Tết đang về. Vậy mà cơn bão số 06 bất ngờ tràn tới. Trời xám xịt, tối đen. Mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt. Sấm chớp liên tục đi kèm những tiếng nổ chát chúa. Tiếng rừng đước rung lên xào xào nhanh dần như ông lão già nua đang cố chống chọi với thần chết. Mặt sông rộng mênh mông trắng xoá. Gió thổi mạnh kèm theo những tiếng rú rít rợn người. Cái chốt gác rừng giữa sông trở nên nhỏ nhoi, chơi vơi trong giông bão, nó cứ nghiêng qua nghiêng lại như muốn lật úp xuống sông. Chiếc đèn dầu chòng chành, chòng chành tạo ra những vệt sáng vàng vọt lúc ngắn, lúc dài cứ lắc tới, lắc lui trên nền vách lá chốt gác. Sóng còn đập mạnh vào chốt gác tạo những tiếng kêu nghe ành ạch, ành ạch. Những cột nước đục nhầu vọt lên trên mặt nước rồi lại rơi xuống sông liên tục không dứt được.
Ảnh internet
– Mưa bão như vầy mấy cha lâm tặc dễ “mần ăn” lắm đây. Tết mà. Tui nó tưởng mình giờ nầy đang ăn nhậu đón xuân. Tụi bây chuẩn bị ghe cộ để đi kích với tao. Tiếng Tổ trưởng Lâm đanh gọn.
– Nước đang ròng, chảy xiết lắm đó anh Lâm. Mình “kích” hướng nào?
– Hướng Cồn Cát rồi vòng qua Tắc Thuận. Ghe mình mấy ngày nay “êm” hôn? Dầu nhớt đủ chưa? Bão kiểu nầy lỡ ghe chết máy thì bà nội cũng đội chuối khô, lạy ông tám con về sớm. Lâm cười khà khà. Điếu thuốc cháy rực trên môi tạo những đốm đỏ loé sáng trên khuôn mặt sần sùi vì nắng gió, vì những vết sần do vắt, muỗi rừng cắn thường xuyên. Năm mươi tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu vậy mà cô đơn hổng có được một mảnh tình vắt vai. Nói cho cùng cũng có một mối tình đầu “chua chát”. Người yêu anh – vốn là một cô gái giàu có miệt Thủ Đức – sau lần đi đò năm tiếng mới tới đây thăm anh một lần rồi “hô biến”. Mấy tháng đợi chờ, cô đơn trống vắng, rồi anh cũng nhận được thư cô qua đường bưu điện “…anh phải về thành phố, làm gì cũng được, bộ tính làm người hùng ở cái xứ khỉ ho cò gáy, nước mặn đồng chua đó hả ? Có khùng mới bám trụ. Nếu không về thì đường ai nấy đi. Vĩnh biệt…”. Vậy mà đã ba mươi năm.
Lâm không trách cô. Đúng quá đi chớ. Ai cũng nói anh và đồng đội là những thằng điên điên, khùng khùng mới xung phong ra đây giữ rừng ngập mặn. Nhưng ai cũng vậy thì hàng ngàn héc ta rừng sẽ ra sao? Vã lại với Lâm, rừng có một sức hút rất mãnh liệt từ khi anh còn rất nhỏ. Có lẽ hình ảnh cha anh chết vật vã vì chất độc hoá học do hậu quả trong những tháng ngày chiến đấu trên những cánh rừng đước Cần Giờ thôi thúc anh đến đây để nghe trong tiếng lá rừng bước chân giải phóng hành quân tiến về thành phố; nghe rừng kể chuyện thế thái nhân tình trong làn gió mát rượi tâm hồn làm người ta quên đi bao tính toan danh lợi cuộc đời, quên đi sự bon chen, thị phi, giả trá. Và trên những cánh rừng ngập mặn hôm nay đã có rất nhiều đồng đội trở thành lính “phòng không” như Lâm. Mới nghe hai tiếng “phòng không” tưởng đơn giản nhưng đó là nỗi ray rức, thèm khát, tủi thân đến nao lòng của mấy mươi “bóng xanh” ầm thầm trên đảo mặn khô cằn nầy. Mỗi khi trong đơn vị có “phu nhân” bất cứ ai tới thăm chồng là cả đám “ở không” vô duyên bạc phận nầy rút lui có trật tự với đủ lý do trên trời dưới đất. Cái chính là để tự an ủi lấy mình vì không đủ can đảm để nhìn hạnh phúc gia đình bè bạn. Riết rồi quen. Mà không quen cũng không được. Họ không có thời gian để tìm bạn gái nữa. Nói cho ngay lúc trước cũng có một số cô từ “hậu phương” gởi thơ ra làm quen làm cả bọn mừng muốn khóc. Vậy mà thư cứ thưa dần rồi mất biệt. Đó là chuyện xưa. Thời buổi a còng hiện nay chỉ một cú “điện thoại di động” là đã gặp nhau. Nhưng có ai gọi cho họ đâu.
Chiếc máy dầu hôm nay trở chứng. Ba người thay nhau quay ì ạch mà nó vẫn xì xà xì xạch rồi tắt lúm. Mồ hôi nhuể nhoại dù ngoài trời mưa lạnh căm căm. Ba cây súng AK 47 cứ đập trên lưng họ phát ra những tiếng kêu thình thịch. Cuối cùng rồi máy nổ. Chiếc ghe băng băng trong màn đêm trắng xoá vì mưa. Nước mưa, nước sông tạt vào ghe từng đợt. Họ thay nhau tát nước liên tục bằng những chiếc can nhựa cắt ra.
– Tắp vô lẹ. Phong ơi! Tao nghe mé bên trái hình như có tiếng đốn cây. Tụi bây chuẩn bị nghe. Chặt cua vô nhanh lên. Lâm thúc giục.
Gần vô gần bờ thì tiếng đốn cây nghe càng rõ mồn một. Tiếng cây ngã xuống nước nghe ầm ầm như thách thức, như ngạo nghễ, lại như đau đớn xót xa kêu cứu. Xa xa trong màn đêm xuất hiện những ánh đèn quét dài phía ven rừng của những chiếc ghe trộm cây. Trung bắn mấy phát súng chỉ thiên đoàng…đoàng…đoàng khô khốc trong đêm. Ánh đèn pha từ ghe kiểm soát dọi thắng vô bờ. Tiếng đốn cây im bặt. Tiếng máy ghe tháo chạy ằng ặc, hù hụ vì kéo hết tốc độ. Ghe cặp bãi. Cả ba người thoăn thoắt nhảy xuống tiến vào, trên tay ai cũng lăm lăm khẩu súng. Không còn ai. Bọn chúng đã trốn biệt chỉ còn đây hàng trăm cây đước ngã chỏng chơ trên bãi sình lầy lội.
– May là mình tới kịp. Tụi nầy chơi liều quá. Bão lớn như vầy mà đi ăn trộm, có ngày rồi cũng gặp hà bá. Trung cười rất tươi.
– Anh Lâm “nghề” thiệt. Nói y như trong kinh. Tụi nó tưởng mình giờ nầy đang nhậu để đón giao thừa xả láng nên thí mạng cùi vô chặt cây. Bão mà. Tối nay tụi nó tức trào máu họng cho mà coi. Phong nói vui.
– Thôi đi tiếp. Ở đó “xạo” hoài. Lâm thúc giục.
Chiếc ghe lại băng băng đi trong đêm ba mươi. Mưa đã tạnh. Có lẽ bão đang tan dần. Những ánh sao nho nhỏ bắt đầu mọc phía xa xa. Những cánh rừng ven sông giờ đã thấy rõ hơn, tạo những khoãng xanh xám xì. Ngồi ở mũi ghe, Lâm hát khe khẻ “…rừng chiều kêu lao xao, tiếng lá non gọi gió. Tôi đến với rừng xanh mà say trong hương rừng…”. Lúc cha anh còn sống kể lại trước đây giải phóng, đất địa nầy bị ảnh ảnh hưởng rất nặng nề vì chất độc hoá học nên rừng bị tiêu diệt, trơ trọi, còi cọc đến đau lòng. Xác xơ đến nỗi tôm cá cũng không còn. Đây trở thành vùng đất chết. Vậy mà rừng hồi sinh rất kỳ diệu bắt đầu từ những năm tám mươi, tám mốt khi nhà nước vận động toàn dân trồng lại rừng để bảo vệ lá phổi xanh thành phố[i], trong đó có Rừng Sác Cần Giờ[ii]. Người người kéo nhau trồng rừng. Nhà nhà kéo nhau về ở với rừng. Lâm là những người đâu tiên xung phong về với Cần Giờ với trái tim rất nóng. Mà đâu có dễ dàng như chuyện đời xưa. Người ta đến cũng nhiều mà đi cũng nhanh vì không chịu được sự gian khổ trên vùng đất thiếu thốn trăm bề. Điện: Không có. Đường giao thông: Còn khuya. Nước ngọt: Chờ ông trời ban phát những cơn mưa. Điện thoại liên lạc: Chỉ có mơ… Anh nhớ lắm tháng ngày vất vả khi cùng những đồng đội là thanh niên xung phong ngày đêm bảo vệ rừng. Những khi ngủ lại rừng sáng thức dậy xung quanh mùng vắt, muỗi đeo kín mít không thấy mặt trời. Chưa hết, tuần tra chủ yếu là đi bộ chớ có xuồng ghe như bây giờ. Lơ mơ là lạc như chơi. Nhà ở thì toàn bằng lá dừa nước. Khổ nhất là cảm giác thèm nước ngọt giữa đảo mặn mênh mông. Có lần mưa to gió lớn, đơn vị hết hồn vì thấy mất thằng Nam, cái thằng mới ra đây mươi ngày.
– Chắc nó “dọt” rồi. Dân công tử Bạc Liêu chịu sao thấu với cái cảnh nầy. Trung nói.
– Đừng nói sớm. Chia ra kiếm nó coi. Hổng chừng cha tui đi lạc trong rừng hổng biết đường mò ra nên ở đó chơi với khỉ, với chuột. Phong nói vui.
– Đúng trật tính sau. Đi lẹ lên tụi bây ơi. Bão cũng phải đi tìm. Lâm hạ lệnh.
Phải mất mấy tiếng mới tìm đựợc Nam. Nó đang tắm mưa vô tư ở phía cuối rừng. Nhìn bản mặt ngây ngây vì thoả thích trong màn sương đêm đang xuống. Bao nhiêu lo lắng, bực dọc của cả bọn đều tan biến thay vào đó là một sự cảm thông chua xót. Có gì là lạ đâu, Họ cũng đã từng có cảm giác như người lính mới kia thôi. Mười ngày tắm nước mặn da dẽ rích chịt, mốc cời, quào tới đâu nó nổi sần lên tới đó. Hèn gì thấy mưa nó tắm cho đã thèm.
Đã vây chuyện bị bệnh sốt rét là cơm bữa. May phước là chưa đứa nào bị bịnh nặng đến nỗi phải chở về Sài Gòn. Có lẽ ông tà, ông địa, đất đai vương trạch và hà bá phù hộ nên họ vẫn mạnh cùi cụi sau vài hôm bị sốt. Vui nhất là những lúc cắt rừng gặp các chú khỉ rất thân thiện, mến khách, đùa giờn, lớ quớ là nó giựt thức ăn trên tay với cái cười rất láu cá. Mới đó đã hơn ba mươi năm. Ngày đi tóc Lâm hãy còn đen, giờ thì tóc đã trổ hoa râm. Chỉ có rừng vẫn xanh một màu không đổi. – Làm gì buồn thỉu, buồn thiu vậy anh Lâm? Bộ muốn vợ hả? Trung nói.
– Tao đạp một cái là mầy hổng còn cái răng ăn bắp, má mầy nhìn mầy hổng ra bây giờ. Lâm trả lời.
– Hổm rày tao quên hỏi thăm. Hai đứa con mầy lúc rày ra sao? Học hành tới đâu? Lâm hỏi.
– Thì em cũng gởi hai đứa ở với bà nội trên Bình Dương ăn học. Vợ chồng em nhớ con muốn chết nhưng cái cảnh nầy thì cắn răng chiụ đựng chớ biết sao. Thôi thì “hy sinh đời bố, củng cố đời con” vậy. Chớ ở đây khó khăn vầy người lớn chịu được còn sắp nhở thì “bó tay” rồi, nhất là chuyện học hành.
– Còn thằng Phương. Sao mậy? Bộ tính “ở giá” giống tao hả. Cho em xin đi. Mai mốt chết xuống âm phủ thành con ma chết thèm đàn bà nghe mậy. Lâm nói vui
– Thôi anh ơi. Con gái thời A móc, A còng bây giờ se sua chưng diện lắm. Nghe lương ba cọc ba đồng như anh em mình lại sống quanh năm với rừng ngập mặn, muỗi vắt cắn hổng biết đường chạy trốn là mấy “nường” chạy tuốt dìa dinh ủa dìa quê hổng dám quay mặt ngó lại. Thôi trời kêu ai nấy dạ chớ biết sao.
Chọc cho vui vậy thôi chớ Lâm biết tỏng tòng tong ruột gan của từng đứa trong tổ. Đứa thì nhớ con, đứa thì thèm hình ảnh của một người phụ nữ – trong đó có anh. Buồn chớ. Ngẫm ra mình có tội gì đâu. Giữ rừng là một cái nghề thầm lặng và cao quý biết bao nhưng có mấy ai nghĩ đến, nhất là biết được những khó khăn gian khổ, bất công của những “ bóng Xanh” ngày đêm sống chết với rừng, vui buồn theo nhịp thở của rừng. Người ta ca ngợi rừng bằng thơ, ca, nhạc, hoạ. Người ta tôn vinh những “bóng xanh” gắn chặt cùng rừng bằng nhiều ngôn từ cao quý, hào sãng, mỹ miều. Nhưng nếu hỏi ai sẽ thay họ để giử rừng thì tất cả hầu như im lặng. Và cuộc đời vẫn trôi đi.
– Chút nữa qua chốt Tắc Thuận, Cá Dao mình ghe vô thăm vợ chồng thằng Tâm với con Phương, sẳn chúc tết vợ chồng nó luôn. Nghe nói nhà nước hỗ trợ cho tụi nó căn nhà tươm tất lắm. Vậy mới phải chớ. Đó là lẽ công bằng. Lâm nói.
Ghe tắp vô bờ. Xa xa là căn nhà tôn mới cất còn thơm mùi gỗ mới. Căn nhà nghĩa tình thứ hai mươi sáu cất tặng cho những đôi “tình nhân” tự nguyện về đây công tác, để gắn chặt đời mình với màu xanh của lá rừng, của những gốc đước thuỷ chung rễ tua tủa bám sâu vào lòng đất.
Nghe tiếng mái nhỏ dần rồi tắt. Vợ chồng Phương chạy ùa ra với nụ cười rạng rỡ. Tâm vồn vã:
– Anh Lâm, anh Trung, Phương ghé chơi. Đi “kích” dìa phải hôn ? Đêm hôn, có chuyện gì lạ hôn mấy anh? Sẳn có mấy con khô khoai, cá lưỡi trâu với chai rượu chuốt hột Phú Lễ – Bến Tre, mình làm vài ly cho ấm. Tết mà anh.
– Đâu được mậy. Mình sơ hở là tụi nó “quất ” liền. Thôi ghé thăm hai đứa bây sẳn coi căn nhà mới tới đâu. Chúc mừng “ tân gia” trước nghe. Thôi tao đi đây.
– Thôi vậy mấy anh đi. À mà nè nhớ mở nắp chai dầu tràm cho đỡ muồi cắn nghe. Chừng nào “tân gia” tui sẽ mời hết anh em chơi một trận cho tới bến, không say không về luôn. Tâm nói vui.
Chiếc ghe lại lạch tạch rời bãi chạy băng băng trên sông rộng. Những chốt gác cheo leo giữa lòng sông quanh năm vẫn chồng chành cùng sóng gió như thách thức giông bão cuộc đời. Những cái bóng xanh lặng lẽ âm thầm cống hiến cho đời giữa bạt ngàn cây rừng to rộng.
Xuân đang về trên Rừng Sác – Cần Giờ xanh xanh muôn thuở và chất chứa biết bao câu chuyện liêu trai huyền hoặc đang có thật giữa đời thường.
TRƯƠNG THANH LIÊM
[i] Trước chiến tranh, Cần Giờ là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú nhưng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Năm 1978, Cần Giờ được sáp nhập về Thành phố Hồ Chí Minh, và năm 1979 UBND thành phố Hồ Chí Minh phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, thành lập Lâm trường Duyên Hải (đóng tại Cần Giờ, thuộc Ty Lâm nghiệp) với nhiệm vụ khôi phục lại hệ sinh thái ngập mặn. Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn héc-ta, trong đó có gần 20 nghìn héc-ta rừng trồng, hơn 11 nghìn héc-ta được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác. Ngày 21/ 01/ 2000, khu rừng này đã được Chương trình Con người và Sinh Quyển – MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới