật sản xuất chính của xí nghiệp, nhưng cũng háo hức theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tôi lên đường vào Nam giết giặc.

Bước vào quân ngũ, từ Thành đội Việt Trì hành quân lên trạm giao quân ở Thậm Thản, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ tôi được biên chế vào C7 – D 3 – E1 – F250 để luyện quân rồi tiếp tục hành quân đi thẳng vào miền Đông Nam Bộ. Gần 6 tháng trời, gội gió dầm sương, mưa dầm cơm vắt, lội suối băng đèo vượt dẫy Trường Sơn để bổ sung vào Công trường 9 (Sư đoàn 9) để tiếp tục tham gia vào cuộc tổng tấn công đợt hai Mậu Thân 1968.

Lần đầu tiên ra trận, tôi được phân công làm thông tin trực tuyến đi theo đại đội mũi nhọn do Anh Hùng Giải là đại đội trưởng phục kích trặn đánh trung đoàn xe tăng và xe bọc thép của Mỹ tại Trảng Bàng (Tây Ninh).

Hành quân cả đêm, đến gần sáng thì tiếp cận trận địa, ai vào việc ấy như đã được phân công, rồi nhanh chóng đào công sự, triển khai trận địa. Lúc này cả bầu trời và mặt đất đều im lìm trong màn đêm tĩnh nặng, mùi đất mới của công sự hăng hăng, thỉnh thoảng có làn gió nhẹ thổi qua khiến người hơi hơi lạnh bởi làn sương đêm phảng phất. Trong lúc hồi hộp đợi chờ mục tiêu xuất hiện, tranh thủ véo nắm cơm đưa lên miệng nhai nhệu nhạo mà chẳng thấy cảm giác gì là mình đang ăn, anh Trần Dũng tiểu đội trưởng, người đồng hương với tôi, đưa cho tôi chiếc khăn tay có thêu chim hoa gì đó – trời tối xem không rõ, anh thì thầm: “Trận đánh lớn này rất ác liệt. mình có thể bị hy sinh, nếu cậu còn sống, khi hòa bình được về quê, nhờ cậu tìm nàng và đưa trả hộ mình chiếc khăn tay này để nàng khỏi đợi chờ nhé, mình yêu nàng lắm, nhưng vì chiến tranh, biết làm sao được”! Tôi xúc động nhận chiếc khăn tay của đồng đội. Tôi trấn tĩnh, khẽ động viên: “Không sao, yên chí, chết làm sao được, anh tham chiến mấy trận rồi, có làm sao đâu”. Thế rồi mỗi người lại im lặng, nín thở đợi chờ thời cơ công kích. Tảng sáng hơi rõ mặt người, nghe tiếng gầm rú của xe tăng địch ngày càng gần. các chiến sỹ và các khẩu súng chống tăng đã sẵn sàng nhằm vào mục tiêu. Thời cơ đã đến. Tôi truyền khẩu lệnh từ chỉ huy tiểu đoàn đến Đại đội trưởng Anh Hùng Giải. Ngay lập tức, như chiếc lò xo, Anh Hùng Giải đứng vụt lên, tay bắn súng phát lệnh, miệng hô lớn xung phong. Cả đoàn quân nhất tề ào ạt xông lên, hướng về đoàn xe của địch mà nhả đạn, các con rồng lửa ào ạt lao đi vun vút găm vào đoàn xe của địch, những tiến nổ vang trời. Chặn đầu, khóa đuôi, bao nhiêu xe tăng và xe bọc thép của địch bị quân ta bắn bốc cháy ngùn ngụt. tiếng la ó của bọn lính Mỹ xì xồ trong đám loạn quân, xác địch chết ngổn ngang, đứa thì tan xương nát thịt bên vệ đường, đứa thì cháy xém nằm ngang trên những chiếc xe đang bốc cháy.

Trận này ta thắng lớn, cả trung đoàn xe tăng và xe bọc thép của quân giặc bị tiêu diệt, thiệt hại nặng nề, chúng điên cuồng cho máy bay bắn xối xả, và nã pháo tứ tung. Anh Dũng đồng hương với tôi bị thương mất một mắt, đồng chí Nguyễn văn Hợi cùng nhập ngũ và cùng mới kết nạp vào Đảng với tôi thì bị hy sinh vì đạn pháo! Chúng phải vĩnh biệt đồng chí để TNXP làm nhiệm vụ thương binh tử sỹ.

 Trảng Bàng là một vùng đất trống, cây cối lưa thưa. Trong lúc này chỉ thấy có khói, lửa của những những chiếc xe đang cháy ngùn ngụt và mùi xăng dầu cao su bốc lên nồng nặc, nhưng quân ta vẫn phải ép mình dưới công sự, chờ đêm mới hành quân ra khỏi khu vực chiến trường./.

           TRẦN HỒNG PHONG