Niềm mong mỏi về ‘Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang’ của hàng nghìn cựu TNXP

Đăng lúc: 25-10-2021 1:31 Chiều - Đã xem: 123 lượt xem In bài viết

Trong cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc, lớp lớp Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam tình nguyện lên đường, vào sinh ra tử, kề vai sát cánh với quân đội trên các mặt trận không quản hy sinh, gian khổ. Giờ đây, ở độ tuổi “gần đất, xa trời”, hàng nghìn cựu TNXP vẫn đau đáu, mong ngóng sự ghi nhận, động viên từ tấm “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Sự cống hiến, hy sinh của TNXP Việt Nam

Lực lượng TNXP do Bác Hồ chỉ đạo thành lập vào năm 1950. Trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp; xây dựng CNXH, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới (Tây Nam và phía Bắc), giúp bạn Lào và Campuchia; khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975, lực lượng TNXP đã tình nguyện phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc. Tính riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 18.200 TNXP tham gia, khi chiến sự ác liệt thì 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho quân đội.

TNXP các thời kỳ, phần lớn là tập trung vào các thời điểm có chiến sự ác liệt tại các địa bàn trọng điểm, rất khó khăn, gian khổ. Theo thống kê, có 46.000 TNXP bị thương; trên 10.000 TNXP hy sinh; 13.000 TNXP và 4.600 con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…

Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam, TNXP đã chịu đựng biết bao khó khăn ác liệt của các cuộc chiến tranh. Phần đông sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì trở về nông thôn đã quá tuổi thanh niên, ít học hành, khó phát triển, quyền lợi vật chất không có gì đáng kể. Đặc biệt, trong đó có hơn 5.600 chị em khi xuất ngũ không lập được gia đình, sống cô đơn, không nơi nương tựa.

Chủ tịch T.Ư Hội Cựu TNXP Vũ Trọng Kim (hàng đầu, thứ 4 trái sang) cùng đồng đội về tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh (1959-2019)

Cống hiến, hy sinh là vậy, nhưng đến nay, số TNXP đã được khen thưởng rất ít. Bởi, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước có tiêu chuẩn phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian quy đổi từ 5-7 năm. Trong khi đó, phần lớn lực lượng TNXP chỉ tham gia triển khai nhiệm vụ trong khoảng từ 2-7 năm.

Năm 2017, theo nguyện vọng của các cựu TNXP tham gia giải phóng đất nước qua các thời kỳ, T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam đã tập hợp ý kiến báo cáo Đảng và Nhà nước. Qua ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành, Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư đã đồng ý, Văn phòng T.Ư Đảng đã có văn bản số 3257-CV/VPTW ngày 7/2/2017 thông báo Kết luận của Ban Bí thư gửi Chính phủ và Quốc hội thống nhất cho sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng để tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho TNXP Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay, Luật Thi đua, khen thưởng vẫn chưa được sửa đổi. Từ đó đến nay, đã hơn 4 năm, cựu TNXP cả nước vẫn chờ đợi.

“Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là sự tri ân đầy nhân văn

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên Trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên đội trưởng Đội TNXP 34, đơn vị trực tiếp phục vụ Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định, trong các cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, lực lượng TNXP luôn “sống chết với mặt trận”.

Lực lượng TNXP trải qua rất nhiều gian khổ, hy sinh và cũng chịu không ít thiệt thòi. Vì thế, theo ông Nguyễn Tiến Năng, việc phong tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu TNXP Việt Nam là việc làm cấp thiết và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

“Đây cũng là nguồn động viên tinh thần vô giá cho các thế hệ TNXP đi trước đã cống hiến cả thanh xuân, hy sinh cả xương máu cho Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là tự hào, tạo nguồn cảm hứng với nhiều lớp thế hệ trẻ sau này”, ông Năng nói.

Theo ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, bên cạnh TNXP còn nhiều lực lượng khác tham gia vào cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc; ai cũng đều xứng đáng được vinh danh và ghi nhận.

Trong đó, lực lượng TNXP được tổ chức chặt chẽ, là lực lượng chủ lực tham gia chiến trường, kề vai sát cánh cùng với bộ đội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, về cuộc sống đời thường, nhiều cựu TNXP gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là các nữ cựu TNXP, nhiều người sống cảnh không chồng, con.

“Từng cá nhân cựu TNXP mong mỏi được đền đáp, ghi nhận. Vì vậy, “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là phần thưởng xứng đáng với những đóng góp, hy sinh lực lượng cựu TNXP Việt Nam”, ông Phan Diễn nói.

Ông Vũ Trọng Kim cho hay, lực lượng TNXP tự nguyện, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì khi tổ chức giao; không quản ngại hy sinh, gian khổ. Họ xứng đáng được nhận phần thưởng của Nhà nước trao cho đội viên TNXP.

“Anh, chị em đều mong muốn được như các lực lượng vũ trang đã được Nhà nước tặng Huy chương các loại. Mong muốn của các cựu TNXP chỉ là tấm Huy chương (hạng thấp nhất về hình thức Huân, Huy chương), không mong muốn gì hơn” – ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Ông Kim cho biết, hiện, đối tượng thụ hưởng đã được xác nhận, Hội Cựu TNXP và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nắm danh sách đầy đủ. Quá trình triển khai, Hội Cựu TNXP và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện trao khen thưởng đúng người, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn, theo quy định tại Nghị định Chính phủ.

“Ước nguyện cuối đời của nhiều cựu TNXP là có tấm Huy chương của Nhà nước trao tặng, để con cháu, dòng họ tự hào có cống hiến, có tham gia trong đội ngũ những người ‘xung phong’ trên tuyến đầu”, ông Kim nói.

Theo ông Kim, có lẽ, đây là cơ hội cuối cùng để tri ân cựu TNXP, những con người đã xả thân cho Tổ quốc. Bởi, thế hệ tham gia TNXP chống Pháp đều đã trên 90 tuổi, chống Mỹ trên 70 tuổi, tham gia sau năm 1975, bảo vệ biên giới cũng đã trên 65 tuổi.

Theo baotienphong.vn