Phải thật thà lắng nghe và luôn phấn đấu làm đúng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân

Đăng lúc: 09-11-2020 9:23 Sáng - Đã xem: 138 lượt xem In bài viết

Hôm nay ngày 05/11/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến đóng góp văn kiện Đại hội Đảng, tôi đã gửi văn bản góp ý cụ thể cho từng loại văn bản. Tại đây, tôi phát biểu những vấn đề có tính chất phản ảnh, nêu quan điểm và kiến nghị từng vấn đề đặt ra.

Ảnh: thanhnien.vn

1/ Covid 19 – một tác nhân ảnh hưởng chưa lường trước đối với những mục tiêu phát triển

Hiện giờ, thế giới có 47,7 triệu người nhiễm bệnh, với gần 1,4 triệu người tử vong; dẫn tới suy thoái trầm trọng nhất, kể từ suy thoái 1929 – 1933. Dự báo năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,4%; Việt Nam ta khoảng 2 – 3%. Theo kế hoạch năm 2021 ta có thể tăng lên 6% GDP hay không? Điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự phòng ngừa dịch bệnh, điều quan trọng ở đây là phải đề cao năng lực y tế dự phòng, đội ngũ đứng trên tuyến đầu và đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, với vai trò kết nối của Mặt trận, luôn phát huy phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nếu không quán triệt phòng ngừa từ vệ sinh cá nhân đến chỗ tiếp xúc có đông người, Covid mà quay lại thì các mục tiêu phát triển lại tan vỡ.

2/ Biến đổi khí hậu là hiện tượng tự nhiên, khách quan. Tuy nhiên, thường bị coi đó là cái cớ nhằm trốn tránh hành vi chủ quan của con người.

 Những sự cố nước biển dâng, xâm nhập mặn nhiều vùng Nam bộ; dịch tả lợn Châu Phi; lũ quét miền núi phía Bắc, bão lũ miền Trung…Đó là những lý do khách quan, dường như “chính đáng” vì có căn cứ khoa học. Nhưng cần nhận thức rằng, phần lớn tác nhân do con người gây ra thiệt hại là không chối cãi. Phá rừng mấy chục năm qua là sự thật, là tội ác. Ông Bộ trưởng Nông nghiệp có nêu con số: Ta có 14,6 triệu ha rừng, đạt mức che phủ là 42%, tôi thưa rằng: Rừng trồng – vốn tác dụng hạn chế; còn bao nhiêu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã bị hủy diệt thì làm sao giữ được nước, tránh được sạt lở. Lệnh “Đóng cửa rừng” không thành công, lại bị hàng loạt dự án thủy điện nhỏ (429 đập), lấy đi nhiều cây gỗ, thu hẹp rừng tự nhiên, lại còn những túi nước khổng lồ theo mưa, lũ gây thêm úng, ngập, tai họa “đại hồng thủy” làm sao tránh được, nhưng đã có quy kết trách nhiệm cho ai? Bao nhiêu con suối khô, dòng sông chết thì làm sao duy trì kế sinh nhai? Chúng ta còn thấy con bò, con cừu cũng khó sống vì không đủ nước, mạch nước ngầm cũng không còn vì bị khai thác tự do, thiếu kiểm soát.

 Nói tới văn kiện, thường hay nói tới chiến lược, chủ trương, chính sách. Nếu chúng ta sớm có một chiến lược cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí thì không ấu trĩ dựng lên cái bản đồ thủy điện hoành tráng “bành trướng” khắp núi rừng; nếu thức tỉnh sớm ta có được các dự án năng lượng như ông Ngoại trưởng Pompeo vừa ký với ta, chắc mọi thứ bây giờ sẽ khác rất nhiều.

 3/ Sự hủy hoại con người bằng ma túy, chất gây nghiện rất đáng báo động

 Bất kể con nhà giàu hay nhà nghèo đều có lý do trở thành con nghiện, họ luôn bị rình rập với một tội ác nào đó; em sinh viên Học viện Ngân hàng mới bị cướp sinh mạng rất thương tâm; giờ đây phải cảnh giác cho những ai ra đường, dù phố phường hay nông thôn đều có tâm lý lo sợ cướp giật; mới đây vợ bạn tôi cũng qua đời vì nó giật túi xách trên tay. Quốc hội hiện đang thảo luận sửa đổi bổ sung Luật phòng chống ma túy, nhưng biện pháp gì, chế tài gì khi kinh nghiệm phòng chống chưa có thu hoạch được hiệu quả.

 Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị có Chỉ thị 36 chỉ đạo phải đầu tư nguồn lực để giải quyết sao cho hiệu quả vấn đề quan trọng này. Tôi nghĩ, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay bắt buộc đưa vào trại cai nghiện, biện pháp nào thì gia đình đều phải có trách nhiệm với con cái mình sinh ra; phải giao công việc chuyên trách cho ngành Lao động, ngành Công an; trung tâm là vai trò quản lý của Chính quyền các cấp, cần có chế định và chính sách nguồn lực mạnh mẽ hơn thì mới mong được tiến bộ. Thực tế, xác định tình trạng nghiện không khó, nhưng khó thống nhất về quan điểm xử lý, nó là con bệnh hay là tội phạm? Cần phải làm rõ danh tính để có biệp pháp phù hợp, mạnh tay hơn. Không phải vô lý mà ông Tổng thống Philipines quyết liệt truy quét như vậy.

 4/ Tham nhũng, quan liêu là tệ hại nhất cần phải được khắc phục

 Tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến dân bất bình rồi xa rời chế độ – đó là sự nguy hiểm chết người. Trong Mặt trận, tôi thấy ông Tiến sĩ Trần Hậu phát biểu rất rõ và đầy đủ về bệnh quan liêu trong thực tiễn diễn ra; đồng thời quán triệt lời dạy của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh tham nhũng, lãng phí như con đĩa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là bit-tông đẩy của cải của Nhân dân ra sông ra biển. Trên thế giới, mỗi năm chạy vào tay kẻ tham nhũng từ 1500 – 2000 tỷ USD. Tham nhũng sinh ra có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, nước ta không ngoài lý do đó, vả lại còn nặng nề hơn. Chúng ta quyết lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sĩ, kỷ luật sắt cho người cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho Nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay.

 5/ Bảo vệ và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bởi con người là chủ thể của mọi sự phát triển

 Văn kiện phải nêu bật việc bảo vệ danh dự và phẩm giá mỗi con người; phải xây dựng con người biết yêu, biết ghét; hồn cốt người Việt là ghét cái ác, yêu cái thiện, tránh cái xấu và nâng niu cái đẹp. Trên cơ sở đó, cần phát huy sức sáng tạo của từng cá nhân; phát huy tính tự quản của cộng đồng, có thế mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Gìn giữ cuộc sống yên lành, bền vững của Nhân dân và bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng mỗi công dân đều phải quán triệt.

Bác Hồ dạy: Bao nhiêu quyền lực đều thuộc về Nhân dân, sự nghiệp cách mạng do Nhân dân làm nên. Chúng ta hiểu, bao giờ Nhân dân cũng là chủ thể của phát triển, vì vậy không thể mị dân, phải thật thà lắng nghe và luôn phấn đấu làm đúng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

 6/ Đội ngũ cán bộ phải luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện Cương lĩnh, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước

 Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân phải cố tránh. Cán bộ phải được huấn luyện, phải có trải nghiệm, xuất thân từ phong trào rồi trở lại phong trào quần chúng; “ba cùng” với dân, hiểu và lo toan nỗi trăn trở và mong chờ của Nhân dân. Cán bộ bây giờ thường học lên cao, làm trên cao, rồi mới đưa về cơ sở, trui rèn không đủ độ chín, không thấu được lòng dân nên sinh ra quá nhiều chuyện không hay. “Chưa làm ông Nghè đã đe hàng Tổng”, chưa tường tận chân giá trị đích thực của người cán bộ, làm vai công bộc nên không định vị được bản thân, anh ta mơ mơ màng màng nên không bồi đắp thêm mà chỉ làm mất dần đi tố chất người lãnh đạo. Cũng từ đó chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, trục lợi có đất sinh sôi nẩy nở. Cán bộ cấp trên, cấp Trung ương quản lý vừa rồi hư hỏng nhiều cũng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không được Nhân dân nuôi nấng, dạy dỗ. Bây giờ xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá, chớ có “làm vua, làm chúa” (!)

 7/ Đường lối chính trị rõ là to lớn vì ảnh hưởng tớí triệu triệu người dân

 Chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, song Việt Nam ta có vị thế ngày càng nâng cao trên trường thế giới. Đối ngoại và kinh tế phát triển càng củng cố vị thế của mình. Điều quan trọng bật nhất hiện nay là bảo vệ nền tảng chính trị của Đảng; thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước một cách chủ động sáng tạo; mở rộng dân chủ, cải thiện dân sinh, ai cũng có cuộc sống an bình, cơm no áo ấm, không ai bị bỏ lại phía sau – đó là ý nghĩa sâu sắc trong thực tế của sự định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm định hướng này đã phải trải qua biết bao phong ba bão táp xã hội, biết bao anh hùng dân tộc, đồng bào, đồng chí vì nghĩa lớn đã quên mình. Nếu ai đó cho rằng chúng ta đã thục hiện thành công một mô hình dân tộc chủ nghĩa thì chúng ta có quyền kiêu hãnh vì nền văn hóa mấy ngàn năm đã hun đúc nên tinh thần tự chủ, tự lực tự cường; và chúng ta đã hun đúc cả mối quan hệ quốc tế có lợi cho các bên, quốc gia nào cũng thấy hài lòng nếu được làm bạn với Việt Nam.

 Nền tảng chính trị – muốn được vững chắc, lâu dài, không có gì khác hơn là phải biết xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được Nhân dân tin cậy. Đồng thời, mở rộng tính chất liên minh chính trị của Mặt trận dân tộc thống nhất; các đoàn thể các hội quần chúng không bị hạn chế phương thức tập hợp và hoạt động; đa dạng hóa và phong phú hóa sinh hoạt cộng đồng. Hội đoàn thực sự là mái ấm, chia sẻ, bảo vệ quyền con người và tự do sáng tạo của mỗi cá nhân. Để sớm “sánh vai các cường quốc năm châu” không có động lực nào hơn là sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc được khơi dậy và phát huy cao độ.

 8/ Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội

 Về mục tiêu, tôi đề nghị chọn phương án có sửa chữa lại: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có một số ngành phát triển hiện đại, thu nhập trung bình thấp”. Nếu viết như dự thảo “theo hướng” thì chung chung quá, mơ hồ, không cụ thể. Chúng ta cần mạnh dạn nói rằng: Một số ngành đến năm 2025 sẽ đạt trình độ hiện đại như y tế, công nghệ thông tin, du lịch…Mục tiêu “đến năm 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; “đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” là có tính khả thi.

 Nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về thể chế là quan trọng nhất, là bước đi mở đường. Tôi thấy cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai, như: (1) Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, tăng thêm quyền sử sụng đất cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong nước để phát huy nội lực mạnh mẽ hơn; (2) Tuân thủ quy luật thị trường về đất đai, như quan hệ cung cầu thể hiện bằng chính sách giá cả…(3) Mở rộng chính sách cho người nước ngoài đầu tư bất động sản, giảm bớt điều kiện ràng buộc về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Về đột phá nguồn nhân lực, tôi mong muốn cần có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trẻ, tín dụng cho sinh viên học tập; khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ du học; hỗ trợ gia đình trẻ lập nghiệp; phát triển nhanh Hệ Tri thức Việt số hóa – thỏa mãn nhu cầu khai thác nguồn dữ liệu lớn của quốc gia, phục vụ cho phát triển, nhất là đón đầu sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu đang và sẽ diễn ra, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng.

 9/ Dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được mở rộng và phát huy hơn nữa.

 Nước ta là nước dân chủ. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Hiến pháp. Việc ra đời Quyết định số 217 & 218 của Bộ Chính trị (năm 2013) về giám sát và phản biện xã hội là một bước tiến về dân chủ. Tôi đề nghị cần thể chế hóa mạnh mẽ hơn, thực chất hơn vai trò quan trọng đó của Mặt trận, đoàn thể và của công dân; đặc biệt là giám sát cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.

 Phản biện xã hội sẽ thành công hơn nếu được trực tiếp đối thoại với người đứng đầu tổ chức, đơn vị. Tình trạng chậm tiếp thu, chậm trả lời kiến nghị sau phản biện xã hội, hoặc trả lời không đúng trọng tâm chính là do không hiểu ý kiến Nhân dân hoặc né tránh sáng kiến, kiến nghị của Nhân dân. Khát vọng về một đất nước hùng cường thịnh vượng trong tương lai gần là có tính khả thi, và chính việc mở rộng và phát huy dân chủ sẽ cho chúng ta thấy từng bước đi đổi mới có hiệu quả, bởi sự nghiệp đó là sự nghiệp của quần chúng nhân dân./.

 Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn CT Trung ương

MTTQ VN, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam