Nguyễn Anh Liên, một tấm lòng vì đồng đội

Đăng lúc: 30-01-2018 9:17 Sáng - Đã xem: 176 lượt xem In bài viết

Nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên từng nói: Trong cuộc đời của mình, có bao nhiêu gian lao, hy sinh, cống hiến thì tôi cũng có bấy nhiêu niềm hạnh phúc. Nhưng có lẽ một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi là được làm chiến sĩ thanh niên xung phong”. Với tâm nguyện đó, mọi hoạt động của đồng chí Nguyễn Anh Liên từ khi tham gia Ban Liên lạc Cựu TNXP đến hơn 2 nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam đã thể hiện sự hết mình vì đồng đội.

Từ Ban Liên lạc cựu TNXP TƯ đến Ban vận động Đại hội thành lập Hội: 

Ban Liên lạc Cựu TNXP Trung ương được Trung ương Đoàn ra Thông báo thành lập ngày 23/7/1996. Là một trong hai Phó Trưởng ban đầu tiên của Ban liên lạc, đồng chí Nguyễn Anh Liên đã cùng Ban liên lạc giành nhiều công sức, tâm huyết, phối hợp với Trung ương Đoàn tiến hành nhiều hoạt động, tổng hợp tình hình để báo cáo lên Đảng và Chính phủ có chủ trương giải quyết những vấn đề tồn đọng về chính sách, chế độ, khen thưởng của TNXP.

 Một trong những sự kiện đặc biệt liên qua đến vai trò của đồng chí Nguyễn Anh Liên, đó là cuộc làm việc có ý nghĩa lịch sử giữa Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Ban liên lạc Cựu TNXP Trung ương ngày 10/6/1997. Ngày đó, trước một số vấn đề tồn tại lớn của TNXP, dù đã có nhiều công văn báo cáo gửi lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ nhưng chưa được “hồi âm”; Ban Liên lạc đã giao cho đồng chí Nguyễn Anh Liên tìm cách “tiếp cận” Thủ tướng để đăng ký cho Ban liên lạc được trực tiếp gặp Thủ tướng báo cáo. Trong một phiên họp Ban chấp hành Trung ương Đảng, tranh thủ giờ giải lao, đồng chí Nguyễn Anh Liên đã báo cáo nhanh một số vấn đề bức xúc của cựu TNXP. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lắng nghe rồi chỉ sau đó một ngày, ngày 10/6/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải đã cho mời Ban liên lạc cựu TNXP Trung ương đến phòng làm việc của Thủ tướng để nghe báo cáo cụ thể. Về phía Ban Liên lạc có Trưởng ban Nguyễn Văn Đệ và các Phó ban Nguyễn Anh Liên, Lê Văn Sang. Cùng được mời dự cuộc họp hôm đó có đồng chí Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng chí Vũ Trọng Kim, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Việt Phát, Trưởng Ban TNXP Trung ương Đoàn. Sau khi nghe các đồng chí dự họp phát biểu ý kiến, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận đồng ý cả 5 kiến nghị của Ban Liên lạc.

Ngay sau cuộc họp, ngày 14/6/1997, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 64/TB về Kết luận của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với 3 nội dung quan trọng sau:

“1. Về chế độ chính sách đối với cựu TNXP:… Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hướng dẫn cụ thể việc xác lập hồ sơ thủ tục, tổ chức giám định cho các trường hợp còn tồn động, tạo điều kiện để các đồng chí cựu TNXP tham gia xác minh cho đồng đội để giải quyết sớm chế độ, chính sách cho anh chị em TNXP là liệt sĩ và thương binh,nghiên cứu bổ sung việc vận dụng chế độ bệnh binh đối với TNXP…

  1. Về khen thưởng đối với TNXP: Với vai trò lịch sử của mình qua hai cuộc kháng chiến, lực lượng TNXP Việt Nam xứng đáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…và khen thưởng một số địa phương có đông thanh niên tham gia TNXP và có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến.

Bộ Văn hóa – Thông tin phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xem xét việc công nhận các địa danh lịch sử, nơi đã ghi lại các chiến công tiêu biểu của TNXP trong thời kỳ chiến tranh để giáo dục truyền thống cho các thế hệ thanh thiếu nhi.

Bộ Tài chính phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tính toán cụ thể kinh phí làm Kỷ niệm chương tặng cho các đồng chí cựu TNXP chống Pháp và chống Mỹ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định…

  1. Việc thành lập Ban liên lạc TNXP: …Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban liên lạc cựu TNXP Trung ương xây dựng quy chế và hướng dẫn hoạt động của Ban liên lạc TNXP với mục tiêu thiết thực, tự nguyện và gắn với tổ chức Đoàn cùng cấp…”(1)

Ngày 11/11/1997, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định số 50/KT- CTN “Tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng TNXP Việt Nam đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 14/4/1999, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký quyết định số 104/CP về một số chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Ngày 14/7/2002, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thân mật tiếp Ban đại diện Cựu TNXP Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Liên làm Trưởng ban. Chủ tịch nước Trần Đức Lương thay mặt Đảng, Nhà nước nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ TNXP vào sự nghiệp vẻ vang chung của Tổ quốc; vui mừng nhận thấy các cựu TNXP vẫn luôn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ, tiếp tục nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước và tiếp tục tu dưỡng bản thân nêu tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cho các thế hệ con cháu noi theo; nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ ngành ở Trung ương và các địa phương luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, về đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, chế độ đối với người có công với nước, trong đó có cựu TNXP đang còn tồn đọng nhiều nhất; ủng hộ việc Ban Đại diện cựu TNXP đang khẩn trương chuẩn bị thành lập Ban vận động Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Ngày 02/5/2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cựu TNXP phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1953 -1954). Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Anh Liên, Trưởng ban và đồng chí Nguyễn Tiến Năng, Phó Trưởng ban đại diện cựu TNXP Trung ương báo cáo, Thủ tướng Phan Văn Khải hoan nghênh và chấp nhận cho phép Đại hội Thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam, một tổ chức mang tính chất chính trị – xã hội, đại diện nguyện vọng và quyền lợi của 35 vạn cựu TNXP trong cả nước, đặc biệt làm nhiệm vụ nhân chứng lịch sử giúp chính quyền giải quyết tồn đọng chính sách. Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý các ngành, các cấp, các địa phương sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng trong chính sách đối với cựu TNXP đã để kéo dài quá lâu. Chính phủ sẽ chỉ đạo đôn đốc các bộ ngành phải nghiên cứu tiến hành đơn giản hóa các thủ tục công nhận liệt sĩ, thương binh, nhiễm chất độc da cam và đối với những nữ cựu TNXP cô đơn để thực hiện tốt hơn chính sách đền ơn đáp nghĩa, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cũng là một phương thức giáo dục thích hợp, hiệu quả đối với thế hệ trẻ.

Ngày 04/8/2004, lãnh đạo Trung ương Đoàn cùng Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã họp với Ban vận động thành lập Hội Cựu TNXP thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành Đại hội thành lập Hội. Ngày 21/9/2004 Bộ trưởng Bộ Nội vụ được Thủ tướng Chính phủ giao ký Quyết định cho tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam vào ngày 18 và 19/12/2004.

Trên danh nghĩa là có Ban đại diện và Ban vận động, nhưng thực tế khi đó không có văn phòng, không có kinh phí, không có nhân sự…, nên mọi công việc chủ yếu do thành viên Ban vận động cùng một số cựu TNXP tâm huyết, tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí tiến hành các hoạt động chuẩn bị Đại hội thành lập Hội. Trong đó, với trách nhiệm Trưởng ban Đại diện và Trưởng ban Vận động thành lập Hội, đồng chí Nguyễn Anh Liên đã tự bỏ tiền mua văn phòng phẩm, trang thiết bị văn phòng (máy tính, máy in…) và vận động mọi người thân trong gia đình (vợ, con) cùng tham gia trợ giúp (soạn thảo văn bản, in ấn, phát hành văn bản, liên hệ các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể để chuẩn bị các buổi họp, làm việc cho Ban vận động…)

Hội Cựu TNXP Việt Nam

Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP từ tháng 12 năm 2004 đến tháng 10/2016 đồng chí luôn cùng Thường trực Đoàn Chủ tịch tìm cách nâng cao vị thế của Hội thông qua việc tổ chức các sự kiện để làm công tác nghĩa tình đồng đội được thuận lợi hơn. Có thể nêu một số sự kiện chính như sau: Phát động phong trào thi đua Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo và tổ chức hội nghị biểu dương vào các năm 2009, 2012; hội nghị “Tổng kết, biểu dương và phát huy vai trò Nhân chứng lịch sử” tháng 9 năm 2013; phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 TNXP Mặt trận Điện Biên Phủ tháng 10/2014; đề xuất và góp phần quan trọng cho Lễ kỷ niệm “50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước 12/01/1967 – 12/1/2017”.

Đồng chí cũng đã chủ trương và chủ trì thành công gần chục cuộc giao lưu nghệ thuật, giao lưu lịch sử như: Dấu ấn tuổi xuân, Bài ca cô gái mở đường… thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân khắp mọi miền đất nước, thu hút rất nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ hàng trăm tỷ đồng, góp phần chăm lo đời sống cho hàng chục vạn cựu TNXP nghèo, khó khăn.

Là đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007 – 2011), đồng chí Nguyễn Anh Liên đã dồn tâm huyết vào việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị bức xúc của cựu TNXP để kiên trì phản ánh báo cáo trước các kỳ họp Quốc hội, đã giúp cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận từ Trung ương đến địa phương hiểu thêm sâu sắc và có sự quan tâm đặc biệt hơn việc giải quyết tồn đọng chính sách và chăm lo đời sống cho cựu TNXP.

Ngay sau khi Đại hội thành lập Hội ra đời, đồng chí đã dẫn đầu các Đoàn công tác đi đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp Bí thư, Chủ tịch để tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền đối với hội viên và tổ chức Hội, nên chỉ trong thời gian ngẵn đã có 60/63 tỉnh, thành phố tiến hành Đại hội thành lập Hội. Đồng chí đã tranh thủ tiếp cận, mời được các đồng chí lãnh đạo cao nhất như các Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, các Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, các Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, các Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, các Chủ tịch Mặt trận Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm, Nguyễn Thiện Nhân giành thời gian gặp mặt các Đoàn đại biểu cựu TNXP và đến thăm, làm việc với Trung ương Hội. Đặc biệt, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, suốt hơn 10 năm, năm nào Đại tướng cũng ưu ái gặp gỡ chuyện trò với các Đoàn đại biểu Cựu TNXP và một dấu ấn lịch sử là Đại tướng đã rất vui chấp nhận một nguyện vọng thiêng liêng của nửa triệu cựu TNXP cả nước là tặng Hội cựu TNXP Bức trướng thêu dòng chữ vàng: “Tôi luôn coi TNXP như Bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.

Một sự kiện đặc biệt nữa, không thể không nhắc đến, đó là đồng chí đã dồn tâm huyết, công sức vào việc chủ trương và trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khoa học – thực tiễn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn Thanh niên xung phong” đạt kết quả to lớn, được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá rất cao; như ý kiến tổng kết Hội thảo của Giáo sư Tiến sỹ1: “Có thể khẳng định, Hội thảo khoa học và thực tiễn Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn TNXP là cuộc hội thảo đặc biệt, có ý nghĩa chính trị, khoa học, thực tiễn sâu sắc; đặc biệt vì ý tưởng của cuộc hội thảo được thai nghén, nung nấu, trăn trở và kiên trì chuẩn bị thực hiện suốt 20 năm từ khi Ban đại diện cựu TNXP, sau đó là Hội Cựu TNXP Việt Nam ra đời; đặc biệt còn ở chỗ Hội thảo đã khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn TNXP là sáng tạo độc đáo, đặc sắc, tầm nhìn chiến lược xa rộng tràn đầy tính lý luận, về sức mạnh hành động – nhằm huy động nguồn lực to lớn và đào tạo cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” là tài sản vô giá của Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và thế hệ trẻ Việt Nam”.

Đ/c Nguyễn Anh Liên tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đi ở Phổ Khánh, Đức Phổ, Quảng Ngãi (tháng 1/2015)

Từ năm 2005 – 2012, công tác tìm kiếm mộ, hài cốt liệt sĩ và tìm tin tức, địa chỉ những đồng đội còn sống cô đơn, ở vùng sâu vùng xa là một công việc rất khó khăn và tốn kém. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội và tình cảm, trách nhiệm cá nhân với đồng đội, đồng chí Nguyễn Anh Liên đã tổ chức nhiều chuyến đi dài ngày, đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Trường Sơn, tìm được hàng trăm đồng đội và hàng chục liệt sĩ. Mỗi khi gặp được đồng đội hoặc gia đình liệt sĩ đồng chí đều tặng quà… Mặc dù tuổi cao, lại là thương binh, tai thường bị ù buốt do vết thương, nhưng khi cần thiết, đồng chí đến cơ quan hay đi họp đều chủ động bằng phương tiện khác (đi bộ, xe ôm, bus, taxi). Hầu hết tiền thù lao hàng tháng của Chủ tịch đều dồn vào việc hoạt động nghĩa tình đồng đội, đi tìm kiếm tin tức mồ mả liệt sĩ, tặng quà, sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa cho các đồng đội khó khăn, các gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng…Tết năm 2015, 2016 mỗi năm đồng chí đã gửi 50 triệu đồng tặng cho các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy là suốt hơn 20 năm, tính từ ngày làm Trưởng ban đại diện Cựu TNXP Trung ương đến Trưởng ban vận động Đại hội thành lập Hội và hơn hai nhiệm kỳ Chủ tịch Hội, đồng chí Nguyễn Anh Liên đã dồn tâm huyết, công sức chăm lo xây dựng Hội nhằm phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng TNXP, góp phần vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và đã được đông đảo cựu TNXP cả nước tin yêu. Đúng như Báo Người Hà Nội, số đặc biệt kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2015) đã có bài: “Chủ tịch Nguyễn Anh Liên – Khởi nguồn và phát triển vững mạnh Hội Cựu TNXP Việt Nam”.

Đồng Sỹ Tiến

Theo Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng (tập 3), Nhà Xuất bản Thanh niên, tháng 12/2017