Niềm đam mê trồng nhãn của một cựu thanh niên xung phong trên xứ sở nhãn lồng Hưng Yên

Đăng lúc: 14-08-2023 10:59 Sáng - Đã xem: 191 lượt xem In bài viết

Vụ nhãn năm nay về xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) không còn được mùa như những vụ trước, nhưng đối với vườn nhãn nhà cựu TNXP Trịnh Văn Vĩnh (ảnh dưới)  ở thôn Nễ Châu xã Hồng Nam sản lượng thu hoạch dự kiến trên 4 tấn nhãn quả, thu hơn 120 triệu đồng trên 1,2 mẫu Bắc bộ[1] trồng nhãn là nhờ có bí quyết riêng của ông.

Năm 1970, ông Trịnh Văn Vĩnh tham gia TNXP tại L39 B37 Đại đội 723 chiến trường Quảng Trị – Lào. Ông đã dũng cảm đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, gian khổ cùng với đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1973, hoàn thành nhiệm vụ, ông Trịnh Văn Vĩnh trở về quê hương, tham gia Hợp tác xã Thống Nhất nhằm thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Với niềm đam mê và trăn trở giữ gìn bảo tồn các giống nhãn đặc sản của quê hương, ông Trịnh Văn Vĩnh đã cải tạo 1,2 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng giống nhãn đặc sản (nhãn quả vuông cụ Căn) ở 2 vườn, mỗi vườn 6 sào[2], ông trồng các giống nhãn đặc sản: nhãn cùi quả vuông, nhãn hương chi, mấy năm gần đây trồng thêm nhãn cùi cổ. Những năm đầu làm vườn, ông Trịnh Văn Vĩnh phải mua đất phù sa ngoài sông Hồng để đổ vượt thành vườn. Đến nay, vườn nhãn của ông là vườn nhãn đẹp nhất nhì tại thôn Nễ Châu, rất nhiều các đoàn khách du lịch đã về thăm để trải nghiệm chụp ảnh. Sau nhiều năm trồng nhãn, ông Trịnh Văn Vĩnh đã tích lũy được kinh nghiệm để nhãn ra hoa nhờ áp dụng thuốc sinh học, bên cạnh việc được mùa hoa, cần chăm sóc dưỡng hoa tới khi đậu quả. Thời điểm này rất quan trọng, đó là phải nuôi cây dưỡng quả, đặc biệt bảo vệ được quả không bị rụng. Việc áp dụng khoa hoa kỹ thuật thì nhiều người giống nhau nhưng có một bí quyết mà ông chia sẻ: “khi gặp mưa a xít là ông bơm nước ao để rửa, nhờ vậy mà vườn nhãn nhà ông trên 10 năm nay không bị rụng quả”. Hiện nay, ông Trịnh Văn Vĩnh đang nhân rộng giống nhãn Cùi cổ có giá trị kinh tế cao giao động 100.000đồng/kg, trước kia được trồng trên triền đê thôn Nễ Châu xã Hồng Nam. Tiếp chúng tôi, ông phấn khởi, vui mừng chia sẻ thêm: “Có được cơ ngơi như ngày nay là nhờ trồng nhãn”.

Nhờ trồng nhãn mà vợ chồng ông (ảnh trên)  đã nuôi dạy 4 người con ăn học, trưởng thành, đến nay đều đã dựng vợ gả chồng, mỗi đứa một dinh cơ làm ăn khá giả. Còn vợ chồng ông vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc và say mê trồng nhãn đặc sản để giữ gìn truyền thống văn hóa của quê hương Hưng Yên với bạn bè du khách.

Bùi Thanh Bình

Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên


[1] 3.600 m²

[2] 360m2