Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, tôi[i] luôn nhớ lại ký ức những năm tháng hào hùng, những chiến công oanh liệt, những mất mát hy sinh đau thương vô hạn của đồng đội và của cả dân tộc. Ký ức đó mãi không phai nhạt – những hình ảnh còn ghi sâu trong tâm trí tôi một thời “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”.
Thoát ly xa nhà và bước chân vào Trường Sơn khói lửa, chúng tôi đi làm đường rộng 1,5m phục vụ xe thồ hàng, bộ đội hành quân, TNXP vác gạo qua đèo 1001, đèo 700 đến sông C. Băng Hiêng[ii] (Lào).
Cuối tháng 12/1965, được lệnh chuyển quân ra Phong Nha – Kẻ Bàng, thi công mở đường 20 Quyết thắng – làm con đường vận chuyển bằng cơ giới qua dãy Trường Sơn sang tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào. Để có được con đường 20 trong hệ thống đường Hồ Chí Minh, các lực lượng tham gia mở đường, phải vượt qua nhiều núi đá cheo leo, hiểm trở khó thi công. Vậy mà các lực lượng quân đội, TNXP , công nhân giao thông, đã thi công thần tốc với lòng dũng cảm mưu trí, sáng tạo.
Hàng trăm tấn thuốc nổ TNT[iii], mọi loại công cụ từ thô sơ đến cơ giới các lực lượng thi đua, với khẩu hiệu “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, con đường như con trăn khổng lồ đã trườn sang nước bạn Lào hơn 120 km hướng thẳng phía Nam…Và lần đầu tiên, những đoàn xe cơ giới chuyển hàng vào phía trong của đường dây 559.
Sau đó các lực lượng tham gia bảo đảm thông suốt con đường và vận chuyển gồm: Binh trạm 14, Ban xây dựng 67 Bộ Giao thông vận tải, TNXP các Đội 23, 25, 15… cùng các đơn vị tên lửa, cao xạ, các tiểu đoàn xe, thông tin, quân y, giao liên, kho tàng, hậu cần, kỹ thuật, cơ giới cùng với đoàn văn công “tiếng hát át tiếng bom” của tuyến chi viện thuộc Đoàn 559… đã hợp đồng tác chiên đảm bảo thông đường trước sự dánh phá vô cùng ác liệt suốt ngày đêm của quân thù…
Chính các lực lượng này buộc giặc Mỹ phải thất bại hoàn toàn trên mặt trận giao thông vận tải, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam Việt Nam và các nước bạn giành thắng lợi lịch sử trọn vẹn mùa xuân năm 1975.
Tôi tự hào đã tham gia chiến đấu trên con đường 20 ở những địa danh như: Ngầm Bùng, Khương Hà, Cổ Giang, Cổ Lạc, Phà Xuân Sơn, Phong Nha Kẻ Bàng, Km 7 Trạ Ang, Km 9 Ba Khe, Km14 Kho NH, Km16 suối Tân Trạch, Km18 dốc Ba Thang, trọng điểm của Km32, Km 41 Cô Phong La, Km54 Ngầm Cà Roòng, Km68, cua Chữ A, ngầm Ta-lê, đèo Pu-la-nhích…Những địa danh đi liền với những chiến tích hào hùng, những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt 6 năm gắn bó với đường 20 huyền thoại.
Mỗi năm đến ngày Truyền thống của TNXP 15/7, ngày kỷ niệm của Quân đội 22/12 và ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, thì những kỷ niệm một thời chống Mỹ lại ùa về trong tôi. Mới hồi nào, khi ra đi tuổi còn 20, vui cười, vô tư, hồn nhiên, mà nay đã trên 60 tuổi (năm 2006) sức yếu, trái nắng trở trời các vết thương lại nhức nhối, và đầu óc thì không còn minh mẫn nữa… Vì vậy, tôi mượn bút viết lên những dòng kỷ niệm đáng nhớ trước lúc ra đi để những hình ảnh, những kỷ niệm về những năm Trường Sơn kháng chiến ác liệt đó sẽ còn được nhớ tới dù một mai tôi không còn…
Bước chân ra đi TNXP ngày 15 tháng 6 năm 1965, đơn vị tập trung bên trong cầu Long Đại – đường 15A, liên hoan và nhận quân trang, chúng tôi không có võng, phải lấy chăn chiên Nam Định để thay võng… Hành quân vào Nam xuyên rừng, lội suối sâu suốt ngày đêm đi liên tục để kịp thời gian trên quy định. Được nghỉ vài phút là lăn ra ngủ, tỉnh dậy thấy mình nằm trên cứt bò khô mà không biết. Đến làng Ho đóng quân làm lán trại, rồi tiếp đi làm đường.
Bộ đội nối tiếp nhau lưng ba lô con cóc, đầu đội mũ tai bèo, áo bà ba đen, tay chống gậy vừa đi vừa hát “Miền Nam kêu gọi ta…” để chọc cười chị em TNXP … Chúng tôi mặt đứa nào cũng rầu rĩ khóc nhớ nhà, nhớ mẹ… Buồn nhất là lúc làm lán trại dưới rừng già, trời mưa tầm tã mà cứ ngồi ôm nhau khóc. Tối ngủ chiếu rải trên sạp cây gỗ chặt về lát thay dát giường, nằm võng, lên võng xuống “giường” nhưng rồi ngủ quên hết cả đau lưng… Sáng ngủ dậy, đi làm đường thấy tiền ở miền Bắc dán ở thân cây nhiều lắm, bởi lẽ đi vào Nam, các anh không tiêu được…
Cuối tháng 12/1965, chúng tôi về mở đường 20 Quyết Thắng. Tết âm lịch 1966 bắt đầu… Tôi ở C7 Quảng Bình thuộc D1 Công binh, Đoàn 559. Số nam giới biết làm mộc thì ít, mà tôi ở nhà đã làm thợ mộc rồi nên tôi xung phong vào tổ mộc của đại đội. Tiểu đội làm thợ mộc có mình tôi là nữ. Chúng tôi đi sâu vào rừng tìm rễ cây to, loại rễ bành cây cổ thụ cưa vòng tròn rễ để làm bánh xe cút kít (một loại xe 1 bánh) vận chuyển đất đá.
Năm 1966, máy bay Mỹ rải chất độc hóa học rụng lá cây hai bên đường rộng 1km để chúng dễ phát hiện bãi xe, kho tàng và đơn vị đóng quân của ta. Đơn vị tôi ở Km54 Ngầm Cà Roòng. Đại đội trưởng ra lệnh tất cả các đồng chí ra mặt đường lấy khăn thấm nước che mũi để thở, còn chị em nuôi quân đào giếng lấy mạch nước ngầm để nấu ăn. Mùa mưa, nước lũ, đường tắc, gạo hết, đơn vị đi lấy măng rừng thay gạo. Anh em lấy bớt quân trang vào bản dân tộc Cà Roòng đổi gạo sắn ăn tạm và nấu cháo dành cho anh em ốm.
Bản thống kê gốc
Bản thống kê địch đánh phá tại trọng điểm Km32 tháng 9 năm 1968 (nhập từ bản gốc bị mờ)
Năm 1967, Đội 23 (D hay N 23) rút tôi lên làm nhân viên thống kê – kế hoạch cầu đường của Đội, hàng ngày thống kê số liệu, khối lượng vật tư và nhân lực, theo dõi địch đánh phá, báo cáo hang giờ, hang ngày, hàng tháng lên trên trực ban Binh trạm 14.
Năm 1970, tôi thuộc TNXP nhiệm kỳ 1 được ra quân và chuyển qua Ban Xây dựng 67 (Bộ Giao thông vận tải) thuộc Đoàn 559, và ở lại Trường Sơn đến tháng 9/1973 được chuyển ra công tác tại cầu Thăng Long – Hà Nội và đến 2001, tôi đã nghỉ hưu.
Tháng 8/2006, tôi về thăm quê hương Quảng Bình – Đồng Hới. Đi thắng cảnh Phong Nha Kẻ Bàng, có dịp đi thăm lại con đường xưa. Ước nguyện tôi muốn cùng đồng đội đơn vị ở Hà Nội đi thăm lại chiến trường xưa nhưng rồi không rủ được ai, vì phần lớn đều có những lý do về kinh tế… Tôi nghĩ một lần đi, một lần khó, mà khó có dịp mình trở lại đây vì đã già rồi, sức lại yếu. Suy nghĩ hồi lâu, tôi quyết định một mình thuê xe ôm đi vào đường 20.
Hơn 12h trưa, trời nắng to, tôi hỏi thăm vào đường 20. Ngồi lên xe ôm một mình, đi vào đến cửa rừng có một cổng đá cao to có trạm gác bảo vệ hỏi giấy của vườn Quốc gia Kẻ Bàng cấp. Tôi giới thiệu “Năm 1966, bà đã làm con đường này. Nay bà ở Hà Nội muốn đi thăm lại đồng đội đã hy sinh nơi cùng bà làm đường và thăm lại con đường xưa. Có lẽ bà già rồi, không có dịp đến đây nữa, cháu thông cảm cho bà…”. Qua vọng gác, xe leo dốc rồi xuống dốc, đường ngoằn nghèo và hẹp, đá lởm chởm, cây cối um tùm, dưới vực sâu, xe chạy qua Trạ Ang Km7, rồi Ba Khe Km9, đường cua dốc hẹp, lên lại xuống, cứ như thế mà xuống dốc xe lao vun vút, trời nắng to, đường lại vắng không người qua lại… Bóng người, bóng xe, sự yên tĩnh làm tôi có cảm giác ù tai và sau lưng tôi hình như bạn bè đang chạy theo tôi mà cười.
Có lúc tôi nghĩ dại một mình mà liều đi thế này bệnh rối loạn tiền đình lại tái phát thì có lẽ nguy to, hay bọn người xấu trên núi lao xuống đáng sợ. Đi độ 12km có một dốc cao, sắp xuống dốc tôi bảo xe ôm dừng lại không đi tiếp nữa. Cảnh tĩnh lặng của núi rừng, khe suối càng làm tôi thêm hoảng. Ngồi nghỉ, nhìn xuống dốc tôi thấy cột số ghi 4km đến đường mòn Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn, mừng quá tôi lên xe tiến vào. Đi được một quãng, nhìn bên phải ta luy có một bát hương và một cái hang cửa ngay sát mặt đường. Tôi dừng lại thắp hương cầu khấn bạn bè đã hy sinh ở đây, các cô TNXP và các anh cao xạ pháo đã hy sinh trong hang này.
Đấy là Km16+500, bên trái là suối Tân Trạch, đi một đoạn dốc lên gặp đường Hồ Chí Minh, tôi mừng quá giá đi đợt này có hai hay ba xe máy cùng đi thì vui biết mấy… Trên bãi rộng, có một cây cầu của đường Hồ Chí Minh và một cái bia khắc tên những đồng chí đã hy sinh, một bia ghi tên đơn vị đã thi công con đường này. Nhìn về phía Tây đường 20 là dốc Ba Thang và cột mốc ghi 39 km (tức Km 29) đến biên giới Việt – Lào (Km 68).
Lúc tôi quay về Đồng Hới đi đường Hồ Chí Minh, tôi thầm cảm ơn đồng đội đã phù hộ cho tôi an toàn đi đến nơi về đến chốn…
Chị Nguyễn Thị Hồng Táo (ngoài cùng bên phải) cùng ông bà Đỗ Bát (nguyên Phó ban xây dựng 67) và vợ ông Phan Trầm (nguyên Trưởng ban XD 67) tại lễ kỷ niệm kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Ban XD 67 tại Đà Nẵng (22/4/2007)
Tám năm ở Trường Sơn đánh Mỹ nhiều kỷ niệm vui buồn không thể quên.
- Năm 1965, đơn vị hành quân đi vào Làng Ho, phải qua nhiều suối sâu chảy xiết. Đại đội trưởng ra lệnh cho các đồng chí nam khỏe thì cõng con gái yếu qua suối. Một lúc sau, một cậu kêu lên cười đùa: “Ngực con gái có đinh đâm vào lưng tao bay ơi!”. Con gái xấu hổ quá không cho cõng. Thời đó, áo lót nữ có kiểu may rất dày, ở giữa đệm vải bạt cho cứng. Chờ lâu quá, đại đội trưởng đã quát to, ra lệnh cõng nhanh hành quân gấp, không kịp thời gian trên quy định. Sau đó, mấy đứa con gái cứ cười ngặt nghẽo mà trèo lên lưng con trai, hai tay giữ hai bên vai còn hai đầu gối tỳ vào lưng trông buồn cười lắm. Sao mà vui, hồn nhiên, vô tư đến thế, đúng như lời bài hát “tuổi xuân vui phơi phới chị em ta ơi!”…
- Đơn vị rút ra một trung đội nam khỏe mạnh để vận chuyển thuyền trên sông Xê Băng Hiêng. Đường này qua đèo 1001, hẹp 1,5m, đi qua nhiều cua gấp và vực sâu. Thuyền gỗ thì dài mà đoạn cua gấp thì hẹp. Một thuyền trượt xuống vực sâu, đồng chí Sơn đã hy sinh trên tay còn nắm chặt nắm cơm trưa chưa kịp ăn, khi tuổi đời tròn 18.
- Đầu năm 1966, đơn vị mở đường 20 có 2 tiểu đội đào hố nổ mìn. Mỗi tiểu đội đào 10 hố bằng thùng phi để xếp thuốc nổ TNT xuống nổ, phá núi làm đường. Chúng tôi châm ngòi chạy thật nhanh dạt hai đầu đường tránh mìn nổ. Tiểu đội nào đếm tiếng nổ của tiểu đội đấy. Tiểu đội tôi mới nổ 9 tiếng còn 1 chưa thấy nổ. Tiểu đội trưởng chạy ra chưa đến nơi thì nổ. Mọi người chạy nháo nhác chưa biết thực hư ra sao. Anh kỹ thuật đại đội lao chạy như bay, người vừa gày vừa bé nhưng miệng thì kêu to “Đứa lào giết quân tao? Đứa lào giết quân tao? “. Mọi người kiểm tra thấy an toàn phá lên cười hò reo mừng rỡ. Mọi người buồn cười nhất là anh Hương kỹ thuật nói ngọng, cứ “đứa nào” lại thành “đứa lào”… Cứ nghĩ đến thời đấy sao mà vui thế, có nguy hiểm cũng cười. Không như bây giờ, khi chưa về hưu thời bao cấp thì lo toan, tính toán, xoay xở…
- Năm 1967, cơ quan Đội 23 TNXP đóng quân tại Km26, thủ trưởng Hoàng Ngọc Phiên chỉ huy tiền phương Binh trạm 14, biệt phái vào đường 20 chỉ huy trực tiếp. Tôi ngồi trực điện thoại để truyền lệnh. Khoảng một giờ đêm, ngoài đường, xe rì rầm chạy. Tiếng máy bay, tiếng bom ở các trọng điểm vọng vào. Tôi ngồi lấy số liệu các trạm ba-ri-e báo về Sở chỉ huy số lượng xe ra vào. Tôi ngồi buồn ngủ quá liền tháo tay nghe điện thoại ra lau. Không may rơi một bộ phận nhỏ mà không biết. Lúc lắp vào, tôi nghe được ngoài ba-ri-e nói vào còn họ không nghe được tôi nói ra. Tôi sợ quá, trời sắp sáng, thủ trưởng hỏi xe vào được bao nhiêu và tên các đơn vị. Các đoàn xe nối đuôi nhau đang chờ lệnh của thủ trưởng. Sợ quá, tôi nhận lỗi, thủ trưởng ngay lập tức ra lệnh tổng đài thay máy để kịp chỉ huy cho xe vượt trọng điểm. Thật hú vía!
- Tôi nhớ năm 1968, cơ quan đội 23 ở Km 39 sau trọng điểm Km 41 – đỉnh Cô Pông La (Cô-poong-la) có một tiểu đội bốc đá lát ngầm Km 44 (Khe-tum), gồm một xe gác và năm chị em đi vận chuyển đá. Đêm, máy bay rải bom tọa độ, bom nổ trên núi cao của trọng điểm. Một tảng đá trên cao rơi xuống nằm ngay mặt đường, năm chị em bị kẹt dưới tảng đá không thể nào ra được. Đường tắc, tiếng đồng đội kêu cứu dưới tảng đá rất bé. Tôi nghe điện thoại thủ trưởng gọi vào, mang nước uống ra ngoài trọng điểm. Một mình tôi mang nước đi trong đêm tối, tay cầm đèn pin mà không dám bật, muốn đi đúng đường mòn tôi tháo giày ra, đi chân đất mới có cảm giác mình đi đúng đường mòn. Vì đúng đường thì không có lá rừng, còn chệch đường thì lá rừng nhiều. Đến đường ô tô mới xỏ giày vào và chạy nhanh đến trọng điểm bom vừa nổ. Thủ trưởng đang đứng trên tảng đá to chặn ngang đường, không thể cứu người và thông đường cùng lúc được. Hai đầu trọng điểm, các đoàn xe đang nối đuôi nhau chờ thông đường. Trời sắp sáng. Thủ trưởng đứng trên tảng đá hô to: “Giờ các đồng chí hy sinh cho Đảng, cho Dân” nhanh chóng thông đường, thông xe, thông hàng không thì tổn thất lớn về người và của”. Thủ trưởng ra lệnh nổ mìn, phá đã thông đường, thông xe kịp trước lúc trời sáng. Tất cả đồng đội có mặt ở đấy đứng lặng đi, mặc niệm các đồng chí phải hy sinh cho Tổ quốc.
- Làm thống kê kế hoạch cầu đường của Đội 23, tôi cùng một y tá tiểu đoàn đến phiên trực đi lấy củi về cho chị em cấp dưỡng của bếp ăn cơ quan. Chúng tôi đi qua một khu rừng cách đường ô tô 2km. Hai chị em đi đến một khu vực làm nhà kho tập kết hàng đưa vào Nam. Trên sàn nhà kho toàn thương binh. Người mất hai tay lẫn hai chân, nhìn như một đoạn thịt, người băng trắng toàn đầu, người mắt không nhìn thấy… Hai chúng tôi nghe tiếng rên ở đầu bên kia. Chị em tôi trông thấy một anh thương binh băng mắt, tay cụt quá trong bàn tay, nghe tiếng nói, anh thương binh bảo: “Các chị ơi, xem cổ tay tôi sao khó chịu như có con gì bò…”. Chúng tôi nhìn vào cổ tay cụt băng trơ ra, thấy lấm tấm đen lẫn mủ. Khi nhìn kỹ lại, thấy đích con giòi đang rúc đầu bên trong chỗ mủ. Trời ơi! Thương quá đi thôi!… Hai chị em nói dối: “Tay anh đâm da non, trời nóng, không gió, nóng nực quá nên anh cảm giác thế. Anh chịu khó, sắp ra Bắc rồi…” Sau hai chị em đến gặp phụ trách chuyển thương của đoàn nhờ chú ý tới anh thương binh ấy. Chúng tôi vừa vác củi vừa bảo nhau: “Chao ôi! Bắt được thằng Mỹ có lẽ tùng xẻo nó quằn quại cho hả dạ”. Không biết chiến tranh ác liệt đến bao giờ chấm dứt…
- Năm 2000, bạn tôi tiết lộ tôi mới biết. Câu chuyện xảy ra năm 1966, thời gian đó địch đánh ác liệt, tắc đường lại đang mùa mưa, nước lũ, xe không chở gạo vào được. Đơn vị cử người vào bản dân tộc đổi áo quần lấy gạo sắn. Bạn trai thú nhận rằng: “Hồi đó tao lấy trộm áo lót của mày mang vào bản cho con gái dân tộc, bọn nó thích lắm, đổi thêm được ít gạo. Lúc đó mày nghi cái Lan mà tao không dám nói ra. Nay tao nói mày hay, mày đừng nghi cho cái Lan mà tội”.
- Thỉnh thoảng đơn vị cử tôi đi lấy rau lang rừng và rau tàu bay về cải thiện thêm cho bếp ăn. Tôi nắm được quy luật đánh phá của địch ở các trọng điểm. Tôi ra trọng điểm lấy rau lang rừng vì ở đấy đất tơi, rau tốt và non. Nhưng những lúc đi lấy thì cũng hơi run. Tai lúc nào cũng phải để ý đến tiếng máy bay xa, mắt thì nhìn xem hầm chữ A ở đâu, còn tay thì vặt rau lia lịa. Tôi cảm giác lúc ấy như mình đi thi cắm cờ vào cổ chai, lấy được rau là ba chân bốn cẳng phăng phăng chạy về không thì mất mạng như chơi. Hồi hộp lắm, không tả được.
- Ở đường 20 Quyết Thắng, tôi được đặt thêm một cái họ bởi tiểu đoàn xe 781 và khắp tuyến đường 20 và cho đến nay tôi ở Hà Nội đi họp đơn vị BT14, họ chỉ biết Lê Thị Hồng Táo – 4 quả (Nguyễn chuyển thành Lê cho đồng bộ cô Bốn Quả, chắc khác người!). Vì thế Bộ trưởng Giao thông Phan Trọng Tuệ vào công tác đường 20, đội 23 TNXP mà biết tên “4 quả”. Đến năm 70, tôi chuyển công tác Ban Xd 67, Bộ trưởng lại nhắc sao chưa giải quyết cho Lê Thị Hồng Táo chuyển vùng. Ông Trưởng ban nhân sự Ban XD67 báo “Nếu Thủ trưởng giải quyết cho Lê Thị Hồng Táo B67 thì phải giải quyết một ngàn nữ chuyển vùng vì chưa có người bổ sung vào. Vì vậy mà cho đến năm 1973, tôi mới được chuyển ra Hà Nội công tác ở cầu Thăng Long.
Đó là những ký niệm về một thời chống Mỹ ở Trường Sơn của tôi. Tôi đã làm nhiều công việc khác nhau. Từ nuôi quân, quản lý bếp ăn công trường 16, công trường 20, làm đường, nổ mìn, làm thợ mộc đóng xe cút kít cho đến thống kê kế hoạch cầu đường 4 năm liên tục của đội 23-25 TNXP. Cảm xúc thế nào thì viết như vậy, ý tứ câu văn vụng về, ai có đọc mong thông cảm cho trình độ có hạn. Một nữ TNXP mới tốt nghiệp cấp II phổ thông (1964-1965), hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Trung ương Đoàn, tôi viết đơn tình nguyện đi TNXP chống Mỹ. Vào đơn vị, ngày nghỉ trong khi các đồng đội cấp I được đi học bổ túc, giáo viên đi cùng để dạy, tôi lại xuống nhà bếp nấu cơm để chị em cấp I đi học. Đến lúc rút lên đội làm thống kê, tất cả các chiến sĩ được chuyển đi học nghề và bổ túc thêm đi đại học thì tôi vẫn ở Trường Sơn làm nghề thống kê. Thủ trưởng động viên tôi yên tâm công tác rồi bố trí trường tương đối cho tôi đi học. Trường tương đối thì không thấy đâu, đến năm 1970, cán bộ đội viên hai Đội 23+25 TNXP có 8 đại đội đều được đi học, xuất ngũ. Còn tồn một đại đội toàn cán bộ lãnh đạo, đội trưởng, phó, chính trị viên trưởng, phó, trung đội trưởng, phó và cả tôi thì vẫn thế. Trong số đại đội còn tồn lại và san chuyển qua, tôi hưởng lương cán sự 1 của Bộ Giao thông. Đấy, sự quan tâm của lãnh đạo là như thế đấy. Số phận không cho tôi thành đạt.
Năm 1964, tôi tốt nghiệp cấp II phổ thông. Cùng lứa đi học 7+1,7+2 và các ngành nghề khác thì tôi lại không được đi vì quy cho tôi lý lịch phản động. Chú, bác, cô đi vào Nam làm việc năm 1948 lúc tôi còn bé. Năm 1965, khí thế phong trào chống Mỹ lên cao, tôi chỉ nghĩ đến con đường để mình vươn lên phấn đấu và đi TNXP chống Mỹ cứu nước- Ước nguyện của tôi ra đi là phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng, được đi học mở mang kiến thức và lập nghiệp thoát ly…
Nhưng khi ở Trường Sơn, tôi đã phấn đấu không mệt mỏi, công tác tích cực lại có trình độ văn hoá nhất định nhưng hồi đấy tôi không được kết nạp vào Đảng vì lý lịch. Lúc đơn vị cho cán bộ của chi bộ đảng về địa phương xin ý kiến lý lịch lên kết nạp thì xã không quyết định được đề nghị lên huyện, đến huyện thì bảo bao giờ điện lên đơn vị thì kết nạp. Năm đấy, chiến tranh ác liệt, Quảng Bình là đầu tuyến lửa miền Bắc. Lúc huyện điện lên thì Đội 23 giải thể sát nhập vào Đội 25. Số đi học, chuyển vùng, xuất ngũ, người giới thiệu cho tôi cũng đi học. Thế là cơ hội kết nạp vào Đảng của tôi bị gián đoạn cho đến nay. Thật buồn cho số phận mình, nghề nghiệp, chính trị, gia đình đều… 37 tuổi lấy chồng, 38 tuổi sinh con đầu lòng, 40 tuổi chồng tai nạn mất, để lại cho tôi một đôi gánh nặng một mình nuôi con nên người.
Nay cuối đời tôi còn để lại những kỷ niệm Trường Sơn chống Mỹ ác liệt sâu đậm khó quên… cho con cháu biết một thời gian lao mà anh dũng của thế hệ chúng tôi để có hôm nay… Thật tự hào và nhớ mãi những đồng chí đồng đội đã hi sinh… Mình được vậy, như bây giờ, cũng là may mắn lắm rồi!
Hà Nội ngày 30 tháng 9 năm 2006
Nguyễn Thị Hồng Táo
[i] Nguyễn Thị Hồng Táo, cán bộ Thống kê Đội 23+25 TNXP, đường 20 Quyết Thắng, Binh trạm 14, Đoàn 559, sau là Ban Xây dựng 67-Bộ GTVT
[ii] Sê Băng Hiêng bắt nguồn từ phía Tây dãy núi Trường Sơn, ở địa phận xã Hướng Lập huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, chảy về phía tây qua biên giới Lào – Việt ở nơi đặt Đồn Biên phòng Cù Bai Sang địa phận tỉnh Savannakhet của Lào, lúc đầu chảy uốn lượn theo hướng Đông Bắc-Tây Nam. Tại thị trấn Sepon nó tiếp nhận hai phụ lưu là Xê Pôn chảy từ hướng đông nam đến, và Nam Kok chảy từ hướng tây bắc đến.
[iii] Thuốc nổ TNT (còn gọi là TNT, tôlit, hay trinitrotoluen) là một hợp chất hóa học có công thức C6H2(NO2)3CH3, danh pháp IUPAC: 2-methyl-1,3,5-trinitrobenzen. Chất rắn màu vàng này là một loại chất thử trong hóa học nhưng nó cũng là loại chất nổ nổi tiếng được dùng trong lĩnh vực quân sự. Sức công phá của TNT được xem là thước đo tiêu chuẩn về sức công phá của các quả bom và của các loại thuốc nổ khác (được tính tương đương với TNT).