Nghĩa tình cựu thanh niên xung phong trên đất Mô Xoài

Đăng lúc: 23-07-2021 10:38 Sáng - Đã xem: 147 lượt xem In bài viết

Đoàn phim tài liệu “Bà Rịa Vũng Tàu, mảnh đất trọn nghĩa vẹn tình” chúng tôi may mắn được theo chân một nhóm các cô chú cựu TNXP của tỉnh BRVT đến dâng hương tại  bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu [1]  ở huyện Châu Đức, nơi đây cũng chính là chiến trường xưa mà các cô chú đã dành cả thanh xuân để chiến đấu, bảo vệ hai tiếng “ Tổ quốc” thiêng liêng, cũng là nơi mà đồng đội của họ, những cô gái chàng trai mới tuổi đôi mươi nằm lại mãi trong lòng đất mẹ  để quê hương độc lập tự do, đất nước được thanh bình, tươi đẹp như ngày hôm nay.

Ảnh: Trần Phức

Cùng các đồng đội dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến đồng đội, đồng bào, những người con yêu nước đã hy sinh quên thân mình, ông Nguyễn Như Hải (ảnh trên, người thứ 5 từ trái sang) – Chủ tịch Hội Cựu TNXP – nghẹn ngào nói:  “Hôm nay là ngày 11/7/2021, chỉ còn 4 ngày nữa là kỷ niệm 71 năm ngày Truyền thống lực lượng TNXP của chúng ta. Thay mặt Hội Cựu TNXP tỉnh chúng tôi xin dâng nén hương thơm trước linh hồn các đồng đội đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đánh giặc cứu nước. Các anh chị đã không tiếc máu xương ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi là những người còn sống, xin nguyện làm theo tấm gương của các anh chị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước giàu mạnh.”

Hôm nay về đây, ngồi dưới mảnh rừng năm xưa đầy vết bom rơi đạn lạc, nay đã xanh ngát một màu của vườn cây chôm chôm sai trĩu quả, họ rót cho nhau từng chén rượu, đốt từng điếu thuốc mời đồng đội như ngày xưa anh em, đồng chí ngồi dưới tán rừng chia nhau từng điếu thuốc củ mài, để rồi đêm đêm lại lên đường cùng nhau đi cứu thương tải đạn, đồ vác trên vai có khi nặng hơn cả người nhưng trong lòng vẫn phơi phới hân hoan, tất cả để giải phóng quê hương.

Ông Nguyễn Thế Ba (ảnh trên, người thứ 4 từ phải sang) có biệt danh dễ thương anh “ Ba Lèo”, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội  TNXP 1265 (C1265) Bình Giã, năm nay đã tròn 80 tuổi, ông cất tiếng hát, lời những bài hát năm xưa như còn văng vẳng đâu đây, như thể đồng đội vẫn còn vẹn nguyên như ngày mới thành lập đơn vị.  Lời hát kết thúc cũng là lúc những kỷ niệm thương đau ùa về, Ông Thế Ba kể lại: “Cuối năm 1964 quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bị đánh tan tác tại Bình Giã (Bình Phước) đã  đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của cuộc chiến tranh đặc biệt. Để lấy lại thế chủ động Mỹ đã tiến hành chiến tranh cục bộ đem máy bay, tàu chiến ra đánh phá các cơ sở kinh tế ở miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện vào chiến trường miền Nam; ồ ạt đổ quân Mỹ và quân các nước chư hầu vào kết hợp với quân lực VNCH đánh phá lực lượng cách mạng ở miền Nam. Cuộc chiến vô cùng ác liệt, Huyện ủy và Huyện đoàn Đức Thạnh quyết định thành lập một đơn vị TNXP luôn theo sát các đơn vị bộ đội khi chiến đấu với mục đích vận chuyển vũ khí đạn dược, sơ cứu, tải thương binh về hậu cứ. Cuối năm 1965  đơn vị đã vận động được 150 người lứa tuổi từ 17 đến 30 gia nhập đơn vị TNXP tập trung đầu tiên của tỉnh. Ngày 12/12/1965 đơn vị chọn ngọn đồi bên suối Xà Môn làm địa điểm đóng quân và làm lễ tuyên thệ và lấy tên là: Bình Giã chiến thắng. Sau này để nhớ ngày thành lập đơn vị vào tháng 12 nên gọi là C1265. Đơn vị khi đó có bà má Bảy người dân tộc Châu Ro khoảng trên 50 tuổi đem theo một chiếc nồi nhôm xin theo cùng đơn vị bằng được. Anh em trong đơn vị bảo: Má già rồi, má về đi, giặc Mỹ đánh phá má không chạy được đâu. Má nói: Vì căm thù thằng Mỹ tao đi theo tụi bây; không làm được gì tao ở nhà nấu cơm canh để tụi bay đỡ vất vả. Sau hai tháng tập huấn, rèn luyện đơn vị bắt đầu làm nhiệm vụ, thì bị địch  phát hiện, chúng cho máy bay ném bom vào doanh trại làm  4 người hy sinh là: Mã Thị Thanh, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Bời và má Bảy, lúc đó ai cũng đau.”

Mọi người lặng đi trong kỷ niệm đau thương, thế rồi ông Nguyễn Thế Ba nói tiếp: “Còn một chuyện nữa các đồng chí có nhớ không,  khoảng tháng 4/1970, khi đơn vị đang đóng quân hai bên bờ suối tỉnh Đồng Nai thì được lệnh hành quân về Tổng đội. Chặng đường hành quân khá xa và đầy nguy hiểm, có nhiều đồn bốt địch, nhất là phải vượt lộ 20 (con lộ từ ngã ba Dầu Giây lên Đà Lạt) cứ 100 thước lại có một chốt chặn, thường có xe của bọn lính VNCH đi tuần. Đại đội đi qua đây phải rất cẩn thận, im lặng, đừng để gây ra tiếng động , địch mà phát hiện uýnh là cả đơn vị hi sinh hết. Lúc đó, ở Tiểu đội 3 có chị Tám Thúy đang nuôi con nhỏ khoảng 10 tháng tuổi, gần tới lộ 20 rồi thì nó la, cho cháu nó uống thuốc ngủ mà nó không ngủ, vẫn quậy, vẫn khóc.  Lúc đó, ban chỉ huy đại hội họp gọi mẹ cháu lên và cùng quyết định nếu cháu còn la khóc thì đành bịt miệng để cả đại đội vượt lộ 20, các đồng chí thấy đau lòng không? Làm bác chú cậu mợ cháu nó mà phải đưa ra quyết định như vậy đau xót lắm. May sao đến khi sắp qua lộ, cháu nó mới im, cả đơn vị vượt lộ an toàn.  Cuối cùng bé sống tới nay, tên Thu.”

Đơn vị C1265 hy sinh hơn 1/3 quân số, cho đến nay vẫn còn 2 đồng chí chưa tìm thấy hài cốt. Đây cũng là nỗi niềm đau đáu cuả những các cựu TNXP này bao năm qua. Năm xưa họ đã từng hứa: “Hứa với nhau là nếu chết thì gặp nhau ở nhà Tròn[2], nếu còn sống thì mình cũng gặp nhau ở nhà Tròn để ăn mừng chiến thắng.”

Cũng vì lời thế của những người TNXP ngày ấy để đến bây giờ, đất nước đã thống nhất hơn 40 năm nhưng những người cựu TNXP vẫn đau đáu một nỗi niềm làm sao để  kết nối những người đồng đội còn sống, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống và đi tìm hài cốt của những người đồng đội đã mất đưa về với gia đình.

Tình đồng đội của những người TNXP trong chiến tranh là chia nhau từng nắm cơm, tựng ngụm nước, ngọt bùi cùng nương tựa nhau. Thì hòa bình trở lại đời thường, có nhiều TNXP không được đào tạo cơ bản nên khi trở về cuộc sống bình thường họ gặp nhiều khó khăn vất vả. Thế là những người TNXP năm xưa ấy lại quy tụ nhau để san sẻ , giúp đỡ nhau vượt khó vươn trong cuộc sống. Hiện nay, trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,  Hội Cựu TNXP đã sửa chữa hết nhà cho đồng đội, về cơ bản đã hoàn toàn xóa xong nhà dột nát, bước tiếp theo sẽ là sửa chữa cho khang trang, những hội viên người có hoàn cảnh khá hơn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Dù bất cứ ở nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kể tuổi tác thế nào thì những nguời cựu TNXP khi đã khoác trên mình chiếc áo màu áo xanh  thanh niên ấy  với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”  sẽ vẫn luôn sáng mãi trong mỗi thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng.

Nguyễn Thùy Trang

Đạo diễn phim “Bà Rịa Vũng Tàu, mảnh đất trọn nghĩa vẹn tình”

 

 

 

 

 

 


[1] Mô Xoài còn gọi là Mỗi Xoài, Mọi Xoài, Mỗi Xuy… địa danh này lần đầu tiên được sử Việt nói đến ở sách “Đại Nam thực lục tiền biên”. Các tác giả ngày nay, khi nói về Mô Xoài, thường có cách viết: Mô Xoài (Bà Rịa) hoặc “Mô Xoài – Bà Rịa” với hàm ý rằng vùng đất này mang tên Mô Xoài ngày xưa là Bà Rịa hôm nay. Các tên gọi Mô Xoài hay Mỗi Xoài, Mọi Xoài, Mỗi Xuy là địa danh Việt ở thế kỷ XVII, để chỉ một xứ đất, một vùng đất nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp”.

[2] Nhà Tròn – một biểu tượng của thành phố Bà Rịa – là cách gọi dân dã người dân thành phố Bà Rịa dành cho công trình tháp nước cao 20m mà người Pháp gọi là Chatoau deau, nằm ngay trung tâm giao nhau giữa hai đường 27/4 và đường Cách mạng Tháng Tám.