NGÔI ĐỀN TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN

Đăng lúc: 07-03-2022 9:07 Sáng - Đã xem: 252 lượt xem In bài viết

Đầu tháng 05/1971, sau 4 tháng huấn luyện, đơn vị tôi nhận lệnh lên đường đi B. Chiều ngày hành quân thứ 4, từ Cự Nẫm – xã Anh hùng của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình – chúng tôi lên xe đi vào Trường Sơn. Đó là ngày cuối cùng chúng tôi được hưởng không khí miền Bắc. Không biết đường đi bao xa, nhưng cảm giác của những người lính trẻ chúng tôi khi ấy, đi lên Trường Sơn như đi vào cửa tử. Hai bên đường, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, đều trống huơ trống hoác. Không có rừng, không có cây chỉ có dấu đạn bom cày nát đất. Xe cứ bò lên rồi xuống dốc. Cả trung đội ngồi trên thùng chiếc xe Giải phóng, ban đầu thì chật cứng, nhưng chừng 1 giờ đồng hồ, bị rung xóc, lắc bên này quật bên kia, đã rộng rinh. Trời tối mịt. Xe không thể bật đèn. Chỉ thấy bên đường, phía bờ vực, có bóng người, khoác dù trắng, đứng làm cọc tiêu sống… Không biết đã qua bao lâu, có lẽ chừng 11 – 12 giờ đêm, xe chúng tôi mới dừng lại. Đêm đầu tiên ngủ rừng, mở đầu cho 3 tháng trời đi bộ vượt Trường Sơn, đúng nghĩa “vượt núi băng rừng mưa dầm cơm vắt”.

Ba tháng hành quân, với chàng tân binh chưa tròn khóa huấn luyện như tôi, khó khăn gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua. Những lần gạt nước mắt vĩnh biệt đồng đội nằm lại; những ngày chỉ có ngửa mặt leo dốc rồi cúi mặt lội suối giữa trời mưa tầm tã, không một chỗ ráo đặt balô; những ngày sốt rét tái người mà vẫn phải lê từng bước một… Ba tháng hành quân. Chỉ có ba tháng hành quân, mà cả một đời in dấu!

Năm 2009, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, tôi đề xuất Ban biên tập (BBT) Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) được trở lại Trường Sơn, tuyến đường đã đưa tôi cùng đồng đội vào chiến trường thời ấy, để tìm dấu tích của Trường Sơn huyền thoại mà bàn chân hàng triệu cựu chiến binh như tôi đã từng đi qua. Sau nửa tháng rong ruổi trên hai tuyến đường Đông Trường Sơn (bên Việt Nam) và Tây Trường Sơn (bên phía nước bạn Lào và Campuchia), nhóm phóng viên Báo SGGP đã viết loạt bài chủ đề “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” khá gây được tiếng vang (sau này NXB TP.HCM tập hợp in thành sách). Riêng tôi, một CCB trở lại Trường Sơn, thấy trong lòng day dứt bởi một chiến trường Trường Sơn, một xã hội Trường Sơn thời ấy, chẳng còn lại dấu tích gì. Đã có hàng chục vạn liệt sĩ, là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nằm lại giữa Trường Sơn. Mặc dù sau này, có nhiều hài cốt được quy tập về Nghĩa trang Trường Sơn và các nghĩa trang địa phương, nhưng còn bao nhiêu hài cốt vẫn nằm lại rải rác trên những lối mòn hành quân chưa được tìm thấy? Có bao nhiêu cán bộ chiến sĩ hy sinh mà thân xác không còn nguyên vẹn…? Mai này, khi nhắc đến Trường Sơn, có ai còn nhớ đến các anh hùng liệt sĩ vô danh vô tích ấy?

Hôm chúng tôi đến hang Tám Cô, trời đã về chiều. Sau khi thắp hương trong đền liệt sĩ Trường Sơn bên cạnh cửa hang, tự nhiên ý nghĩ về những liệt sĩ, trong đó có đồng đội đơn vị tôi, còn nằm lại đâu đó trên các nẻo đường Trường Sơn. Có bao nhiêu vong linh có được nơi thờ tự như 8 liệt sĩ ở hang Tám Cô, hay 10 liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc? (Lúc ấy Nghệ An chưa xây dựng Đền Liệt sĩ Truông Bồn). Những địa danh như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Bến phà Long Đại, Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm ATP, Cổng Trời đường 12 (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị), Ngã ba biên giới (Kon Tum)… đều là những địa danh được viết bằng máu của các liệt sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến… cho Trường Sơn trở thành huyền thoại.

Tháng 07/2009, ngay khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) do Báo SGGP phát động, chúng tôi trở lại Quảng Bình. Tôi có ý định sẽ đi hết con đường 20 Quyết Thắng – con đường đã đưa chúng tôi vào Trường Sơn ngày ấy, nay như thế nào. Tuy nhiên, một lần nữa chúng tôi bị ngăn lại vì lý do đường quá xấu, xe không thể đi. Hôm ấy, trời đã chạng vạng, tôi ra đường, đau đáu nhìn lên biên giới, nơi có Trọng điểm ATP máu lửa. Mấy anh em đi cùng ra đứng cùng tôi, chắp tay bái vọng. Tự nhiên, tôi bật lời khấn nguyện: Các liệt sĩ đồng đội có linh thiêng thì phù hộ cho chúng tôi xây dựng thêm những ngôi đền liệt sĩ Trường Sơn ở những trọng điểm ác liệt, trong đó có ngôi đền trên Trọng điểm ATP…

2

Ít có một Tổng Biên tập nào mà tin tưởng cấp dưới như Tổng Biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển đối với tôi trong việc đề xuất và tổ chức thực hiện Chương trình NTTS. Tất nhiên đó là chương trình 3 không (không phụ cấp, không thù lao, không hoa hồng), nên không đụng chạm đến tài chính. Nhưng, hơn hết, đó là sự đồng cảm mục tiêu của những người lính sống sót sau cuộc chiến: trả nghĩa cho đồng đội. Anh là Tổng Biên tập, là Trưởng ban. Tôi là Phó ban Thường trực. Tuy nhiên có nhiều việc, tôi nghĩ ra bất chợt, và đề xuất, anh cũng đồng ý. Việc đề xuất xây 4 ngôi đền là ví dụ. Khi phát động Chương trình NTTS, chúng tôi mong muốn vận động xã hội chung tay góp phần chăm lo cho gia đình thương binh liệt sĩ Trường Sơn, chăm lo cho đồng bào các dân tộc đã từng chung lưng đấu cật với bộ đội Trường Sơn và xây dựng các công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên những trọng điểm ác liệt của Trường Sơn. Ý nghĩa của việc xây dựng “các công trình tưởng niệm” là muốn các thế hệ tương lai có thể đến với Trường Sơn, hiểu biết về Trường Sơn qua những chuyến viếng thăm các công trình tưởng niệm này. Tôi đề xuất xây 4 ngôi đền tại Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Bình Phước. Với suy nghĩ lúc đó, Quảng Bình là nơi khởi nguồn của đường Trường Sơn (vì chúng tôi đến Quảng Bình là bắt đầu vào Trường Sơn). Quảng Trị có chiến dịch Khe Sanh – Đường 9 Nam Lào nổi tiếng ác liệt và thương vong. Kon Tum là ngã ba biên giới – nơi tập kết và chia quân về các chiến trường Tây Nguyên, Nam bộ. Bình Phước là điểm cuối của đường Trường Sơn. Anh đồng ý ngay, mặc dù chưa biết tiền nong vận động ra sao. Có được sự tin cậy và ủy quyền của Tổng Biên tập, tôi tự giác vào cuộc triển khai vận động và triển khai thực hiện chương trình như làm cho chính mình.

Như có một thế lực tâm linh hỗ trợ, chúng tôi đi đến đâu vận động, cũng đều nhận được sự đồng tình ủng hộ. Con số hơn 150 tỉ đồng chỉ sau 2 lần vận động, lúc ấy, với một tờ báo địa phương, là con số không tưởng. Tuy nhiên, hành trình tìm và thống nhất địa điểm xây dựng 3 ngôi đền ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum cũng không hề đơn giản. Phải đi đi lại lại nhiều lần, địa điểm ưng ý thì phải thương lượng, chờ đợi; nơi không ưng thì phải chọn hết điểm này đến điểm khác… Cuối cùng, từ năm 2011 đến 2013, Chương trình NTTS Báo SGGP cũng đã tổ chức xây dựng được 3 ngôi đền: Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị) và Ngã ba biên giới thuộc xã Bờ Y tỉnh Kon Tum, do hai ngân hàng VietcomBank và VietinBank tài trợ.

Phải đến cuối năm 2012, tôi mới được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tổ chức chuyến đi trọn đường 20 Quyết Thắng để tìm địa điểm xây dựng đền tưởng niệm. Từ Đồng Hới lên hang Tám Cô, đường còn dễ đi, nhưng từ hang Tám Cô trở lên, thì đúng là một hành trình chẳng kém thời chúng tôi vào chiến trường hơn 40 năm trước. Quãng đường chỉ chưa đầy 60km mà chiếc xe UAZ (U-Oát) của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, do một tay lái “chiến” nhất điều khiển, cũng đánh vật hết hơn 5 giờ đồng hồ mới tới được Đồn Biên phòng Cà Roòng. Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, rất nhiệt tình với Chương trình NTTS, hứa sẽ vận động tài trợ xây dựng đền, đã đi khảo sát cùng tôi trên chuyến xe ấy. Đi chưa được nửa đường, ông đã lắc đầu, nói như đùa “đường sá vầy, chắc tôi ở trên này tu luôn thôi…”. Cũng vì đường quá xấu, ý định xây dựng ngôi đền nơi tận cùng biên giới đành phải tạm dừng. Năm 2013, sau khi làm lễ tổng kết Chương trình NTTS, tôi nghỉ hưu. Chương trình NTTS do Báo SGGP phát động, khép lại 1 năm sau đó. Việc vận động xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trên Trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng, không có người thực hiện. Lời khấn nguyện trước cửa đền liệt sĩ hang Tám Cô, cứ canh cánh trong lòng.

3

Tháng 02/2016, Tạp chí Nông thôn Việt ra mắt bạn đọc. Mặc dù tờ tạp chí nhỏ, của Tổng hội NN&PTNT – một tổ chức xã hội nghề nghiệp mới thành lập – nhưng chúng tôi vẫn luôn trung thành với mục tiêu thiện nguyện. Chỉ sau khi phát hành được 8 tháng, BBT Tạp chí đã phát động Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới, sau một chuyến cùng Chủ tịch Tổng hội tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra tình hình xây dựng Nông thôn mới ở một huyện biên giới thuộc tỉnh Long An. Và chỉ sau 3 năm, Chương trình đã vận động được hơn 270 tỉ đồng, xây dựng được khoảng 300 cầu nông thôn. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tìm cơ hội để trở lại với việc thực hiện ý tưởng xây dựng ngôi Đền tưởng niệm liệt sĩ trên Trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng. Trong một lần đến thăm người bạn đang là chủ một doanh nghiệp lớn, tôi tâm sự về nỗi băn khoăn vì một lời nguyện chưa thành của mình. Anh, vốn là một sĩ quan quân đội thời bình, sau khi tốt nghiệp đại học. Người cha thân yêu của anh cũng là liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Trường Sơn. Nghe tôi bày tỏ, anh nói ngay: Để em tài trợ… Tôi mừng đến ngỡ ngàng. Một lời nói. Chỉ một lời nói, không cần văn bản. Nhưng tôi tin vào anh còn hơn bất kỳ bản hợp đồng giấy trắng mực đen nào…

Những công việc tiếp theo, cho đến khi ngôi đền được tổ chức khởi công, cũng là hành trình vượt khó. Chỉ riêng địa điểm xây đền, tưởng chừng chỉ cần quyết định của chính quyền tỉnh, thì mấy ngàn mét vuông đất trống đồi trọc trên biên giới, nào có khó khăn gì. Nhưng thực tế không phải vậy. Địa điểm xây đền chúng tôi chọn là nửa quả đồi thoai thoải trên vị trí sát biên giới. Tuy nhiên, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh lúc đó và cả Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng không đồng ý, đề nghị chọn địa điểm khác, vì đó là “vị trí phòng thủ dự bị” của đơn vị. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/07, ngày 26/07/2018, Tỉnh Đoàn Quảng Bình, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, BBT Tạp chí Nông thôn Việt và nhà tài trợ tổ chức Lễ khởi động (do chưa được sự thống nhất về địa điểm xây dựng nên không thể để khởi công). Sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục có công văn đề nghị Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng “có ý kiến”. Cuối cùng, phải đến công văn của Bộ Tổng Tham mưu do Tổng tham mưu trưởng Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ký, vị trí chúng tôi chọn để xây dựng đền mới được… “đồng ý”. Công trường xây dựng Đền chính thức được thi công vào tháng 07/2019. Tuy nhiên, trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 khiến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị chìm trong mưa lũ. Hệ thống giao thông trên địa bàn nhiều nơi bị tê liệt nhiều ngày liền, làm gián đoạn việc thi công. Tiếp theo, dịch Covid-19 ập đến, công trường bị phong tỏa. Cứ thế, tiến độ thi công công trình liên tục bị kéo dài…

Đầu tháng 11/2021, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Đại tá Trịnh Thanh Bình, trong khi đi kiểm tra tuyến biên giới, đứng ở vị trí Đền đang được xây dựng, anh điện thoại cho tôi, vui mừng báo tin công trình sắp hoàn thành. Được tin, tôi bàn với BBT thu xếp công việc để đi kiểm tra và chuẩn bị cho việc khánh thành. Ngày 19/11/2021, chúng tôi bay ra Đồng Hới, xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Tỉnh Đoàn và nhà tài trợ – Ngân hàng LienVietPostBank chi nhánh Quảng Bình đã chờ sẵn. Đoàn đi thẳng lên Phong Nha, dừng lại ăn trưa và mua đồ lễ viếng các liệt sĩ hang Tám Cô và miếu Y tá. Đến hang Tám Cô, chúng tôi xuống xe vào đền dâng lễ. Từ khi tôi vào đền, một con bướm nhỏ bay đến đậu trên vai. Và từ lúc đó cho đến khi chúng tôi qua cửa hang, rồi đốt vàng mã, ước chừng hơn 30 phút, con bướm chuyển từ vai trái qua vai phải rồi xuống cánh tay phải và đậu lại đó cho đến khi tôi đốt gần xong vàng mã, mới vỗ đôi cánh mỏng bay đi… Qua khỏi hang Tám Cô, miếu Y tá, con đường phía trước vẫn vậy, rừng núi hai bên vẫn vậy mà sao trong tôi có cảm giác rạo rực lạ thường. Ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn sắp hoàn thành. Ngôi nhà tụ họp vong linh các anh chị hy sinh trên đường 20 Quyết Thắng, trên Trọng điểm ATP, trên ngầm Cà Roòng… sắp hoàn thành.

4

Từ Chương trình NTTS Báo SGGP đến Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt, chúng tôi đã vận động được nhiều trăm tỉ, đã xây dựng cả ngàn căn nhà tình nghĩa, đã xây dựng hàng trăm cây cầu bê-tông, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới ở nhiều làng xã vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Những công trình ấy đều rất có ý nghĩa, rất cần thiết cho những gia đình nghèo, những làng xã khó khăn mà ngân sách Nhà nước chưa với tới. Tuy nhiên, điều đọng lại trong tôi vẫn là những ngôi đền. Một ngôi nhà tình nghĩa, 5 – 10 năm sau, khi kinh tế gia chủ khá lên, họ sẽ phá đi xây lại. Một cây cầu nông thôn tải trọng 5 tấn hôm nay, 10 – 20 năm nữa, hạ tầng giao thông nông thôn phát triển, những cây cầu to hơn, hiện đại hơn sẽ thay thế nó… Còn những ngôi đền, 100 năm, nhiều trăm năm, sẽ vẫn tồn tại với giang sơn, Tổ quốc. Đời người thì hữu hạn, nhưng tuổi thọ của những công trình tâm linh thì vĩnh cửu. Các thế hệ sau chỉ có thể tôn tạo, vun bồi. Những ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn ở Ngã ba biên giới (Kon Tum), ở Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt bên bờ dòng sông Bến Hải lịch sử (Quảng Trị) và trên Trọng điểm ATP của đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), sẽ góp vào danh sách các đền đài ghi công các anh hùng liệt sĩ “vì nước quên thân”. Trong những địa chỉ tâm linh ấy, đền liệt sĩ trên Trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng có thể coi là địa điểm “trên đỉnh Trường Sơn” – xa xôi hẻo lánh, ít dân và cận kề biên giới nhất.

Nghĩ lại hành trình thực hiện một ước nguyện kéo dài 12 năm, tôi không thể không nói lời cảm ơn đến nguyên Tổng Biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển, người đã tin cậy để tôi được xây dựng và thực hiện một chương trình thiện nguyện bằng niềm tin rất… tâm linh. Cảm ơn những đồng nghiệp đã cùng tôi trong cuộc hành trình ngược xuôi biên giới từ Tây Ninh ra tới Cao Bằng, qua Chương trình NTTS đến Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới. Cảm ơn các mạnh thường quân, các nhà tài trợ VietcomBank, VietinBank, LienVietPostBank; UBND Tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Tỉnh Đoàn Quảng Bình. Và đặc biệt, cảm ơn ông Dương Công Minh, người đã quyết định tài trợ trọn gói cho ngôi Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trên Trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng.

 Những hạng mục cuối cùng của Công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trên Trọng điểm ATP đang gấp rút hoàn thiện. Chắc chắn, ngôi đền sẽ được khánh thành trong dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh – người quyết định mở đường Trường Sơn và đồng ý lấy ngày sinh của mình làm ngày thành lập đơn vị mở đường.

Trên đất nước Việt Nam có hàng ngàn ngôi đền được xây dựng qua nhiều thế hệ, để tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã bỏ mình vì nước. Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trên Trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng không chỉ là nơi tụ hội vong linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên chiến trường này. Đó còn là dấu mốc, là điểm tựa trấn giữ biên cương Tổ quốc. Mai này, đó sẽ là địa chỉ du lịch tâm linh, có thể đánh thức một vùng đất heo hút, nghèo khó của đồng bào các dân tộc nơi biên giới…

Đứng trước ngôi đền sừng sững giữa đại ngàn, trong lòng tôi cảm xúc dâng trào!

Bài viết: ĐỨC QUANG

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Theo nongthonviet.com.vn