Những câu thơ quầng quầng nước mắt trong trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh

Đăng lúc: 05-11-2020 3:38 Chiều - Đã xem: 127 lượt xem In bài viết

Nếu như trước năm 1975, nhà thơ Phạm Tiến Duật là ngôi sao sáng chói trên bầu trời thi ca nước Việt, là cánh chim đầu đàn của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, thì từ năm 1976, nghĩa là từ khi xuất hiện trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh, ngôi chủ soái đã dần dần có sự chuyển dịch. Và bằng vào tài năng của mình, sự trải nghiệm của mình với các tác phẩm tiêu biểu như các tập thơ: “Thư mùa đông”, “Thương lượng với thời gian”… và các trường ca “Đường tới thành phố”, “Sức bền của đất”, “Biển”, “Trăng Tân Trào” khắc sâu trong lòng bạn đọc, gây xôn xao dư luận và làm thay đổi cả bầu không khí văn chương. Từ sau ngày 30/4 đến nay, nhà thơ Hữu Thỉnh trở thành một trong những tài danh đỉnh cao về thơ ca của Đất nước như Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ. Ông có những câu thơ, bài thơ hay đến không còn phẩm bình được nữa. Nghệ thuật trong thơ ông giản dị mà tinh xảo đến mức không ai có thể học được, đọc tinh đến mấy cũng không phát hiện ra một tu từ nào. Mà từ nào trong những câu thơ hay, bài thơ hay cũng đầy biến ảo, nghe quầng quầng nước mắt rất thế sự mà vẫn chan chứa tình yêu thương con người.

Ảnh internet  

Những năm gần đây, ông làm thơ thế sự nhiều hơn và không ít bài thơ thế sự của ông cứ găm vào lòng bạn đọc. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là một Hữu Thỉnh đôn hậu, đằm thắm và vô cùng sâu sắc.

Dường như trong ông luôn chất chứa những nỗi niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi trước những nỗi đau, niềm khát vọng của con người, của kiếp người.

Không chỉ đứng ra bênh vực cho lẽ phải, cho vẻ đẹp, cho những yếm thế mà thơ ông đã làm nên rất nhiều vẻ đẹp mới, những giá trị mới.

Dù đã đọc không chỉ một lần tất cả các tác phẩm của ông nhưng tôi cứ bị ám ảnh liên tục bởi những câu thơ hay đến sởn da gà, dựng tóc gáy trong trường ca “Đường tới thành phố”.

Đã có hàng trăm, hàng ngàn bài báo, bài nghiên cứu phê bình văn học xung quanh trường ca này, ở bài viết này, tôi chỉ dám góp thêm một tiếng nói nhỏ, thậm chí rất nhỏ về một số câu thơ hay, từng ám ảnh tôi nhiều năm nay.

Trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh có 5 chương, được NXB Quân đội nhân dân xuất bản lần đầu năm 1979. Những lần tái bản sau đó dường như không có sửa chữa gì, đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh từng tâm sự: “…Đọc lại, tôi thấy có nhiều chỗ chưa thật ưng ý, có thể viết lại hoặc sửa chữa thêm. Song, nghĩ lại, thấy nên giữ nguyên trạng như bản in lần đầu tiên, vì tôi không muốn làm biến dạng cái cảm xúc tươi ròng, đó là tâm trạng của tôi trong những ngày hòa bình đầu tiên. Biết đâu cái thô vụng, mộc mạc ngày ấy cũng có thể nói với các bạn một điều gì.”.

Và điều gì, theo tôi chính là điều này đây, điều mà tất cả các nhà thơ trên hành tinh này đều mong muốn, bằng cách nào đó thơ mình phải nhóm lên được ngọn lửa để không chỉ sưởi ấm mà còn thắp sáng được ngóc ngách của mọi tâm hồn, tiếp thên năng lượng để cùng nhau đồng hành đi theo mê đắm của cái đẹp.

Xin và mong các bạn hãy đến với những câu thơ hay đã bật ra khỏi trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh mà tôi cũng như bao người luôn thầm cảm ơn ông đã nói hộ lòng mình trong suốt mấy chục năm qua.

“Không biết bằng cách nào lửa đã nhóm lên”. Mở đầu chương một “Ngọn lửa chiến trường” của trường ca này là một câu thơ đầy ấn tượng như thế, đó cũng là một câu hỏi, một câu hỏi lớn của thời đại. Trả lời cho câu hỏi này cũng là thông điệp nhà thơ Hữu Thỉnh gửi đến chúng ta qua toàn bộ nội dung của trường ca, đường tới thành phố là con đường lát bằng bao xương máu.

Theo những người mới đến, tôi giật mình trước phát hiện này của Hữu Thỉnh: “Có gì đó trong đốm tàn hoa cải/ Cứ bay lên làm nhẹ cả người ngồi”. Để rồi quầng quầng nước mắt, những người lính trẻ đang “xòe bàn tay lạnh cóng chúng tôi hơ” cùng nghĩ về mẹ, nghĩ về mình, nghĩ về đồng đội, nghĩ về con đường đầy mưa bom bão đạn: “Trước mắt là bao nhiêu miền quê/ Sau lưng là bao nhiêu miền quê/ Ngọn lửa ta đốt lên ở giữa/ nếu mẹ biết ta còn đông đủ/ Đang bập bùng thương nhớ suốt hành lang/ Giọt đèn ấy bớt đi nhiều khuya khoắt/ Chia bình yên cho mỗi con đường”.

Cũng là người lính như ông có một thời ở chiến trường Quân khu 5 nên đọc những câu thơ này của nhà thơ Hữu Thỉnh bao nhiêu kỷ niệm về đời binh nghiệp trong tôi lại ùa về.

Thắp sáng lên hồi ức để ý thức hơn về chiến tranh và những cuộc hành quân đi chiến đấu, Hữu Thỉnh đã cảnh báo cho không chỉ một thời: “Khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại/ Đường chúng tôi ra trận lại dài thêm…”.

Là người lính giàu ước mơ, khát vọng, Hữu Thỉnh cho chúng ta niềm tin: “Chính mơ ước cho chúng tôi bóng mát” để rồi: “Hơ bàn tay lại nhớ các anh/ Chúng tôi sưởi bằng ngọn lửa của mình/ Lại thấy ấm từ các anh đi trước”.

Chính ý thức này đã làm nên một Hữu Thỉnh hôm nay luôn chăm lo chu đáo, hết lòng cho các thế hệ đàn anh và những bạn bè, đồng đội. Điều đó khiến tôo luôn nghĩ: “Sao thế hệ các nhà thơ thời chống Mĩ sống đẹp với nhau đến thế, họ không bao giờ tranh giành ngôi thứ, họ sống vì nhau; còn dường như các thế hệ nhà thơ trưởng thành sau đó, trong đó có cả thế hệ không ít người chỉ biết sốn gvì mình vô cảm trước mọi nỗi đau và lạnh lẽo với ngay cả người thân, bạn bè”.

“Thơ hãy đến góp một vài que củi”, thơ Hữu Thỉnh sưởi ấm cho tôi, cho chúng ta là như thế đấy. Còn hạnh phúc nào hơn khi được vịn vào những câu thơ như mấu bám của cuộc đời trong tự thức này của Hữu Thỉnh: “Chúng tôi trẻ nên củi rừng mau bén/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Đây cũng là ý thức của cả một thế hệ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Ở chương hai “Tư lệnh”, tự thức này của Hữu Thỉnh cũng là tự thức của những người đã trải qua trận mạc ngàn ngày, đã nếm mật nằm gai cùng bao nhiêu đồng đội nơi xương phơi trắng núi, nơi: “Những hạt thóc đã biến thành thuốc quý”. Dù chiến tranh đã đi qua từ lâu, và rất nhiều người lính đã trở về thành phố, đã sống ở nơi thành phố nhưng có đi mót thóc ở cuối bìa rừng sau một ngày giặc rút mới có thể hiểu được vì sao hôm nay chúng ta phải sống với nhau tốt hơn.

Đến chương ba “Điệp khúc những câu cầu” dường như mỗi câu thơ hay, mỗi khúc thơ hay là một nhịp cầu vậy.

Bộ mặt của kẻ thù cũng hiện lên rất rõ ràng, dù chúng có nấp sau từng mô đá, gốc cây: “Những tên lính xăm hầm/ Mài thuốn xuống sân xi – măng nhà xã trưởng/ Nhạc dạo đầu cho một ngày “bình định”/ Chó nghe chó chạy cuồng/ Gà nghe gà bỏ ổ/ Cây nghe cây thui từng chiếc rễ”.

Thật khủng khiếp khi nghĩ về những tên lính ấy, về những tháng ngày ấy, về dã tâm ấy bởi những cuộc càn sẽ không bao giờ dứt nếu không nhổ được sạch trơn cộng sản.

May sao còn có chị, có mẹ; chị và mẹ là Nhân dân, là Đất nước luôn chở che, bao bọc cho những người lính như Hữu Thỉnh.

Cuộc sống đã thanh bình từ lâu, thế hệ sinh sau năm 1975 chỉ biết chiến tranh qua sách vở làm sao mà biết được những người từ chiến tranh đi ra như thế hệ nhà thơ Hữu Thỉnh: “Ôi nhân dân! Tấm lá chắn diệu kỳ/ Người nhận mọi vết xăm cho căn hầm nguyên vẹn”.

Và chính nhờ những câu thơ này, mà thế hệ trẻ hôm nay hiểu được tấm lòng của các thế hệ cha anh, mà không dám vong ơn bội nghĩa: “Nhân dân/ Vẫn nguyên vẹn nhân dân/ Răng hạt lựu không cam đồng hóa/ Đắng chát cũng từ cánh kiến, cây sim/ Mưu trí lấy từ câu chuyện làm ăn/ Thành vũ khí theo người đi sứ/ Sách bị đốt vẫn còn nguyên tiếng mẹ/ Đã bao lần đóng cọc giữa bờ ao…”.

Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước được Hữu Thỉnh kết tinh lại qua những câu thơ như thế nói với chúng ta điều gì, gửi thông điệp gì đến chúng ta? Lửa đấy, đó chính là ngọn lửa được truyền nối qua nhiều thế hệ, lửa của lòng yêu nước, của truyền thống văn hóa.

Ở chương ba này hình ảnh người lính xe tăng được nhà thơ Hữu Thỉnh khắc họa rất thành công, bởi ông cũng là một người lính tăng, viết về người lính tăng là ông đang viết về mình; viết về nỗi nhớ mẹ, nhớ em trên đường ra chiến dịch: “Em ơi em, anh không sao viết kịp một dòng thư/ Thương nhớ là gì mà anh mang nặng thế/ Buồng lái xe tăng nóng bức thế này/ Em chẳng đến được đâu, mở cửa lên vẫn nóng/ Mở cửa lên là vòm trời cao rộng/ Em ở đâu trong thương nhớ của anh/ Em ở đâu đất trời không bờ bến/ Cổ ta khô sao nắng quá vô tình…”.

Và với niềm tin “Gió đâu gió mát sau lưng/ Em không phải sau lưng/ Em đang ngồi trước mặt/ Bởi anh biết, em ơi anh biết/ Cuối chặng đường là nỗi nhớ gặp nhau”, Hữu Thỉnh đã đi qua chiến tranh, cùng bao người lính trở về trong niềm vui chiến thắng. Niềm tin và sự lạc quan của ông được gửi gắm qua từng câu thơ vẫn còn nguyên vẹn giá trị đến hôm nay bởi vì nếu để mất niềm tin là sẽ mất tất cả.

Tôi thích những câu thơ thấm đẫm chất dân ca, dễ thuộc như ca dao tục ngữ đã là một thế mạnh của Hữu Thỉnh ngay từ ngày đầu cầm bút, khi ông còn là một cậu học sinh của trường cấp 3 Trần Phú, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Ở chương bốn “Tờ lịch cuối cùng”, thành phố đã hiện ra, hiện ra cả những câu thơ hay đến nao lòng khi biết là “Sài Gòn ơi, ta đã về đây”. Tôi đã ứa nước mắt, và tôi tin, bao nhiêu người cũng ứa nước mắt như tôi khi đọc những câu thơ này: “Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn/ Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi/ Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương không khoe con trước mặt”. Những câu thơ gai người này khiến tôi càng rưng rưng khi nghĩ về những giọt nước mắt của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài thơ “Phan Thiết có anh tôi” của ông.

Nếu không phải là người trong cuộc, không là một tài năng lớn không thể viết được những câu thơ như thế. Những câu thơ như cứa vào gan ruột, như xoáy vào tâm can, còn day dứt đến bao giờ: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/ Vẫn được tiếng là người đứng vậy/ Nhưng anh tôi vẫn còn/ Anh tôi che cho ngọn đèn khỏi tắt/ Hai mươi năm áo gấm đi đêm/ Chị màu mỡ mà anh tôi chẳng biết”.

Mạch cảm xúc quầng quầng nước mắt này còn mặn đắng đến hôm nay: “Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/ Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại/ Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình/ Những đêm trời trái gió”. Mà dù trời không trái gió đi nữa, những chiều về, những đêm trăng vằng vặc ở quê, càng buốt lạnh lòng người trong nỗi cô đơn, trống trải của những nàng vọng phu như chị: “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệnh/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”.

Bao nhiêu người cũng chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền như chị những năm tháng ấy. Sự chờ đợi hy sinh này, có khi còn khủng khiếp hơn sự hy sinh ngoài mặt trận. Và ở nơi mặt trận người lính chiến thắng được chính mình cũng bởi nhờ có: “Cây thương anh làm vành lá ngụy trang/ Dù vẫn biết không mát bằng bóng chị/ Dù vẫn biết không ấm bằng tóc chị/ Cỏ mùa khô một buổi vẫn tưng bừng/ Chị thổi ù dằng dặc suốt đời anh/ Chiếc khăn tay muốn làm buồm náo nức/ Chiếc khăn tay của một thời nước mắt/ Sẽ tung cờ hạnh phúc trước hàng hiên”.

Thần tốc. Thần tốc. Thần tốc. Mật lệnh ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được truyền đi. Và “Chiến dịch này không phải ăn cơm độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ bao nhiêu”.

Là người con hiếu thảo, tôi biết Hữu Thỉnh thương cha mẹ lắm. Những ngày này đọc lại hai câu thơ trên, chắc ông cũng ứa nước mắt như tôi.

Không ứa nước mắt sao được khi mà: “Ngày mai chúng mình tiến vào thành phố/ Chẳng có cách chi báo tin cho mẹ/ Mẹ đỡ lo, thấp thỏm đôi bề/ Ba đứa con có mặt trong này/ Mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng một lúc/ Chiến tranh bao giờ chấm dứt”.

Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu nhưng có bao giờ chấm dứt được nỗi đau: “Không thể rút về rừng đại đội một hàng ngang/ Đứng lọt thỏm giữa bao nhiêu thương xót/ Không thể nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát/ Thừa đến nỗi những người còn lại/ Không dám nhận mình là may”.

Mà có may mắn trở về, ngay giữa thời bình, nếu không chiến thắng được chính mình trước bao nhiêu cám dỗ thì dù có là anh hùng nơi trận mạc vẫn cứ bị gục ngã giữa đời thường bất cứ lúc nào. Và Hữu Thỉnh hơn một lần nữa không phải nhờ vận may trong cuộc chiến này.

Ở chương năm “Tự do”, hình ảnh những người lính hiện lên thật anh hùng, sống động. Trong niềm vui chiến thắng của cả dân tộc, những câu thơ của Hữu Thỉnh là những khúc ca vui, kết nối lại thành đài hoa dâng Bác thật đẹp: “Con đã khóc Bác ở trong rừng/ Phải dựa vào cây trong đêm truy điệu/ Chiếc Orionton giàn giụa nước mưa/ Bài điếu văn nghe khi rành khi mất/ Trong buồng lái xe tăng nhỏ hẹp/ Chúng con nâng niu tấm ảnh của Người/ Giấc ngủ bữa ăn hành quân đuổi giặc/ Không lúc nào chúng con vắng Bác“.

Đây cũng là tấm lòng của cả một thế hệ như Hữu Thỉnh mà chúng ta còn gặp lại trong rất nhiều cung bậc cảm xúc và những ý tưởng được đan cài, xâu chuỗi thành tư tưởng lớn trong trường ca “Trăng Tân Trào” mà nhà thơ Hữu Thỉnh vừa sáng tác.

Ảnh internet  

Ý tại ngôn ngoại là thế mạnh của thơ Hữu Thỉnh. Thơ ông ngày càng giàu tính triết luận, trong câu này thường có câu khác, trong ý này còn có ý kia… Đọc ông là phải đọc bằng mắt. Ông làm thơ không chỉ ghi lấy cuộc đời mình, bởi ông là một tài năng lớn, một nhân cách lớn nên những gì ông viết ra, những câu thơ, bài thơ bất tử với thời gian của ông không chỉ ở trường ca này chính là những tiếng vọng của tâm thế thời đại như Nguyễn Du viết Truyện Kiều đâu có để mua vui.

 

Công viên Văn Lang, Việt Trì sáng 7/10/2020

Nguyễn Hưng Hải

(Ủy viên Ban Văn học chuyên đề, Hội Nhà văn Việt Nam)