Người viết bản Quân lệnh số 1

Đăng lúc: 17-08-2021 8:48 Chiều - Đã xem: 370 lượt xem In bài viết

Đồng chí Trần Huy Liệu (5 tháng 11 năm 1901 – 28 tháng 7 năm 1969)  sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sớm được tiếp xúc và thấu hiểu cuộc sống khốn khó của người dân lao động, người thanh niên ấy đã luôn khao khát tìm cho mình một con đường lập thân. 

Từ năm 17 tuổi, Trần Huy Liệu đã làm thơ, viết báo. Những bài thơ, bài báo đầu tiên không chỉ thể hiện lòng yêu nước nước nồng nàn, mà qua đó còn xác định trách nhiệm đối với sự nghiệp giải phóng đất nước.

Với nhiệt huyết và quyết tâm làm báo của mình, cuối năm 1923, Trần Huy Liệu theo thầy Bùi Trịnh Khiêm – một nhà nho cấp tiến rời quê hương vào Sài Gòn. Sau một thời gian, Trần Huy Liệu đã nhanh chóng trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, làm chủ bút nhiều tờ báo. Với các bút danh Đẩu Nam, Côi Vị, Hải Khách v.v…, các bài viết của Trần Huy Liệu nổi tiếng về tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, đòi quyền tự do, dân chủ, đòi quyền sống cho dân nghèo.

Vì các hoạt động yêu nước và chống thực dân Pháp, Trần Huy Liệu bị kẻ thù bắt và kết án đày ra Côn Ðảo. Trong nhà tù đế quốc, ông được giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản qua sự tuyên truyền và qua những tấm gương dũng cảm, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản cùng bị giam giữ. Vì vậy, khi ra tù, ông tuyên bố ly khai Quốc dân Ðảng và tán thành chủ nghĩa cộng sản. Ông bị chính quyền thực dân trục xuất ra Bắc.

Đồng chí Trần Huy Liệu trước ngày rời Côn Đảo

 Sau khi ra tù và bị trục xuất về Bắc, Trần Huy Liệu tiếp tục sự nghiệp báo chí. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Đảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) người cũng vừa từ Nhà tù Côn Đảo trở về làm báo nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc và cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân.

Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra hoạt động công khai và xuất bản tờ Tin tức, Trần Huy Liệu được giao trọng trách làm chủ bút. Cuối năm 1939, báo Đời nay bị đóng cửa, Trần Huy Liệu vẫn bám trụ tại tòa báo để chiến đấu. Đêm 29/9, mật thám đến vây bắt đồng chí tại trụ sở tòa soạn và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Đầu năm 1940, bị tòa án xử, khép tội làm rối cuộc trị an, âm mưu lật đổ chính phủ. Trong tù, Trần Huy Liệu cùng các bạn tù luôn trao đổi thông tin, tìm cách biên tập và cất giấu các tài liệu huấn luyện cách mạng, tổ chức thu xếp đời sống cho anh em tù nhân, lên kế hoạch ăn Tết tại Hỏa Lò. Sau khi biết tin địch sẽ chuyển đi Nhà tù Sơn La, đồng chí cùng một số anh em đã nghiên cứu thảo luận, tổ chức các ban ngoại giao, tiếp tế, cứu tế, tuyên truyền và cùng phân công nhau phụ trách, chuẩn bị các tài liệu đã được dùng học tập, tuyên truyền trong Hỏa Lò để bí mật mang theo.

Sau sự kiện một số tù nhân Sơn La vượt ngục, Trần Huy Liệu và một số đồng chí bị chuyển về Nhà tù Bá Vân ở Nghĩa Lộ. Đầu năm 1945, đồng chí vượt ngục thành công sau đó được Đảng giao làm thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. 

Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng được tiến hành từ ngày 13 đến 15/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. Hội nghị quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đồng chí Trần Huy Liệu được Đại hội bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng và là tác giả bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi vào đêm ngày 13/8 do đồng chí Võ Nguyên Giáp ủy quyền.

Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa 

 Trong hồi ký của mình, Trần Huy liệu viết: “Đêm 13/8/1945, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và rĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì vậy bản “Quân lệnh số 1” lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động”.

Toàn văn bản Quân lệnh số 1:

Hỡi quân, dân toàn quốc! 12 giờ trưa ngày 13/8/1945, phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục. Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban khởi nghĩa đã thành lập. Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trong trận của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến! Hỡi nhân dân toàn quốc! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 30/8/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Trưởng đoàn, vào Huế chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại – vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn.  

Trong thời điểm lịch sử ấy, chính Trần Huy Liệu đã viết bức điện từ Huế gửi về Hà Nội để báo cáo tình hình: “… Sáng 29 tới Huế, mấy chục vạn người họp ở sân vận động, nghe diễn thuyết và hoan hô dân chủ cộng hoà. Chiều 29 đã gặp Bảo Đại. Chiều 30 sẽ làm lễ trao quốc quyền tại Ngọ Môn. Sáng 31 sẽ về Bắc mang theo quốc ấn, quốc kiếm, và quốc bảo. Dân chúng nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ lâm thời”. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Đồng chí Trần Huy Liệu cũng báo cáo việc phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và cũng đầy vinh dự của mình.

Ngày 26/9/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 39/SL về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử (gồm 9 người) trong đó có đồng chí Trần Huy Liệu, Ủy viên. 

Sắc lệnh số 39/SL, ngày 26/9/1945 của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử

 Bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên diễn ra ngày 06/01/1946, đồng chí Trần Huy Liệu được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Các hoạt động đối ngoại của Ban Thường trực Quốc hội mà đồng chí tham gia đã góp phần nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với Quốc hội và nhân dân các nước, có lợi cho công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Các thành viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, năm 1946 (đồng chí Trần Huy Liệu, hàng đầu, thứ hai từ trái sang

 Trong quá trình công tác, đồng chí Trần Huy Liệu còn giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chính trị Cục trưởng trong Quân sự Ủy viên hội, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam…

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã để lại dấu ấn đặc biệt, là “Người viết bản Quân lệnh số 1” và có nhiều đóng góp cho Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày đầu thành lập.

Theo hoalo.vn