Những tháng năm không thể phai mờ

Đăng lúc: 29-10-2024 10:22 Sáng - Đã xem: 298 lượt xem In bài viết

….

“Mọi việc rồi cũng qua đi, chúng tôi trở lại với công việc thường nhật và chuẩn bị mọi mặt để đón Tết Đinh Mùi (1967) tại đỉnh dốc ông Thủ. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị cũng có nhiều cố gắng để lo Tết cho cán bộ, chiến sĩ trong đại đội. Về vật chất có chè đường, xôi và có cả hai chú lợn được nuôi từ lâu chuẩn bị giải quyết trong dịp Tết này. Về tinh thần thì tổ chức đêm liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn của 2 đơn vị. Trung đội Bảo vệ hầu hết là anh em ở miền Bắc nên khả năng văn nghệ rất dồi dào. Bên đại đội tôi, Quang viết một kịch bản vui vẻ về việc tòng quân ở một vùng quê giải phóng. Quang có giọng hát rất tốt nên cũng đóng góp nhiều tiết mục cho đêm văn nghệ. Đóng góp vào chương trình này tích cực nhất là anh Yến (người Hòa Vang) là y tá của đại đội.

 

Đêm văn nghệ diễn ra vui vẻ đã động viên rất lớn về tinh thần cho anh chị em chúng tôi khi lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà.

Ở đỉnh dốc B3 này không khí thật trong lành, cảnh quan thật tuyệt đẹp nhưng là đỉnh núi nên nguồn nước từ con suối nhỏ rất khiêm tốn, nhất là mùa khô đang đến gần. Mỗi khi đi cõng gạo về chúng tôi phải xếp hàng để tắm giặt. Nhiều người ngại nên cũng khỏi tắm luôn. Do đó có thể nói khâu vệ sinh không được đảm bảo. Và đó cũng là nguyên nhân để bệnh ghẻ ruồi phát triển mạnh. Một số bạn nữ tái phát sốt rét. Bệnh nhân ốm nằm lâu ngày, không quan tâm đến việc sửa soạn chải tóc. Đến khi tóc rối không thể nào chải được nữa. Và điều khủng khiếp hơn là các ổ chấy sinh sôi nảy nở và lây từ người này sang người khác. Chỉ một thời gian ngắn gần như 100% cán bộ, chiến sĩ đều có chấy bất luận nam hay nữ. Sau mấy trận sốt rét, đầu tóc tôi rụng chỉ còn lơ thơ mây sợi tóc mềm mà cũng có chấy. Dùng lược sừng dày, phía dưới hứng tờ giấy trắng, chỉ chải một lát là nghe lộp bộp, chấy to chấy nhỏ bò lổm ngổm trên giấy. Nhiều con bụng to tổ chảng, đầy máu gọi là chấy cái. Ban đầu còn siêng năng dùng móng tay giết chúng lốp bốp tung tóe máu nhưng rồi không còn thời gian vì chiếc lược còn phải luân phiên, chải cho người này thì có đến 5-7 người khác xếp hàng chờ nên phải chải càng nhanh càng tốt và động tác cuối cùng của mối người là gấp tờ giấy lại và dốc chúng vào đống lửa, nghe nổ bí bép khét lẹt. Một số chị em tóc rối phải dùng kéo cắt ngang. Vạch mớ tóc mới được cắt, chấy bò ra như ổ kiến lửa trước trời mưa, ai nhìn cũng phải nổi da gà”…

“… Ở Tổng đội Thanh niên xung phong, các đội từ B1 đến B8 đã có nhiều anh chị em sốt rét và đã có một anh chị em hy sinh vì căn bệnh hiểm nghèo này. Tại B6 có bạn Vân quê ở xã Lộc Hưng (Đại Hòa, Đại Lộc bây giờ) bị sốt rét ác tính phải đưa đi nhập viện tại Tổng đội. Sau một thời gian điều trị Vân về lại đơn vị. Trước khi bị ốm tóc Vân dài và mượt mà đầy sức sống của cô gái tuổi 16, 17. Nhưng ốm dậy thì mái tóc ấy không còn nữa. Lần đầu tiên thấy Vân đầu trọc ai nấy đều vô cùng xúc động, nhưng Vân khỏe mạnh về lại đơn vị là mừng rồi. Đùng một cái, sáng sớm hôm sau, khi ngủ dậy chúng tôi nghe tin đêm qua Vân lên cơn sốt rét ác tính và đã mất rồi. Không một mảnh ván để đóng quan tài ở nơi xa xôi hẻo lánh này. Vân được liệm bằng chéo vải dù hoa được mẹ tặng cho trước khi đi thoát ly. Vân nằm xuống ở tuổi 17 thật xót xa thương tiếc, nhưng đó là sự hy sinh to lớn cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Chôn cất Vân xong chúng tôi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ như mọi ngày, mọi người đều lẳng lặng không nói một lời, nhưng chắc trong lòng ai nấy cũng trĩu nặng vì đau buồn và cả sự hoang mang lo lắng nữa.”…

“ …Ngày 15/8/1967, những đơn vị thuộc Tổng đội TNXP Bắc Hải được chuyển thành đơn vị bộ đội và thành Tiểu đoàn Bắc Hải thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5. Trong buổi lễ trang trọng hôm ấy tôi và Bốn (sau đổi tên là Đức) được vinh dự thay mặt đơn vị tuyên thệ 10 lời thề và 12 điều kỷ luật của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Mùa thu năm 1967, cả chiến trường miền Nam vừa qua chiến dịch phản công chiến lược mùa khô lần 2 của Mỹ ngụy. Trận càn có quy mô chưa từng có là trận càn có tên gọi Gian-sơn-xi-ti đánh vào căn cứ Trung ương cục của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở chiến trường Tây Ninh – Chiến khu D.

Nhờ sự chỉ đạo tài tình và sắc bén nên quân và dân miền Nam đã đối phó có hiệu quả với chiến dịch lớn của Mỹ ngụy. Trong đó nổi bật nhất là trận thắng tại Tây Ninh đã tạo cho cách mạng miền Nam một thế trận mới: Thế trận tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân 1968.

Lực lượng làm công tác hậu cần chúng tôi phải đi trước một bước. Tiểu đoàn Bắc Hải chuẩn bị cho việc tập kết 10 tấn vũ khí tại vùng kho B10 (ranh Lộc Thành). Địch đánh hơi thấy nên chúng tổ chức trận càn vào khu vực B2, nơi có trung đội 5 của đại đội 1 đang đóng quân. Đại đội bố trí tăng cường cho tổ bảo vệ thêm một số tay súng để phục kích chặn đường nếu địch tiến về phía đại đội. Anh Bốn có khẩu AK, tôi và một vài người nữa được trang bị CKC. Rất may địch chỉ sục sạo vài giờ không tìm được gì rồi chúng rút lui thẳng.

Tác giả Ngô Kim Tuấn.

Sau đó, tôi được cử đi học Báo vụ, không được tham dự mà chỉ nghe kể lại trận đánh không cân sức để bảo vệ kho vũ khí chuẩn bị cho Mậu Thân này. Trận càn sau đó do 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ thực hiện. Lệnh của tiểu đoàn cho đại đội 1 phải bảo vệ bằng được kho vũ khí bằng mọi giá. Chúng ta cũng phải thông cảm cho cái lệnh chết người này của tiểu đoàn. Bởi lẽ trong tình hình quá khẩn cấp chưa có quân chiến đấu cơ động đến để bảo vệ kho đạn thì phải giao cho một đơn vị tại chỗ mặc dù biết đơn vị này chỉ chuyên vận tải, sức chiến đấu không đáng kể. Đại đội tôi chỉ có khoảng 20 nam giới được trang bị 5-7 khẩu súng trong đó có 1 AK, 1 K50 còn lại là CKC nên việc đối chọi với 1 tiểu đoàn Mỹ là không thể. Anh em trong đơn vị bị loại ra khỏi vòng chiến đấu gần hết mà vẫn không bảo vệ được kho đạn. Chiếm xong, chúng cho trực thăng chở hết về Đà Nẵng để khuếch trương chiến quả. Trận đánh mà tôi vừa kể trên diễn ra vào ngày 17/10/1967. Trong khi đó, ngày 13/10 tôi đã lên đường theo quyết định của tiểu đoàn đi học lớp Báo vụ tại trường Khu ủy 5. Cùng vào trường có tôi ở Đại đội 1, Nguyễn Thành Văn ở trung đội bảo vệ và anh Nghiệp ở Đại đội 4. Nghiệp là bộ đội Bắc quê ở Nam Hà mới bổ sung vào tiểu đoàn Bắc Hải. Cả lớp có 6 người của Cục Hậu cần gửi sang. Ngoải 3 chúng tôi còn có 3 đồng chí khác đó là anh Đông, Lê Hồng Hoa và Trương Thanh Bình…”

(Hết trích)

 Ngô Kim Tuấn

 

Cảm nhận của Cộng tác viên

Qua cuốn tự truyện của tác giả Ngô Kim Tuấn, chúng ta được hiểu thêm về những gian nan, nguy hiểm mà các TNXP, các quân nhân phải vượt qua; về tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của đồng bào ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2024) và hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), xin chúc thương binh, cựu chiến binh, cựu TNXP Ngô Kim Tuấn cùng gia đình anh luôn dồi dào sức khỏe và gặp nhiều niềm vui mới trong cuộc sống.

 Lê Huấn

 Cộng tác viên Bản tin & Trang TTĐT Cựu TNXP Việt Nam