Những lá thư không gửi

Đăng lúc: 12-06-2023 3:29 Chiều - Đã xem: 180 lượt xem In bài viết

Ngày 10 tháng 9 năm 1964, trong tiết thu mát mẻ, Xã đoàn Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức “Ngày lao động cộng sản” đắp đê sông Chu phòng chống lụt bão. Tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng hò reo “dô ta, dô ta” Thanh Hóa anh hùng, không khí lao động như ngày hội.

Một đơn vị bộ đội hành quân tiến lại gần nơi chúng tôi đang lao động với tiếng hô “Một, hai…”.. Thấy thế đồng chí bí thư Xã đoàn tuyên bố giải lao 30 phút. Mọi người náo nức chào các chú, chào các anh, cùng giải lao với chúng em nhé.

Bên đơn vị bộ đội có tiếng hô: nghiêm! giải lao 30 phút. Hai bên giao lưu thơ ca, văn nghệ. Mọi người tranh thủ tìm nơi ngồi, tiếng cười, tiếng nói chào hỏi lẫn nhau trong không khí vui vẻ, thắm tình quân dân. Có một anh bộ đội thư sinh, nhanh nhẹn tự giới thiệu: tôi quê miền đất quan họ, xin hát tặng một bài dân ca quan họ. Mọi người chăm chú lắng nghe giọng hát ấm áp, truyền cảm. Bỗng dưng tôi nghẹn ngào, mến thương anh vô cùng. Đợi anh hát xong tôi lại gần trò chuyện. Nhìn anh rất đẹp trai, tôi mạnh dạn xin địa chỉ quê anh vì năm nay tôi có nguyện vọng thi vào Trường Cán bộ thống kê TW[1] tại Bắc Ninh”. Anh vui vẻ lấy trong ba lô ra một cuốn sổ ghi họ tên, quê quán tặng tôi và dặn thêm nếu có điều kiện qua gia đình anh và báo tôi có gặp anh và hẹn gặp lại em.

Ông Đặng Văn Hải

Có giấy báo trúng tuyển tôi thu xếp công việc gia đình liên hoan chia tay bạn bè lên đường học tập. Sau khi nhập học ổn định, tôi mạnh dạn đi bộ khoảng 15 km về quê anh – một vùng quê đồng trũng Hiệp Hòa. Tôi hỏi thăm đến được gia đình trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Gia đình hỏi han ân cần, tôi đưa ra cuốn sổ tay có ghi họ tên quê quán, có dán ảnh của anh, trình bày gặp anh trong hoàn cảnh như vậy. Mọi người vô cùng xúc động, coi tôi như người thân. Tôi  như tìm được gia đình thứ hai trong đời. Vì quê tôi nghèo khó quanh năm, gia đình đông anh em, học hành vất vả, được đi học như thế này là vinh dự lắm rồi. Xa quê, ra đây học tập, gia đình xem tôi là con trong gia đình. Từ đó cứ chiều thứ bảy tôi lại đi bộ về quê anh, tham gia làm ruộng, cấy hái giúp gia đình trong những ngày mùa bận rộn. Dần dần tôi hòa nhập như người con trong gia đình.

Gia đình thấy tôi đi lại vất vả nên cố dành dụm mua cho tôi chiếc xe đạp để  đi về. Tiếng lành đồn xa, mọi người trong thôn xì xào với nhau “Ông bà Thước có người con dâu hiếu thảo, hiền lành, đẹp tính, đẹp nết”.

Thời gian học tập đã trôi qua, 3 năm được sống vui cùng gia đình, vô cùng ấm cúng, tôi không quên từng lời dạy bảo ân cần và biết ơn bố mẹ anh. Tôi tập trung học hành, nhớ thương anh da diết, hàng tháng viết thư cho anh, nhưng không có địa chỉ để gửi. Những lá thư không gửi cứ xếp cao dần, nhiều hôm buổi chiều ngồi trên bờ sông Cầu gấp những lá thư thành con thuyền thả xuống sông để nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu gặp nhau.

Sau khi tốt nghiệp tôi được phân công công tác tại một nông trường ở Lai Châu. Đời sống vô cùng khó khăn gian khổ, đi lại vất vả, cảnh rừng núi heo hút, phương tiện đi lại khó khăn, đi bộ nhiều ngày mới tới cơ quan. Nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người yêu. Được anh em bạn bè cơ quan động viên giúp đỡ dần dần thích nghi với công việc. Ngày tháng trôi qua, tuổi ngày một cao, không hiểu chờ anh đến bao giờ.

Một buổi chiều tháng 9 năm 1973 tôi được  gia đình anh cho biết tin: anh được ra Bắc điều trị do bị thương nặng. Lòng tôi như tỉnh như mơ, đã gần 10 năm chưa gặp lại anh. Tôi xin nghỉ phép về thăm anh. Sau nhiều ngày lặn lội, gặp anh đang nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện 108[2]. Tôi thốt lên: “Anh Hải phải không. Anh nghẹn ngào: phải, anh đây.

Được các thầy thuốc nhiệt tình cứu chữa anh đã hồi phục. Anh được ra quân chuyển ngành về công ty xây dựng Thái Nguyên, thi vào Trường Nguyễn Ái Quốc trung ương[3]. Học xong anh trở về cơ quan và được bầu làm bí thư Đảng ủy của công ty. Đầu năm 1974 anh lên Lai Châu đón tôi về quê ra mắt gia đình và làm lễ cưới trước sự chứng kiến của hai họ. Đôi trai gái “đất xứ Thanh cùng quê hương quan họ” nên duyên vợ chồng sau 10 năm chờ đợi.

Bà Nguyễn Thị Lan

Sau khi kết hôn tôi có hỏi anh, anh bị thương trong hoàn cảnh nào và  có những suy nghĩ gì về em trong thời gian xa cách. Như chuẩn bị từ trước anh nhanh chóng trả lời: Anh nhớ nhất là vào một buổi chiều một trận càn cuả Mỹ tại đồi A Bia[4] đơn vị anh chống trả quyết liệt buộc quân địch phải rút chạy; nhiều ngưởi bị thương nặng. Trên đường đưa thương bình về không may anh bị bắn vào bụng, ngã gục vẫn nằm ôm đồng đội. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm tại trạm cứu thương, bụng bị băng. Sau một thời gian điều trị được đưa Bệnh viện 108. Và anh vẫn viết thư cho em dù không gửi được và giữ lại. Những lá thư đã trở thành kỷ vật vô giá. Tôi vẫn nhớ lá thư anh viết gửi cho tôi vào ngày mùng 10/9/1965 có đoạn viết:

“Nhớ buổi gặp nhau lưu luyến ấy

Tay nắm tay chậm bước trên đường

Mắt lệ sầu sao em chẳng nói

Má em hồng, môi em đỏ thắm

Truyền cho nhau hơi ấm của tâm hồn

Sau buổi tiễn đưa anh vào Nam chiến đấu

Cùng đồng đội giết giặc lập công

Hơi ấm của em truyền cho anh sức mạnh

Chiến đấu kiên cường giành độc lập tự do

Anh chỉ mong vui sau ngày gặp lại

Để chúng mình được sống mãi bên nhau….”

Ông Đặng Văn Hải và các con

Năm 1975 tôi được chuyển công tác về thành phố Thái Nguyên. Bố mẹ anh cũng chuyển từ lên Thái Nguyên cùng chung sống với gia đình chúng tôi. Đời sống lúc này cũng tạm ổn định, tất cả quy về một mối. Chúng tôi có 4 con, trai, gái đầy đủ. Năm 1988 anh nghỉ hưu, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phan Đình Phùng. Tháng 4 năm 2003 do vết thương tái phát anh đã được đưa đi các bệnh viện, được các giáo sư bác sỹ nhiệt tình cứu chữa nhưng do bệnh hiểm nghèo, anh đã ra đi vào ngày 4/5/2003 tại thành phố Thái Nguyên.

Trước lúc ra đi, anh gọi tôi lại gần bên cạnh nói nhỏ “Tôi biết trước sau tôi cũng ra đi về với tiên tổ, nay tôi nói chuyện riêng với em chúng ta đã sống với nhau có 4 mặt con, trai gái đủ cả, chưa ai nói nặng với nhau một lần”. Tôi  ra đi về với tiên tổ em tiếp tục thay anh nuôi dạy con cháu chăm ngoan học giỏi, kính trên nhường dưới, lo toan đến dòng họ, góp phần vào xây dựng quê hương làng xóm. Còn bệnh của tôi không sao tránh khỏi. Tất cả vì chiến tranh để lại, tôi ra đi cũng không ân hận điều gì…”. Sau lời căn dặn được vài giờ thì anh mất, tôi vô cùng tiếc thương người chồng, người cha, người ông, người lính cụ Hồ trước khi về với tiên tổ vẫn chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Sau khi các cơ quan đoàn thể, gia đình và đồng đội đã tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang thành phố Thái Nguyên, anh được truy tặng là liệt sỹ Đặng Văn Hải. Sau khi cải táng chính quyền và nhân dân địa phương xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đưa hài cốt anh về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Tại buổi lễ trọng thể ông chủ tịch xã Mai Đình phát biểu: “Cán bộ và nhân dân địa phương rất tự hào đón nhận liệt sỹ Đặng Văn Hải là người con quê hương có nhiều đóng góp trong cộng cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù vết thương trong người anh vẫn chưa lành anh vẫn tích cực tham gia học tập công tác giáo dục con cháu chăm ngoan học giỏi. Quê hương rất tự hào về anh, được đón anh về nơi an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà”.

Theo lời kể của vợ liệt sỹ Đặng Văn Hải – bà Nguyễn Thị Lan tại tổ 39 phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên

Nguyễn Viết Nhật

 


[1] Nay là Trường Cao đẳng Thống kê

[2] Bệnh viện TWQĐ 108

[3] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

[4] A Bia là cao 937 mét so với mặt nước biển nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 mét. Tại đây, sau thất bại trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn Thừa Thiên Huế, trong đó cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới.