Những chiếc khăn Piêu nghĩa tình

Đăng lúc: 02-11-2017 10:59 Sáng - Đã xem: 53 lượt xem In bài viết

Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang dùng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường giao thông thuộc các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt quốc lộ 6 từ Hòa Bình đi Sơn La, Điện Biên. Phà Chợ Bờ, phà Suối Rút. Trên Quốc lộ 6 thuộc tỉnh Hòa Bình là 2 trọng điểm vượt sông Đà có khoảng cách rất rộng, nước chảy xiết. Lợi dụng những điểm vượt sông xe qua phà di chuyển chậm, dễ ùn tắc, máy bay địch thường xuyên đánh phá gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển vật tư quân sự, hàng hóa lưong thực, thực phẩm thiết yếu cho đồng bào Tây Bắc.

Để tránh nguy cơ bị phong tỏa, chấp hành lệnh của Chính phủ, Bộ GTVT điều động lực lượng hàng nghìn công nhân, TNXP của các công trường miền Tây đang làm nhiệm vụ thi công các công trình ở Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng… mang phiên hiệu mới Cục Công trình II thuộc Bộ GTVT khẩn trương chuyển quân đi xây dựng, nâng cấp các tuyến đường thuộc các tỉnh Tây Bắc. Công trường 116, 117 thi công tuyến tránh Chợ Bờ, Suối Rút, Công trường 115 nâng cấp đường tỉnh lộ 136 từ Cao nguyên Mộc Châu tỉnh Sơn La đi bến phà Vạn Yên giáp tỉnh Nghĩa Lộ dài 45km (nay là Quốc lộ 36). Công trường 115 (chủ yếu là quân của Hải Dương) vừa nâng cấp toàn tuyến vừa bảo đảm giao thông và phục vụ cho thí nghiệm chạy phà Puli dây cáp vượt bến Vạn Yên đi Nghĩa Lộ… đề tài của Viện Kỹ thuật Bộ GTVT.

Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung trong chiến tranh phá hoại có rất nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt “ruồi vàng, bọ chó, gió Lào”, lương thực phẩm thiếu thốn, rất thiếu rau xanh, chủ lực là măng rừng, sắn đồi, “ca la thầu” do Trung Quốc viện trợ… TNXP ở trên các đỉnh đèo luôn thiếu nước, phải đi xa từ 3- 5 km gùi nước cho sinh hoạt. Đặc biệt là nữ TNXP rất vất vả, ốm đau bệnh tật, ghẻ lở là chuyện thường ngày… Nhưng với truyền thống của quê hương Hải Dương anh hùng, quyết lập công đầu trên trận địa Tây Bắc. TNXP không sợ bom đạn ác liệt, gian khổ hy sinh kiên cường, dũng cảm phấn đấu tăng năng suất lao động, phá đã mở đường… quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho. Đến cuối năm 1966 toàn tuyến dài 45 km đã thông xe. Dịp tết Nguyên đán Bính Ngọ cuối năm 1966 sang đầu năm 1967 trên đường đi kiểm tra, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn công tác đã dừng lại thăm cán bộ TNXP C4 Công trường 115 tại bến phà Vạn Yên. Được đón Thủ tướng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt cán bộ TNXP C4 hết sức phấn khởi để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Năm 1966 Đoàn TNLĐ Công trường 115 được TW đoàn tặng cờ mang chân dung Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964), được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sơn La phát thẻ đoàn viên đầu tiên trong khối các đoàn công nông trường của tỉnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Sơn La, đầu năm 1967 Công trường 115 được điều động về xây dựng đường sắt Kép – Bãi Cháy (Quảng Ninh) và bảo đảm giao thông Quốc lộ 18. Một số đại đội còn nhận nhiệm vụ tăng cường cho Cục Công trình 1, Ban 67 làm đường Hồ Chí Minh.

Trong những năm 1966, 1967 thi công tuyến Mộc Châu, Vạn Yên trên 20 cán bộ, đội viên TNXP Công trường 115 hy sinh tại Sơn La, nhiều đồng chí đã được công nhận liệt sỹ.

Năm 2002, sau 37 năm, một số cán bộ, đội viên cựu TNXP hy sinh tại Sơn La vẫn chưa được quy tập đưa các anh chị trở về quê hương. Ban liên lạc và trên 4.000 cựu TNXP Đơn vị 115 và thân nhân các gia đình chưa thể yên tâm nếu chưa làm được nghĩa cử cao đẹp đó. Được sự chỉ đạo giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND, các Ban, ngành tỉnh Hải Dương và đặc biệt là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Đơn vị kế thừa Cục công trình 2 – Bộ GTVT) Ban Liên lạc đã tổ chức Đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sỹ do đồng chí Vũ Như Khen, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5 TNXP thuộc CT 115 làm trưởng đoàn. Đoàn công tác đã  tìm kiếm, quy tập được11 hài cốt TNXP Đơn vị CT 115 quê thuộc 4 tỉnh (Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Điện Biên).

Trước khi đưa các anh, các chị về quê hương thân yêu, Ban Liên lạc đã  tổ chức bàn giao tại xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; làm lễ truy điệu long trọng tại nhà tang lễ tỉnh Hải Dương.

Đợt khảo sát, quy tập liệt sỹ TNXP của Đơn vị CT 115 Hải Dương tạo những ấn tượng sâu sắc của các cơ quan, đoàn thể và bà con dân tộc Nà Mường huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Gần 40 năm qua, các anh, nơi các chị nằm lại đã có nhiều thay đổi, việc xác định địa điểm mộ chí là vô cùng khó khăn. Trong quá trình đó các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã Nà Mường như đồng chí Lò Đức Điền- Chủ tịch UBND xã, Đinh Văn Cậu – Trưởng ban VHXH, Hà Văn Áo – Trưởng công an xã, Mai Văn Nhủ – Bí thư Xã đoàn, Đinh Văn Ùi – Trưởng bản Kà Tèo… luôn quan tâm và trực tiếp giúp đỡ đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ đạt kết quả ngoài mong muốn.

Điều đáng quý nhất là tấm lòng của các mẹ, các chị, các em Hội Phụ nữ Nà Mường lo toan công việc của TNXP hy sinh như của người thân trong gia đình, luôn thăm hỏi, giúp đỡ Đoàn quy tập. Từng nải chuối, từng thẻ hương giành cho các anh, các chị. Sâu sắc nhất, ấn tượng nhất với phong tục của bà con dân tộc Mường chị Dung – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã – cùng các bà, các chị phủ lên quan tài các anh chị mỗi người một chiếc khăn Piêu màu trắng hồng sáng tươi thể hiện sự  thương yêu, nhớ nhung, trân trọng của các mẹ, các chị, các em với mong muốn cho linh hồn các anh chị được siêu thoát. Những chiếc khăn Piêu nghĩa tình sẽ cùng với các liệt sỹ TNXP, các anh các chị về quê hương Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, về với đất mẹ yêu thương.

  Phạm Văn Am

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hải Dương, nguyên Phó Bí thư Đoàn CT 115