Nghị lực vượt khó của một nạn nhân da cam ở Bình Phước

Đăng lúc: 16-08-2019 11:01 Sáng - Đã xem: 98 lượt xem In bài viết

  Ông Nguyễn Thế Kiên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cho biết: Cựu TNXP Trần Thị Lưỡng- Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thuận Phú là nạn nhân da cam/dioxin, mất sức lao động 61%. Bà Lưỡng còn bị thương tật ở cánh tay trái do bị ngã đập xuống đường vì huyết áp cao đột biến. Gia đình bà có 5 người đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ngoài bà Lưỡng ra còn có chồng, con trai và hai cháu ngoại. Không cam chịu đói nghèo, bà Lưỡng vượt lên thương tật, chịu khó lao động tạo nguồn kinh tế gia đình. Hơn 7 năm làm Phó Chủ tịch Hội Ccựu TNXP xã, bà Lưỡng luôn là tấm gương sáng vượt khó, tận tâm với công tác hội.

Cựu TNXP Trần Thị Lưỡng và ông Nguyễn Thế Kiên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thuận Phú.

Bà là một trong những cán bộ hội cơ sở không biết đi xe máy. Với phụ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng, bà Lưỡng không đủ trang trải vào khoản tiền thuê xe ôm. Từ thôn Tân Phú ra Trung tâm hành chính xã Thuận Phú xa gần 10km, mỗi lần hội họp bà Lưỡng đều thuê xe ôm hai bận đi, về. Có lúc cả tháng ra xã để tập văn nghệ cho hội diễn, hội thi sắp tới của Huyện hội Đồng Phú tổ chức. Bà không quản ngại so sánh thiệt hơn, miễn là được tiếp tục cống hiến, đóng góp sức mình cho công tác xây dựng hội vững mạnh, cho phong trào văn hóa văn nghệ của hội và xã nhà nói chung. Chồng bà, ông Trần Xuân Tùng, đảng viên 45 năm tuổi Đảng, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị – Thiên, cũng bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc da cam nặng. Ông Tùng thường đau ốm, con trai bà nhiều lúc không được tỉnh táo bình thường, hai cháu ngoại còn nhỏ đã bị mờ mắt. Là nạn nhân da cam, thương tật đi đứng khó nhọc, vậy mà suốt hàng chục năm qua, bà là lao động chính của gia đình.

   “Tôi không cam chịu đói nghèo, ở nhà tạm dột nát, với số tiền dành dụm qua nhiều năm lao động, thu nhập từ vườn, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, các hội, ban, ngành, đoàn thể đóng góp giúp đỡ thêm xây dựng căn nhà tình thương cho gia đình, có các công trình phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh tự hủy. Gia đình đã thoát nghèo từ lâu và từng bước nâng cao đời sống kinh tế…”, bà Lưỡng tâm sự với chúng tôi.

        TẬN TÂM VỚI CÔNG VIỆC HỘI VÀ LÒNG NHÂN ÁI

   Hiếm có một nạn nhân da cam thương tật như bà Lưỡng lại say mê hoạt động văn nghệ, công tác hội và làm từ thiện. Ông Nguyễn Thế Kiên cho chúng tôi biết thêm: Tuổi cao, sức khỏe kém vậy mà bà Lưỡng không bỏ một buổi sinh hoạt và tập văn nghệ nào. Mặc dầu hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, bà Lưỡng vẫn dành dụm tích lũy háng tháng tiền cạo mủ cao su nhà để giúp đỡ hội viên khó khăn hơn. Bà đã ủng hộ cho tổ văn nghệ của hội hàng chục triệu đồng mua sắm nhạc cụ, áo quần trang phục múa hát và thuê thầy về dạy cho các chương trình văn nghệ trước lúc hội thi. Vừa qua, bà Lưỡng làm đơn trình Đảng ủy, UBND xã và tập thể hội cựu TNXP xã xin nghỉ vì sức khỏe kém, nhưng toàn thể cán bộ, hội viên không muốn bà nghỉ và động viên bà gắng làm thêm cho hết nhiệm kỳ. Bởi tình cảm thắm thiết của bà dành cả cho hội; ý chí vượt khó và lòng nhân ái “nghĩa tình đồng đội” ở bà, luôn là động lực phấn đấu thi đua của toàn hội noi theo. Bà Lưỡng – một nạn nhân chất độc da cam, thương tật – là tấm gương sáng vượt khó bằng nghị lực và phẩm chất trong sáng của người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường…

   Bà Lưỡng đi bộ đội ngày 10-10-1969, thuộc C1, D4, Đoàn 559. Đến năm 1972, bà chuyển qua lực lượng TNXP làm đường và san lấp hố bom thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Chiến tranh kết thúc, bà trở về xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Năm 1982, bà đi xây dựng vùng kinh tế mới tại tỉnh Sông Bé (Bình Phước) và làm công nhân trồng mới cao su, thuộc nông trường Tân Thành (Công ty Cao su Đồng Phú)…

Năm 2008, bà làm Phó Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP xã. Năm 2013, Đại hội nhiệm kỳ Hội Cựu TNXP xã Thuận Phú lần thứ nhất, bà Lưỡng được tập thể hội viên chọn bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thuận Phú cho đến nay.

                                                     DUY HIẾN