Những từ hay viết sai

Đăng lúc: 01-01-2022 9:45 Chiều - Đã xem: 129 lượt xem In bài viết

 

Tiếng Việt khá phức tạp bởi nhiều dấu, nhiều thanh, cách phát âm một số phụ âm na ná nhau nên dễ nhầm lẫn. Trong tiếng Việt cũng có một số lượng rất lớn từ Hán – Việt mà không phải ai cũng hiểu hết nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn. Do đó, không phải chỉ trong giao tiếp hằng ngày mà ngay trên sách báo, thậm chí trong cả các văn bản hành chính nhiều khi cũng dùng từ sai; có khi sai về chính tả, lại có khi sai cả về ngữ nghĩa.

Chúng tôi xin tổng hợp một số cặp từ hay bị nhầm lẫn dẫn đến viết sai để các đồng nghiệp tham khảo.

  1. “Tham quan” hay “thăm quan”

Khi nói về việc đi du lịch hay đến xem một mô hình sản xuất mới nào đó, có người viết “tham quan”, có người viết “thăm quan”. Vậy cách viết nào đúng?

Tham quan (động từ) là từ gốc Hán. “Tham” là thêm vào (trong từ “tham chiếu”, “tham khảo”); “quan” là nhìn nhận, quan sát. Do đó “tham quan” là xem tận mắt để mở rộng hiểu biết, thêm kinh nghiệm sống.

Còn “thăm” là động từ với nghĩa đến với ai hoặc nơi nào đó; ví dụ: Thăm lúa; đi thăm người ốm… Ngoài ra, một số nơi còn dùng “thăm” với nghĩa “khám”: Thăm bệnh = khám bệnh.

Do đó, từ đúng phải là “tham quan”. Ví dụ: Đi tham quan du lịch; tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn…

Tuy nhiên, có từ đồng âm khác nghĩa với từ “tham quan” ở trên; đó là danh từ “tham quan” chỉ viên quan tham lam.

  1. “Gia nhập” hay “ra nhập”

“Gia” là cho thêm, tăng thêm, trong từ “gia giảm”, “gia tăng” (ví dụ: Gia mắm muối cho vừa). “Nhập” là “vào”, ngược với “xuất” là “ra”. Do đó “gia nhập” (động từ) có nghĩa là thêm vào, đứng vào hàng ngũ, trở thành thành viên của một tổ chức nào đó (ví dụ: Gia nhập quân đội).

Còn “ra” (động từ) là di chuyển đến một nơi, một vị trí ở phía ngoài (ví dụ: Ra khơi; ra trận). “Nhập”, từ gốc Hán là “vào”; vậy ghép thành từ “ra nhập” là không có nghĩa, thậm chí còn mâu thuẫn, trái ngược nhau.

  1. “Xuất” và “suất”

“Xuất” (động từ) nghĩa là “ra”; trái nghĩa với “nhập” là vào. Ví dụ: Xuất bản; xuất khẩu; xuất hành; xuất phát… Còn “suất” (danh từ) nghĩa là một phần được chia, ví dụ: suất ăn, suất quà, lính tráng có suất… Khi ghép với từ đơn khác,  “xuất” và “suất” dễ bị nhầm lẫn hoặc viết sai chính tả dẫn đến sai nghĩa hoặc vô nghĩa. Sau đây là một số cặp từ hay nhầm lẫn:

Năng xuất – năng suất: “Năng suất” là danh từ, chỉ hiệu quả của lao động trong quá trình sản xuất, làm việc, được đo bằng số lượng sản phẩm hay khối lượng công việc làm ra trong một đơn vị thời gian nhất định (ví dụ: Trả công theo năng suất lao động; tăng năng suất hoạt động của máy); hay sản lượng đạt được trên một đơn vị diện tích gieo trồng, trong một đơn vị thời gian nhất định (ví dụ: Giống mía cho năng suất cao). Còn từ “năng xuất” không có nghĩa.

Sản suất – sản xuất: “Sản” (động từ) là “làm sinh ra”; “xuất” là “ra”. Do đó từ “sản xuất” (động từ) có nghĩa là tạo ra của cải vật chất nói chung (ví dụ: Sản xuất lương thực); “sản xuất” (danh từ) để chỉ hoạt động tạo ra vật phẩm cho xã hội bằng cách dùng tư liệu lao động tác động vào đối tượng lao động (ví dụ: Sản xuất nông nghiệp). Còn từ “sản suất” không có nghĩa.

Xác xuất/sác suất/sác xuất – xác suất: Theo các từ điển, chỉ có từ “xác suất” (danh từ) để chỉ số đo phần chắc của một biến cố ngẫu nhiên (ví dụ: Kiểm tra xác suất; xác suất trúng thưởng không cao). Còn các từ “xác xuất”, “sác suất” hay “sác xuất” đều không có nghĩa.

  1. “Hàng ngày” và “hằng ngày”

Nhiều người dùng lẫn lộn chữ “hàng” và chữ “hằng” đến mức cho rằng “hàng ngày” và “hằng ngày” là đồng nghĩa. Tuy nhiên hai chữ này hoàn toàn khác nhau về ngữ nghĩa. 

Chữ “hàng”, ngoài các nghĩa khác nhau với tư cách là danh từ, động từ thì còn là một phụ từ đứng trước danh từ với nghĩa “biểu thị số lượng nhiều, không xác định, nhưng tính bằng đơn vị được nói đến”; ví dụ: Hàng đống sách, đọc mãi không hết; phải chờ lâu hàng giờ. Còn chữ “hằng”, ngoài nghĩa tư cách là phụ từ đứng trước động từ thì “hằng” còn là một phụ từ đứng trước danh từ với nghĩa “biểu thị tính lặp đi lặp lại một cách định kỳ theo từng đơn vị thời gian được nói đến”; ví dụ: Tạp chí ra hằng tháng; Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam được tổ chức hằng năm.

Do đó, “hàng ngày” có nghĩa là cả ngày; còn “hằng ngày” là việc lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác; “hàng tháng” hay “hằng tháng” và “hàng năm” hay “hằng năm” cũng tương tự như thế.

Theo dhtn.ttxvn.org.vn