Những cung đường tuổi hai mươi

Đăng lúc: 18-03-2019 11:15 Sáng - Đã xem: 127 lượt xem In bài viết

Đường Trường Sơn ngày nay (ảnh: Interet)

Đất nước tôi, có những cung đường

Xây đắp bằng tuổi hai mươi bất tử

Mỗi cột số ven đường như tạc vào lịch sử

Một chiến công, một tên tuổi anh hùng

 

Cung đường Điện Biên đèo dốc trập trùng

“Chị gánh anh thồ” giữa mùa ban nở

Ngã ba Cò Nòi thành nơi cửa tử

Đồng đội đi, ba trăm bạn không về

 

Đường Ma Lù Thàng[i] mưa lạnh tái tê (*)

Bí mật bất ngờ hơn năm trời vất vả

Trăm cây số chỉ với bàn tay trẻ

67 người nằm lại với Chăn Nưa

 

Đường 12B Hòa Bình[ii] xuyên rừng thẳm âm u

Ngàn gái trai rời phố phường đô hội

Vạch núi cắt rừng hát bài “Ta đi tới”

Vẽ điểm đầu của huyết mạch Trường Sơn

 

Đường Hạnh Phúc[iii] nối cổng trời chon von

Đem hạt muối miền xuối lên bản Mèo heo vắng

Mã Pí Lèng in hình trai treo mình trên vách đá

Dòng Nho Quế mềm soi bóng gái xung phong

 

Nối Trường Sơn tây với Trường Sơn đông[iv]

Là Đường 20 mang tên Quyết thắng

Trăm cây số một trăm ngày xuyên thẳng

Một ngàn người hy sinh cho huyết mạch nối liền

 

Đường 1C[v] băng cắt giữa bưng biền

Đánh địch mà đi mở đường mà tiến

Bóng áo bà ba băng qua ngàn nguy hiểm

Che thương binh, không để trúng đạn hai lần

 

Quê hương nay một dải nối liền

Những con đường xưa đã thay da đổi thịt

Áo xung phong đã phai màu thân thiết

Con đường xưa còn xanh mãi trong lòng./.

Đường Hạnh Phúc (Ảnh : Internet)

Tháng 3/2019

     Việt Phát

 


[i] Khởi công từ ngày 09/10/1954, con đường dài 82kmq ua ba huyện vùng sâu, vùng xa của Lai Châu là Phong Thổ, Mường Lay và Sìn Hồ, với hai bến phà và hàng trăm cầu, cống, kè chống lở mặt đường. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự lễ khánh thành con đường lịch sử này ngày 13/6/1956. Lực lượng tham gia mở đường gồm hơn 8.000 TNXP thuộc hai Đội 34 và 40 (thuộc đoàn TNXP Trung ương) sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn 100 TNXP đã hy sinh khi làm đường

[ii] Con đường 12B nối Quốc lộ 6 và Quốc lộ 21, dài gần 50km với 200 cầu cống lớn nhỏ, một cầu lớn bê tông cốt thép do hơn 4.000 TNXP 13 tỉnh miền Bắc (Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) làm từ tháng 3 đến tháng 12/1959. 6 TNP đã hy sinh trong thời gian làm Đường 12B

[iii] Đường “Hạnh phúc” dài 185 km, nối thị xã Hà Giang với 4 huyện vùng cao núi đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.phía Bắc. Hơn 1.300 nam, nữ TNXP từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá làm trong 6 năm (từ 1959 – 1965). 14 TNXP đã vĩnh viễn nằm lạị trên cao nguyên đá.

[iv] Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam vào tới lãnh thổ miền nam Việt Nam, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào, và Campuchia. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 16 năm (1959–1975) của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam

[v] Đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều, băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kinh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn … về đến Cái Nứa, Ba Đình (U Minh Thượng). Tiếp nhận và vận chuyển trên tuyến đường này là lực lượng Liên đội I Thanh niên Xung phong do Khu đoàn Khu 9 tổ chức; hơn hai phần ba quân số là nữ, tuổi đời từ 17 đến 20. Địch thường xuyên đánh phá ác liệt để ngăn chặn. Chúng cho rằng: Muốn bình định miền Tây Nam bộ phải cắt đứt bằng được con đường này. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt máy bay ném bom bắn phá, kể cả B52 ném bom rải thảm, pháo bầy cấp tập, dọn nát địa hình. Trên các tuyến kinh, tàu địch thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát ngày đêm, thường xuyên tổ chức hành quân càn quét, tung biệt kích rình rập đánh phá. Lực lượng vận chuyển phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, bảo vệ người, bảo vệ hàng, quyết tâm bám trụ giữ vững Đường 1C thông suốt. Ngày lo trú ẩn và đánh địch, đêm đến mỗi người một xuồng vận chuyển suốt đêm.