NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN

Đăng lúc: 28-09-2023 1:38 Chiều - Đã xem: 202 lượt xem In bài viết

Đến hẹn lại lên, cứ vào hạ tuần tháng 9 hàng năm, các cựu TNXP phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam lại gặp nhau, để biết kẻ còn, người mất, để ôn lại những kỷ niệm đẹp một thời thanh xuân cống hiến cho đất nước, khúc khải hoàn ca có cả máu và nước mắt năm nào lần lượt hiện về, theo từng lời tâm sự của những cựu TNXP tuổi quá lục tuần.

Chủ tịch Tỉnh hội Tây Ninh Nguyễn Văn Lợi trao chứng nhận Huy hiệu Cựu Thanh niên xung phong làm theo lời Bắc cho hội viên tiêu biểu

Không thể nào quên đêm 24 rạng 25/9/1977, bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary đã tràn qua biên giới Việt Nam – Campuchia tại Tây Ninh. Chúng tàn sát dã man hàng ngàn đồng bào vô tội tại 2 huyện Bến Cầu và Tân Biên; phóng hỏa đốt nhà, phá hoại các công trình xây dựng, phá nát hoa màu, vườn tược, công sức lao động của đồng bào ta…

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, đáp lời kêu gọi của Tỉnh đoàn Tây Ninh, ngay sáng ngày 25/9/1977, hàng trăm đoàn viên thanh niên ưu tú trong huyện nội địa lên đường ra biên giới làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến. Đây là lực lượng tiền thân của Tổng đội TNXP Tây Ninh. Với hai đại đội quân số khoảng 250 người, lực lượng này bắt tay ngay vào việc thu dọn chiến trường, tìm thi thể và mai táng người quá cố, dựng lại nhà đồng bào bị đốt cháy, phục vụ chiến đấu, cùng các đơn vị quân đội đứng chân trên biên giới đẩy lùi bọn xâm lược. Nhiệm vụ của dân công hòa tuyến là tiếp lương, tải đạn, chăm sóc thương binh và đưa về nơi an toàn; thực sự là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội an tâm chiến đấu. Những chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi ngày ấy luôn có mặt trong những điểm nóng của chiến trường ác liệt như Xa Mát, Bến Cầu…Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng đội phó Tổng đội TNXP Tây Ninh nhớ lại, ngày đi tìm xác đồng bào vô tội bị bọn diệt chủng giết rồi vứt xuống giếng sâu, một mình đồng chí xuống giếng vớt lên được 7 thi hài không còn nguyên vẹn, đang bị phân hủy, nếu nói không sợ thì không đúng, nhưng nỗi căm hờn lớn hơn nỗi sợ và ý nguyện tâm linh của người Việt đã thôi thúc bản thân làm được việc phi thường.

Tặng quà cho hội viên khó khăn trong ngày họp mặt

Sau hơn một tháng, bọn Pol Pot đã bị đẩy lùi qua bên kia biên giới nhưng tình hình vẫn chưa bình yên, nhiều người dân vẫn chưa dám về lại quê nhà. Nhận thấy cần có một lực lượng xung kích đứng chân trên biên giới, vừa khôi phục vết thương chiến tranh, vừa góp phần cùng bộ đội bảo đảm an ninh quốc phòng, cuối tháng 10/1977, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định thành lập Tổng đội TNXP Tây Ninh với lực lượng ban đầu là những cán bộ, đội viên ưu tú từng kinh qua thời gian phục vụ chiến trường trong lực lượng dân công hỏa tuyến do đồng chí Lâm Văn Chương (Hai Chương), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn làm Tổng đội trưởng, lấy ngày 25/9//1977 làm ngày thành lập.

Những hình ảnh hoạt động năm xưa lần lượt hiện về, những mái đầu bạc dù không còn nhanh nhẹn nhưng vẫn sôi nổi bàn tán, kể lại một thời gian nan, vất vả. Nhiệm vụ chính là bảo vệ biên giới và sản xuất, tạo ra của cải vật chất góp phần lương thực nhỏ bé cho tỉnh trong những ngày đầu mới giải phóng còn khó khăn. Nguyên Liên đội phó Liên đội 3 Trần Long chia sẻ: làm sao quên được đêm mưa tầm tả, cả cánh đồng bắp Mỏ Công (huyện Tân Biên) bị ngập, Ban chỉ huy Tổng đội ra lệnh cho Liên đội 3 hành quân ban đêm, từ Tua Hai (huyện Châu Thành) lên Mỏ Công cứu bắp (đoạn đường dài gần 10 km), cả Liên đội làm suốt đêm khai thông mương nước, giải cứu thành công hơn 10 ha bắp đang kỳ trổ bông. Còn nguyên Liên đội trưởng Liên đội 2 Nguyễn Văn Lâm nhớ mùa nước tháng 10, gió bấc se lạnh trên vùng biên giới, Liên đội 2 làm sa[1] hứng cá, kết quả ngoài mong đợi, cả Liên đội được bữa ăn cải thiện tươi ngon, biếu đơn vị bạn và Tổng đội bộ.

Sự hiện diện của TNXP trên tuyến đầu biên giới, đã đem lại màu xanh trên vùng đất chết. Hàng trăm hecta đất sau khi rà phá bom mìn được khai hoang phục hóa, bởi những đôi tay không chuyên. Những đường cày khơi dậy phù sa, bàn chân TNXP đã in dấu trên khắp ngả đường biên giới. Ngày cũng như đêm, tay súng tay cày cho lúa oằn bông, góp cho tỉnh nhà hàng ngàn tấn thóc; mì (sắn) đã lên xanh, báo hiệu vụ mùa bội thu; dòng nước xanh trong từ đập Suối Đục, tưới mát cánh đồng đã được đánh đổi bằng máu; những tấn vôi đầu tiên được phát hiện và khai thác tại Sóc Con Trăn[2]…Tất cả nói lên, TNXP không chỉ bảo vệ bình yên biên giới, mà còn góp phần lao động sản xuất, khơi nguồn tài nguyên của tỉnh nhà.

Khởi công xây nhà đồng đội

Thời gian trôi qua nhanh quá, đã 46 năm mà như mới hôm nào. Hôm nay, gặp mặt nhau đây trong nghĩa tình đồng đội, xúc động bùi ngùi khi nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống như các đồng chí Bênh, Bôi…nhớ các đồng chí đã hy sinh một phần thân thể Nam, Phụng, Trực… Quên sao được những tháng ngày ăn bo bo độn gạo, một dĩa rau rừng cả tiểu đội dùng chung. Nhớ quá những ngày vừa lên biên giới, phải đào giao thông hào vây quanh từng đại đội, hàng đêm phân công người canh gác cẩn thận. Có đêm, bọn Pol Pot mò về, bị phát hiện chúng bỏ chạy, từng tiểu đội chia nhau truy tìm giặc, người đi dưới giao thông hào trên tay cầm quả lựu đạn đã rút chốt an toàn, nếu gặp địch sẽ buông tay để cùng chết. Người đi trên giao thông hào cầm chắc tay súng, đạn đã lên nòng, sẵn sàng nhả đạn khi gặp địch. Kiểu đánh này chỉ có ở cảm tử quân. Nhớ đồng chí Dương Văn Liêm, đội viên lái máy cày của Tổng đội, khi đồng chí Nam bị thương do cán mìn chống tăng, không ai dám vào cày tiếp tục. Nếu không cày được sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng chí Liêm có sáng kiến trước khi cày sẽ tháo rời khung che nắng che mưa, mọi người thắc mắc thì đồng chí bảo rằng: gỡ mui ra để khi lái máy cày có cán mìn chỉ bị gảy chân chứ không chết. Chỉ việc làm này thôi cũng xứng đáng anh hùng.

Từng câu chuyện như tiếp thêm mạch sống trong xúc động bồi hồi ngày gặp mặt, ông Lâm Văn Chương, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tây Ninh tâm sự: thời gian rồi sẽ qua đi, những cựu TNXP năm nào rồi cũng sẽ về cõi vĩnh hằng, nhưng ký ức một thời phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam còn sống mãi, nhắc nhở thế hệ sau nhớ rằng, vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc ta được bền vững, trường tồn và phát triển như hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của Tổng đội TNXP Tây Ninh năm xưa.

Kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Tổng đội TNXP Tây Ninh (25/9/1977 – 25/9/2023)

Duy Đức


[1] Savi: được bện bằng dây cà bắp để bắt cá lóc. Vật bắt cá này chỉ to hơn cườm tay người lớn, nó chỉ được thắt như các mắc lưới. Điều độc đáo là người đặt savi phải có kinh nghiệm biết nơi nào có thể có cá lóc đi qua. Họ đặt, cá vào rồi thì không cách nào “quay đầu” lại mà ra được. Cứ thế, chỉ tóm đem về!

[2] Nơi đặt nhà máy xi măng Fico Tây Ninh ngày nay)