Lên ở thành phố đã lâu
Thế mà cỏ may còn bám
Găm ống quần, tà áo cũ mỏng manh
Em đã bắt đền anh gỡ ra hôm ấy
Muốn quên đi mà quên không nổi
Cỏ may ám ảnh mãi đời anh
Mỗi khi gỡ lại nhớ hương đồng gió nội
Nhớ cỏ may cài mái tóc em thơm
Anh cứ ngỡ đến miền đất hứa
Nơi phồn hoa cuộc sống tốt đẹp hơn
Nào ngờ kẻ “ăn mày” thành phố
Lại là anh, đang gặm nhấm nỗi buồn
Giá mà anh và em tốt số đẹp duyên
Thì tình yêu chúng mình làm gì đến nỗi
Anh đau khổ nhìn ngày em ăn hỏi
Chắc em liều làm vậy, để trút hận vào anh?
Anh vứt bỏ tình yêu đầu chạy trốn
Sợ mắt phải nhìn thấy bóng hình em!
Sự tức giận đã lên cực độ
Giờ nghĩ lại hận mình, đâu phải lỗi tại em!
Nay anh ở trong bốn bức tường vây kín
Hong quần áo cỏ may dày đặc những mũi kim
Năm tháng qua châm vào lòng anh nhấp nhói
Anh ngồi gỡ nỗi buồn, gỡ nỗi cô đơn!
Em ơi em, cỏ may đồng làng có còn nữa không em
Cả nơi chúng mình đã nằm lăn trên cỏ?
Anh nghe nói khu công nghiệp đã lấp đầy nơi đó
Thế thì đã lấp đi bao kỉ niệm tình yêu vương vấn mãi kiếp người
Em nhớ không trăng hôm ấy đẹp tuyệt vời
Em run rẩy cắn cỏ may – trăng vỡ
Anh chỉ còn nghe ngực em phập phồng hơi thở
Làm anh buồn ngơ ngác trăng suông!
Anh giận em lúc bấy giờ, em oán trách anh không
Tình yêu đầu đời thường hay khờ dại
Ranh giới hóa bức tường cỏ may ngăn ta lại
Anh kịp nhận ra giọt nước mắt em thương!
“Điệu nhảy trên cây” của dân tộc Lô Lô trong Chợ tình Khâu Vai. Ảnh internet.
Kể từ đấy dang dở vấn vương
Cỏ may vô tình găm vào nỗi nhớ
Anh ước được như chợ tình Khau Vai[1] cho tình yêu dang dở
Được gặp lại nhau giải mã những hiểu lầm
Cho tình yêu ban đầu lại như ánh trăng trong.
Nguyễn Hồng Quang
TDP Kim Tỉnh phường Trung Thành TP Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên
[1] Chợ Khau Vai, còn gọi là chợ tình Khâu Vai, chợ Phong Lưu là chợ lễ hội ở bản Khau Vai xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, tồn tại hơn 100 năm qua, diễn ra ngày 27/3 âm lịch hằng năm.