Cả hội trường im lặng, giọng nói trong, hơi trầm cất lên làm xao động lòng tôi. Chị nhắc lại những gương anh dũng, hy sinh của đồng đội mình trên Đường 20 Quyết Thắng, những kỷ niệm 5 năm công tác của mình tại Binh trạm 14 anh hùng và ai cũng sững sờ khi nghe những con số rất thuyết phục trong bài tham luận: “ Nữ TNXP trong phong trào vươn lên xóa đói giảm nghèo, hoạt động nghĩa tình đồng đội”, tại hội nghị “Gặp mặt, giao lưu những người làm kinh tế giỏi”, nhân kỷ niệm 52 năm ngày thành lập lực lượng TNXP Hà Nam(28/06/1965 – 28/06/2017).
Chị là Nguyễn Thị Tiến: Sinh năm 1946, gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước ngày 5/07/1965, biên chế ở Đại đội 458, Đội Trần Văn Chuông Hà Nam (sau là C5- Đội 25)
Sau 3 tháng làm đường goòng Cầu Giát – Thái Hòa (Nghệ An), tháng 10/1965 chị cùng đồng đội vào mở Đường 20 Quyết Thắng. Ngày 1/7/1967 do yêu cầu nhiệm vụ chiến trường chị được chuyển sang quân đội, công tác tại đại đội thông tin Binh trạm 14- Đoàn 559 (Tổng đài Ba vì, Binh trạm bộ 14).
Chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đội viên TNXP, một chiến sỹ quân đội, là dũng sỹ vận tải, là chiến sỹ thi đua cấp trung đoàn, được nhiều bằng, giấy khen và nhiều phần thưởng trong phục vụ chiến đấu. Tháng 8/1970, thủ trưởng Binh trạm 14 đã tạo điều kiện để chị về xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Uyên(cùng quê), sinh viên năm thứ 4 Đại học Mỏ – Địa chất…Đây là một điều đặc biệt hiếm có ở chiến trường. Sau khi lấy chồng chị lại vào chiến trường công tác 2 năm nữa.
Tháng 4/1972 do sức khỏe yếu, chị được về an dưỡng tại Đoàn 586 Tỉnh đội Nam Hà. Sau thời gian an dưỡng chị đi học trường Quản lý xí nghiệp Hà Nội. Cuối năm 1973 tốt nghiệp về công tác tại văn phòng Đảng ủy Công ty than Uông Bí, Quảng Ninh. Năm 2000 nghỉ hưu, hiện chị đảm nhiệm nhiều chức trách: Ủy viên ban thường vụ Hội Cựu TNXP thành phố Phủ Lý, Phó Trưởng ban công tác nữ TNXP; Ủy viên Ban công tác nữ chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Hà Nam; Bí thư chi bộ Tổ dân phố 1, phường Minh Khai; Phó chủ nhiệm câu lạc bộ gia đình nữ Doanh nhân hội nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam.
Trải qua 18 năm (2000 – 2018), để có những “Chức vị” như trên đối với chị quả là một quãng đường gặp không ít khó khăn. Nữ chiến sỹ Trường Sơn này đã góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam mang đặc trưng: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…
Năm 2000 nghỉ hưu về Phủ Lý, gia sản của gia đình chị chỉ có 78 triệu đồng (bán ngôi nhà ở Uông Bí) cùng chồng và 3 đứa con, cháu thứ ba đang học cấp III. Kinh tế gia đình sa sút (đang công tác lương hai vợ chồng gần 2 triệu đồng, nay nghỉ chỉ còn gần 1 triệu đồng/tháng), cả hai vợ chồng không ai có nghề tay trái. Nhiều đêm mất ngủ, nhiều ngày trăn trở: “Phải làm gì, bắt đầu từ đâu để đứng vững và chèo lái con thuyền gia đình vươn lên?” …
Để duy trì cuộc sống gia đình nuôi cô con gái út học hành nên người, chị thuê một ngôi nhà nhỏ ở chợ Châu Sơn (bên kia Phủ Lý) bán bánh mỳ pa tê, muối dưa cà bán, cái gì mua được, bán có lãi là chị làm. Nhiều anh, chị em họ hàng bên chồng, rồi một vài bạn bè bên thành phố chê bai, dè bỉu: Tưởng tài giỏi là ông nọ, bà kia, không ngờ cuối đời về lại phải về gầm cầu, xó chợ… Chị bỏ qua những lời nói cay độc đó, củng cố tư tưởng hạ quyết tâm cho mình.
Chị tâm sự với tôi: “Chị em mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội còn sống mà trở về, có một mái ấm gia đình. Những ngày gian khổ ở Trường Sơn mình còn chẳng sợ. Bác Hồ đã dạy chúng ta; “Không có việc việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” và “ Thương binh tàn không phế”. Mình lại sống, phục vụ chiến đấu ở các đơn vị anh hùng: C5 anh hùng, Đội 25 anh hùng, Binh trạm 14 anh hùng, Đoàn 559 anh hùng và TNXP Hà Nam anh hùng. Phải quyết tâm phát huy chủ nghĩa anh hùng ngay trong đời thường chứ”.
Tôi biết, chị bực lắm song rất quyết tâm. “Thương trường nhất định phải là chiến trường với chị” – tôi nghĩ vậy.
Kinh nghiệm đời thường đã thấy: Trong “Cái rủi, lại có cái may”, “Cánh cửa này đóng lại, ắt có cánh cửa khác mở ra”. Chính trong thời điểm này Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách mở cửa để toàn dân, trong đó có đảng viên được phát triển kinh tế tư nhân. Cơ chế này rất phù hợp với hoàn cảnh gia đình chị…
Đúng như vậy, năm 2001 có 78 triệu đồng vốn chị mua mảnh đất 76 triệu tại Ngõ 38, đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý. Chị vay thêm ngân hàng, bạn bè, họ hàng (lãi) mở “Quán cơm Hạ Long”, bán cơm bình dân, cơm hộp, có thời gian buổi sáng chị bán bún, bánh cuốn phục vụ ăn sáng. Năm 2009 chị bán thêm lẩu các loại…
“Khách hàng là thượng đế”, bốn năm giờ sáng mùa đông cũng như mùa hè, chị dậy sớm nhóm bếp than, đặt nước, mặc áo mưa, đội nón ra chợ mua thịt, cá, cua, rau của bà con ở các vùng quê cạnh thị xã mang tới vừa ngon, tươi, giá cả cũng hạ, tạo nguồn thức ăn ngon, tươi, an toàn nên quán cơm của chị rất đông khách.
“Quán cơm Hạ Long” – mang tên vịnh biển Việt Nam, di sản văn hóa thế giới – có một người con gái là một người lính, đã qua một thời bom đạn, một thương binh chống Mỹ có dáng người nhỏ nhắn, tính nết điềm đạm, dịu hiền, điệu cười luôn nở trên môi như có duyên mời, đón khách hàng. Thu nhập bình quân tháng đầu 12 – 15 triệu, lãi từ 3-5 triệu (một suất cơm bấy giờ chỉ có 2 – 3 ngàn đồng). Sau một năm, hai năm và những năm sau thu nhập ngày càng tăng cao, mỗi năm tới 100 – 120 triệu đồng.
Năm 2003 (sau 2 năm) chị có khoảng 100 triệu đồng, chị quyết định vay ngân hàng, bạn bè (chịu lãi) mua tiếp 72m2 đất cạnh cửa hàng với trị giá 330 triệu để mở rộng mặt bằng kinh doanh. Thu nhập tăng, công việc ngày một nhiều, ngoài tạo công ăn, việc làm cho chồng và con, từ năm 2002 chị đã tạo việc làm cho hai đồng đội(một nữ TNXP chống Mỹ, một nữ bộ đội phục vụ chiến tranh biên giới phía Bắc) và hai con của 2 đồng đội thu nhập bình quân mỗi tháng 200 – 400 ngàn đồng, có lúc tới 600 ngàn đồng (chỉ phục vụ lúc bán bữa trưa, bữa chiều).
Chị là người cũng đa sầu, đa cảm, “hay rơi nước mắt” khi nhắc tới chiến tranh, nhắc tới những đồng đội cùng chiến hào với mình không bao giờ trở lại. “Thương người như thể thương thân”, nhiều năm nay, những đồng đội bị đau ốm, tai nạn, rủi ro chị ủng hộ từ 300 – 500 ngàn đồng. Nữ đơn thân khó khăn chị dành một tình cảm đặc biệt, từ khi khai trương đến khi khánh thành xây nhà tình nghĩa, chị ủng hộ chăn ấm, tiền tới 2 – 3 triệu đồng. Ngoài ra chị còn vận động hội viên ủng hộ ngày công tới hàng triệu đồng (như chỗ chị Thảo,phường Phù Vân, thành phố Phủ Lý), ủng hộ các hội nghị cựu TNXP tỉnh, của Ban công tác nữ thường xuyên từ 2-3 triệu đồng. Cho hội viên khó khăn vay không lãi 170 triệu đồng, năm 2017 là 270 triệu đồng (Trong đó có 100 triệu góp vốn Câu lạc bộ nữ doanh nhân Việt Nam).
Năm 2012, chị được bầu làm Bí thư chi bộ số 1, phường Minh Khai đến nay. Từ một tổ dân phố yếu, chị đã cùng các đồng chí trong Chi ủy, ban mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, các quy định của địa phương, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, xây dựng đô thị văn minh… Tổ dân cư của chị đã trở thành tổ dân cư văn hóa xuất sắc của phường. Các con chị đều có nhà riêng, có công ăn việc làm ổn định, các cháu ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình đạt gia đình văn hóa xuất sắc.
Vâng! Chị là một người năng động, không chịu chùn bước trước khó khăn, nay đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn giữ được nhiều “ngôi vị” và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Sức mạnh nào cho chị nguồn lực đó? Phải chăng đó là bản lĩnh, phẩm chất của người lính Trường Sơn. Đây là cội nguồn của sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần của chị và bao đồng đội của chị, những cựu chiến binh Trường Sơn đã “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Miệng nói, tay làm, nêu gương”.
Chị là một trong mười đại biểu nữ TNXP, nữ chiến sỹ Trường Sơn trong “Đoàn đại biểu người có công của tỉnh Hà Nam được gặp mặt chủ tịch nước năm 2016 tại Hà Nội. Chị đã được về dự hội nghị làm kinh tế giỏi của tỉnh hội cựu TNXP Hà Nam báo cáo tham luận tại hội nghị về gặp mặt nữ TNXP, nữ chiến sỹ Trường Sơn nhân kỷ niệm 50 năm, 55 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn mở đường Hồ Chí Minh tại Hà Nội; nhận bằng vinh danh có nhiều đóng góp hoạt động, nghĩa tình Trường Sơn của Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; được tặng nhiều bằng, giấy khen của Hội Cựu TNXP Việt Nam, của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Thành ủy thành phố Phủ Lý, của Tỉnh hội Cựu TNXP Hà Nam….
Chị là nữ chiến sỹ, anh hùng nơi chiến trường, về với đời thường lại giỏi giang vươn lên làm giàu bằng chính sức lực của mình; là tấm gương sáng của những người con gái quê tôi, một vùng quê không giàu có, bên dòng sông Đáy nên thơ mang phong cách “nghèo nhưng không hèn” và “sang” của người con gái nội thị.
Tôi và đồng đội tôi cảm ơn, yêu mến chị, chúc chị như bông hoa nơi đồng nội thơm ngát, tỏa hương lâu dài./.
Tạ Thị Hoán