Nhớ về những giáo viên kiêm chức dạy học trong thanh niên xung phong

Đăng lúc: 17-11-2024 4:28 Chiều - Đã xem: 99 lượt xem In bài viết

Tháng 7/1965, tôi gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước nhiệm kỳ 1, thuộc Đại đội 306, Đội TNXP Tô Vĩnh Diện, Công trường 119 Thanh Hóa. Sau một tháng ổn định tổ chức, tôi cùng với các anh Lê Đình Vinh, Trịnh Minh Tu, Nguyễn Công Phê và Lê Văn Sáu được đơn vị chọn cử là giáo viên kiêm chức để phối hợp với các giáo viên chuyên trách dạy học trong TNXP. Đây là một chủ trương rất sáng tạo của Ban TNXP Trung ương Đoàn, nhằm kịp thời bổ túc văn hóa cho những đồng đội chưa học hết cấp II. Thời đó, trong phong trào bổ túc văn hóa thường có tên gọi thân mật là “cơm chấm cơm”.

Ảnh internet  

Hàng ngày, chúng tôi cùng anh chị em đội viên ra tuyến nổ mìn, phá đá, mở đường, lấp hố bom vv… tối đến và ngày Chủ nhật tranh thủ lên lớp giảng dạy[1]. Chúng tôi được giáo viên chuyên trách phân công dạy một số tiết học. Ban đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, do chưa có kiến thức cơ bản về phương pháp dạy học. Nhưng với lòng nhiệt tình, được các giáo viên chuyên trách gồm các anh Bùi Đình Nết, Trịnh Đình Tiến, Ngô Văn Truật[2] bổ trợ thêm phương pháp soạn bài, kỹ năng đứng lớp và đặc biệt là học viên hưởng ứng tích cực do đó công việc dần dần đi vào nền nếp. Ai nấy đều thấy vui và vinh hạnh. Trong số anh em chúng tôi, có anh Lê Đình Vinh đã học hết lớp 8 phổ thông, lại là một học sinh giỏi toàn diện từ cấp I, cấp II nên anh có phương pháp giảng dạy rất truyền cảm, được học viên mến mộ. Các ngày thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, giáo viên kiêm chức được dành một buổi để soạn giáo án. Bàn ghế trong lớp học là những cây bương to đập bẹp (như cây lát sàn nhà của người thiểu số) rồi ghép lại. Một không khí giảng dạy, học tập rất vui. Những buổi nghỉ giải lao ở hiện trường, anh em học viên cùng chúng tôi ôn lại bài, củng cố kiến thức – nhất là môn toán. Chúng tôi lấy ví dụ thực tế từ việc tính toán khối lượng đất đào, đất đắp để giảng cho học viên về môn hình học. Nhờ phương pháp này nhiều người tiếp thu rất nhanh, khi làm bài tập đạt kết quả cao. Đơn vị xây dựng tờ báo tường, anh chị em học viên tích cực tham gia viết bài cho báo. Mỗi tháng, đội ngũ giáo viên kiêm chức cùng dự giờ của nhau để rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức cho nhau. Mỗi quý, giáo viên chuyên trách gặp chúng tôi để góp ý về những mặt còn hạn chế và chân tình hướng dẫn về kỹ năng soạn giáo án, kỹ năng lên lớp. Sáu tháng một lần, chúng tôi được lãnh đạo Đội TNXP tổ chức gặp mặt, động viên. Nhờ đó chúng tôi có dịp được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên kiêm chức của các đơn vị bạn.

Một kỷ niệm đáng nhớ đối với người viết bài này. Ấy là, vào cuối năm 1966, đơn vị chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành tiến độ trong chiến dịch “Chọc thủng đèo Eo Mân[3]” do Công trường 119 phát động. Cả tháng trời chỉ nghỉ có 1 chủ nhật. Tôi là A trưởng của A.6, được bình chọn là A tiên tiến. Một hôm, đơn vị đang chuẩn bị đi làm ca chiều thì trời lác đác có mưa. Chiến sĩ trong A cùng reo lên: Được nghỉ rồi. Tuy vậy, sau hơn ba mươi phút, trời tạnh. Đơn vị tiếp tục ra hiện trường.

Tối về, ngồi chong đèn để soạn bài và tranh thủ viết báo tường. Sáng hôm sau, báo tường của đơn vị có bài vè của tôi, trong đó mở đầu bằng mấy câu:

“Trời vừa lác đác

Mấy hạt mưa rơi

Chiến sĩ A tôi

Hoan hô được nghỉ

Trước nay chăm chỉ

Mà nay lại liều

Tôi có mấy điều

Nhắn cùng chiến sĩ

….”

Không ngờ, tối hôm đó Phân đoàn trưởng thanh niên Lê Văn Sáu triệu tập họp bất thường Phân đoàn. Lý do, Phân đoàn yêu cầu tôi chứng minh rõ câu “Trước nay chăm chỉ/ Mà nay lại liều” trong báo tường, đồng thời đồng chí còn đề nghị lãnh đạo đơn vị đình chỉ giáo viên kiêm chức đối với tôi. Thực ra, do tôi lo tinh thần anh em trong A giảm sút, ngụ ý nhắc nhở anh em duy trì nề nếp của một A tiên tiến, nên mới có bài vè như vậy. Tôi biết là mình sai. Đành nhận lỗi và tháo gỡ bài báo tường. Đơn vị vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ là giáo viên kiêm chức đối với tôi. Một bài học thấm thía. Và cũng từ đó, tôi không tập làm thơ nữa.

Do có thành tích xuất sắc trong lao động và công tác, anh Lê Đình Vinh được đơn vị cử đi học lớp Trung cấp đường sắt, sau đó anh học chuyển cấp lên Đại học Giao thông.

Giữa năm 1968, đơn vị chúng tôi được sắp xếp lại để tăng cường cho lực lượng tiền phương Đoàn 559 đóng tại Quảng Bình. Việc học bổ túc văn hóa vẫn duy trì. Nhiều anh em học viên khi hết nhiệm kỳ đã tốt nghiệp lớp 7 BTVH, được đi học trường Sư phạm 7+3 ở Quảng Ninh và Trung cấp Hằng giang ở Hải Phòng.

Mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, chúng tôi thường có thư hoặc điện thoại thăm hỏi sức khỏe thầy giáo Bùi Đình Nết và các bạn giáo viên kiêm chức. Chúng tôi rất tự hào vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào phong trào bổ túc văn hóa trong TNXP. Thông qua bài viết này xin gửi đến các anh chị là giáo viên kiêm chức dạy học trong TNXP của cả nước lời chúc sức khỏe, bình an. Kính chúc mọi nhà vui vẻ, hạnh phúc.

 Lê Văn Huấn

 Nguyên Chính trị viên Đại đội TNXP 412,

 Đội TNXP 75, Ban XD 67


[1] Khi chuyển về Đường sắt phía Nam và sau này vào Trường Sơn, thì ban ngày học tập, tối ra hiện trường.

[2] Tháng 01/1966 anh Ngô Văn Truật vào bộ đội, tháng 11 năm 1967 anh đã dũng cảm hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam bộ.

[3] Eo Mân, một địa danh thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.