Những chặng đường vẻ vang của Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Kạn

Đăng lúc: 11-06-2020 10:54 Sáng - Đã xem: 190 lượt xem In bài viết

PHẦN MỘT
Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Kạn sự ra đời và trưởng thànhtrong thời kỳ kháng chiến chống pháp 1950-1954

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, ngày 15/7/1950 lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đã được thành lập, không ngừng phát triển lớn mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương từ Khu 5 trở ra đã tổ chức các đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, thị phục vụ công tác kháng chiến.

Cuối năm 1950 thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Kạn phối hợp với Ty Giao thông tổ chức thành lập các đơn vị TNXP của tỉnh, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, đảm bảo huyết mạch giao thông thông suốt trên tuyến Quốc lộ số 3. Từ Be Le giáp Cao Bằng đến cầu Ồ Gà huyện Chợ Mới, hơn 130 km, với 9 cây cầu, 2 bến phà, địch phá ta làm lại. Khi đó Quốc lộ 3 là huyết mạch giao thông, con đường tiếp tế vận chuyển hàng hóa chiến lược viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, qua Trung Quốc chi viện cho các mặt trận Trung du, Tây Bắc, Điện Biên… Có hơn 1.000 thanh niên con em các dân tộc tuổi đời từ 16 đến 20, tình nguyện ra nhập lực lượng TNXP ở các đơn vị, gồm có:

+ C201 thành lập cuối năm 1950 có hơn 150 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, bảo đảm huyết mạch giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, xây dựng khu ATK Chợ Đồn.

+ C202 thành lập năm 1951 có gần 140 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, bảo đảm huyết mạch giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, cầu, ngầm Nà Phặc, huyện Ngân Sơn…

+ C203 thành lập năm 1951 có hơn 50 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, bảo đảm huyết mạch giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, cầu Nà Hoan, Phủ Thông, cầu phà Bắc Kạn.

+ C204 thành lập năm 1951 có hơn 100 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, Nam Đèo Giàng, đỉnh Đèo Giàng…

+ C205 thành lập năm 1951 có hơn 130 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, bến phà Bắc Kạn, bbến phà Chợ Mới, Đèo Giàng…

+ C206 thành lập năm 1952 có hơn 250 đội viên, làm nhiệm vụ bốc xếp quân trang, lương thực và vũ khí, sửa chữa đường, bảo đảm huyết mạch giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, Bó Lếch, Lãng Ngâm, mở đường tránh Bản Hùa – Khe Lắc – Mỹ vi, mở đường 1B Võ Nhai – Lạng Sơn, sửa đường Hà Đông, đường Tây Bắc.

+ C207 thành lập năm 1952 có hơn 100 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa đường, bảo đảm huyết mạch giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, Nam Đèo Giàng, vận chuyển cất giấu vũ khí, phương tiện vận tải ở Bó Lếch, Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn…

+ C208 thành lập năm 1951 có hơn 130 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, Bành Trạch – Chợ Rã, cầu phà Bắc Kạn…

Trong thực thi nhiệm vụ các công việc hết sức khó khăn, gian khổ, đòi hỏi tinh thần dũng cảm hy sinh của nam, nữ TNXP, như san lấp hố bom, phá các loại bom nổ chậm, xuống suối lấy đá, vào rừng lấy gỗ, làm cầu, ngầm cho xe qua, mở đường tránh, bảo đảm giao thông thông suốt… trong điều kiện địch đánh phá suốt ngày đêm… Trong thời gian quân ta mở chiến dịch, mỗi trọng điểm giao thông quan trọng trên Quốc lộ 3, địch dùng máy bay bắn phá, máy bay oanh tạc B26[i] sử dụng các loại bom nặng từ 250 – 500 kg ném liên tục xuống các đoạn đường, cầu trọng điểm, các khúc cua hiểm frở nhất để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường của quân ta. Trong đó có trọng điểm Bắc Đèo Giàng, nơi có thời gian chỉ trong 5 ngày địch ném xuống gần 100 quả bom hạng nặng và cho máy bay trinh sát lao sát ngọn cây tìm lán trại của TNXP và dân công hỏa tuyến.

Các Đội TNXP sau khi thành lập được Tỉnh đoàn và Ty Giao thông chỉ đạo hoạt động, đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị chốt giữ các trọng điểm như: Đèo Giàng; Km 18 Lãng Ngâm; ngầm, cầu Nà Phặc; cầu Nà Hoan; cầu, ngầm Nà Cù; ngầm, phà Bắc Kạn; cầu đường Km 62; ngầm, phà Chợ Mới… Trong 2 năm 1951-1952 do địch phá và thiên tai, các cầu, đoạn đường quanh co, ta luy dựng đứng, bị hư hỏng nặng. Các đơn vị TNXP phải làm việc suốt ngày đêm, có điểm trong hơn một tuần lễ mới thông xe trong tiếng reo hò của bộ đội và dân công hỏa tuyến đang vận chuyển hàng ra tuyền tuyến phục vụ cho chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để động viên tinh thần lực lượng TNXP làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 3, ngày 28 tháng 3 năm 1951, trên đường đi công tác Bác Hồ đã đến thăm Liên Phân đội TNXP 312 tại Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông đang làm nhiệm vụ sửa chữa cầu Nà Cù, bảo đảm giao thông. Sau khi hỏi thăm Bác ân cần nhắc nhở toàn thể cán bộ đội viên phải có kế hoạch làm việc, tổ chức tốt đợt thi đua để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và Bác đã tặng Liên Phân đội TNXP 312 bốn câu thơ:

 “Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Từ sau khi được Bác Hồ đến thăm, Liên Phân đội 312 nói riêng và các Liên Phân đội TNXP đang thực hiện nhiệm vụ trên toàn tuyến Quốc lộ 3 đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, cán bộ, đội viên ngày đêm vật lộn với mưa lũ, không sợ hiểm nguy, chiến đấu với máy bay địch bảo vệ cầu, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt phục vụ chiến khu Việt Bắc, các chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Điển hình có các đơn vị: C201; C203; C205; C206; C207; C208… Đặc biệt đơn vị C205 tháng 10 năm 1951 đã được Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi công tác đảm bảo giao thông. Cùng với tập thể có nhiều cán bộ, đội viên TNXP tiêu biểu. Đó là các đồng chí Hà Văn Tung, Nguyễn Duy Thạc, Vương Đức Y, Lương Văn Tinh, Nguyễn Khánh, lê Xuân, Hà Nhân Thăng[ii], Đinh Công Hòa, Lê Viết Phụng… đã làm nhiệm vụ quên mình nêu gương sáng cho cán bộ, đội viên TNXP các đơn vị noi theo.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Thanh trình bày tham luận tại Hội nghị Giao lưu Truyền thống
“70 năm (15/7/1950-15/7/2020 TNXP Chiến khu Việt Bắc, cống hiến và trưởng thành” ngày 05/6/2020

Trong khi làm nhiệm vụ đối mặt với bom đạn của kẻ thù có 08 đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh, đó là các liệt sỹ:

  1. Lộc Văn Giai, xã Phong Lưu, huyện Bạch Thông, thuộc đơn vị C203, hy, sinh tháng 12 năm 1952, tại cầu Nà Hoan, ở tuổi 24.
  2. Nguyễn Văn Chẩn, xã Đại Thắng, huyện Chợ Đồn, thuộc đơn vị C208, hy sinh tháng 8 năm 1951, tại cầu Phà Bắc Kạn, ở tuổi 21.
  3. Phan Văn Chương, xã Lạng San, huyện Na Rì, thuộc đơn vị C201, hy sinh tháng 3 năm 1952, tại cầu Nà Cù, xã cẩm Giàng, ở tuổi 23.
  4. Nguyễn Thị Hồi, xã Đổng Xá, huyện Na Ri, thuộc đơn vị C206, hy sinh tháng 9 năm 1953, tại Nà Vài, Bó Lếch, Lãng Ngâm, Ngân Sơn, ở tuổi 23.
  5. Lường Đình Tung, xã Như cố, huyện Chợ Mới, thuộc đơn vị C205, hy sinh tháng 10 năm 1953, tại cầu Phà Bắc Kạn, ở tuổi 23.
  6. Hà Văn Ắt, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, thuộc đơn vị C208 Bắc Kạn, hy sinh tháng 2 năm 1955, tại đèo Pha Đin, ở tuổi 20.
  7. Nông Văn Kỷ, xã Thanh Phong, huyện Bạch Thông, thuộc đơn vị C206, hy sinh tháng 10 năm 1955, tại Hà Đông, ở tuổi 20.
  8. Nguyễn Đình Phẩm, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, thuộc đơn vị C209, hy sinh tháng 3 năm 1955, tại Tuần Giáo Lai Châu, ở tuổi 19.

Những gương anh dũng hy sinh, sự cống hiến của lực lượng TNXP tỉnh Bắc Kạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Trung du, Tây Bắc, Thượng Lào, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, quân đội Pháp – một cường quốc –  đã phải cúi đầu xin hàng rút về nước.

PHẦN HAI
Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Kạn cống hiến và trưởng thành trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc 1955-1964

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng hậu quả của chiến tranh chống thực dân Pháp để lại rất nặng nề trên các lĩnh vực phát triên kinh tê nông, lâm, thương nghiệp, an ninh trật tự… Trong đó có huyết mạch Quốc lộ số 3 Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, đã bị các loại bom địch làm hư hỏng nặng ở Đèo Giàng, đường ngầm Nà Phặc, đường ngầm cầu phà Bắc Kạn, cầu, phà Chợ Mới, Cầu 62, cầu Bành Trạch, đường vào kho quân sự A3, đường Bắc Kạn đi Ba Bể – Chợ Đồn. Giao thông đi lại rất khó khăn, cần phải được khôi phục ngay.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy trong xây dựng giao thông, thủy lợi, đẩy mạnh phát triển nông, lâm, thương nghiệp…, phát huy truyền thống TNXP trong chiến tranh, Tỉnh đoàn và Ty Giao thông đã tổ chức các đội TNXP sửa chữa làm mới cầu, đường trẽn tuyến Quốc lộ số 3, gồm các đơn vị: C1 Sáu Hai, C2 Bành Trạch, C3 cầu Ổ Gà Chợ Mới thành lập 1956 – 1957, có hơn 300 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia và năm 1957-1959 thành lập C4 Xuất Hóa, C5 Ba Be, C6 Chợ Đồn, có 213 cán bộ đoàn viên thanh niên tham gia.

Để đưa văn minh đến với đồng bào các dân tộc, mở rộng giao lưu các vùng, các địa phương, thì phát triển giao thông có tâm quan trọng đặc biệt, đại bộ phân công việc trong kiến thiết mở đường giao thông thời kỳ này là thủ công, nặng nhọc phải dùng sức người là chính. Hầu hết các con đường ở Bắc Kạn đi qua suối sâu, đèo cao, núi đá dựng đứng.

Tỉnh đoàn Bắc Kạn đảm nhận vai trò xung kích tổ chức lực lượng cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng tuyến đường Bắc Kạn – Chợ Đồn – Bản Thi; Chợ Rã – Pắc Nặm; Bắc Kạn đi Na Rì. Đó là tiểu đoàn thanh niên xung kích thành lập năm 1960. Có hơn 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia, đảm nhận thi công trên những đoạn đường khó khăn, nguy hiểm nhất như đoạn qua đèo Áng Toòng[iii], đường quanh co vách đá dựng đứng, vực sâu. Đến 1965 tuyến đường cơ bản hoàn thành.

Theo Quyết định của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn, ngày 11/6/1960 Đại đội (C Bắc Kạn) được thành lập, gồm 147 đội viên TNXP của 6 huyện: Ngân Sơn, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, do đồng chí Bế Thanh làm C trưởng, đồng chí Triệu Thị Dần làm C phó. Ngay 15/6/1960 đơn vị xuất quân đi Hà Giang, tham gia mở đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc (khởi công năm 1959, hoàn thành năm 1965, có hơn 10 dân tộc thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và Nam Định, Hải Dương tham gia. Đó là con đường có 6 chữ nhất:

  1. Thi công gian khổ ngụy hiểm nhất;
  2. Thủ công nhất;
  3. Huy động TNXP đông nhất;
  4. Làm trong thời gian lâu nhất;
  5. Với số ngày công khổng lồ nhất;
  6. Nước uống sinh hoat rau xanh thiếu thường xuyên nhất.

Đơn vị C Bắc Kạn được giao nhiệm vụ thi công ở 8 điểm trên tuyến đường với chiều dài khoảng 25 km, hầu hết là đá, các đoạn thi công theo kiểu cuốn chiếu. Đơn vị đã tổ chức thi công luôn đạt cả 3 tiêu chí thi đua là: Hoàn thành đoạn đường trước thời gian, có ngày công, năng suất lao động cao, đảm bảo an toàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ, giải thể vẫn đủ quân số: 147 cán bộ, đội viên. Để ghi nhận công lao của TNXP đơn vị H100 mở đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc (trong đó có đơn vị C Bắc Kạn) năm 2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đơn yị HI00, và năm 2015 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang” các TNXP tham gia mở đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc, con đường đoàn két các dân tộc anh em.

PHẦN BA
Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Kạn cống hiến và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1965 – 1975

Năm 1965, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống lại cuộc “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và cuộc leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ; đáp ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì độc lập tự do và thống nhất đất nước”, với sự hiệu triệu của phong trào “Ba sẵn sàng – Năm xung phong” do Đoàn phát động, hàng chục vạn thanh niên tình nguyện ra nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường ra trận với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tỉnh Bắc Kạn (Bắc Thái) có gần 600 đoàn viên thanh niên tham gia TNXP ở các đơn vị: C911, 913, 914, 915 thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái và các đơn vị: C929, C933 thuộc Đội TNXP 92 Bắc Thái; Đơn vị 28A- 28B thuộc Ty Giao thông Bắc Thái thực hiện nhiệm vụ mở đường Bắc Kạn – Na Rì, đảm bảo giao thông trên các tuyến Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3, Đường 16A; làm cầu Huy Ngạc, Đại Từ, ứng cứu, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vận chuyển, bốc xếp, vũ khí, quân trang, lương thực… tiếp viện cho chiến trường miền Nam, bảo vệ miền Bắc.

Trong kháng chiến đã khắc ghi nhiều chiến công và gương hv sinh anh dũng của đội viên TNXP con em các dân tộc tỉnh Bắc Kạn: Có 13 đội viên TNXP C933 hy sinh tháng 8/1968 trong khi làm nhiệm vụ xây dựng công trình trung thủy nông Thanh Vận, huyện Bạch Thông; có 03 đội viên TNXP C913 hy sinh tháng 9/1972 trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên Đường 16A và 41 đội viên TNXP C915 hy sinh đêm 24/12/1972 trong khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá tỉnh Thái Nguyên. Tất cả đều được công nhận liệt sỹ, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Đặc biệt quân số của C915 hầu hết là con em các dân tộc huyện Chợ Đồn. Năm 2009 C915 đã được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có 08 đội viên TNXP thuộc đon vị C913, C914, C915 bị thưong do các đợt ném bom của máy bay Mỹ trong khi làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 1B, Đường chiến lược 16A. Đó là các thương binh: Trương Xuân Lập, Bế Thị Nhị ở huyện Ngân Sơn; Ngô Thị Mít, Nông Thị Hoa, Nông Thị Thanh ở huyện Na Rì; Ngôn Thị Túc ở huyện Ba Bể; Bùi Thị Loan ở huyện Chợ Đồn; Cà Thị Phương ở huyện Pác Nặm.

Lực lượng TNXP tỉnh Bắc Kạn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống TNXP, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đánh đuổi đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc, xây dựng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Khi nước nhà hoàn toàn hòa bình, thống nhất, lực lượng TNXP cả nước nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng hoàn thành nhiệm vụ được giao: Số được chuyển sang bộ đội, số được cử đi học tập, đào tạo tại các trường cao đẳng, trung học, công nhân kỹ thuật, số vào các đơn vị, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, công trường…

Số đông về địa phương sinh sống, làm ăn lương thiện, góp phần xây dựng quê hương, bản làng. Dù ở đâu, làm công việc gì, ở hoàn cảnh nào lực lượng TNXP nói chung, cựu TNXP nói riêng đã giữ vững, phát huy truyền thống yêu nước, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đoàn kết thương yêu đồng đội, đồng bào, cần cù học tập, sống lạc quan, yêu đời, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, vào công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội: Dân giàu – nước mạnh – dân chủ – công bằng – văn minh và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Ban Thường vụ Tỉnh hội Bắc Kạn cùng Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim (áo trắng) thăm phòng trưng bày ở Khu di tích lịch sử Nà Tu ngày 15/12/2016

PHẦN BỐN
Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn kế tục và phát huy truyền thống TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất các đơn vị TNXP được thành lập, hoạt động trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tô quôc hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và giải thể.

Nhiều vấn đề về khen thưởng, chế độ chính sách đối với liệt sỹ, thương binh, bệnh binh là TNXP còn tồn đọng kéo dài chậm được giải quyết, một số chế độ chính sách của Đảng, nhà nước đối với TNXP cần được triển khai thực hiện kịp thời trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngày 15/11/2005, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2847/QĐ-UBND về việc thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn. Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn được thành lập và hoạt động phát huy truyền thống TNXP kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội đã thực hiện mục tiêu “ở đâu có lực lượng TNXP thì ở đó cỏ tổ chức Hội, ở đâu có tổ chức Hội thì ở đó hoạt động giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, hoat đông nghĩa tình đồng đội và có gương sáng của hội viên. Đên nay 8/8 Hội cấp huyện và 87 Hội cấp xã được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ, có 20 Ban liên lạc trực thuộc Hội cấp huyện, có 2.183 hội viên, số ủy viên BCH Hội các cấp có 376 người; Trong đó, có 75 cán bộ Đoàn tham gia.

Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn là Hội viên tổ chức của Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Tổ chức hội đã thực hiện tốt vai trò nhân chứng lịch sử tích cực phối hợp với cơ quan có chức năng giải quyết các chế độ chính sách của Nhà nước đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

– Có 57 TNXP được hưởng trợ cấp hàng tháng;

– Có 2.424 TNXP được hưởng trợ cấp 1 lần. Hầu hết TNXP được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 290/QĐ-TTg và Quyết định 170/QĐ-TTg, khi từ trần được trợ cấp mai táng…

Để thực hiện tốt và có hiệu quả sự tri ân của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức, nhà hảo tâm đối với TNXP đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, từ sau khi thành lập đến nay, các cấp Hội đã tích cực vận động, tiếp nhận tổ chức trao:

– 352,0 triệu đồng cho 8 thương binh TNXP và 65 thân nhân liệt sỹ;

– 402,5 triệu đồng cho 805 cựu TNXP chống Pháp;

– 388,0 triệu đồng cho 814 lượt hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn;

– 485,0 triệu đồng tiền tiết kiệm cho 127 hội viên, nữ cựu TNXP nghèo khó cô đơn;

– 3 tỷ 475,0 triệu đồng cho 75 hội viên cựu TNXP nghèo nhà ở dột nát (xóa nhà dột nát) làm nhà mới, ổn định cuộc sống;

– Trợ cấp thường xuyên 500.000 đ/tháng cho 03 hội viên từ năm 2009 đến khi từ trần;

– 83,0 triệu đồng cho 96 hội viên cựu TNXP C Bắc Kạn – HI00

Đặc biệt có 20 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà của Chủ tịch nước với số tiền: 6 triệu đồng/hội viên. Những việc làm sâu nặng nghĩa tình đồng đội, thấm đậm tính nhân văn của tổ chức Hội các cấp đã gắn kết tình cảm giữa hội viên với hội viên và giữa hội viên với tổ chức Hội. Tổ chức Hội trở thành ngôi nhà chung sưởi ấm tình đồng đội, đồng chí cao đẹp thiêng liêng.

Trong quá trình tổ chức, thực hiện nhiệm vụ Hội Cựu TNXP các cấp trong tỉnh đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn, hiệu quả thiết thực trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương phát động, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của địa phương. Tuy cán bộ, hội viên phần nhiều là tuổi cao, sức khỏe hạn chế, song thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, nhiều tổ chức Hội, cán bộ Hội đã khắc phục mọi khó khăn trong công tác xây dựng tổ chức Hội, hoạt động nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cuộc sống tinh thần, vật chất, phát triển kinh tế, tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP.

Có nhiều tổ chức Hội, hội viên đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc đã được khen thưởng:

  • Về tập thể: Được Trung ương Hội tặng 08 cờ thi đua và 28 bằng khen; được UBND tỉnh tặng 06 bằng khen.
  • Về cá nhân: Được Trung ương Hội Cựu TNXP tặng 44 bằng khen; được UBND tỉnh tặng 06 Bằng khen.
  • Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP tỉnh tặng 128 giấy khen cho các tập thể và 291 giấy khen cho cá nhân.

Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2020) là một dịp để cán bộ, hội viên cựu TNXP ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam nói chung, Lực lượng TNXP chiến khu Việt Bắc và lực lượng TNXP tỉnh Bắc Kạn nói riêng, để sống lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời tuổi trẻ rèn luyện cống hiến và trưởng thành, để phấn khởi tự hào phát huy truyền thống TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nguyễn Văn Thanh

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến


[i] Douglas A-26 Invader (có tên là B-26 từ năm 1948 đến năm 1965) là một kiểu máy bay cường kích và máy bay ném bom hai động cơ được chế tạo bởi hãng Douglas Aircraft trong Thế Chiến II và cũng hoạt động trong những cuộc đối đầu chủ yếu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Một số lượng giới hạn của phiên bản cải biến chuyên biệt được sử dụng trong tác chiến cho đến năm 1969. Máy bay được trang bị 6 súng máy 12.7mm ở mũi. 2 súng máy 12,7mm ở lung và bụng, 8 quả rocket 127mm và 2.721,5kg bom.

[ii] Đồng chí Hà Nhân Thăng sau là Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Thái, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên khóa 1. Khóa 2

[iii] Đèo Áng Toòng nằm trên quốc lộ 3B ở vùng đất bản Nậm Dắt xã Tân Sơn huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn