Khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỏ lòng tiếc thương vô hạn; trong đó có các cựu TNXP. Trong lúc sinh thời, ở các cương vị khác nhau cho tới khi giữ trọng trách người đứng đầu của Đảng ta, đồng chí luôn giành tình cảm quan tâm chăm lo tới các thế hệ thanh niên trong đó có TNXP.
Trong hàng trăm đoàn vào viếng Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội ngày 6 tháng 10 vừa qua có Đoàn Cựu TNXP khu kinh tế thanh niên từ huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ về Thủ Đô và thành kính vào viếng nguyên Tổng Bí thư. Đối với cán bộ, đội viên cựu TNXP khu kinh tế thanh niên (KTTN) có những tình cảm sâu đậm riêng không thể phai mờ.
Quyết định “Khai sinh” ra khu KTTN
Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ quyết liệt, mở ra khả năng chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, lập lại hòa bình thống nhất đất nước. Đối với Đoàn thanh niên cũng là thời kỳ cao trào “Ba sẵn sàng“, “Năm xung phong” phát triển rực rỡ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược cách mạng do Đảng lãnh đạo, từ vai trò, vị trí của thế hệ trẻ Việt Nam, với sự năng động, nhạy cảm và sáng tạo, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNLĐ-HCM thời kỳ đó đã nghiên cứu và quyết định chủ trương “Xây dựng thí điểm khu kinh tế mới” nhằm động viên ĐVTN các tỉnh miền xuôi xung phong tình nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền núi với nhiệm vụ chủ yếu góp phần phân bổ lao động, dân cư phát triển kinh tế, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện, đào tạo thanh niên thành lớp người lao động mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trung ương Đoàn nhận thấy huyện Thanh Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phú[i], nay thuộc tỉnh Phú Thọ, hội đủ những điều kiện kinh tế, tự nhiên thích hợp xây dựng vùng kinh tế mới. Trung ương Đoàn đã xây dựng luận chứng kinh tế – kỹ thuật trình lên Trung ương Đảng, Chính phủ. Sau khi được chuẩn y Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 268/TTg ngày 23/12/1970 về cho phép Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh xây dựng một khu KTTN tại 7 xã thuộc huyện Thanh Sơn. Quyết định do đồng chí Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Đoàn trong đó được huy động đợt đầu 600 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của các tỉnh Nam Hà[ii], Hải Hưng[iii], Thái Bình, Vĩnh Phú và các Bộ, ngành Trung ương.
Khu KTTN, trực tiếp do Trung ương Đoàn quản lí. Một loại hình do thanh niên làm kinh tế thời chiến đã ra đời, được “khai sinh” trong hoàn cảnh đó.
Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã ba lần lên thăm và thường xuyên quan tâm chỉ đạo đối với khu KTTN.
Ngay khi khu KTTN ra đời, một không khí lao động hăng say nhiệt tình của ĐVTN với công thức 8 + 2 + 2, tức là 8 giờ lao động, 2 giờ học tập văn hoá chính trị, 2 giờ luyện tập quân sự, thể thao. Ngay từ năm đầu tiên nhiệm vụ xây dựng lán trại, nhà ở, kiến thiết đồng ruộng, đắp đập hồ chứa nước, thực hiện ngay kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi đều hoàn thành vượt mức; sản xuất gắn với nhiệm vụ phòng không sơ tán, luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi được Ban Bí thư Trung ương Đoàn báo cáo tháng 9/1971, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã lên thăm khu KTTN mặc dù khi đó đường vào trung tâm đi lại rất khó khăn, đường lâm nghiệp là chính lại qua “chín suối, mười đèo“. Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Quang, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Lưu Minh Châu, và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc… Đồng chí Đỗ Mười đã nghe lãnh đạo khu KTTN báo cáo thực hiện phương hướng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi nhưng chủ yếu giành thời gian đi thăm các công trình xây dựng cơ bản đồng ruộng, đồi rừng, hồ chứa nước và do chưa có đường, anh chị em chở Phó Thủ tướng bằng bè mảng qua sông Bứa để đến thăm trại chăn nuôi (lợn giống Móng Cái thuần chủng và lợn Yoóc – sai).
Phó Thủ tướng đã nói chuyện với 300 cán bộ, TNXP tại hội trường trung tâm (nay là địa điểm đã xây dựng một trong ba nhà máy chè với công nghệ hiện đại, sản phẩm chè đen chủ yếu để xuất khẩu). Trong năm 1971 và 1972, Phó Thủ tướng còn thăm khu KTTN hai lần nữa. Với tác phong nhanh nhẹn, sâu sát, quyết đoán các chuyến thăm của Phó Thủ tướng tại khu KTTN trong hoàn cảnh thời chiến, đi lại đường sá còn rất khó khăn đã để lại trong cán bộ, TNXP khu KTTN những ấn tượng vô cùng sâu sắc không phai mờ. Sự phát triển của khu KTTN gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo và tình cảm của đồng chí Đỗ Mười.
Quan tâm, động viên, chia sẻ đầy xúc động với cán bộ, TNXP khu KTTN khi bị tổn thất, thiệt hại trong chiến tranh.
Khu KTTN đang trên đà phát triển, trồng trọt, chăn nuôi đạt kế hoạch, đời sống văn hoá, tinh thần, luyện tập quân sự luôn sôi động với khí thế “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất tổ quốc“. Từng bước phát huy tác dụng của mô hình “Thanh niên làm kinh tế trong thời chiến” ở vùng đồi núi trên đất tổ Hùng Vương.
Giữa năm 1972, đế quốc Mỹ lật lọng, phá hoại đàm phán tại Pari, đánh phá trở lại miền Bắc. Trưa ngày 20/9/1972, cho rằng nơi đây là cơ sở đào tạo cán bộ đi “B” của Trung ương Đoàn, nhiều tốp máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá có tính chất hủy diệt khu KTTN trong hơn nửa giờ đồng hồ tại Trung tâm và các khu sơ tán. Tiểu đoàn tự vệ đã bắn trả quyết liệt, có đồng chí đã hy sinh trong tư thế giương súng bắn máy bay địch. 45 đồng chí đã hy sinh, 26 bị thương, hầu như toàn bộ nhà xưởng, tài sản bị hủy diệt. Tổn thất của khu KTTN là vô cùng to lớn. Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương đặc biệt là Ban Bí thư Trung ương Đoàn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú, huyện Thanh Sơn và bà con các dân tộc… giúp đỡ, tạo điều kiện nhanh chóng khôi phục để sản xuất, cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Đồng chí Đỗ Mười thay mặt Chính phủ đã gửi thư cho khu KTTN:
Các đồng chí thân mến!
Chính phủ đã nhận được báo cáo về việc ngày 20/9/1972, giặc Mỹ đã đánh phá dã man khu KTTN gây ra một số thiệt hại về người và tài sản.
Tôi xúc động gửi lời chia buồn vơi các đồng chí và gia đình những anh chị em hi sinh. Tôi chúc các anh chị em bị thương sớm bình phục để trở về công tác. Tôi khen ngợi những anh chị em dũng cảm trong việc đã cứu trợ đồng đội, bảo vệ tài sản Nhà nước và giúp đỡ nhân dân địa phương. Tôi hoan nghênh tinh thần hợp tác giúp đỡ tận tình của các cơ quan và đồng bào địa phương đối với khu KTTN trong việc giải quyết tốt và nhanh các hậu quả do địch đánh phá gây ra.
Các đồng chí!
Tội ác dã man này của giặc Mỹ đối với khu KTTN là một trong trăm ngàn tội ác của giặc Mỹ đã gây ra trên cả hai miền Nam Bắc nước ta, càng nung nấu thêm trí căm thù và tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân cả nước. Các đồng chí cần biến căm thù thành sức mạnh quyết chiến, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên mặt trận của mình là sản xuất giỏi, bảo vệ sản xuất tốt và sẵn sàng chiến đấu để xây dựng khu kinh tế thanh niên thắng lợi trong bất cứ tình huống nào.
Hãy xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và nhà nước trong việc giao cho Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh xây dựng khu KTTN: Hãy xứng đáng với những anh chị em đã hy sinh và trả thù cho anh chị em bằng cách:
- Nhanh chóng khắc phục hậu quả của việc địch đánh phá, nêu cao cảnh giác thực hiện tốt việc phòng không sơ tán, bảo vệ sản xuất và bắt tay vào công việc sản xuất công tác bình thường.
- Lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao và sáng tạo, bù vào chỗ những anh chị em đã hy sinh để đảm bảo rằng đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1972.
- Tăng cường đoàn kết nhất trí, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, càng căm thù giặc Mỹ càng đoàn kết thương yêu đồng chí để trờ thành một tập thể kiên cường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các đồng chí thân mến! Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã nhận được những buồng chuối trồng trên đồi thành quả lao động đầu tiên của các đồng chí đó là một biểu hiện của tinh thần dũng cảm và sáng tạo của các đồng chí, rất đáng hoan nghênh. Mong rằng rồi đây các đồng chí sẽ còn giành được những thắng lợi mới trên các mặt trạn sản xuất khác mà các đồng chí dự định làm.
Tôi chúc anh chị em tiến lên xây dựng thành công khu KTTN.
Hà Nội, ngày 30/9/1972
Phó Thủ tướng Chính phủ
Đỗ Mười
Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy khu KTTN đã có Nghị quyết số 57/NQ-ĐU ngày 02/10/1972 về “Tình hình máy bay giặc Mỹ đánh phá khu KTTN và nhiệm vụ khẩn trương sắp tới“. Toàn Đảng bộ đã dấy lên cao trào hành động cách mạng mới “Thương tiếc đồng chí vô cùng, căm thù giặc Mỹ vô hạn“ lao động, học tập, luyện tập quân sự, phòng không sơ tán theo tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai” để trả thù cho đồng chí, đồng đội, đưa khu KTTN đứng vững và phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Gần 50 năm từ ngày Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký Quyết định của Chính phủ thành lập khu KTTN 23/12/1970. Khu KTTN mặc dù có những bước thăng trầm, từ phiên hiệu đến cơ chế quản lí thay đổi nhưng đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ và Trung ương Đoàn giao cho. Lớp lớp cán bộ TNXP đã trưởng thành, có mặt khắp mọi miền đất nước; Thanh Sơn và Tân Sơn từ những huyện nghèo khó khăn đã trở thành những vùng trọng điểm sản xuất chè của Phú Thọ. Mỗi Cựu TNXP khu KTN luôn nhớ về hình ảnh, tình cảm sâu nặng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Phạm Văn Am
Nguyên CVP Đảng ủy khu KTTN
[i] Vĩnh Phú là một tỉnh của Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1996. Tỉnh này bao gồm hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay
[ii] Nam Hà là một tỉnh cũ của Việt Nam nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, với tỉnh lỵ là thành phố Nam Định. Tỉnh được thành lập ngày 21 tháng 4 năm 1965 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Nam và Nam Định
[iii] Hải Hưng là tên gọi của một tỉnh cũ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, tồn tại từ tháng 1 năm 1968 đến tháng 2 năm 1997.