Người giữ hồn cốt của làng

Đăng lúc: 21-09-2020 9:55 Sáng - Đã xem: 123 lượt xem In bài viết

Đi ngược Thủ đô Hà Nội khoảng 50 cây số là trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đây có các khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, Đầm Vạc; hồ Đại Lải; các khu du lịch tâm linh: Đền Quốc Mẫu Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tự. Du khách ở miền xuôi muốn lên thăm thú và du lịch ở những nơi này thì đều phải đi qua vùng “Đất vại Hương Canh”. Đó là làng Hương Canh thuộc Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, một vùng quê đã nổi tiếng có nghề làm chum, vại, sành, sứ đã được ghi vào sử sách mà nhà thơ Tố Hữu đã phải thốt lên bằng những vần thơ “Ai về mua vại Hương Canh…” và cũng không quên được những ẩm thực nơi đây như món nộm vó cần, bánh hòn cháo se, ai đã một lần thưởng thức thì nhớ mãi không quên, “Ăn” đã vậy, còn “Chơi” thì cứ hàng năm Tết đến, xuân về hay những ngày lễ hội của làng thì lại có trò chơi Kéo Song giữa làng Hương, làng Ngọc và làng Tiên, hay đánh vật, trọi gà, bóng truyền, bóng đá hoặc biểu diễn tập dưỡng sinh…

Lại nói về lễ hội. Bởi ba làng Hương Canh, làng Ngọc Canh và làng Tiên Canh (Tiên Hường) có ba ngôi đình cổ kính lâu đời vừa to, vừa đẹp, rất linh thiêng để thờ các vị thần, thánh, thành hoàng làng có công với dân với nước. Trong đình lưu giữ được nhiều sắc phong qua các đời vua, chúa và cũng giữ được nhiều những cổ vật thờ tự có giá trị về lịch sử văn hóa của Việt Nam. Những ngôi đình cổ này đã được nhà nước xếp hạng là: “Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia”, hàng năm đều tổ chức tế lễ và mở hội vui chơi để cho dân làng và khách thập phương về đây làm lễ tế thần cầu may và dự hội, nên ngôi đình cổ tôn nghiêm này đã dường như là hồn cốt của làng.

Giữ được những ngôi đình uy nghi, to đẹp như vốn có của nó đã trải qua bao thời đại, giặc giã, nắng mưa là do công lao của toàn dân trong làng đồng tâm bảo vệ và chăm lo tu sửa qua các đời liên tục. Nhưng cũng không thể không nói đến các công lao và tâm huyết đầy trách nhiệm của các “ông từ” qua các thời trực tiếp trông coi, bảo quản, hương đăng thường nhật và sắp đặt trong những ngày tuần tiết, Tết nhất, tế lễ, hội hè.

Được dân làng tín nhiệm cử ra làm việc “thủ từ”, được gánh vác công việc tâm linh mà dân làng giao phó thì không ai là không lấy làm vinh dự, hết lòng làm tròn bổn phận.

Ở đây, muốn nói đến một người đang làm “thủ từ”. Đó là ông Nguyễn Hữu Đảng (ảnh trên), nay đã 77 tuổi đời, đã phải cắt bỏ túi mật trong gan vì bệnh tật. Ngạn ngữ có câu: “Có gan to, mật lớn mới dám làm những công việc tầy đình”. Ấy thế mà không có mật, nhưng ông Nguyễn Hữu Đảng vẫn sốt sắng dám làm thủ từ ở ngôi đình làng Hương Canh, thị trấn Hương Canh suốt 19 năm liên tục cho đến nay.

Cũng phải nói sơ qua cái tính hăng hái có trách nhiệm vì tập thể, vì dân làng từ lúc tuổi trẻ cho đến khi tuổi đã già của con người này, thì ta mới biết được tại sao ông lại làm tốt công việc “thủ từ” như vậy?

Thời trai trẻ đã ông là một đoàn viên thanh niên hoạt động rất sôi nổi trong mọi phong trào ở trong thôn xóm, từ công tác văn hóa, văn nghệ đến tuyên truyền, cổ động cho các phong trào ba sẵn sàng, ba đảm đang, chiến đấu và sản xuất giỏi chống Mỹ cứu nước, vận động nông dân vào hợp tác xã, vận động thanh niên lên đường tòng quân, v.v…Suốt chiều dài năm tháng, ông đã kẻ, vẽ và viết biết bao nhiêu khẩu hiệu, biểu ngữ, băng rôn để cổ động, tuyên truyền cho các phong trào đó.

Chẳng phải nhà tuyên giáo, tuyên truyền nhưng thực chất ông đã là một “Tuyên truyền viên” xuất sắc trong lòng nhân dân, cũng nhờ một phần cái tính hay lam, hay làm những công việc tập thể, một phần ông có cái hoa tay khéo vẽ, khéo tô, lại viết chữ đẹp, tính tình thì cởi mở vui vẻ nên công tác đoàn thể rất sôi nổi, các đám mừng thọ cho các cụ cao niên, hay đám cưới, đám treo của thanh niên trong làng hầu hết là ông đều kẻ vẽ trang trí và thủ vai đầu trò để giúp các đôi tân lang, tân nương nên duyên chồng vợ.

Còn nói đến các đám tang trong làng thì hầu hết là ông đều làm giúp việc trang trí quan tài cho đẹp như bả, đắp sơn, vẽ “Long vân, Phượng vũ” ở hai bên quan tài, hai đầu thì viết chữ thọ, chữ phúc rất đẹp, tuy ông không học chữ nho, nhưng cái tài vẽ chữ nho của ông thì khéo lắm.

Là người tuyên truyền cho các phong trào, chính ông lại gia nhập TNXP đi phục vụ các chiến trường chống Mỹ cứu nước. Ở đâu ông cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và được nhiều cấp khen thưởng. Khi xuất ngũ về địa phương ông làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Hương Canh suốt 12 năm liên tục được nhiều giấy khen, là điển hình được đăng báo.

Bây giờ, tuy tuổi tác đã cao, nhưng ông có cái tâm, tỉnh thần vì tập thể, vì cộng đồng nên được dân làng tín nhiệm, cử ông làm thủ từ. Gánh vác một trọng trách của dân làng giao phó, ông luôn cố gắng hết mình, vận động nhân dân cùng khách thập phương công đức các đồ thờ tự, các vật dụng thiết yếu cho việc tế lễ, hội hè, hay tu sửa những hạng mục xuống cấp v.v… Hàng ngày ông trông coi chu đáo, bảo vệ vẹn nguyên, công trình luôn sạch sẽ gọn gàng, hương đăng đều đặn, luôn luôn giữ được vẻ tôn nghiêm, trang trọng của ngôi đình cổ.

Ông làm rất tốt vai “thủ từ” suốt 19 năm và dân làng vẫn muốn ông tiếp tục làm “Người giữ hồn cốt của làng” Hương Canh lâu dài.

                                             TRẦN HỒNG PHONG

Trung Yên 1, Cầu Giấy, Hà Nội.