Ong rừng Trường Sơn

Đăng lúc: 20-09-2021 8:35 Sáng - Đã xem: 58 lượt xem In bài viết

 Vào một ngày cuối tháng 5 năm 1971, tiểu đội chúng tôi được cử bốn đồng chí bao gồm tiểu đội trưởng Thống, Chử và Nhuận và tôi, vào rừng lấy lá cọ về sửa chữa nhà ở. Len lỏi qua những vạt rừng rậm, gai góc chúng tôi mới đến một thung lũng. Tại đây có khoảng bảy tám cây cọ tán lá xum xuê, điều rất may là những cây cọ cũng không cao lắm. Chúng tôi chỉ làm một cái thang ngắn là có thể chặt những tàu cọ được rồi.

 Sau khi chặt xong chúng tôi bó thành từng bó rồi thả dọc suối, buộc dây kéo là ổn. May là dòng suối không có thác ghềnh nên việc chuyển lá cọ cũng thuận tiên. Trên đường về cách nơi đơn vị đóng quân chừng 500m, Chử phát hiện tại một cây to cạnh bờ suối, có một tổ ong rừng làm trên một nách của một cành cây, đứng phía xa nhìn lại ong di chuyển dưới lướt trên bầu mật giống như một làn sóng và to gần bằng một phần ba tấm ni lông.

Ảnh internet 

 Vị trí tổ ong đến mặt đất chứng hơn bốn mét, chúng tôi ngồi bàn nhau làm thể nào để lấy được tổ ong, Nhuận bảo tổ ong này mà lấy được có lẽ phải gần nửa thùng quân dụng, mặc dù đoán già, đoán non, nhưng điều quan trọng là làm sao lấy được tổ ong này, nếu lấy được thì đem về cả đơn vị tha hồ sử dụng đó. Bàn đi tính lại Thống tiểu đội trưởng nói bây giờ chúng ta chặt lấy một cây nứa, rồi vạc đi một phần ba cây, để đục thủng tất cả các mắt nứa. Đầu kia vạc nhọn rồi chọc lên tổ ong phía dưới để cái rổ to lót ni lông cho mật chảy xuống. Chử thì bào hay ta đốt lửa cho ong bay đi thì lấy tốt hơn, phương án này không được, vì nếu đốt lửa có khói máy bay phát hiện ném bom thì nguy hiểm vô cùng.

 Phương án dùng cây nứa lấy mật nghe chừng hiệu quả, Thống phân công Chử chạy về đơn vị mượn anh nuôi cái rổ và lấy ni lông, còn Nhuận và tôi vào rừng chặt cây nứa đem về khoét bỏ mắt. Khi chuẩn bị công việc đã xong, chúng tôi đứng nhìn lên tổ ong đang rủng rỉnh mật. Thống cầm cây nứa đưa lên sát tổ ong, còn đầu kia ghé vào cái rổ lót tấm ni lông. Khi đầu cây nứa chọc vào tổ, bất ngờ cả tổ ong lao xuống theo cây nứa, cứ như thế cả đàn ong mấy ngàn quân cứ thế lao vào chúng tôi mà đốt. Chúng tôi bỏ chạy nhưng đàn ong không tha cứ lao theo, chạy đến đoạn suối sâu gần đơn vị chúng tôi lao xuống nhưng đàn ong vẫn cứ vây kín phía trên. Tưởng đâu được thưởng thức mật ong rừng, nào đâu bị ong đốt cho sưng vù hết. Từ đó mỗi khi vào rừng gặp tổ ong chúng tôi không ai dám bén mảng đến nữa.

 Chuyện ong rừng Trường Sơn cách đây đã nửa thế kỷ, vậy mà hàng năm cứ đến độ tháng hai, tháng ba mùa mùa hoa cũng là mùa mà những người nuôi ong thu hoạch mật. thì chúng tôi lại nhớ kỷ niệm về tổ ong rừng Trường Sơn./

Bùi Văn Hoằng

Hội viên Hội Văn hóa Nghệ thuật Trường Sơn