Nhớ…

Đăng lúc: 24-05-2019 2:56 Chiều - Đã xem: 67 lượt xem In bài viết

 “Một phút mặc niệm các đồng đội đã hy sinh ở chiến trường Tây Nam bắt đầu”, hơn 100 cựu TNXP Liên đội 303 biên giới cúi đầu im lặng, xen vào đó là những tiếng khóc khe khẽ. Hôm nay, dù có người đầu đã bạc, người làm ăn khấm khá, người còn đang vật lộn với cuộc sống, người thì hàng ngày phải đối diện với những căn bệnh của tuổi già, đã tụ họp về đây sau bao ngày xa cách. Nhưng tựu chung họ đều mang một nỗi niềm chung, đó là NHỚ…

Các cựu TNXP Liên đội 303 mặc niệm vào ngày họp mặt 12/5/2019

 NHỚ …, những ngày hành quân lên biên giới, bạn thì chưa biết giặc thù mặt mũi ra sao, bạn thì không biết tiếng súng có giống tiếng pháo Tết không, có bạn nữ thì luôn miệng hát hò vô tư. Sức trẻ mà, có gì ngăn nổi họ, rồi họ tập làm quen với công việc đào hào, cáng thương tải đạn. Giữa rừng mênh mông, những cô gái chàng trai chạy băng băng với những thùng đạn nặng trĩu trên vai, hay anh thương binh nằm trên cánh võng cần chuyển gấp về tuyến sau, tất cả đều như quên đi nổi mệt nhọc, quên đi mọi chông gai trước mặt. Họ lúc đó chỉ suy nghĩ một điều, là giúp đỡ hổ trợ bộ đội có đầy đủ vũ khí đánh giặc và yên tâm khi ở tuyến sau có một đội ngũ TNXP làm hậu cần vững chắc cho các anh. Làm sao quên những kỷ niệm, có cô đã khóc ngon lành khi đại đội trưởng không cho ra mặt trận vì đang lên cơn sốt rét, lại có anh giành tải thêm vài thùng đạn cho bạn gái ốm yếu gầy nhom, lại có bạn nữ đã xé toạt tay áo để bó tạm vết thương cho anh bộ đội, và…nước mắt đã rơi khi có anh bộ đội anh dũng hy sinh.

 TNXP tham gia chiến trường biên giới Tây Nam

 NHỚ…, ngày 22/7/1978 ở Ko-ki Som[i], nếu không có gì xảy ra thì các bạn nữ sau khi ăn cơm chiều, đã quây quần đùa vui, kể chuyện về những người mẹ đang ngày đêm trông chờ các bạn trở về, kể chuyện về người yêu rồi chọc nhau cá với nhau khi yên bình đứa nào sẽ lấy chồng trước hay tự thỏa thuận làm xui gia dù chưa biết tương lai con mình là con trai hay con gái, hay có cô thì lẳng lặng ngồi thêu gối hình đôi chim bồ câu. Nhưng điều khủng khiếp đã đến, bọn giặc khát máu tàn bạo đã bao vây và…cả Trung đội 3, Đại đội 3, Liên đội 303, Tổng đội 3, Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh chỉ còn sống sót 2 người. Đau thương uất nghẹn khi thấy thân xác đồng đội không còn nguyên vẹn, sự căm thù dâng tới đỉnh điểm và có nhiều anh đã giơ tay tình nguyện chuyển qua bộ đội để được cầm súng trực tiếp diệt giặc thù. Có vô lý không khi một bên là các cô gái tuổi xuân phơi phới không vũ khí trong tay, một bên là những tên không có tính người, coi việc tàn sát hành hạ người khác là thú vui là trò đùa, ôi chiến tranh!

Bia ghi danh sách các TNXP ngày hy sinh ngày 22/7/1978 ở Ko-ki Som

 NHỚ…, chị Nguyễn Thị Lý (ảnh dưới), nữ TNXP duy nhất còn sống sót sau trận càn ấy, đến bây giờ, dù chiến tranh biên giới đã qua hơn 40 năm, vẫn còn ám ảnh về cái ngày khủng khiếp đó. Đừng ai nhắc lại ký ức đau thương ấy với chị, và chị cũng ngại đến họp mặt hàng năm vì thấy lại đồng đội là bao nhiêu chuyện trong quá khứ lại ùa về, chị sốc. Cái mọi người luôn nhớ là cái chị muốn quên, sự mâu thuẫn này tồn tại ngần ấy năm. Sự sống của chị hôm nay đã đánh đổi bằng sự hy sinh của bao đồng đội, chị cảm thấy mình như mắc nợ, một món nợ không có hồi kết. Vậy phải làm gì đó để trả nợ đời trả nợ mọi người. Chị gom góp từ bạn bè đồng đội, tình nguyện nấu cháo và cơm từ thiện gởi đến những người neo đơn khó khăn, người gia cảnh long đong, không nơi nương tựa ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sự gian nan thức khuya dậy sớm của chị đã được đền bù bằng nụ cười bằng tiếng cảm ơn của những mảnh đời khó khăn. Chắc khi đêm về chị đã yên lòng ngủ ngon vì đã làm vui lòng hương hồn bao đồng đội.

 NHỚ…, bao đồng đội đã không vượt qua được sự khắc nghiệt của tuổi tác và bệnh tật. Mới năm rồi họ vẫn còn chén chú chén anh với bạn bè, khoe với mọi người mới có cháu nội đầu tiên, hoặc tám về chuyện ngày xưa 2 anh cùng yêu 1 cô xinh xinh có mái tóc dài đen nhánh, rồi cười ha hả kể cho nhau nghe những kỷ niệm xưa, vậy mà năm nay…họ đã đi xa, xa lắm, nào là Lan Phạm-Bác Học – Ba Lém – Xuân Phong… Cũng có người vẫn còn ngồi đó như Nguyễn Văn Dũng – tức Dũng chăn bò, mắt lơ láo đâu đâu, khi có người hỏi “mày nhớ tao không “ thì anh ấy cười mĩm “mày là thằng nào, ở trển xuống` hay ở dưới lên “. Rồi có người không tới họp mặt được, vợ điện thoại cho Ban liên lạc “các anh các chị ơi, ảnh hôn mê rồi, cứ mớ chuyện đánh giặc hồi đó, em rầu quá “, rồi có chị lại nhắn tin “em bị giãn tĩnh mạch, tiểu đường, rối loạn tiền đình, cao huyết áp, con em không cho đi họp mặt “. Đành rằng qui luật tất yếu, già là phải bệnh- phải mất đi, nhưng phải chi có 1 phép màu cho các đồng đội trở về thời tuổi trẻ, để chúng tôi còn ngồi bên nhau giởn đùa hò hát vô tư, chia đều gian khổ.

 NHỚ…, cái từ mà mọi người thường nhắc tới mỗi lần họp mặt. Nào là “tao nhớ mày lúc trước mập lắm mà, bo bo mà ăn những 2 tô, sao bây giờ ốm dữ vậy”, nào là “mày nhớ cái bà ngồi bàn trên cùng không, hồi đó tao quê mày lắm đó, tao kết bà ấy mà mày cứ đi kề bên hoài, rốt cuộc xuất ngũ lại lấy thằng khác, uổng quá phải không “, nào là “ủa, tao nhớ hồi trước mày uống rượu như rồng hút nước, còn hôm nay lại uống nước suối, chuyển thành pê đê hả?”. Nhớ này nhớ nọ, sau đó lại cùng kề vai hát vang những bài hát về TNXP, hỏi thăm về sức khỏe, gia đình bạn bè, chuyện làm ăn hay nich name facebook. Và cuối cùng, lời nói chia tay của anh Trịnh văn Sáu – tức Sáu già, Trưởng ban liên lạc cũng là “Nhớ nghe, nhớ năm tới cũng về đây họp mặt nghe các đồng chí ơi “.

 NHỚ…, vâng, nhớ nhiều lắm, có nhiều cái để nhớ lắm các đồng đội Liên đội 303 biên giới ơi. Mai đây, trong lần họp mặt năm tới, không biết ai sẽ vắng mặt vĩnh viễn. Thôi thì những người còn lại hãy vui đi, quỹ thời gian của những cựu TNXP U60-U70 như chúng ta đang cạn dần, hãy dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất có thể, và tất cả chúng ta vẫn sẽ NHỚ…và NHỚ…

TRẦN VIỆT SƠN


[i]Xã Ko-ki Som, huyện Soài Tiệp, tỉnh Svây Riêng (Cam-pu-chia)