Nỗi buồn của một nữ pháo binh Ngư Thủy

Đăng lúc: 23-08-2018 9:31 Sáng - Đã xem: 196 lượt xem In bài viết

                         

   “Tuổi 70, bà Ngô Thị Minh Sang, nguyên chiến sĩ Trường Sơn, nguyên chiến sĩ Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa làm được chế độ, chính sách người có công. Bởi lẽ, bà không có trong danh sách của quân lực củaTỉnh đội Quảng Bình; Huy chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất, mà Nhà nước tặng thưởng bà lại không đủ chữ lót”.

 Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đưa tôi đến gặp bà Ngô Thị Minh Sang (ảnh trên) (ngụ khu phố 2, phường Nam Lý), nguyên chiến sĩ Trường Sơn, nguyên chiến sĩ thông tin Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đến giờ này vẫn chưa làm được các chế độ, chính sách ưu đãi người có công. Các giấy tờ xác nhận bà Sang bị thương tại đồi Mỹ Cương (TX Đồng Hới cũ) trong lần đi công tác đến Tỉnh đội và các huy hiệu cao quý được Nhà nước tặng bà vẫn còn cất giữ; trong đó có Huy hiệu Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Kỷ niệm chương CCB Việt Nam, Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sơn, Huy hiệu binh chủng Pháo binh có hàng chữ Chân đồng vai sắt – Đánh giỏi bắn trúng, Huy hiệu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Đặc biệt, trong đó có tấm ảnh Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy chụp cùng Tổng bí thư Lê Duẩn vào ngày mùng ba Tết năm 1973, tại Tỉnh đội Quảng Bình. Tấm ảnh này bà Sang trân trọng treo ở phòng khách như là kỷ vật vô giá còn lại của cuộc đời mình và một số nữ pháo binh Ngư Thủy (Ảnh dưới: bà Sang đứng bên trái) vinh dự được đón và nói chuyện cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn nhân chuyến vào thăm Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình là những chứng cứ không thể phủ nhận.

Ảnh do Nhà báo Việt Thành, Báo Quảng Bình, nguyên phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang chụp)

   Hồi đó, bà Sang ở bộ phận 2 oát[i], khi đánh tàu địch nhận lệnh cấp trên và truyền cho đơn vị đánh. Ngoài nhiệm vụ chính trực thông tin, bình thường bà còn tham gia vác đạn, gác và ngụy trang pháo. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được thành lập ngày 21/11/1967, và luôn duy trì quân số trực chiến 37 chị em, có lúc thay đổi danh sách lên đến 81, do một số chị về nhà lấy chồng. 37 cán bộ, chiến sĩ Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy tuổi từ 16 đến 22, Đại đội trưởng là Ngô Thị Kim The và Chính trị viên là Trần Thị Thới. Đơn vị chia làm ba trung đội sử dụng 3 khẩu pháo 85 ly… “Mình bắn tàu địch, chúng phát hiện pháo ta bắn trong đêm chớp lửa, liền bắn trả. Lúc đó đơn vị phải di chuyển vị trí trong đêm. Máy bay phản lực Mĩ oanh tạc dữ dội, nhờ pháo cao xạ 57 bộ đội địa phương bắn trả, yểm trợ”, bà Sang nhớ lại.

   Bà Ngô Thị Minh Sang quê xã Ngư Thủy. Bà nhập ngũ tháng 1/1968 và có mặt trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Đến năm 1970, bà mới về Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy. Tháng 4/1972, bà cùng một nữ chiến sĩ tiểu đội thông tin đi công tác đến Tỉnh đội Quảng Bình. Hai người vừa qua đồi Mỹ Cương thì máy bay Mĩ nhào đến thả bom, bà Sang bị thương và được nữ chiến sĩ đi cùng đưa về Trạm xá Tỉnh đội Quảng Bình điều trị. Vết thương ngay mặt trước đầu trên xương chày phải và ở ngực trái, thỉnh thoảng vẫn làm bà đau nhức khi trái gió trở trời. Bà đã làm 4 bộ hồ sơ xác nhận bị thương để làm chế độ thương binh nhưng đều bất lực, mặc dầu đã đầy đủ xác nhận của chỉ huy đơn vị cũ, cũng như chứng nhận vết thương bà của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới và UBND phường Nam Lý (Hội đồng xác nhận người có công, danh sách niêm yết quân nhân đề nghị xác nhận thương binh). Nhưng khổ nỗi bà Sang lại không có trong danh sách của quân lực Tỉnh đội Quảng Bình.

   Một bất hạnh nữa cho bà là Huy chương kháng chiến chống Mĩ, cứu nước hạng Nhất tặng thưởng bà lại thiếu mất một chữ lót. Theo tên thật của bà là Ngô Thị Minh Sang, nhưng Huy chương kháng chiến chống Mĩ, cứu nước hạng Nhất tặng thưởng bà lại ghi Ngô Thị Sang. “Hồ sơ tham gia kháng chiến chống Mĩ của bà là Ngô Thị Minh Sang, còn Huy chương được tặng là Ngô Thị Sang. Mặc dầu UBND phường Nam Lý đã can thiệp và ghi vào xác nhận đề nghị lên trên “Ngô Thị Minh Sang và Ngô Thị Sang chỉ là một”. Vậy mà cho tới giờ bà vẫn là người không có công với cách mạng? Không làm được chế độ thương binh đã đành, đằng này lại không có bảo hiểm y tế cấp cho đối tượng chính sách, tham gia kháng chiến. Bà đau ốm thường xuyên và vẫn dùng bảo hiểm y tế đóng 20%. Ba của bà là liệt sĩ, ông tham gia cách mạng rồi hi sinh năm 1968”, bà Sang nói trong nước mắt.

   Bà Sang cùng chồng rời xã Ngư Thủy về mua đất làm nhà ở tại phường Nam Lý. Căn nhà nhỏ chật hẹp tá túc hai ông bà và con cháu. Chồng bà, ông Nguyễn Thanh Vệ, nguyên Trưởng phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nghỉ hưu nhiều năm. Chồng bà bị tai biến liệt nửa người, cuộc sống gia đình bà vất vả qua năm tháng. Nỗi bất hạnh lớn nhất của bà là cả quá trình tham gia kháng chiến giờ chỉ con số 0. Qua bài viết này, rất mong các cơ quan chức năng tìm lại hồ sơ tham gia kháng chiến của bà Ngô Thị Minh Sang, cũng như xác nhận lại Huy chương Kháng chiến chống Mĩ, cứu nước hạng Nhất của bà để sớm cấp bảo hiểm y tế cho người thực tế qua những năm phục vụ trên Đường 20 Quyết Thắng và tham gia ở Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy từng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội phong tặng Danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, sau chiến công bắn cháy 3 tàu chiến Mĩ trên vùng biển Quảng Bình…

                                                       DUY HIẾN


[i] Giải sóng từ 30MHz đến 88 MHz là giải sóng cực ngắn. Các máy thời chống Mỹ là loạt máy P105, P107 của Liên xô cũ,máy PRC 25 của Mỹ mà trong  box của CCB máu và hoa  thường gọi là máy 2 w.