Nhớ về tờ báo Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 07-06-2018 2:55 Chiều - Đã xem: 192 lượt xem In bài viết

 

Thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, ngày 15-7-1950, đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên ra đời với phiên hiệu là đội Đ0, gồm 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng- ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Tuy mới thành lập, nhưng do yêu cầu công tác chuẩn bị chiến trường đòi hỏi nên cuối tháng 8-1950 đội đã tổ chức lễ xuất quân tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đi phục vụ chiến dịch Biên giới.

  Trận chiến mở màn là trận đánh vào cứ điểm Đông Khê. TNXP đã sát cánh cùng bộ đội để phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Sau 2 ngày đêm quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Đông Khê; tiếp đó là chiến thắng ở các trận Nậm Nang, Cốc Xá, Thất Khê, giải phóng một vùng đất 4.000km2 trải dài 750km theo đường biên giới từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

   Chiến dịch biên giới mở đầu những trang sử vẻ vang của lực lượng TNXP Việt Nam. Đội vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen tại lễ mừng chiến thắng chiến dịch Biên giới tại thị xã Cao Bằng trước hàng vạn bộ đội, dân công và nhân dân địa phương. Đai Tướng Võ Nguyên Giáp cũng tuyên dương đội TNXP công tác Trung ương “Đã nêu cao tinh thần tích cực, xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ”. Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc đã ngợi khen tinh thần dũng cảm, tận tụy phục vụ chiến đấu của đội TNXP công tác Trung ương. 3 đồng chí đội viên lập công xuất sắc đã được chọn cử đi dự hội nghị Thanh niên Cứu quốc toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức.

   Sau chiến thắng Biên giới, phạm vi chiến trường được mở rộng với 3 chiến dịch ở Trung du và đồng bằng Bắc bộ là chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hòang Hoa Thám và chiến dịch Quang Trung. Theo chỉ thị của Bác Hồ và Trung ương Đảng từ Đội TNXP công tác đầu tiên, lực lượng TNXP được tổ chức tăng cường thêm các Đội và rồi phát triển thành Đoàn, dưới Đoàn là các Đội.

   Do yêu cầu của nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và xây dựng, phát triển tổ chức nên các vấn đề về công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần chịu đựng khó khăn, vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh, giữ vững kỷ luật, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho cán bộ, đội viên TNXP phải được quan tâm đúng mức mới có thể đảm bảo làm tròn trách nhiệm chính trị được giao.

Trang bìa Bản tin Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam số đặc biệt tháng 5+6 năm 2018

   Từ đó tờ báo XUNG PHONG ra đời, sau đổi tên là báo THANH NIÊN XUNG PHONG. Nội dung của báo là để tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, về vinh dự và nhiệm vụ của TNXP, về tình hình, kết quả công tác phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông, tiếp lương, tải đạn, phá bom, chống lầy… của các đơn vị hoạt động ở các cung đường, các mặt trận. Báo đặc biệt chú trọng viết về những người thật, việc thật, nêu những gương điển hình, xuất sắc trong các phong trào thi đua ở các đơn vị.

   Đồng thời cũng phê phán, uốn nắn những việc làm, những biểu hiện tư tưởng không đúng của một số cán bộ, đội viên cả trong công tác và trong sinh hoạt. Ngoài ra còn có những chuyên mục khác như ca dao, hò vè, thơ, truyện vui cười, tranh vẽ, truyện cực ngắn.

   Báo ra một tháng 2 kỳ, tòa soạn là những lều lán di động ở trong rừng. Báo do một đồng chí được giao phụ trách chủ bút và một số đồng chí làm phóng viên, biên tập, in ấn, phát hành. Đồng thời có sự cộng tác của nhiều cán bộ, đội viên trực tiếp công tác ở các đơn vị. do đó báo luôn phản ảnh được tình hình sản xuất, chiến đấu, công tác ở cơ sở. Buổi đầu báo được in bằng cách viết chữ trên đá rồi đặt giấy dó lên in litô[i]. Sau được in bằng máy in xách tay của Bác Hồ tặng. Nhờ có máy của Bác tặng nên việc in ấn được nhanh, đẹp và đỡ vất vả hơn nhiều.

  Báo TNXP ra đời là sáng kiến, là cố gắng lớn của các đồng chí lãnh đạo Đoàn TNXP Trung ương; là nguồn cổ vũ, động viên quan trọng về tinh thần, đem đến niềm vui, lòng phấn khởi, tin tưởng để mỗi cán bộ chiến sỹ TNXP lúc bấy giờ quyết tâm, bền chí, không quản hy sinh, gian khổ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ; góp phần cùng với toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đến ngày thắng lợi.

                                                  Văn Như Tước

TNXP chống Pháp, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa

 

 

 


[i] In thạch bản còn gọi là in litô, in đá là một phương pháp in ấn trên bề mặt nhẵn.