Nhà bia ghi danh liệt sĩ tại xã Đa Kai[1], huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

Đăng lúc: 19-09-2017 1:59 Chiều - Đã xem: 323 lượt xem In bài viết

Đa Kai là xã căn cứ cách mạng, nơi cửa ngõ xung yếu án ngữ phía tây bắc của huyện Đức Linh, điểm địa đầu nối con đường hành lang chiến lược từ Trung ương cục miền Nam vào khu 6; nơi đoàn vận tải TNXP H50 (Đoàn H50) đóng quân. Trong những năm kháng chiến, Đoàn H50 được giao nhiệm vụ tổ chức đường dây vận tải và là đơn vị đầu mối tiếp nhận vũ khí, lương thực và hàng hóa từ miền Bắc chi viện và Trung ương cục miền Nam cho các chiến trường cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên; thực hiện nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền Quân khu V và Bộ Tư lệnh Miền[2], liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc – Nam, đưa các đoàn khách qua lại, tiếp nhận và nuôi dưỡng bệnh binh, sẵn sàng chiến đấu khi Quân khu cần.

Gần 10 năm hoạt động phục vụ đường dây vận tải, vượt qua bao gian nguy ác liệt, khó khăn gian khổ, bữa ăn hàng ngày chỉ có “muối trường kỳ, củ mì chiến lược”….125 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, Đoàn H50 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần quan trọng vào những chiến thắng oanh liệt của quân và dân trên chiến trường Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.

Để ghi nhận, tưởng nhớ sự hy sinh danh dũng của các liệt sĩ TNXP Đoàn H50, Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP Đoàn H50 đã được xây dựng tại xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Nhà bia là “Địa chỉ đỏ” để các thế hệ mai sau ghi nhớ và đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước.

 

[1] Nhà bia ghi danh 160 liệt sĩ, trong đó có 125 liệt sĩ TNXP Đoàn vận tải H50 (02 liệt sĩ anh hùng LLVTND là Mai Văn Cương và Phạm Thị Yến), liệt sĩ xã Đa Kai có 35 đồng chí (01 đồng chí là liệt sĩ Đinh Thanh Bình làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hy sinh tại Trường Sa vào năm 2011

[2] Tên gọi tắt của Bộ Tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, nằm cách TP.HCM 130km, theo hướng Bắc của quốc lộ 13, thuộc địa bàn ấp Tà Thiết, xã Lộc Thành, Lộc Ninh, Bình Phước. Ngày trước, người dân trong vùng còn gọi là “khu rừng Chính phủ”, vì nơi đây chính là “đầu não” của Quân ủy Trung ương và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.