Người Hà Nội mới

Đăng lúc: 07-11-2020 8:38 Sáng - Đã xem: 61 lượt xem In bài viết

Ảnh internet  

Những người ở quê ra thành phố. Trong số đó là những người công nhân, viên chức ra phố làm việc trong các cơ quan, công sở, nhà máy, doanh nghiệp, hoặc ông bà ra ở với con, cháu, cũng có người ra ở thành phố sinh sống để được hưởng thụ những nét đẹp văn hóa đặc chưng và để gần các bệnh viện lớn phòng khi bệnh tật… Trong số đó, không ít người còn mạc cảm, tự ti, sống khép mình, hạn chế giao tiếp với cộng đồng, luôn giữ một khoảng cách nhất định với mọi người.

Ấy là lúc đầu thế thôi; Chứ về sau rồi cũng quen dần. Hiểu ra thì ai cũng như ai, hoàn cảnh tương đồng, cảm thông cách sống, chia sẻ buồn vui và họ lại mang được cái hồn quê ra phố, vẫn giữ được cái nét đẹp của làng quê chia sẻ cùng người thành phố.

Ta hãy quan sát ngay tại Thủ đô Hà Nội, tuy được mở rộng địa giới, dân cư đông đúc nhưng cái nét đẹp thanh lịch của người Hà Thành cũng được lan tỏa và hòa nhập với cộng đồng ngay khi ai đó đã là người Hà Nội.

Họ đã quen thân với nhau, chia sẻ vui buồn, giúp nhau trong cuộc sống khi gặp khó khăn. Đơn cử như trong dịp chống dịch Covid-19 ở tại nhà cao tầng trung cư Trung Yên 1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có một gia đình ở căn hộ 12B-03 nằm trong diện phải cách ly 14 ngày, trong nhà có người phụ nữ đảm đang nội chợ thì phải đi cách ly tập chung, còn lại là người già và trẻ con. Trước tình hình đó mọi người trong gia đình không khỏi hoang mang, lo lắng, sợ mọi người xa lánh, kỳ thị thì không biết xoay sở trong cuộc sống hàng ngày ra sao khi mà hết lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm thiết yếu?

Nhưng rồi cái lo lắng ấy ngay lập tức được tan đi, khi mà được mọi người trong khu nhà trung cư tận tình giúp đỡ. Như cụ bà Lều Thị Đậu đã 83 tuổi, chị Yến ở phòng 12B-04 đều mang khẩu trang thường xuyên gõ cửa, thăm hỏi và đi mua sắm hộ lương thực, thực phẩm, thuốc men…hay như cụ Phước, ông Tạo, bà Thành, anh Chuyên, Ông Phan Lang tổ trưởng tổ dân phố, chị Phương phó bí thư chi bộ và chi hội trưởng phụ nữ, chi hội người cao tuổi cũng đến thăm hỏi, sẻ chia và động viên tiếp sức.

Thế mới biết, chỉ khi hoạn nạn thì cái tốt, cái hay mấy thấy được sự chân tình, chia sẻ của mọi người hết lòng giúp đỡ.

Như ông Vũ Mạnh Ngữ, bà Nguyễn Thị Thìn là cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu, người gốc ở Hà Nội đã nhiều đời, nay ở phòng 709, ông Nguyễn Xuân Thoảng Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh, bà Nguyễn Thị Đạm ở phòng 801, anh Vũ Anh Tuấn, chị Lương Thị Hạnh ở phòng 1003 cùng nhà trung cư Trung Yên 1, họ thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau, rủ nhau đi họp, đi tập thể dục hay cùng nhau đi chợ, đi siêu thị …họ dắt nhau qua đường, họ mang giúp vật dụng người già yếu. Nhất là khi ra chợ, khách quen chủ, chủ nhớ khách, họ mời chào đon đả, thuận mua, vừa bán, bán xong khi thấy khách hàng đau chân, chủ hàng còn cho người chở xe máy về tận nhà, đấy chẳng phải là nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, mua bán đó sao? Chẳng phải là tính nhân văn của người Hà Nội Mới đó sao? Ấy thế mà còn có người quan niệm người thành phố “Ai biết người ấy, không giao tiếp, khó gần”. Sự thực không phải thế, bởi vì khi chưa biết nhau, chưa hiểu về nhau, mà ở chốn đô thành thì việc cảnh giác là hết sức cần thiết, nên một số người có quan niệm sai cũng là dễ hiểu, nên ta cũng thông cảm với những ai đó “Chưa đi thì chưa biết ngọn nguồn, chưa xem thì chưa biết tổ con chuồn chuồn ở đâu”. Thế đấy, bỏ qua đi. Chứ người Việt Nam ta nói chung, người Hà Nội, nhất là phái đẹp nói riêng thì họ càng tinh tế lắm, một khi đã tin, thì tin nhau như chị em ruột thịt, khi thì chia sẻ vui buồn, khi thì giúp đỡ lúc khó khăn không hề toan tính. Người phụ nữ Thủ đô là thế đấy; Người Hà Nội Mới khác xưa nhiều lắm, ai đó đừng hiểu sai nhé “Cứ đi rồi sẽ tới, cứ xem rồi sẽ hiểu”; Hiểu rồi mới thấy sự chân tình của người Hà Nội Mới. Bởi vì họ rất hiểu cái lý lẽ rất giản đơn là “Cùng đi trên một con thuyền vượt biển”; Cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cùng là người Hà Nội sống ở đất Thăng Long có ngàn năm văn hiến, nên họ rất tự giác thực hiện nếp sống văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp; Hà Nội thành phố vì Hòa bình, điểm đến của bạn bè quốc tế, nên họ càng phải sống sao cho xứng đáng với câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Bởi vậy, kể cả ngày thường họ đều quan tâm, thăm hỏi, chuyện trò với nhau khi rảnh dỗi, tuy gốc gác mỗi người một quê ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bình Định, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, xứ Thanh, Xứ nghệ…nhưng họ đều có chung một ý nghĩ là làm sao sống cho xứng với cái tên “Người Hà Nội”. Thế rồi mỗi khi họ về thăm quê, khi ra lại mang sản vật của đồng quê ra phố để chia sẻ cho mọi người như cân đỗ, mớ rau xanh, hay củ khoai, chai mắm chứa đầy tình cảm mặn mà trong đó.

Phải chăng nét đẹp của làng quê đã được hòa trộn vào sự thanh lịch của đất Hà Thành để trở thành hình ảnh, vóc dáng của “Người Tràng An – người Hà Nội Mới”.

TRẦN HỒNG PHONG