Ông Vũ Trọng Kim: Khen thưởng Thanh niên xung phong không nên kéo nữa vì hết thời gian chờ đợi rồi!

Đăng lúc: 25-10-2021 1:15 Chiều - Đã xem: 112 lượt xem In bài viết

 “Giờ hết thời gian chờ đợi rồi! Thanh niên xung phong thời chống Pháp đã trên 90 tuổi; chống Mỹ cũng 70 và trên 70 tuổi; biên giới Tây Nam và phía Bắc thì 65 và trên 65 tuổi rồi”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đề nghị, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim (đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định). Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Dự án Luật có 8 chương và 98 điều, trong đó có bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh niên xung phong là lực lượng “có 1 không 2 trên thế giới”

Bày tỏ quan điểm đồng tình, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim (đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định) cho hay, lực lượng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến là những người tự nguyện xung phong lên tuyến đầu, đối mặt với những khó khăn gian khổ nhất.

“Đây là lực lượng có 1 không 2 trên thế giới. Thế giới không có tổ chức lực lượng thanh niên xung phong, chỉ Việt Nam có và là sáng kiến độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Kim nói.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đến thời ác liệt, ngày 15/7/1950, Bác Hồ chỉ đạo tổ chức lực lượng thanh niên xung phong với 225 đội viên.

Qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, biên giới Tây Nam và phía Bắc, lực lượng thanh niên xung phong tham gia mở đường, giữ đường, xung phong sang bộ đội…

Theo ông Kim, lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến đến nay còn 400 nghìn người.

“Những thanh niên xung phong đã đi qua cuộc kháng chiến mong muốn chính thức được Nhà nước xác nhận họ có công đi tham gia tổ chức của thanh niên mà Bác Hồ thành lập ra”, đại biểu đoàn Nam Định chia sẻ.

Ông Vũ Trọng Kim cho hay, đầu năm 2017, Ban Bí thư họp và Tổng Bí thư kết luận là đồng ý trao hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Sau 4 năm, lần này mới có dịp bổ sung vào Luật Thi đua, khen thưởng.

“Trong lúc chờ đợi 4 năm, nhiều thanh niên xung phong đã ra đi”, ông Kim chia sẻ câu chuyện được nghe kể lại khi đi công tác ở Điện Biên, có ông Lò Văn Tản ốm, sắp chết hỏi “có Huy chương Thanh niên xung phong cho tôi chưa”. Lúc đó Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh phải nói dối là có rồi.

“Các đồng chí ấy phải đi mượn huy chương của người khác đeo cho đồng chí Tản để người thanh niên xung phong thanh thản ra đi”, ông Kim nói.

Vẫn theo đại biểu Kim, để được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Hai (hạng thấp nhất) thì phải tham gia kháng chiến từ 5-dưới 7 năm. Số thanh niên xung phong được nhận huy chương hạng “chót” này khoảng 84 nghìn người, nhưng so với 400 nghìn thì “chưa ăn thua, lọt rất nhiều”.

“Đánh giá tác động, tôi nghĩ chỉ tích cực thôi, tiêu cực không có. Hướng vào đối tượng này là tôn vinh những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hiện nay noi theo. Mọi người ra mặt trận được tôn vinh như thế thì nay mai đất nước có lâm nguy, thanh niên ra mặt trận là những người bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam nhấn mạnh.

Không nên kéo nữa, hết thời gian chờ đợi rồi!

Trước ý kiến nêu nếu khen thưởng huy chương cho 400 nghìn thanh niên xung phong thì ngân sách phải chi khoảng 1 nghìn tỷ đồng, ông Kim thấy không phải như như vậy và theo đánh giá của ông “tác động về kinh tế cũng không nhiều”.

“Hôm nay tôi có đem theo 1 cái huy chương, đẹp và lung linh như giá chỉ 30 nghìn đồng/chiếc, nếu cải tiến đẹp hơn nữa thì cũng chỉ 40 nghìn đồng/chiếc. Trao tặng cho 400 nghìn thanh niên xung phong thì ngân sách chi cũng 16 tỷ thôi”, ông Kim nói và nhấn mạnh lại, những người thanh niên xung phong chỉ mong được Nhà nước chính thức ghi nhận họ có công trong cuộc kháng chiến.

Ông Kim cho biết, sau khi có thông tin thẩm tra Dự án Luật này, đã có 157 lá thư đề nghị khen thưởng cho thanh niên xung phong gửi các cấp, trong đó có 38 lá thư gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 60 lá thư Ủy ban Thường vụ Quốc hội….

Các lãnh đạo lão thành như nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn,  nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa… cũng có thư riêng gửi lãnh đạo cấp cao.

“Giờ hết thời gian chờ đợi rồi! Thanh niên xung phong thời chống Pháp đã trên 90 tuổi; chống Mỹ cũng 70 và trên 70 tuổi; biên giới Tây Nam và phía Bắc thì 65 và trên 65 tuổi rồi”, ông Kim tha thiết nói rằng, đây là vấn đề mang tính lịch sử, không nên kéo nữa vì đến đây đã quá muộn rồi.

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam nói thêm, từ năm 1998, mới bắt đầu có chính sách cho thanh niên xung phong. Lúc đó, mỗi thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ về được 2,5 triệu. Còn 5 -6 nghìn thanh niên xung phong không nơi nương tựa, không có chồng, có con, đau ốm và không có lao động thì được hỗ trợ 540 nghìn/tháng, ngoài ra không có gì cả.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng bày tỏ quan điểm đồng tình bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

“Đây là lực lượng đặc biệt, họ không phải quân chủ lực nhưng mức độ nguy hiểm, sự chịu đựng cũng không kém gì quân chủ lực”, bà Mai đọc lại 4 câu thơ mà Bác Hồ đã tặng thanh niên xung phong: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Nhấn mạnh những đóng góp và hi sinh của thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc là có thật, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đồng ý với kiến của ông Vũ Trọng Kim.

Theo bà Mai, hình thức khen thưởng với thanh niên xung phong trong kháng chiến cũng phải có tiêu chí như thời gian tham gia, thành tích… để vừa thuyết phục được Quốc hội, vừa thuyết phục được xã hội.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như Dự thảo Luật cần cân nhắc.

Vì, chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công bằng với các hình thức khen thưởng huy chương khác và các lực lượng khác đã đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương tự.

Ngoài ra, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách.

“Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào Dự án Luật trong lần sửa đổi này”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu.

Theo thanhtra.com.vn