I. Nhiệm vụ nặng nề, chiến công vẻ vang
Từ giữa năm 1965, không quân Mỹ liên tục đánh phá ác liệt các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên nhằm ngăn chặn việc vận chuyển cho quốc phòng, hàng hoá thiết yếu – lương thực, thực phẩm cho đồng bào Tây Bắc.
Những trọng điểm máy bay địch thường xuyên bắn phá là phà Chợ Bờ, suối Rút tỉnh Hòa Bình, dọc Quốc lộ 6, ngã ba Xồm Lồm, cầu Tà Vài, Cống Trắng, thị xã Sơn La, đường đi Điện Biên Phủ, Lai Châu… Thi hành lệnh của Chính phủ, không thể để Tây Bắc bị phong tỏa, Bộ GTVT đã điều động một lực lượng lớn công nhân và TNXP của Ban Chỉ đạo công tác miền Tây của Bộ đang thi công các tuyến đường dọc biên giới Việt – Trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai…, gấp rút đi làm nhiệm vụ ở Tây Bắc: Công trường 113 đi Yên Bái; Công trường 116 thi công đường tránh chợ Bờ, suối Rút (đoạn từ Man Đức đi Mai Châu); Công trường 117 làm tuyến đường 15 đoạn Mai Châu (Hòa Bình) đi Quan Hóa (Thanh Hóa); Công trường 115 nâng cấp Tỉnh lộ 136 từ ngã ba Xồm Lồm, Mộc Châu, đi bến phá Vạn Yên giáp Nghĩa Lộ, có chiều dài 45km. Điểm đầu cách cửa khẩu Pa Háng biên giới Lào 30km. Tất cả các công trường trên đều mang phiên hiệu mới thuộc Cục công trình II Bộ GTVT.
Tuyến Mộc Châu đi bến phà Vạn Yên do Công trường 115 đảm nhiệm thi công vừa nâng cấp, vừa bảo đảm giao thông toàn quyến và phục vụ cho thí nghiệm chạy phà Puli dây cáp vượt sông Đà sang Nghĩa Lộ (đề tài của Viện Kỹ thuật giao thông (nay là Viện Khoa học và Công nghệ GTVT). Đơn vị thi công trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường, thiếu cả gạo, muối, máy bay địch đánh phá ngày đêm. Đã có 25 TNXP chết do sốt rét, lũ cuốn, cây đổ và thương vong do dịch bắn phá. Trên các đèo cao, thiếu nước, thiếu rau xanh, bệnh tật, ghẻ nở, với nữ TNXP càng khó khăn hơn…
Vượt lên trên gian khổ, khó khăn, bom đạn, gần 3.000 công nhân, TNXP (chủ yếu quê tỉnh Hải Dương) đã lao động dũng cảm, làm việc không biết mệt mỏi, ngày đêm đào đất phá đá, nổ mìn,… chạy đua với thời gian để bảo đảm tiến độ. Với khẩu hiện “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, Thanh niên Hải Dương quyết tâm lập công đầu trên trận địa Tây Bắc…“. Chỉ từ tháng 8/1965 đến cuối năm 1966 tuyến Mộc Châu, Vạn Yên với khối lượng hàng chục vạn khối đất, đá, hàng trăm mét cầu, cống được xây dựng. Cuối năm 1966 đường đã thông xe kỹ thuật, bảo đảm các phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện. Đoàn viên là lực lượng xung kích chủ yếu, lập thành tích xuất sắc góp phần vào thành công của công trường, được Trung ương Đoàn tặng cờ chân dung anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sơn La phát thẻ đoàn viên đợt đầu tiên trong khối các công, nông lâm trường xí nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, C4 đóng quân ngay tại bến phà Vạn Yên, thi công 2km đường xuống bến phà, bên kia sông là Nghĩa lộ. C4 là đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn đầu về năng suất lao động, chất lượng công trình, tổ chức đời sống, luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu… 3 năm liền được suy tôn là lá cờ đầu của công trường, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
2. Niềm vui bất ngờ
Sáng 27 tháng Chạp năm Bính Ngọ, các tiểu đội ra mặt đường sớm, đang hối hả làm việc, tiếng cười nói râm ran, phấn khởi. Khoảng 8 giờ sáng cán bộ C thông báo có lãnh đạo Chính phủ về kiểm tra tuyến đường, thăm công trường và C4 được đón đoàn.
Ảnh internet
Thật là bất ngờ và bất ngờ hơn nữa, khi chiếc xe u-óat[1] dừng ngay tại mặt đường, cửa xe mở ra, người bước xuống là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng dong dỏng cao, đội mũ, mặc áo da đen, thong thả đi lại trên mặt đường. Từ bất ngờ lúc đầu, tất cả chạy về phía Thủ tướng, công nhân kích kéo làm việc ở bến Phà được tin báo cũng vội vàng chạy lên. Chẳng mấy chốc đã vòng trong, vòng ngoài đón Thủ tướng. Cùng đi với Thủ tướng có cán bộ quân sự, văn phòng Chính phủ, lãnh đạo địa phương, trong đó có đồng chí Lê Quảng Ba[2]. Lãnh đạo Đảng ủy, Đoàn thanh niên công trường đều có mặt để đón Thủ tướng.
Thủ tướng tươi cười, vẫy tay chào, ai cũng muốn đến gần Thủ tướng. Mẫy nữ thanh niên trẻ nhất như Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Thiếc được ông cho đứng gần. Với giọng miền Trung ấm áp ông hỏi quê quán ở đâu, các cháu có khỏe không, ăn có no không? Có nhớ nhà không? Thủ tướng nói rất dễ nghe, dễ hiểu về tình hình kháng chiến ở miền Nam; về trách nhiệm của miền Bắc chi viện cho miền Nam… nhất là nhiệm vụ của ĐVTN trên mặt trận GTVT. Ông khen các cháu đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa…
Ông hỏi tiếp: Ngoài nhiệm vụ làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt, đơn vị các cháu có tăng gia, chăn nuôi thêm để cải thiện đời sống không? Tất cả đều đồng thanh đáp to: Thưa bác có ạ! Bác khen thế là tốt. Thủ tướng lại hỏi, thế các cháu tăng gia, chăn nuôi thì nuôi con gì, trồng cây gì? Em Nguyễn Thị Hợi (sau hy sinh ở đường Trường Sơn) nhanh nhảu đáp: Chúng cháu trồng rau cải, rau uống, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện ạ. Ngoài ra chúng cháu còn được bà con dân tộc cho hom sắn, cho mượn đất và hướng dẫn cách trồng. Bác lại hỏi: Thế sắn các cháu trồng có tốt không, có nhiều củ không, củ có to không? Những tiếng cười nói râm ran bên Thủ tướng. Bác nói tiếp, giọng đầy niềm vui, có củ sắn nào to thì cho bác một củ để về Hà Nội biếu Bác Hồ. Tất cả đều vui cười rất ấm tình giữa lãnh tụ với thế hệ trẻ, những ĐVTN “Ba sẵn sàng” đang thực hiện nhiệm vụ Đảng, Đoàn giao cho trên miền Tây Bắc xa xôi. Bác Thủ tướng còn ân cần chúc cán bộ, TNXP sang năm mới sức khỏe dồi dào, tiến bộ mới, thắng lợi mới.
Trước khi phải chia tay Thủ tướng, Đại đội trưởng C4 Phạm Văn Phiên thay mặt đơn vị hứa với Thủ tướng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, bảo đảm giao thông thông suốt, đưa nhanh công trình vào sử dụng góp phần phục vụ chiến đấu và đời sống của đồng bào Tây Bắc.
Được khoảng 40 phút, mọi người lưu luyến tiễn Thủ tướng lên xe ra phà Vạn Yên, vượt sông Đà sang Phù Yên, Nghĩa Lộ.
Trở lại công việc thường ngày nhưng mỗi ai cũng cảm thấy vinh dự cảm động, ấn tượng sâu sắc khi được Thủ tướng đến thăm ở nơi rừng núi xa xôi của Tây Bắc trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Người đứng thứ 5, hàng đầu từ trái sang là Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Đức Tiềm
Thực hiện lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cuối năm 1967, sau khi tuyến Mộc Châu – Vạn Yên hoàn thành những TNXP C4-CT115 lại được lệnh lên đường vào Trường Sơn làm nhiệm vụ ở tuyến lửa bổ xung cho Cục công trình I, Ban 67 Bộ GTVT; Đoàn 559 đường Trường Sơn. Đơn vị làm nhiệm vụ từ Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bắc Quảng Trị… Một bộ phận được điều động về Đông Bắc xây dựng tuyến đường sắt Kép – Bãi Cháy. TNXP CT115 ở đâu cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.
3. Nghĩa tình đồng đội
Cựu TNXP CT115 về với đời thường nhưng nhiều anh chị em hy sinh ở đường Vạn Yên – Mộc Châu chưa được về với quê hương, đất mẹ. Năm 2002 sau 37 năm, Ban liên lạc đơn vị và đồng đội, được sự giúp đỡ của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1, thân nhân các gia đình đã quy tập chuyển được 11 hài cốt anh chị em (nhiều đồng chí được công nhận liệt sĩ) về các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Điện Biên… Năm 2019 Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của xã Nà Mường huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được xây dựng. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã cho phép xây dựng một ngôi mộ gió ghi tên các liệt sĩ TNXP đơn vị CT115 đặt trong Đài tưởng niệm. Đây cũng là nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân Nà Mường.
Nguyện vọng tha thiết của gần 2 vạn Cựu TNXP Hải Dương rất mong Trung ương Hội, Trung ương Đoàn, Bộ GTVT, các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu xem xét công nhận di tích lịch sử TNXP[3], xây Bia ghi danh các liệt sĩ ở trung tâm tuyến đường (nay là Quốc lộ 43) và Bia kỉ niệm di tích ghi nơi Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm TNXP tại bến phà Vạn Yên trong dịp tết Bính Ngọ 1966. Được như vậy sẽ làm ấm lòng những Cựu TNXP tuổi đã cao, sức đã yếu trước khi về cùng đồng đội đã hy sinh trong chống Mỹ cứu nước tại Tây Bắc và là những “Địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục thế hệ trẻ, nhớ về một thời với truyền thống vẻ vang của cha ông./.
(Ghi theo lời kể của đ/c Phạm Văn Dẫn nguyên đội viên TNXP C4-CT115)
Phạm Văn Am
– nguyên Chánh Văn phòng Đoàn Cục công trình II Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hải Dương
[1] UAZ-469, ở Việt Nam thường gọi là xe U oát là một chiếc xe mọi địa hình do hãng Ulyanovskiy Avtomobilnyi Zavod, tức UAZ của Liên Xô (trước đây) sản xuất.
[2] Lê Quảng Ba (1914–1988) là một tướng lĩnh người Tày đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân khu Việt Bắc. Ông tên thật là Đàm Văn Mông; dân tộc Tày; quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông là một trong những người đã đưa Bác Hồ từ Trung Quốc về nước đầu năm 1941, chịu trách nhiệm nơi ăn, chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, từ năm1960 ông chuyển ngàng làm Trưởng ban Ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.
[3] Tỉnh đoàn, Tỉnh hội Hải Dương đã có văn bản trình Trung ương Đoàn, Trung ương Hội đề nghị xét công nhận địa danh trên từ năm 2011 và công văn gửi Tỉnh đoàn, Tỉnh hội Sơn La. Nhưng tới nay vẫn chưa có có hồi âm.