CHÍNH PHỦ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 35/2008/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2008 |
NGHỊ ĐỊNH
Về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Nghị định này quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang quốc gia không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
- Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.
- Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.
- Nghĩa trang liệt sỹ là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các liệt sỹ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
- Nghĩa trang quốc gia là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học… có công với đất nước.
- Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của một người.
- Các hình thức táng người chết bao gồm: mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác.
- Táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của ngươi chết.
- Mai táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
- Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn trong đất.
- Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.
- Cải táng là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.
- Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng.
- Hỏa táng là thực hiện việc thiêu xác người chết hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.
- Hoạt động xây dựng nghĩa trang bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu lư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác liên quan đến xây dựng nghĩa trang.
- Quản lý nghĩa trang là việc thực hiện các nội dung theo quy chế quản lý đã được phê duyệt.
- Quy hoạch xây dựng nghĩa trang là việc tổ chức không gian kiến trúc, phân khu chức năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong nghĩa trang nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả về đất đai và đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường, làm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sử dụng và quản lý nghĩa trang.
- Cải tạo và mở rộng nghĩa trang là thực hiện việc chỉnh trang, nâng cấp các công trình trong nghĩa trang hiện đang sử dụng và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành đối với diện tích mở rộng nhằm bảo đảm về cảnh quan, môi trường.
- Đóng cửa nghĩa trang là việc không cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động táng trong nghĩa trang.
- Di chuyển nghĩa trang là thực hiện việc chuyển thi hài, hài cốt trong nghĩa trang đến một nghĩa trang khác được xây dựng theo quy hoạch.
- Dịch vụ nghĩa trang bao gồm tổ chức tang lễ, mai táng hoặc hỏa táng thi hài hoặc hài cốt; xây mộ, cải táng, chăm sóc mộ, tu sửa mộ, chăm sóc, bảo quản, lưu giữ tro cốt tại các nhà lưu giữ tro cốt theo nhu cầu và dịch vụ phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm.
- Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang là người đang sống có quan hệ với người được táng trong nghĩa trang hoặc đến thăm viếng, tưởng niệm.
- Chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý hành chính.
Điều 3. Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang
- Tất cả các nghĩa trang đều phải được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
- Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.
- Sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Điều 4. Quy định diện tích đất tối đa cho một phần mộ cá nhân
- Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2.
- Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng tối đa không quá 3 m2.
Điều 5. Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nghĩa trang
- Hoạt động xây dựng nghĩa trang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng nghĩa trang.
Điều 6. Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng nghĩa trang
- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang theo quy định của pháp luật.
- Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang được nhà nước:
- a) Cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất;
- b) Hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào;
- c) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tuỳ theo quy mô, hình thức đầu tư, công nghệ được áp dụng và tác động đến môi trường của dự án;
- d) Hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Khuyến khích xã hội hoá đầu tư xây dựng nghĩa trang và sử dụng các hình thức táng mới văn minh hiện đại, góp phần thay đổi tập quán cũ, tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường, tuỳ theo tình hình cụ thể và khả năng của mình, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ chi phí táng cho những người sử dụng địch vụ này.
Điều 7. Chính sách xã hội đối với các đối tượng đặc biệt
- Người vô gia cư không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc táng, khi chết ở địa phương nào thì chính quyền địa phương nơi đó có trách nhiệm lo toàn bộ chi phí táng phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Người không có thân nhân sống ở địa phương nào thì khi chết chính quyền địa phương đó có trách nhiệm tổ chức táng ở nghĩa trang tại địa phương với chi phí được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc từ ngân sách địa phương.
- Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng được táng tại Việt Nam sau khi chết được xem xét, cho phép táng tại các nghĩa trang ở Việt Nam.
- Đối với các trường hợp chết do thiên tai, dịch bệnh, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm hỗ trợ, tổ chức táng cho người chết, bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh phòng dịch, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Y tế.
- Đối với các mộ vô chủ hoặc không còn thân nhân chăm sóc, trường hợp hết thời hạn táng theo quy định, đơn vị quản lý nghĩa trang được phép di chuyển mộ tới vị trí khác trong nghĩa trang hoặc tới các nghĩa trang khác theo quy hoạch.
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chế độ, chính sách xã hội, trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết đối với các đối tượng đặc biệt trong việc táng khi chết trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Điều 8. Các hành vi bị cấm
- Xây dựng nghĩa trang không theo quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Xây dựng nghĩa trang không có giấy phép hoặc sai giấy phép theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang không theo các quy định về quản lý kiến trúc và quy chế quản lý nghĩa trang.
- Phá hoại các công trình xây dựng trong nghĩa trang.
- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ nghĩa trang.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc can thiệp trái phép vào các hoạt động quản lý, sử dụng nghĩa trang.
- Lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang trái pháp luật.
- Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến hoạt động dịch vụ nghĩa trang trái quy định của pháp luật.
- Táng người chết ngoài các nghĩa trang đã được xây dựng và quản lý theo quy hoạch.
- Không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đóng cửa nghĩa trang, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ.
Chương 2:
QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, CẢI TẠO, ĐÓNG CỬA VÀ DI CHUYỂN NGHĨA TRANG
Điều 9. Quy hoạch địa điểm nghĩa trang
- Quy hoạch địa điểm nghĩa trang là một nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; khi phê duyệt các quy hoạch này, cơ quan có thẩm quyền đồng thời phê duyệt quy hoạch địa điểm nghĩa trang.
- Yêu cầu quy hoạch địa điểm nghĩa trang:
- a) Phù hợp với các điều kiện địa hình, điều kiện địa chất, địa chất thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất;
- b) Phù hợp với tổ chức phân bố dân cư và kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật;
- c) Đáp ứng nhu cầu táng trước mắt và lâu dài của khu vực lập quy hoạch;
- d) Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
đ) Khuyến khích quy hoạch các nghĩa trang phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và các nghĩa trang có sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Nội dung quy hoạch địa điểm nghĩa trang:
- a) Xác định phạm vi phục vụ của các nghĩa trang;
- b) Xác định nhu cầu táng và lựa chọn các hình thức táng phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, tín ngưỡng, phong tục và tập quán tốt, văn hoá, văn minh và bảo đảm tiết kiệm đất, hạn chế ô nhiễm môi trường;
- c) Xác định các nghĩa trang cần đóng cửa, di chuyển hoặc cải tạo mở rộng để tiếp tục sử dụng;
- d) Xác định vị trí và quy mô của các nghĩa trang xây dựng mới;
đ) Dự báo tác động môi trường.
Điều 10. Quy hoạch xây dựng nghĩa trang
- Các nghĩa trang xây dựng mới hoặc mở rộng đều phải lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
- Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng nghĩa trang:
- a) Xác định cụ thể vị trí, quy mô, ranh giới của nghĩa trang;
- b) Xác định các hình thức táng sử dụng trong nghĩa trang;
- c) Xác địa các chỉ tiêu kỹ thuật;
- d) Phân khu chức năng, phân lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ, khoảng cách giữa các mộ tuân thủ theo quy định đồng thời phải thuận tiện cho việc thực hiện các nghi lễ táng;
đ) Phải có các quy định về kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ; các yêu cầu đối với thiết kế công trình trong nghĩa trang;
- e) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật; các công trình nhà hỏa táng, nhà lưu giữ tro cốt (nếu có), các công trình phục vụ, các công trình khác có liên quan phải được quy hoạch xây dựng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường;
- g) Đánh giá tác động môi trường.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phân cấp trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Điều 11. Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang
- Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang phải tuân theo quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Các công trình hạ tầng kỹ thuật phải được xây dựng đồng bộ.
- Xây dựng mộ, bia mộ và các công trình khác trong nghĩa trang phải tuân theo các quy định của pháp luật về xây dựng.
- Kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ và khoảng cách giữa các mộ, phải tuân thủ theo các quy định của quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Cải tạo nghĩa trang
- Các nghĩa trang được cải tạo khi vẫn còn phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
- Nội dung cải tạo nghĩa trang:
- a) Xác lập ranh giới nghĩa trang theo quy hoạch đã được phê duyệt (nếu chưa có);
- b) Trồng cây xanh bao quanh, cây xanh trong nghĩa trang;
- c) Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật trong nghĩa trang;
- d) Đối với diện tích đất chưa sử dụng phải phân khu vực táng rõ ràng, phân lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ, quy định về diện tích, kích thước và kiến trúc mộ.
Điều 13. Đóng cửa nghĩa trang
- Các nghĩa trang phải được đóng cửa khi không còn diện tích sử dụng, không có điều kiện mở rộng và không gây ô nhiễm môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép mà có khả năng khắc phục.
- Các nhiệm vụ phải thực hiện khi đóng cửa nghĩa trang:
- a) Việc đóng cửa nghĩa trang do cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thông báo công khai;
- b) Khắc phục ô nhiễm môi trường trước khi đóng cửa nghĩa trang (nếu có);
- c) Cải tạo, chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mộ chí và các công trình trong nghĩa trang, trồng cây xanh, thảm cỏ trong và xung quanh nghĩa trang;
- d) Các nghĩa trang trong đô thị hoặc trong khu dân cư nông thôn phải có tường rào hoặc hàng rào cây xanh bao quanh với chiều cao đủ bảo đảm cho dân cư xung quanh không bị ảnh hưởng.
đ) Đối với nghĩa trang nằm bên đường quốc lộ phải trồng cây xanh ngăn cách bảo đảm không ảnh hưởng tới mỹ quan, người tham gia giao thông.
Điều 14. Di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ
- Các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ phải di chuyển khi:
- a) Gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan nghiêm trọng mà không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, không phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- b) Phục vụ các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình công cộng theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Các nhiệm vụ phải thực hiện khi di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ:
- a) Thông báo về việc di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ;
- b) Tiến hành công tác di chuyển vào các nghĩa trang được xây dựng và quản lý theo quy hoạch;
- c) Trong quá trình di chuyển phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường;
- d) Thực hiện các chính sách về giải tỏa, đền bù theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm cải tạo, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện việc cải tạo, đóng cửa, di chuyển các nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
- Các nghĩa trang, phần mộ riêng lẻ nằm trong khu đất giải tỏa phải di chuyển để thực hiện các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình công cộng thì chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và di chuyển được tính trong tổng mức đầu tư của các dự án này.
Chương 3:
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG
Điều 16. Xác định đơn vị quản lý nghĩa trang
- Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý nghĩa trang của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định và giao đơn vị quản lý đối với các nghĩa trang thuộc quyền quản lý được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hoặc thuê quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng.
Điều 17. Nội dung quản lý nghĩa trang
- Đối với nghĩa trang đã đóng cửa:
- a) Định kỳ chăm sóc, bảo quản, gìn giữ phần mộ, tro cốt tại các nhà lưu giữ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang;
- b) Bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang;
- c) Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang;
- d) Quy định, chỉ dẫn khách thăm viếng, tưởng niệm và quản lý các hoạt động trong nghĩa trang.
- Đối với nghĩa trang đang sử dụng:
- a) Tuân theo các quy định tại khoản 1 Điều này;
- b) Quản lý sử dụng đất, xây dựng phần mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang tuân theo quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý nghĩa trang được người có thẩm quyền phê duyệt;
- c) Giám sát quản lý hoặc trực tiếp cung cấp các dịch vụ nghĩa trang.
Điều 18. Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang
- Nội dung của hồ sơ nghĩa trang:
- a) Sơ đồ vị trí các khu chức năng, lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ và phần mộ; sơ đồ vị trí các ô lưu giữ tro cốt tại nhà lưu giữ tro cốt;
- b) Tất cá các phần mộ trong nghĩa trang, các ô lưu giữ tro cốt tại nhà lưu giữ tro cốt đều phải được đánh số;
- c) Có sổ theo dõi hoạt động táng trong nghĩa trang, lưu giữ tro cốt tại nhà lưu giữ tro cốt theo thời gian và lưu trữ các thông tin cơ bản của người được táng, lưu giữ tro cốt và thân nhân.
- Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang đồng thời cung cấp thông tin cho tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Chi phí quản lý nghĩa trang
- Đối với các nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì chi phí quản lý được lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa trang và nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.
- Đối với các nghĩa trang do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, chi phí quản lý được lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa trang.
Điều 20. Giá dịch vụ nghĩa trang
- Giá dịch vụ nghĩa trang phải được tính đúng, tính đủ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương và phải được niêm yết công khai.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá dịch vụ nghĩa trang do đơn vị quản lý nghĩa trang cung cấp đối với các nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức, cá nhân tự quyết định giá dịch vụ nghĩa trang do mình cung cấp trên cơ sở phương án khai thác kinh doanh được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận đối với các nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng.
Điều 21. Quy chế quản lý nghĩa trang
- Các nghĩa trang đều phải có quy chế quản lý.
- Nội dung cơ bản của quy chế quản lý nghĩa trang bao gồm:
- a) Các quy định về ranh giới, quy mô nghĩa trang và các khu chức năng trong nghĩa trang;
- b) Các quy định về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng, các phần mộ trong nghĩa trang;
- c) Các quy định về bảo vệ nghĩa trang và bảo vệ môi trường;
- d) Các quy định về hoạt động táng, lưu giữ tro cốt trong nghĩa trang;
đ) Các quy định về hoạt động lễ nghi, tín ngưỡng và các hoạt động khác có liên quan;
- e) Các hành vi vi phạm và quy định xử phạt;
- g) Trách nhiệm của đơn vị quản lý và người sử dụng nghĩa trang.
- Thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang:
- a) Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý nghĩa trang phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang đối với các nghĩa trang do mình quản lý được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- b) Tổ chức, cá nhân phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng sau khi có thỏa thuận của Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý nghĩa trang của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sau khi ban hành phải gửi cho Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý nghĩa trang để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Điều 22. Trách nhiệm của đơn vị quản lý nghĩa trang
- Quản lý nghĩa trang theo quy chế được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo quy định.
- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang
- Tuân thủ các quy định của nghĩa trang và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Tổ chức thực hiện
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định phân cấp quản lý về nghĩa trang cho các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch địa điểm, quy hoạch xây dựng nghĩa trang; chỉ đạo lập kế hoạch, tổ chức xây dựng mới, cải tạo, đóng cửa và di chuyển nghĩa trang trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Nghị định này để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu mỹ quan, sử dụng đất không hiệu quả và dần tạo lập thói quen táng văn minh, hiện đại và phù hợp với phong tục, tập quán tốt, nét đẹp văn hoá của người dân địa phương.
- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
Điều 25. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
|
TM. CHÍNH PHỦ (đã ký) Nguyễn Tấn Dũng |